Home Đời Sống Gia Đình Mẹ Là Dòng suối Tắm Mát

Mẹ Là Dòng suối Tắm Mát PDF Print E-mail
Tác Giả: Tuyết Mai   
Thứ Bảy, 09 Tháng 5 Năm 2009 08:03

Từ sau những cuộc thử nghiệm y khoa và bác sĩ xác nhận Thu bị ung thư máu, nàng cảm thấy mình vừa bị án tử hình. Thật khó có thể tưởng tuợng được một thiếu nữ trẻ, đẹp, giàu có, mới hai mươi lăm tuổi đầu với một mái gia đình hạnh phúc.. sắp phải lìa bỏ tất cả lại cõi đời này trong vòng hai năm nữa thôi.

 Làm sao Thu có thể thích ứng với hoàn cảnh mới này được? Nàng bắt đầu đọc sách tìm hiểu đời sống bên kia cõi chết, sau khi rời bỏ thân xác này thì hồn phách sẽ đi đâu, thế giới bên kia có giống như cõi trần gian này không, có thiên đàng, có địa ngục hay chết là hết? Tới giờ phút sắp lìa đời này Thu mới nghỉ tới chuyện tu thân, học Phật để ngày ra đi linh hồn được thanh thản về cõi an lành bên kia thé giới. Qua những bài giảng ở chùa và những câu kinh, Thu bắt đầu thấm đạo. Nàng ân hận đến rơi nước mắt sao mình không đến với đạo sớm hơn để trước đây có đời sống thanh thản cho mình và đem hạnh phúc an vui đến cho nhiều người chung quanh. Bây giờ ân hận thì đã muộn rồi.

 Dạo trước nàng cũng có nghe nói đến luật “Nhân - Quả”, gieo nhân nào gặt quả nấy, nhưng làm sao nàng có thể tưởng tượng được một cô gái trẻ đẹp, đài cát, con một chủ tiệm vàng nổi tiếng nhất Châu thành tỉnh Bình Dương mà phải lãnh lấy một nghiệp báo khắc nghiệt như nàng đang thọ lãnh bây giờ?

 Thu xuất thân là con nhà nghèo, cha của nàng là một Địa Phương Quân đóng ở tiền đồn xa xôi thuộc tỉnh Phước Long. Sau đợt tấn công Mùa Hè cha nàng bị tử thương, lúc đó mẹ nàng có mang ba tháng. Nàng sinh ra đời là đứa con không cha. Sau đó mẹ con về sống ở quê ngoại, Bưng Cầu, Bình Dương. Đời sống rất cơ cực, chiều chiều mẹ nàng chiên bánh cam bán trong xóm, kiếm sống qua ngày.

 Năm nàng được hai tuổi, mới chập chững bước đi, trong lúc mẹ đang chiên bánh thì nàng một mình lần mò ra bờ ao. Vừa chợt thấy con sắp rơi xuống nước, phản ứng tự nhiên mẹ nàng chạy vụt theo con, vấp bó cũi té xấp vô chảo dầu sôi, phực cháy cả người. Ở vùng quê không có phương tiện di chuyển cấp cứu nhanh, nên khi mẹ nàng đến bệnh viện thì một cánh tay phải đã dính vào thân thể, mặt mũi phỏng nặng, biến dạng trông rất ghê sợ.

 Tai nạn này đã làm cho đời sống của mẹ con nàng bi đát hơn, vì không thể buôn bán như trước nữa. Cùng lúc đó hai vợ chồng một chủ tiệm vàng lớn ở Châu Thành Bình Dương không con, nhờ người ở vùng quê tìm xin một đứa con nuôi. Bà hàng xóm cứ khuyên mẹ nàng cho con đi để sau này nó có tương lai tươi sáng hơn.

 Trước đề nghị của bà hàng xóm mẹ nàng suy nghĩ nhiều. Nếu cho con, nó sẽ được đem ra phố chợ, được nuôi ăn học nên người, còn không cho thì chẳng những nó chịu cảnh nghèo khổ hiện tại mà tương lai cũng rất đen tối .

Thương con thì phải hy sinh, phải nghỉ xa đến tương lai của con. Thế là sau một thời gian đắn đo suy nghĩ mẹ nàng bằng lòng cho con, nhưng với điều kiện là bà được theo làm “vú em” vài năm để quen dần với cảm giác sẽ xa con. Và ngược lại bà không được nói cho đứa bé biết bà là mẹ ruột của nó, nếu bà không giữ lời hứa này thì bà bị cho nghỉ việc ngay.

Mẹ của Thu tin là với thời gian vài ba năm nữa, khi bé Thu lớn hơn Bà sẽ có đủ can đảm rời xa con. Nhưng Bà đã nhầm, tình mẹ thương con là tình thiên thu bất tận, dù con bao nhiêu tuổi già thì trước mắt mẹ, con vẫn là đứa con bé nhỏ và mẹ sẽ thương con cho đến giây phút cuối cùng của đời mẹ.

 Thế là sau đó mẹ con Thu dọn ra Châu Thành tỉnh Bình Dương, sống trong một căn phố lầu ba từng, từng dưới là tiệm vàng, hai từng trên thì để ở. Bà mẹ nuôi suốt ngày tiếp khách, buôn bán, ông chồng làm thợ bạc. Trong nhà có một người giúp việc để nấu cơm , dọn dẹp nhà cửa . Mẹ nàng là vú em chỉ lo cho đứa bé gái thôi.

Lúc nhỏ Thu không biết phân biệt đẹp, xấu, không có ý niệm gì về mẹ ruột mẹ nuôi, thấy bà vú thương yêu, ôm ấp hun hít suốt ngày thì Thu cũng mến thương bà vú nhiều lắm. Bà dạy cho Thu hát nhiều câu ca dao về tình mẹ thương con và hằng ngày ru em vào giấc ngủ với những bài hát về tình mẹ thật nồng nàn. Một năm sau, có lần Bà Vú hỏi Thu có biết mẹ là ai không? Thu trả lời là Má nuôi. Bà Vú nói không phải, mẹ ruột của con là Vú nè. Cô bé khóc, đòi mét mẹ nó, thế là từ đó Bà Vú không dám nói cho con biết mình là mẹ của nó nữa.

 Khi Thu được bốn tuổi, biết xấu biết đẹp, Thu xa Bà Vú dần. Lúc đó một Hội Từ Thiện bên Hoa Kỳ có thể bảo lãnh Bà Vú sang chữa bệnh tại một bệnh viện phỏng ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ. Bác sĩ ở đây có thể tách cánh tay ra khỏi thân thể và lấy da non ở đùi ghép lên mặt . Bà Vú tưởng qua Mỹ chữa bệnh một thời gian ngắn chừng một năm thì sẽ trở về, nên bà bằng lòng đi. Nhưng qua Mỹ thử nghiệm đủ thứ rất cẫn thận nên mất rất nhiều thời gian. Ở Mỹ bà vú được hội từ thiện cho ở trong nhà một gia đình Phật tử, họ sẳn lòng giúp đỡ cho ăn ở, còn tiền tiêu vặt thì hội cho chút ít bỏ túi. Việc đưa đi nhà thương hằng tuần thì có một một ông hàng xóm lo. Ông này độc thân, ở xa khu dân cư người Việt Nam nên cũng buồn, ông dành nhiều thì giờ rảnh rỗi vô việc công quả ở chùa và những công tác từ thiện.

 Lúc đầu bà vú rất nhớ con, nhưng dần dần cũng quen với đời sống ở Mỹ. Ngoài giúp đưa bà vú đi nhà thương, Ông hàng xóm cũng giúp đưa bà đi đến trường học tiếng Mỹ và cuối tuần đưa bà đi chùa hay đi mua sắm, dạo chơi ở các tiệm thực phẩm Việt Nam . Tới những tiệm này, được gặp người Việt, nghe nói tiếng Việt, ăn uống thức ăn Việt là một nguồn vui lớn đối với bà trong những ngày cô đơn ở Mỹ.

 Thời gian chữa trị khá dài, Bác sĩ ghép da rất cẫn thận, chờ chỗ này lành rồi mới tiếp tục ghép chỗ khác, thời gian kéo dài hơn ba năm mà chỉ ghép được một phần nhỏ trên mặt. Ông bạn hàng xóm đưa đón bà vú một thời gian cũng bắt đầu có nhiều cảm tình, có ý muốn cưới bà vú làm vợ.

 Bà vú suy nghỉ rất nhiều, thật là khó quyết định, nếu lấy chồng ở lại Mỹ thì có đời sống vật chất sung sướng hơn ở Việt Nam, nhưng phải xa con. Còn về với con thì phải chấp nhận đời sống khổ cực, nghèo hèn của kẻ tôi tớ. Trong lúc đời còn son trẻ bà vú cũng muốn bước thêm một bước nữa , làm lại cuộc đời. Đang lúc phân vân suy nghỉ thì tin từ Việt Nam cho biết Bé Thu hay bị bệnh và nay rất ốm, thử nghiệm thấy máu không bình thường. Sốt ruột con đau bệnh nên bà vú xin về VN thăm để ở gần săn sóc con một thời gian rồi trở qua Mỹ tiếp tục chữa bệnh sau. Nhưng khi về nhà thấy con bệnh hoạn thì bà không đành lòng rời bỏ con ốm đau ở nhà. Bà nán níu ở lại thêm một thời gian, chẳng may ngay sau đó hội từ thiện bên Mỹ tan rã, bà không còn cơ hội để trở lại chữa bịnh như trước.

 Mặc dầu vậy ông hàng xóm vẫn liên lạc thư từ điện thoại với bà. Ông cứ thúc dục bà trở qua Mỹ bằng cách làm hôn thú với ông. Lúc đó bé Thu được bảy tuổi, bà vú có một lựa chọn, hoặc ở lại với con , hoặc bỏ con đi Mỹ lấy chồng. Bà suy nghĩ mãi và cuối cùng bà quyết định hy sinh, ở lại chăm sóc đứa con bệnh hoạn, còn nhỏ dại .

 Thời gian dần trôi, sáu năm sau, tới tuổi dậy thì Thu thay đổi tính tình, trở nên kiêu kỳ, phân chia giai cấp, coi Bà Vú là người làm, còn nàng là chủ, ăn nói rất hỗn hào trịch thượng. Nhiều lúc Bà Vú tũi thân ứa nước mắt nhưng Thu không coi sự khổ đau của người nghèo ra gì cả. Thu muốn đổi cách xưng hô, gọi Bà Vú là Dì Hai và Dì Hai gọi nàng là Cô Thu cho ra chủ, tớ.

 Bà Vú mỗi sáng đi mua thức ăn, khi thì quên bỏ tiêu, khi thì quên bỏ hành, chỉ có ba cái nhỏ nhặt đó mà Thu nặng lời. Lớn tuổi rồi mà cứ lóc thóc chạy lên chạy xuống ba từng lầu cả ngày cho Thu sai vặt, còn bị rầy la , Dì Hai cũng quá mệt mõi và buồn tũi, nhiều lần Dì muốn đi Mỹ lấy chồng, nhưng tình mẹ thương con cứ lôi kéo Dì ở lại gần con.

 Mỗi lần sinh nhật hay khi Thu lên lớp thì cha mẹ nàng đãi tiệc, khách khứa một nhà, Dì Hai mệt ngất ngư, nhưng chỉ được phép đứng nép trong màn cữa nhìn ra. Cả nhà không cho Dì ra phòng ngoài vì không muốn khách khứa thấy cái mặt xấu xí của Dì.

 Hôm Thu đậu Tú Tài hai, nhà đãi tiệc lớn lắm. Dì Hai đứng bên trong màn cửa lén nhìn con cắt bánh thật to trước những lời chúc tụng của bạn bè, bà con, lòng Dì tràn ngập niềm vui. Đời sống của Dì Hai hai mươi năm qua chịu đựng nhiều hy sinh và tũi nhục cũng chỉ để đổi lấy giờ phút huy hoàng này của con thôi. Nếu Thu còn là con của Dì trong vùng quê thì giờ này nàng dốt nát, không bán bánh cam, bánh kẹp thì cũng cắt cỏ thuê cho những người nuôi ngựa, nuôi trâu hay cày thuê, cấy mướn duới nắng lửa, mưa dầm, trên đồng cạn, dưới đồng sâu.

Bao nhiêu năm trong đau thương buồn tũi, Dì Hai vẫn kiên nhẫn với lòng tin rằng rồi một ngày nào đó con Dì sẽ thấu hiểu sự hy sinh vô bờ của mình mà thương bà như những đứa con khác thuơng yêu mẹ cha của họ.

 Sau khi học xong Tú Tài, Thu chưa biết mình sẽ học gì thì có người làm may mối, hai vợ chồng thương gia giàu có ở Saigon đến coi mắt Thu cho con trai họ. Hai bên rất hài lòng với trai tài gái sắc và môn đăng hộ đối, nên nhà trai muốn làm lễ hỏi ngay rồi sáu tháng sau làm lễ cưới. Cô dâu sẽ về nhà chồng ở Saigon rồi tiếp tục đi học ở Saigon.

 Thế là vài tháng sau hai bên tổ chức đám cưới cho con. Có thể nói đám cưới Thu là đám cưới lớn nhất Châu Thành Bình Dương. Xe hơi rước dâu từ Saigon về rất nhiều, người nào cũng ăn mặc sang trọng, cha mẹ nàng hãnh diện với lối xóm làng giềng biết bao nhiêu. Pháo nổ rền trời. Cảm động nhất là lúc cô dâu chú rể đứng trước bàn thờ ông bà khói hương nghi ngút , bà mẹ chồng trang trọng nói vài lời với nhà gái rồi mở họp nữ trang, đeo vào tai cô dâu đôi bông hột xoàn thật to, rồi đeo lên cổ cô dâu một chuỗi kim cương thật rực rỡ và chú rể đeo vô ngón tay cô dâu chiếc nhẫn kim cương chiếu sáng rực ...

 Mấy người bà con đứng sau màn chỉ chỏ, trầm trồ nhỏ to, khen cô dâu có phước quá. Rồi cô dâu chú rể quỳ lạy tạ ơn cha mẹ hai bên trong một khung cảnh vô cùng trang nghiêm. Dì Hai đứng sau màn nhìn con, Dì sung sướng, nước mắt trào tuôn thành dòng. Dì cũng muốn ôm hôn con như bao nhiêu bà mẹ khác trong ngày trọng đại nhất đời con, nhưng hoàn cảnh oan nghiệt trớ trêu thay, Dì chỉ được nép bên màn cửa nhìn ra…. Dì khóc trong lúc mọi người cười vui, chia sẻ hạnh phúc với cô dâu, chú rễ.

Sau lễ rước dâu về Saigon, Dì Hai cũng sửa soạn khăn gói trở về quê, trở lại căn nhà cũ ở Bưng Cầu, nơi mà gần mươi năm trước đây mẹ con bà đã cháu rau đạm bạc vui sống bên nhau. Bây giờ cái giàu, cái nghèo trong xã hội đã chia cách hai mẹ con Dì.

 Đằng nào Dì Hai cũng phải xa con, trong khi Thu sắp xếp quần áo để dọn về Saigon sống với bên chồng thì Dì Hai đã mạnh dạn nói cho Thu biết Bà là mẹ ruột của nàng. Dì Hai đưa cho Thu xem giấy khai sinh cùng vài hình ảnh lúc nàng chưa đầy hai tuổi, trong vòng tay thương yêu của mẹ ở quê ngoại.

Trước những bằng chứng như vậy Thu tin Dì Hai là mẹ ruột của mình, đã vì nghèo, vì tương lai nàng mà cho con. Thu tin Dì Hai đã hy sinh ở lại Việt Nam săn sóc nàng lúc nhỏ ốm yếu, bệnh hoạn, nhưng nàng không lộ vẽ xúc động mà chỉ lạnh lùng khuyên Dì Hai về ở quê ngoại đi, lâu lâu Thu sẽ gởi tiền cho. Nếu cần gì thì Dì Hai viết thư cho biết chứ đừng tìm đến nhà . Nếu chồng nàng biết Dì Hai là mẹ ruột cũng như bên chồng biết mẹ của Thu là người ở đợ thì Thu sẽ mất mặt và ảnh hưởng đến hạnh phúc của Thu sau này.

 Dì Hai trở về quê ngoại. Trước đây Dì đã có bệnh gan, nhưng nó tiềm ẩn, càng lớn tuổi, sức khỏe suy kém, buồn rầu nhiều thì bệnh bộc phát nhanh. Chỉ hơn ba năm sau Dì gầy ốm khác thường, bác sĩ cho biết tới thời kỳ chót rồi, không thể chữa trị được nữa, chỉ còn ăn uống bổ dưỡng, giữ tinh thần an vui để kéo dài sự sống được thêm chút nào hay chút ấy thôi.

 Kiếp người ai sinh ra rồi cũng một lần chết, Dì Hai không nuối tiếc gì cuộc sống bất hạnh, đầy đau thương này, Dì chỉ có một mơ ước là muốn gặp lại con một lần trước khi vĩnh viễn ra đi. Mỗi lần nhớ lời con dặn dò, Dì Hai cần tiền hay cần gì thì viết thư cho biết chứ dừng tìm đến nhà… Dì Hai vì tự ái , muốn dừng lại, nhưng tình mẹ thuơng con thật vô bờ vô bến, cứ thôi thúc Dì muốn tìm đến thăm con một lần cuối. Cuối cùng Dì Hai đã tìm đến nhà Thu, một căn nhà thật sang trọng ở Saigon.

 Ngần ngừ một lúc Dì Hai bấm chuông, đứa bé con của Thu chạy ra xem ai, nó hốt hoảng chạy vào kêu mẹ ”Mẹ ơi! mặt quỷ! mặt quỷ!” Thu bước ra thì thấy Dì Hai , nàng cau có, hỏi;

- Dì đến đây để làm gì?

Dì Hai nhỏ nhẹ trả lời :

- Dì bịnh nặng lắm, bác sĩ nói hết cách chữa trị, Dì sẽ theo ông bà bất cứ lúc nào. Dì Hai muốn tới thăm Thu một lần cuối, một lần cuối …con không còn dịp gặp lại má nữa đâu…!!! Nói tới đây Dì nghẹn ngào, không nói được nữa, nước mắt cứ lặng lẽ trào tuôn thành dòng trên đôi gò má nhăn nheo đầy vết xẹo.

Lúc đó chồng Thu trong nhà đi ra. Thu bối rối vội nói với chồng:

- Bà ăn xin.

Thu thúc hối Dì Hai:

- Bây giờ không có tiền lẻ, bà đi đi, một chút rồi trở lại.

Dì Hai đưa hai bàn tay ra như người ăn xin. Nhưng Dì không xin tiền mà xin tình thuơng của một đứa con đối với một bà mẹ bất hạnh trước khi vĩnh viễn ra đi. Dì tự hỏi, sao đời mình phải chịu đựng nhiều cảnh nghiệt ngã, oan khiên như thế này? Dì lẩn thẩn bước đi, đầu óc quay cuồn với ý nghỉ… con có biết ngày nay con có được nhà cao cửa rộng, được giàu sang hạnh phúc như vầy là nhờ ở sự hy sinh vô bờ của má không? Má đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của má chỉ vì con. Con có con, rồi con sẽ hiểu thế nào tình mẹ thương con…

 Dì lảo đảo bước đi như người không hồn, lang thang giữa đường. Chiếc xe honda phóng tới, tránh không kịp đã hất Dì té xấp xuống đất, máu chan hòa…cho đời thêm đớn đau. Cơn bệnh dằn vật Dì một thời gian ở quê nhà rồi Dì ra đi như lời bác sĩ đã cho biết trước.

 Khi mồ Dì Hai chưa xanh cỏ thì Thu được bác sĩ cho biết nàng đang bị ung thư máu. Đạo Phật không phải là đạo của người chết, mà phần đông người đời cho mãi đến khi gần chết mới tìm đến đạo. Giờ này những trang kinh Phật đã giúp Thu tĩnh ngộ để hiểu rằng… vạn vật ở trên đời này là hư ão, là vô thường, đổi thay, “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, có đó rồi không đó, như hư vân, như mây trời, tụ đó rồi tan đó, mà sao mình cứ lặn hụp chìm đắm mãi trong khổ đau, trong sân hận, si mê của cõi trần ai?.

 Sau khi lo xong ba giấy tờ di chúc, việc kế tiếp Thu phải làm là đi về Bưng Cầu tìm mẹ ruột của nàng. Thu đã quá ân hận về thái độ của mình đối với một bà mẹ bất hạnh, đã nghèo khổ lại thêm tàn tật, còn bị con đối xử quá tồi tệ . Giờ này nàng mới hiểu đựợc tấm lòng của mẹ đã hy sinh .

 Từ Quốc Lộ 13 vô nhà Dì Hai phải đi bộ khá xa, phải vất vả lắm Thu mới tìm đuợc nhà của mẹ nàng. Tới nơi thì một bà già ở trong căn nhà đó cho biết mẹ nàng đã mất một năm nay. Bà nói, mẹ nàng có gởi lại cái thư nhờ chuyển lại cho con, nhưng bà đâu có dịp nào đi Thành Phố Saigon mà đưa thư lại . Sẳn đây để tôi đi tìm đưa cho cô.

 Ngồi bên mộ mẹ Thu đọc thư, trong thư mẹ Thu kể tình mẹ thương con như trời cao biển rộng, sẳn sàng hy sinh tất cả, chỉ mong sao con mình được an vui, hạnh phúc. Mẹ nàng nhắc lại trạng huống quá đau thương khi bị con đuổi đi, nhưng cho dù con đối xử tệ với mẹ thế nào đi nữa mẹ cũng vẫn thương con, mẹ lúc nào cũng tha thứ cho con. Trước mắt mẹ con luôn khờ dại. Mẹ thương con… cho đến giây phút cuối cùng của đời mẹ... Đọc đến đây những giọt nước mắt của Thu tiếp tục trào tuôn làm uớt cả cái thư, nàng không còn đọc được nữa… chỉ hiện lên trong trí mấy câu thơ…

 “Mẹ là dòng suối tắm mát

Mẹ là dòng sông êm đềm

Mẹ là vòng tay ấm áp che chở cuộc đời con

 Con có mẹ con còn tất cả

Mẹ đi rồi tất cả cùng đi

Trong huyệt lạnh mẹ có nghe con khóc

Khóc bây giờ và mãi mãi ngàn sau…”