PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan   
Thứ Bảy, 09 Tháng 5 Năm 2009 22:35

Hôm nay là ngày Mother's Day-Ngày Lễ Mẹ.

Cách đây mấy ngày, khi vừa đi làm về tới nhà, thằng Bi chạy ra tíu tít: “Mẹ ơi, Sunday này là Mother's Day. Cô con dạy làm cái heart có ghi letters trong đó, Friday con sẽ mang về tặng mẹ...”

Ðến tối, lại thấy nó xin tờ giấy, xong chạy qua ba nó hỏi nhỏ: “Ba ơi, how to spell 'Con thương mẹ?'” Lát sau, nó lại chạy đến kêu: “Mẹ, close eyes của mẹ và đưa hand của mẹ ra.” Nó đặt vào tay tôi tờ giấy vẽ hình trái tim, trong có dòng chữ nguệch ngoạc “Con thương mẹ”!

Tôi nhớ cách đây nhiều năm, tôi dự một cuộc thi thuyết trình, và đề tài tôi bốc thăm được là nói về cha của mình. Trong khoảng thời gian năm phút, tôi chỉ có thể chắt lọc để nói một mảnh rất nhỏ trong toàn bộ cuộc đời ba tôi. Giám khảo, khán giả lặng đi. Tôi giành giải nhất cuộc thi. Ðó là lần đầu tiên trong đời (cho đến tận bây giờ) tôi kể về ba tôi. Thế vẫn còn hơn là những điều tôi nói về má. Có lẽ trong bảy anh chị em trong nhà, tôi là đứa duy nhất chưa bao giờ nói một cách trực tiếp với ba má tôi rằng: “Con thương ba má.” Cũng chẳng biết sao nữa. Những điều tôi viết ra bằng chữ thường “nói” nhiều hơn những điều tôi nói ra bằng lời. Nhưng hình như chưa bao giờ tôi viết hay kể về ba má tôi (ngoại trừ bài thi năm đó).

Có đứa bé bảy, tám tuổi vừa đi lượm củi vừa ghé mắt vào nhà thờ xem mấy sơ dạy chữ. Ông cha nhìn thấy tội nghiệp xin cho vào học ké. Ðứa bé vừa biết ráp vần thì các sơ không muốn cho học nữa vì nó không có tiền đóng.

Có đứa bé gái mới chín tuổi đầu phải đi ở mướn cho gia đình họ hàng để lấy tiền mua thuốc cho mệ (mẹ). Thỉnh thoảng những khi nó được chủ hứa cho về thăm nhà một đêm, nó sẽ phải làm việc nhiều hơn lúc ban ngày, và nhân lúc đi chợ tìm mua một ít thuốc Cẩm Lệ cho ngoại, một ít bánh gì đó cho mệ bằng những đồng tiền còi cõm nó chắt chiu. Công việc hoàn tất khi đêm đã xuống, nó lội bộ thật nhanh về nhà lúc giữa khuya. Kêu cửa, đưa quà cho ngoại, cho mệ, nói chuyện dăm câu và đi ngủ. Hừng sáng, mệ kêu dậy đi làm. Nó vừa đi vừa khóc: Giá như đêm nay nó hãy về thăm mệ để lại có thể ngủ với mệ được thêm một đêm.

Rồi mệ mất, cô bé mới mười mấy tuổi đầu trốn nhà chủ, bỏ xứ ra đi...

Lấy chồng sớm, làm mẹ năm 16 tuổi trong hoàn cảnh cùng cực của cái nghèo. Cái thèm chua của người mang bầu mới là cay nghiệt, không tiền, chỉ biết hái lá cóc nhai cho đỡ cơn thèm. Rồi sanh con, nuôi con trong sự thiếu thốn mọi bề. Ðêm đêm, má xắn cao hai ống quần để muỗi có chỗ mà bám vào với suy nghĩ giản dị là chúng cắn mình thì sẽ không cắn con mình.

Chưa đầy 20 tuổi, một nách ba con, chồng đi lính. Những đêm mưa gió, con đứa đau, đứa ốm, cảnh nhà đơn chiếc, không ruột rà thân thích để có thể nhờ cậy đỡ đần, má tay bồng đứa này, tay dắt đứa kia lặn lội lên nhà thương thí, chạy tìm bác sĩ, ăn cơm ‘từ thiện’... Rồi chị Hai mất vì bệnh tim khi tròn sáu tuổi, ba má lén ôm xác chị Hai trốn về...

Ðó là những điều tôi góp nhặt qua nhiều lần nghe má kể về đời mình. Chưa bao giờ tôi nghe trọn câu chuyện từ đầu đến cuối, bởi tôi không chịu nổi.

Cả bảy anh em tôi đều được đến trường trong những năm khốn khó nhất sau 75, tuy các anh chị tôi cũng phải một buổi đến trường, một buổi lao vào đời cùng ba má cho nhu cầu mưu sinh. Ba má tôi - những người mà ba từ “tuổi học trò” không hề có trong kí ức - đơn giản nghĩ “ba má đã thất học, không tiền không tiếng, chỉ cho con được cái chữ đề phòng thân.” (Ðó cũng là lý do vì sao trong suốt những năm tôi đi dạy, tôi vẫn thường động viên những đứa học trò nghèo hãy cố học, vì chỉ có học mới mong thoát ra khỏi cái nghèo.)

Cái nhọc nhằn của những năm tháng gánh nước mướn, gánh nước đá cây khi mới vừa sinh xong, của những lo toan bươn chải cùng ba để nuôi anh em tôi nên vóc nên hình sau nhiều năm kềm nén giờ đây đã hiện hình rất nhiều qua những cơn đau bất chợt của má.

Thực sự, trong tuổi thơ mình đã có những lúc tôi non nớt cảm thấy không bằng chúng bạn khi nghe chúng khoe chúng kể về cha mẹ chúng. Tôi đã từng tự hỏi rằng: tại sao tôi không có ba má là ông này bà nọ như chúng? Tại sao ba má tôi không có những cái nhà to, hay có những câu chuyện thời đi học mộng mơ để mà kể cho tôi nghe, để rồi tôi lại mang đi khoe với bạn bè? Tôi ước ao phải chi tôi có ba có má là như thế này thế này...

Ðó là suy nghĩ của một đứa bé hơn mười tuổi. Nghĩ lại, tôi cảm thấy sự ngớ ngẩn của mình. Tôi không có ba má có bằng cấp học vấn như người này người nọ, tôi không có ba má là thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư, nhưng tôi có má hỗ trợ ba tạo nên một bầy con thành người, thành nhân, là bác sĩ, là cô giáo, là kỹ sư. Ðó là điều không phải ai cũng có thể làm. Nhưng hơn hết, cái mà má đã cho tôi là một tình yêu thương không thể diễn tả. Và phải chăng đó chính là lý do tại sao trước giờ tôi chưa bao giờ có thể kể về má, bởi biết kể thế nào cho đủ câu chuyện về má tôi, về những người Mẹ.

Hôm nay là ngày Lễ Mẹ. Tôi tự biết mình cũng sẽ không thể như thằng Bi chạy đến ôm má mà nói: “Con thương má lắm!” Tôi vẫn là đứa ít nói và kín đáo nhất trong nhà. Nhưng có lẽ má hiểu: Má trong tôi lớn như thế nào!