Home Đời Sống Gia Đình Chú Hiếu và Tôi

Chú Hiếu và Tôi PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy Vi   
Thứ Hai, 08 Tháng 6 Năm 2009 21:18

[ Tặng các em tôi, những người không còn có CHA trong cõi đời này ]

Họa sĩ Hiếu Đệ không có dáng vóc phong trần, lãng mạng, lạnh lùng, bất cần đời như chúng ta thường gặp ở những người nghệ sĩ. Ông là hình ảnh của một ông công chức trung niên tươm tất hay một thầy giáo người miền Nam miệng hay cười, đôi khi xuề xoà mà ai gặp cũng đều có cảm tình.

Lúc còn bé, tôi thỉnh thoảng gặp chú tại nhà, khi chú lui tới thăm viếng hàn huyên với thân phụ. Sau này, lớn lên, ra trường rồi lập gia đình, đổi đi xa nên không gặp lại chú cho đến khi cô bé tí năm nào, giờ là một thiếu phụ mỏng manh cùng chồng con đến định cư và sống chung cùng một thành phố với chú. Sau này, may mắn lại có dịp được cộng tác với chú rất nhiều năm trong những sinh hoạt Cộng Đồng của tiểu bang Michigan.

Thời gian này, hình như chú chỉ chuyên vẽ biếm họa và viết bút ký. Chú viết rất nhiều, kể lại đủ thứ chuyện trong đời với giọng văn tuy cà kê dê ngổng, đôi khi châm biếm thật nhẹ nhàng nhưng người đọc sẽ nhận thấy ẩn chứa trong đó những uất ức của người lính già thua trận, những trăn trở của nỗi thất vọng lực bất tòng tâm.

Hầu như trong giới văn nghệ sĩ ngày trước ai cũng biết một trong những người lẫy lừng về biếm họa là họa sĩ Choé, ngoài ra, có chú Hiếu Đệ nỗi tiếng với bức “ Mấy thằng VC đeo một nhánh đu đủ”. Nghe chú kể lại, tụi csHÀNỘI cay cú lắm với bức biếm họa này, vì vậy, trong tù, chú bị tụi quản giáo hành hạ tận tình. Mãn hạn tù ra ngoài, tại Saìgòn có thời gian chú phải đi đạp xích lô gần như kiệt lực để nuôi vợ và đám con chiu chít.

Trong hàng ngàn bức biếm họa mà chú thường vẽ về những tệ nạn của bọn cs HÀNỘI, thì bức nào cũng thâm thúy và cay độc. Có lần tôi tò mò hỏi chú, làm sao mà chú có nhiều ý tưởng để vẽ một cách tài tình như vậy, thì chú mĩm cười nói nếu Trời cho chú sống thêm mươi năm nữa thì chú vẫn có đủ đề tài để vẽ cho người ta thấy cái ác và cái xấu của tụi CS.

Trên những bức biếm họa, chú Hiếu là người ăn miếng trả miếng với tụi VC, nhưng với bạn bè thì chú ít khi nào làm mất lòng ai, chú giao tình với mọi người bằng bụng dạ thiệt thà xởi lởi và cũng không bao giờ lên mặt kẻ cả đối với đám hậu bối con cháu như chúng tôi. Gặp chú là thấy nụ cười thật tươi, thật hào sảng trên khuôn mặt hiền hoà phúc hậu, chú cũng thường khuyên chúng tôi “Đời chưa đủ buồn sao mà tụi bây cứ làm mặt nghiêm nhăn nhăn nhó nhó hoài vậy, nếu tao có chết, tụi bây đứng kế quan tài cũng phải cười cho…tao vui !”

 Chú Hiếu là người ăn nói bộc trực, không khách sáo câu nệ rào đón. Có lần sau bửa cơm tại nhà tôi, tôi khoe chú mấy bức sơn dầu mà tôi mới tập tểnh vẽ. Trong khi chú ngắm nghiá những bức tranh thì tôi hồi hộp gần như nín thở đợi chờ. Chú xem xong, để trên bàn không khen không chê, tôi tò mò nhìn vào mắt chú một hồi lâu mà cũng không thấy chú nói gì, tôi ngập ngừng hỏi khéo

“ Chú! Mình vẽ… bí quyết… sao đẹp chú?” Chú bật cười một hồi rồi mới trả lời
“ Bí quyết gì! Vẽ là đập vô…mặt họ?!” Tôi ngơ ngác không hiểu ý chú muốn nói gì, cứ suy nghĩ hoài nhưng không dám hỏi chú thêm.

Mấy tháng sau, gần đến ngày 30-4 năm 2009, trong một giấc ngủ, chú Hiếu lặng lẽ ra đi. Nhận được tin, tôi bàng hoàng ngồi im sửng thật lâu và không tin đây là sự thật.

Suốt ngày hôm đó tôi sống lặng lờ, đầu óc cứ lãng đãng trong cõi mịt mờ…Bỗng, như chợt nhớ ra điều gì, tôi bước thật nhanh vào phòng đọc sách. Trên bức tường màu tím, hai bức hoạ chì mà chú Hiếu vẽ tôi năm nào nằm đó. Tôi bỗng nghẹn ngào, những giọt nước mắt nóng hổi âm thầm chảy dài trên má. Tôi bần thần nhìn hai bức vẽ và nhớ lại khi chú đưa tôi hai bức tranh này, có một bức chú vẽ tôi trẻ hơn 20 tuổi, tôi thắc mắc, chú cười xoà rồi nói đối với chú tôi lúc nào cũng chỉ là đứa cháu bé bỏng nhỏ nhít như ngày xưa.

Năm ngoái, khi chú biết tôi có ý sắp in một tuyển tập truyện ngắn, chú gọi nói chú muốn xem bản thảo cuốn sách, nhưng thật bất ngờ và vô cùng cảm động vì chú đã chu đáo vẽ tặng những minh họa cho từng câu chuyện trong tuyển tập đó.

Kỷ niệm về chú với những vụn vặt thường tình thì nhiều lắm, nhưng trong nỗi choáng váng, chông chênh nghẹn ngào còn tươi non như thế này. Làm sao mà viết.

Ngày đến tiển chú tại nhà quàn, tôi được gặp người học trò mà chú hết lòng kỳ vọng, thương mến và hảnh diện - Điêu khắc gia nổi tiếng Phạm Thế Trung. Lúc chúng tôi buồn bã, đứng kế bên chú đang thinh lặng nằm im để chào vĩnh biệt. Tôi chợt nhớ lại lời chú nói hôm nào. Tôi cố nén không dám khóc, miệng tôi cười méo xệch, đôi mắt sưng mọng đỏ ngầu được dấu kín trong cặp kiếng màu đen thăm thẳm.
Chúng tôi cúi đầu, kính tiển chú đi.

thụyvi
Hầm Nắng, 30-4-2009