Mẹ tôi và mùa hè của cuộc đời |
Tác Giả: Triệu Ân Phúc | |||
Thứ Ba, 14 Tháng 7 Năm 2009 06:27 | |||
Mùa Hè, mùa của ánh nắng, của khí trời hừng hực sức sống. Người mẹ thiên nhiên làm cho mùa Hè có đủ giờ chiếu sáng để ánh nắng mặt trời có thời gian tạo nên sắc màu rực rỡ cho những bông hoa. Dọc theo các con đường quanh thành phố, hoặc trong những khu dân cư, các loài hoa đua nhau khoe sắc. Như tranh thủ, như tận dụng những giờ phút ấm áp, rực sáng của mùa Hè để khoe sắc. Các loại rau quả cũng thế, tha hồ nẩy chồi đơm bông. Mỗi ngày, khi ánh nắng đầu tiên bắt đầu xuất hiện, tiếng kêu của chiếc vòi tưới nước báo cho biết mẹ tôi đã thức dậy từ lâu và đang chăm sóc vườn tược. Bà cụ có một khu vườn nhỏ trồng cây ăn trái và rau quả. Niềm vui từ cây cỏ làm người già như có sức sống hơn, năng động hơn. Mẹ tôi cũng tranh thủ thời giờ, cũng tận dụng những ngày nắng ấm để ươm những mầm cây mới, những mầm cây non nớt cần có thời gian tăng trưởng, và đủ cứng cáp để ứng phó với những khắc nghiệt của mùa Ðông sẽ đến. Mùa Hè là khoảng thời gian tốt để gieo những hạt mầm, trồng những cây non. Tôi thích ngắm hoa, thích xem cây kiểng. Nhưng nói đến làm vườn, trồng trọt thì... thôi đi. “Ớ ờ. Chắc mai mốt già rồi thì tính, còn bây giờ thì... thích chuyện khác...” Từ lúc mẹ tôi mê trồng cây kiểng, trồng rau trái, thì cũng là lúc mà chiếc xe của tôi trở thành phương tiện chuyên chở những thứ lỉnh kỉnh, lủng củng cho công việc “đồng áng.” Phân bò, phân rác, phân rơm... đủ thứ loại... phân mà tôi không nhớ hết, nào là thứ dùng cho hoa, nào là thứ dùng cho quả. Tôi sợ nhất là phân bò, đúng nghĩa là thứ chất bài tiết trong cơ thể của con bò theo chu trình tiêu hóa. Chỉ cần chở vài bao trên xe, mà “hương vị” của nó “vương vấn” suốt mấy ngày đêm. Cỏ mục cũng là một thứ tạo ra mùi rất khó ưa. Có lần, tí nữa tôi đã gây lộn với người hàng xóm vì tội nghi ngờ ai đó chơi xấu dám bỏ “chất bài tiết” vào thùng rác nhà mình. Sau này tình cờ mới khám phá ra đó là cỏ mục, mùi của nó, ôi thôi không sao “kể xiết.” Có một lần, đang lúc say mê với những đường “cơ” lả lướt cùng bạn bè, một cú điện thoại cắt đứt mọi cuộc vui. Mẹ tôi “lỡ tay” đào đất trúng ngay vào hệ thống tưới nước tự động, ống bể, nước chảy lênh láng. Khi về đến nhà, nước ngập gần tới mắt cá. Ðang hậm hực vì cuộc vui chưa trọn, thấy cả sân sau đầy nước, nghĩ đến cái hóa đơn tiền nước tháng tới, lại phải mất thêm cả buổi để nối lại đường ống, tôi càng bực mình. Nhìn những bông hồng tươi tắn, rực rỡ trong vườn mà lòng tôi “héo queo.” Ban đầu chỉ là vài ba cây, càng ngày “bộ sưu tập” cây kiểng càng phong phú và phức tạp hơn. Ðủ loại chậu và bình đua nhau xuất hiện. Khối lượng công việc, khối lượng phân bón... càng tăng. Thì giờ cuối tuần của tôi ngày càng bị cắt xén, chiếc xe của tôi không ai dám ngồi ngoại trừ... tôi. Phải chăng tôi là “nạn nhân” chỉ vì niềm đam mê của mẹ? Cho đến một hôm, vào buổi sáng tinh sương, khi những tia nắng đầu tiên vừa len lỏi vào phòng, qua khung cửa sổ, tôi thấy mẹ tôi ngồi như bất động trước một chậu hoa. Cơn gió mạnh đêm hôm đã làm dập, gẫy những thân cây và phá tan tác những nụ hoa. Mẹ thu vén những cành còn sót lại một cách rất nâng niu. Trên khuôn mặt của mẹ tôi như có sự mất mát, tiếc nuối. Suốt buổi sáng hôm đó, mẹ tôi dường như không nói câu nào. Mẹ tôi cảm thấy “đau” khi nhìn một bông hoa bị dập gẫy, bà biết quý trọng, nâng niu sự sống, dẫu sự sống đó là cây cỏ. Mỗi ngày, trên thế giới này có bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị hành hạ tàn nhẫn chỉ vì sự độc ác dã man của người khác. Sự sống không được nâng niu, không được quý trọng. Cái đau trong lòng và cái đau thể xác vẫn tồn tại cho đến khi nào con người biết “đau” khi nhìn một sự sống khác bị vùi dập, dẫu sự sống đó là cây cỏ. Có lần, để kéo cây hoa đào cho thẳng, tôi dùng sợi dây kẽm để cột, mẹ tôi quát mắng bảo rằng làm như thế cây sẽ “đau.” Nếu tôi cảm nhận được cái “đau” của cây cỏ, tôi sẽ không thể nào tát tai người khác, nhục mạ người khác. Con người vẫn hành hạ nhau hàng ngày chỉ vì sự chai cứng của tâm hồn, không còn khả năng để đồng cảm với cái “đau” của đồng loại. Mẹ tôi thấy vui khi một chồi non mới nhú mầm. Bà nôn nao hàng đêm để mong nụ đào nở. Cây cỏ và người như có sự tương giao. Những nụ hồng như ráng khoe những sắc màu rực rỡ nhất để làm vui lòng người chăm sóc nó. Nhưng cũng có những nụ hồng chưa kịp hé nụ đã bị vùi dập. Những em gái Việt Nam ở Cambodia bị đem bán đang trong tuổi vị thành niên để thỏa mãn thú vui nhục dục của những người không còn biết đâu là cái non nớt của những nụ hoa mơn mởn hé nụ, cần phải trân trọng, gìn giữ. Trồng hoa không chỉ là một thú tiêu khiển, nhưng còn là một triết lý sống. Qua cách “đối xử” của mẹ tôi với cây cỏ, tôi thấy tấm lòng hiền hòa của mẹ tôi. Giá phải chi con người cũng đối xử với nhau như vậy. Ðời sống con người cũng có một mùa Hè để ươm trồng, và cũng có những mùa Ðông khắc nghiệt. Khi nào là thời gian đúng nhất để gieo những hạt mầm, đừng để quá trễ khi mùa Ðông đang dần đến. “Hãy gia công làm việc khi trời còn sáng, đến khi tối trời, chẳng làm được gì nữa,” một câu trong kinh thánh đã nói thế. Có những cơ hội chỉ đến một lần trong đời, có những khoảng thời gian sẽ không bao giờ lập lại. Những gì tốt đẹp nhất để làm cho người khác, những lời nói yêu thương với người thân, những việc làm bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc mà tôi vẫn chần chừ từ ngày này qua tháng nọ, một lời xin lỗi, một quyết định tha thứ... Tôi phải gấp gáp thực hiện ngay, như ươm một cây trồng, chờ đợi thêm nữa có khi đã quá trễ. Hối tiếc, ân hận cùng với mùa Ðông sẽ ập đến. Mùa Hè ấm áp, rực rỡ ánh nắng mặt trời. Ngày dài hơn, tha hồ vui chơi, tha hồ làm việc. Tận dụng những giây phút hiện tại, khi chung quanh tôi còn có biết bao điều còn dở dang đang chờ tôi hoàn thành. Mỗi ngày qua đi, tôi lại mất một cơ hội để cảm thông, để yêu thương, để tha thứ. Tôi phải làm ngay hôm nay, đừng chờ thêm nữa.
|