Tri ơn cũng là hạnh phúc |
Tác Giả: Quỳnh Giao |
Thứ Tư, 24 Tháng 11 Năm 2010 22:32 |
Trong dịp lễ Tạ Ơn, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều từ khoa tâm lý học và tâm lý nhi đồng. Thoạt nghe thì có vẻ như “luân lý giáo khoa thư” nhưng thật ra lại là một chân lý dễ hiểu.
Các nhà tâm lý học có nghiệm thấy rằng lời cảm tạ là... tốt cho sức khỏe! Những người biết và thường nói ra hai chữ “cám ơn” thì cũng yêu đời, có tâm hồn khoáng đạt và cơ thể khỏe khoắn, hơn hẳn nhiều người khác. Người ta còn tìm ra là thành phần này ít bị thất vọng, ít có ẩn ức hoặc bị dày vò vì sự ham muốn, ganh ghét, và... ít bị nghiện rượu! Nói như vậy, người viết không chỉ nhắm vào các ông đâu! Nếu biết tự trau giồi đức tính tri ân thì người ta tránh được nhiều chứng tật như vậy. Thế rồi các nhà tâm lý học mới tìm cách áp dụng nguyên tắc “cho tức là được” với trẻ em. Họ thấy rằng khi các em nhỏ được khuyên nhủ và giáo dục về cách cư xử đầy thiện tâm và tử tế như vậy thì chúng ít bị vật chất hay sự ham muốn chi phối, học hành khá hơn, có ước nguyện cao thượng hơn. Xưa kia, các gia đình chúng ta thường khuyên con trẻ về phép xử thế đó, nhưng có lẽ là do quan niệm phổ quát về luân lý. Bây giờ thì người ra thấy rằng cách xử thế như vậy còn có nền móng khoa học. Vì nghiệm thấy điều ấy, người viết xin ghi ra ở đây như một món quà nhỏ trong dịp Lễ Tạ Ơn. Chúng ta đều biết hai mặt tích cực và tiêu cực của y khoa. Phần tiêu cực là trừ bệnh, phần tích cực là giúp cơ thể hay thần kinh được phấn chấn. Y học thì vậy, khoa tâm lý cũng thế. Nó có mặt “âm” nhắm vào việc giải trừ phản ứng tâm lý xấu và có mặt “dương” là phát triển những phản ứng tâm lý tích cực và tốt đẹp. Nói theo lối “duy tâm” rất gần với quan điểm của các bậc tu hành, khi chúng ta sửa đổi cách hành xử ở cái ngọn thì cũng sửa đổi được căn tính cho cao thượng hơn ở cái gốc. Chuyện “duy tâm” này là một khía cạnh thời sự với xã hội của chúng ta, ở đây và ở nhà. Nhiều người nghĩ theo lối xưa, là “bần cùng thì sinh đạo tặc.” Nên từ đó nên suy ngược lên, rằng khi vật chất no đủ hơn thì phú quý sẽ sinh lễ nghĩa. Hoặc tìm cách giải thích tệ nạn xã hội từ hoàn cảnh kinh tế lầm than. Quan niệm ấy có phần nào “duy vật” trong ý nghĩa là nếu đổi được vật chất thì sẽ cải thiện được tinh thần hay tâm hồn. Thực tế thì như ta có thể thấy ở nhà, đời sống vật chất có thay đổi tương đối khá hơn xưa, nhưng nỗi lo lắng về nạn băng hoại đạo đức thì càng là tình trạng phổ biến. Ở ngoài này cũng thế, các em nhỏ đều sống no đủ hơn chúng ta như khi còn ở nhà. Nhưng nếu lại bị cha mẹ thả vào môi trường chung quanh mà không chú ý đến giáo dục về luân lý thì trường hợp sa ngã lại càng dễ xảy ra. Một cách cư xử tử tế đó là thái độ biết ơn người khác. Các nhà tâm lý về nhi đồng nói rõ rằng ta nên luyện cho thiếu nhi thái độ biết ơn đó một cách cụ thể. Thí dụ như hỏi các em rằng trong ngày hôm nay em đã được người khác giúp đỡ những gì thì nên kể lại rành rọt. Chúng ta nên phát triển phản ứng trả ơn hơn là trả đòn, hay trả miếng! Nhiều nhà khoa học có cho biết rằng phân nửa những đặc tinh tâm lý có thể là yếu tố di truyền, nhưng phân nửa còn lại thì thuộc về giáo dục, về chủ đích uốn nắn của chính chúng ta. Mà nên uốn nắn từ tuổi nào? Có người cho rằng trẻ em từ tuổi lên bảy trở đi mới bắt đầu có năng khiếu biết ơn và để ý đến việc tốt từ người khác dành cho mình. Nhưng có lẽ phản ứng của trẻ em với ngoại cảnh lại phát triển sớm hơn vậy. Ngẫm cho kỹ thì có lẽ sự việc này chẳng có gì là kỳ bí. Khi được nhắc nhở là nên quan tâm đến việc tốt đẹp người khác làm cho mình và phải biết cám ơn, bằng lời nói và bằng hành động, trẻ em sẽ trước tiên để ý đến người khác. Rồi trở thành khiêm nhường hơn, nhờ thế mà có phản ứng vị tha và hợp quần, có tinh thần lạc quan vì thấy điều tốt nhiều hơn điều xấu. Tâm lý đó có ích cho việc ăn uống, tiêu hóa, cho sức khỏe và trí tuệ. Chúng ta đã nghe quá nhiều về người Trung Quốc xấu xí hay về cái thói không bao giờ biết xin lỗi hay nói câu cám ơn của các em nhỏ ở nhà. Mình hãy thử... làm ngược một chút xem sao. Ðó là tích cực vun trồng tính tri ân và lời cảm tạ ngay trong tâm trí các em. Cuối ngày thì hãy lấy tờ lịch kẻ ra mấy ô cho các em kể lại từng việc tốt trong ngày và xem các em phản ứng thế nào với lòng tử tế của người khác. |