Home Đời Sống Lời Hay Ý Đẹp Chữ tình và chữ yêu theo truyền thống và trong Thánh Kinh

Chữ tình và chữ yêu theo truyền thống và trong Thánh Kinh PDF Print E-mail
Tác Giả: Vân Uyên   
Thứ Ba, 18 Tháng 1 Năm 2011 07:42

Có âm dương có vợ chồng, dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

Trong số những từ ngữ  được nhắc đi nhắc lại  từ 2000 năm nay, trong mọi thứ tiếng của loài người để xây dựng nền văn minh của sự sống nhân tính, có lẽ không có từ nào nặng nghĩa bằng chữ : "YÊU" .

Chữ "YÊU" thường có một hấp lực quyến rũ kỳ diệu. Yêu chiếm địa vị nào trong hướng sống của mỗi người ?  Của bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau kể từ khi khai thiên lập địa  đến nay ?
Đã là người, không thể nào không đặt vấn đề "YÊU".  Nhưng tìm "YÊU" ở đâu ?  Có nên tìm "YÊU" với bất cứ giá nào ? Có thể nào "YÊU" mà không gặp thử thách hay ảo tưởng ?  Có khi nào "YÊU" mà không biết mình đang yêu hay đã được yêu ?
Chữ "YÊU" có những tầm thước rất thâm sâu.  Bài này sẽ chỉ đề cập tới một khía cạnh người ta thường nhớ tới  khi nói đến chữ "YÊU".  Đó là tầm thước tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng .
Ngày nay khi nghe nói trai gái yêu nhau, mọi người đều cho đó là chuyện thường. Nhưng sau khi tìm hiểu về truyền thống dân tộc  và đọc lại Thánh Kinh, mới thấy nam nữ yêu nhau không phải là chuyện thường, và hình như có hai điểm nổi bật :
Điểm thứ nhất : Quan niệm về "YÊU" rất mới  đối với truyền thống dân tộc. Điểm thứ hai : Quan niệm về "YÊU" theo Thánh Kinh rất lạ lùng, vì Cựu Ước so sánh Tình của Thiên Chúa đối với Dân Hứa (Is-ra-en) cũng như tình yêu nam nữ  và Tân Ước coi Tình của Chúa Kitô đối với Giáo Hội giống như tình yêu phu thê .

CHỮ TÌNH TRONG TRUYỀN THỐNG

Truyền thống dân tộc chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa Trung Hoa mà nguồn gốc là Tam Giáo (Khổng giáo, Lão giáo, và  Phật giáo), qua những thuần phong mỹ tục như : Thờ phụng tổ tiên, lễ nghi cưới hỏi, có nhiều con nối dõi tông đường, nhất là con trai ... tuy phong tục lễ nghi cổ truyền trong dân gian Việt nam có những điều khác với Trung quốc, như : Lễ cheo, tục nam nữ tương thân ...
Những tư tưởng hướng đạo về đời sống vợ chồng qua truyền thống dân tộc, không thấy đề cập tới vấn đề  "YÊU" như một giá trị tôn giáo, tuyệt đối, cột trụ.
Tư tưởng Khổng Giáo (còn được gọi là Nho Giáo  hay  Đạo Khổng) là một tư tưởng chú trọng vào nề nếp trật tự, xây dựng con người có trách nhiệm  và  giữ đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội .
Hướng chỉ đạo đời sống con người theo Khổng Giáo có thể tóm lược vào bốn chữ  "Ngũ Luân, Ngũ Thường" được gọi là  Luân Thường Đạo Lý . Ngũ Luân là tình vua tôi, tình cha con, tình vợ chồng, tình anh em, tình bè bạn. Ngũ thường là  nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Những nguyên tắc và nghi lễ của Đạo Khổng có kỳ vọng đảm bảo sự hài hòa những tương quan giữa trời đất và con người.  Sự hài hòa này khi đạt được sẽ dẫn đến hạnh phúc cho con người.
Học thuyết Khổng Giáo muốn ổn định thế quân  bình của hai năng lực được coi như động lực hóa sinh mọi sự vật, là  khí âm và khí dương .
Theo Kinh Dịch, trời đất  do hai nguyên tố Âm Dương tạo nên. Âm Dương là đạo của trời đất, cương kỷ của vạn vật. "Âm dương giả, thiên địa chi đạo giả, vạn vật chi cương kỷ" (  Hoàng đế Nội kinh Tố vấn ).
Theo Kinh Lễ, khí âm hay sinh nhưng phải có khí dương mới sinh được, khí dương hay nuôi vật  nhưng nếu không có khí âm thì không lớn được .
Cho nên trai phải có vợ, gái phải có chồng, phối hợp âm dương mới có thể sinh trưởng được. Vì vậy theo lẽ tự nhiên của Tạo Hóa, đã có khí âm khí dương ắt phải có đôi lứa vợ chồng. Dù là trời đất cũng có vòng phu thê. Có âm dương phối hợp mới có trời đất.

Những tư tưởng này được Ôn Như Hầu diễn tả trong "Cung oán Ngâm khúc" như sau (từ câu 125 đến câu 128) :

Kìa điểu thú là loài vạn vật
Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng
Có âm dương có vợ chồng
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

Khổng Giáo coi đời sống vợ chồng là lẽ tự nhiên của trời đất. Như vậy vấn đề mới được nhìn duy nhất dưới một khía cạnh, là khía cạnh thiên nhiên  như một hấp lực đực cái, giống như các sinh vật khác, và không đặt vấn đề yêu đương.

Lão Tử  là một người có tư tưởng phóng khoáng, thích  sống đời ẩn dật, đơn giản và khiêm tốn.
Những tư tưởng của Lão Tử được ghi chép trong cuốn "Đạo Đức Kinh", nên phái của Lão Tử cũng được gọi là Đạo Giáo, Lão Giáo hay Đạo Lão.
Danh từ "đạo đức" của Lão Tử không có ý nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay.
Chữ "đạo" của Lão Tử có rất nhiều nghĩa : Vừa là nguyên thủy của vũ trụ, vừa là toàn thể vũ trụ, vừa là nguyên tố của vạn vật, vừa là con đường tu, dẫn những người tu theo Đạo Giáo tới nhịp chuyển vận của vũ trụ để được trường sinh bất tử trong "vô vi".
Lão Giáo không nói gì về hôn nhân và vợ chồng, không nói gì về vấn đề yêu đương. Lão Giáo khuyên con người nên sống tiêu dao, dinh dưỡng thể xác và tâm hồn càng hòa hợp với thiên nhiên bao nhiêu càng được hạnh phúc bấy nhiêu.

Trong sách Đạo Đức Kinh chỉ có một đoạn nói sơ qua, một cách gián tiếp, về đời sống vợ chồng. Đoạn đó như sau :

Bởi vì đạo lớn bị bỏ nên mới có nhân nghĩa. Bởi vì sáu người thân bất hòa với nhau, nên mới có người hiếu người thảo ... (Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa. Lục thân bất hòa, hữu hiếu từ ...)
Trong đoạn này danh từ "lục thân" nghĩa là "sáu người thân" gồm có cha, con, anh, em, vợ và chồng.
Lão Tử  tin rằng : Dứt nhân bỏ nghĩa con người sẽ trở lại thuần lương chân chính.

Nguyễn Trãi khi về trí sĩ đã có những bài thơ chịu ảnh hưởng của Đạo Giáo như bài "Côn Sơn Ca". Bài này viết bằng chữ Hán, dưới đây trích dịch mấy câu đầu làm thí dụ :

"Côn Sơn có suối
Tiếng lạ chảy triền miên
Ta nghe như huyền cầm
Côn Sơn có đá
Mưa trải phủ rêu xanh
Ta ngồi như trên chiếu
Trong hang có thông
Vạn lý xanh trùng trùng
Nhàn hạ ta ngả lưng
Trong rừng có trúc
Ngàn mẫu in mầu lục
Thong dong ta dạo bước
Ngâm vịnh ở đây
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .."

Sau 2500 năm những kinh điển Phật Giáo từ Phạn ngữ đến Hán ngữ có nhiều vô kể. Những cuốn kinh cổ nhất được biết tới chỉ viết thành văn hàng thế kỷ sau khi Đức Phật đã "nhập diệt".  Trước đó những kỷ niệm về cuộc đời và các lời thuyết giảng của Đức Phật chỉ được gìn giữ qua truyền khẩu trong năm thế kỷ.
Đạo Phật tuy khởi nguyên từ Ấn Độ đã không phát triển ở xứ này, nhưng đã theo con đường thương mại tơ lụa di chuyển sang phương Đông, tới Tây Tạng, Tích Lan, Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, Đông Nam Á ... mang mầu sắc đặc thù của mỗi địa phương.
Ba bộ kinh lâu đời nhất được gọi là "Ngôi Tam Bảo" gồm có những bộ Phật bảo, Tăng bảo, và Pháp bảo. Bộ thứ nhất viết về những lời thuyết pháp của Đức Phật còn được nhớ lại (dharma). Bộ thứ hai về những đường lối tu hành của các cộng đồng tín hữu (sangha). Bộ thứ ba gom góp những thành phần lý thuyết truyền thống khác nhau tản mát đó đây.
Những tư tưởng chính yếu của Đạo Phật được trình bầy trong "Tứ Diệu Đế" nghĩa là bốn chân lý nhiệm mầu, Đức Phật đã giác ngộ, đốn ngộ sau khi tham thiền dưới gốc cây Bồ Đề. Bốn chân lý đó là :

1- Khổ đế : Đời là bể khổ .
2- Tập đế : Nguồn gốc của đau khổ là ham muốn.
3- Diệt đế : Muốn diệt khổ phải thắng được ham muốn.
4- Đạo đế : Con đường thắng ham muốn là con đường tu, là chiêm niệm, từ bi, thờ ơ  với phúc họa, để ra khỏi vòng luân hồi  của cõi  "vô thường", tới được Nát Bàn là nơi thinh không thanh tịnh không còn ham muốn.

Chữ "ái" nghĩa là "YÊU' được xếp vào "thập nhị nhân duyên" một trong mười hai sự ham muốn lôi cuốn con người vào vòng luân hồi của cõi "vô thường".
Những tư tưởng này đã được nhiều nhà thơ diễn tả. Người diễn tả thâm thúy vừa gọn vừa hay là thi hào Nguyễn Du trong câu thơ:
   Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
   ( câu số  2658 )
Trong câu thơ này chữ Tình có nghĩa là sự lưu luyến nam nữ muốn được kết tóc se tơ. Tình là dây oan vì tình là một ham muốn mãnh liệt trói buộc con người vào đau khổ như sợi dây oan nghiệt.
Tu là cõi phúc có nghĩa là : Chỉ có con đường tu, xa lánh trần tục vui với câu kinh tiếng kệ nuôi tâm dưỡng tính, mới gỡ thoát khỏi dây oan nghiệt của chữ Tình để tới cõi phúc là Nát Bàn.

Nói tóm lại về vấn đề tình nam nữ và vợ chồng  những tư tưởng hướng đạo trong Tam Giáo thay đổi tùy theo mỗi đạo. Khổng Giáo coi đây là lẽ tự nhiên của trời đất và đề ra một số lề luật để đối xử với nhau giữ tôn ti trật tự trong gia đình và ngoài xã hội. Đạo Lão không đặt vấn đề trong đường tu đạo tới huyền đồng với thiên nhiên. Đạo Phật xếp chữ Tình vào thập nhị nhân duyên của cõi  vô thường.
Như vậy quan niệm về "YÊU" như một hướng sống có thể coi như một quan niệm rất mới trong vấn đề nhân sinh, không những cho dân tộc chúng ta mà còn cả cho những dân tộc chịu ảnh hưởng của Tam Giáo từ hàng ngàn năm.

CHỮ YÊU TRONG THÁNH KINH

Trái lại, theo Thánh Kinh "YÊU" là tất cả. Trời yêu, người yêu. Đời này yêu, đời sau yêu. Sống ngoài đời hay sống đường tu, hướng sống đều là "YÊU" Theo Phúc Âm, chữ "YÊU" gắn liền với chữ "thập" nhưng cũng vẫn là yêu.    Yêu bất chấp đau khổ và sự chết, vì "yêu mạnh hơn sự chết" (Ct 8,6).
Trong thánh lễ, thường nghe giảng "Thiên Chúa là tình yêu" ( 1 Jn 4 , 8 ). Thiên Chúa và Tình Yêu không ai nhìn thấy. Nhưng nếu "người yêu người" là chúng ta nhận thấy. Qua tình người đối với người, chúng ta biết Tình Yêu. Và qua tình yêu chúng ta gặp Thiên Chúa, khi thấu cảm mối tình của người đối người sở dĩ có được và bền vững là nhờ Tình Thiên Chúa .

Trong những mối tình của người đối với người  mối tình mà đại đa số nhân loại có nhiều hy vọng gặp là tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng.

Thánh Kinh nói gì về mối tình này ?
                 
Theo Cựu Ước (sách Sáng Thế) ngay từ khi tạo dựng ra trời đất và con người, Thiên Chúa đã chúc phúc cho sự kết hợp nam nữ được coi như có một giá trị tôn giáo độc đáo. Cả nam lẫn nữ được tạo dựng theo hình ảnh  Thiên Chúa.
Người nam khi thấy người nữ đã kêu lên : "Đây là xương thịt của tôi".  Do đó người nam từ bỏ cha mẹ  lưu luyến người nữ và cả hai trở thành "nhất thể" ( Gn 1-2 ), một thân xác ( une seule chair ) .Nhiều tiên tri trong Cựu Ước như Osée (1, 2+), Jérémie (18,1+), I-sai-e (1,21), Ezéchiel (16 , 23), ... khi đề cập tới mối liên quan giữa Thiên Chúa và Dân Hứa (Is-ra-en) đã xử dụng hình ảnh tình yêu nam nữ.
Các tiên tri coi Tình của Thiên Chúa đối với dân được chọn (Is-ra-en) cũng như Tình của người nam,  một người nam vừa hiền từ chung thủy, vừa đòi hỏi ghen tuông.

Các tiên tri cũng nói về những phản bội, chối bỏ, tà đạo của dân Is-ra-en được coi như người nữ bất trung. Có khi còn dùng cả danh từ nặng hơn chữ bất trung.
Nhưng dù vậy tình của Thiên Chúa cũng không dập tắt vì Thiên Chúa yêu cho đến cùng ( Jn 13 , 1).

Khi nói về tình yêu nam nữ trong Cựu Ước  không thể nào không nhắc tới bài Diễm Ca (Cantique des Cantiques) một điệp khúc diễn tả tình yêu nam nữ thắm thiết và chung thủy.

Lời thơ là lời của người nữ được yêu (la bien- aimée) nói về tình của người yêu đối với mình .  Theo truyền thuyết  tác giả bài này là vua Salômông (Salomon, vị vua thứ ba của Is-ra-en) .
Đây là một bài thơ ngụ ngôn ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Is-ra-en qua hình ảnh đắm say  kết hợp nam nữ.

Bài Diễm Ca được trình bầy và sắp xếp theo những đoạn đường trở lại và hy vọng của dân Is-ra-en, gồm năm bài ca, một phần mở đầu và một phần kết, xen lẫn (theo kiểu kịch thuật Hy Lạp) một vài đoạn đồng ca hoặc song ca đối đáp với người nữ.

Nhiều nhà thần học coi bài Diễm Ca như một thánh ca thánh nhất trong các bài thánh ca. Đối với độc giả ngày nay bài Diễm Ca thường được nhắc tới như một bài tình ca tình nhất trong các bài tình ca. Đây chỉ là một cách nói, vì theo Kitô-giáo Thánh và Tình là một, Thánh là "YÊU"  mà Tình cũng là "YÊU".

Xin nêu làm thí dụ ba câu đầu lời của người nữ được yêu (la bien-aimée) để có một ý niệm về tính chất diễm tình của bài Diễm Ca diễn tả tình đắm say trong sự kết hợp thân xác nam nữ ( hương thơm từ da người, nụ hôn ân ái  nồng say hơn rượu...). Ba câu này trích trong cuốn Bible de Jérusalem viết bằng Pháp ngữ :

Qu'il me baise des baisers de sa bouche
Tes amours sont plus délicieuses que le vin
L'arôme de tes parfums est exquis.
 ( Ct 1, 2-3 )

Theo ấn bản Kinh Thánh mới nhất được Tòa Tổng Giám Mục Saigon thực hiện năm 1998 (trang 1231) ba câu này được dịch như sau :

Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn chính môi miệng chàng !
Ân ái của anh còn ngọt ngào hơn rượu
Mùi hương anh thơm ngát .

Nữ sĩ Minh Châu dịch :

Môi tìm môi đón nụ hôn tình áí
Ngây ngất say hơn hẳn rượu ngọt bùi
Hương ai tỏa xác hồn xao xuyến mãi .

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nhật dịch :

Ước gì miệng kề miệng
Chàng hôn em như mưa
Ái ân hơn rượu quý
Hơi người thơm hương đưa.

Điểm lạ lùng của chữ "YÊU" trong Cựu Ước là tình nam nữ cả hồn lẫn xác được đặt tận đỉnh cao của Tình Thiên tính.

Tân Ước còn đi xa hơn nữa. Theo Tân Ước  tình yêu nam nữ chỉ tìm thấy toàn vẹn ý nghĩa và đạt tới sự thật, khi qua hôn nhân bí tích trở thành tình yêu vợ chồng.

Trong thư gửi tín hữu thành E-phê-sô, thánh Phaolô gọi tình yêu vợ chồng là "huyền nhiệm lớn" (grand mystère). Huyền nhiệm đã kỳ lạ. Huyền nhiệm lớn là kỳ lạ trên sự kỳ lạ ( Ep 5 , 32).

Tình yêu vợ chồng được thánh Phaolô so sánh như tình của Chúa Kitô đối với Giáo Hội .

Tình yêu vợ chồng mà thường tình cho là trần tục, trở thành "kỳ lạ trên sự kỳ lạ" vì được coi như mối tình mầu nhiệm không bao giờ phai, kéo dài vô tận trong thời gian của Thiên Chúa làm Người kết hợp với "nhiệm thể" của mình là Giáo Hội (Ep 5, 23-25).
Như vậy, Tân Ước coi tình yêu vợ chồng là một trong những trung tâm điểm của đức tin.  Nói cách khác,  tình  vợ  chồng  khi  đạt   tới mức "YÊU"  cũng là một con đường dẫn tới Thiên Chúa, dẫn tới cõi Phúc .
Theo Tân Ước,  nhiều lần  Chúa  Kitô  đã ví   "Nước Trời"như "Tiệc Cưới" và tự ví mình như chàng rể  ( Mt 9 , 15 ;  22 , 1-14 ; 25, 1-13 ; Ga 3 , 29 ).

Chúa Kitô đã giảng về tính chung thủy gắn bó , không có gì có thể phân chia của tình vợ chồng trong hôn nhân bí tích. Theo Phúc Âm của Thánh Mát-thêu, Chúa Kitô đã nói : "Vợ chồng không còn là hai mà là một. Những người Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được chia rẽ" (Mat 19 ,  6).

Đối với người đời xưa cũng như người thời nay, những lời nói này thật không phải dễ hiểu và dễ chấp nhận. Chính những môn đệ của Chúa Kitô cũng đã thốt lên : "Nếu số phận của người nam phải đối xử với vợ như vậy, thà đừng kết hôn còn hơn".

Và Chúa Kitô đã trả lời : "Không phải ai cũng hiểu được. Chỉ có những người Chúa cho hiểu mới hiểu." ( Mat 19 , 10-11 )

Để kết luận, xin nêu lên một ý nghĩ cũng là lời cầu nguyện trong Hy vọng của Niềm Tin. Như vậy theo Thánh Kinh, chữ "YÊU" trong tình nam nữ và vợ chồng bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Thiên ý mong muốn con người bắt đầu được hưởng cõi phúc ngay tại đời này qua kiếp sống phu thê và sẽ nối tiếp đời đời trong Tình Yêu của Thiên Chúa .

Tình yêu của Thiên Chúa là như vậy, con người lấy gì để đền đáp lại, chỉ có "YÊU" mới đền đáp được Tình Yêu. Đó là nguồn thi hứng dẫn đến ba câu thơ :

Xưa vâng Thiên ý một thì
Yêu là cõi Phúc , đền nghì tình Ai
Yêu là hơi thở của Trời ...
(Câu 13-15 trong bài thơ Con Thuyền Nhất Thể của VÂN UYÊN)