Home Đời Sống Pháp Luật Thông tri gửi Ân xá quốc tế

Thông tri gửi Ân xá quốc tế PDF Print E-mail
Tác Giả: Luật Sư Nguyễn Hữu Thống   
Thứ Hai, 25 Tháng 4 Năm 2011 19:53

Về vụ linh mục Nguyễn Văn Lý và các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê thị Công Nhân và Cù Huy Hà Vũ bị kết án về tội tuyên truyền chống nhà nước.

 

Ngày 4-4-2011 vừa qua, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ bị Tòa Án Hà Nội kết án 7 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước chiếu Điều 88 Hình Luật.

Bốn năm trước đây, vào những ngày 30-03-2007  và 11-05-2007, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Luật Sư Lê Thị Công Nhân đã bị lần lượt  kết án 8 năm, 5 năm và 4 năm tù cũng về tội này.
Đây là những tội đại hình nghiêm trọng về xâm phạm an ninh quốc gia mà hình phạt có thể đến 12 hay 20 năm tù.

 

     Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong phiên toà ngày 4-4-2011

 

A. Về tội danh tuyên truyền chống nhà nước

Tuyên truyền chống chế độ hay tuyên truyền chống nhà nước không cấu thành tội hình sự. Vì tuyên truyền chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu và quyền thông tin. Cùng với quyền tự do hội họp, tự do lập hội và lập đảng, những quyền này được bảo vệ bởi các Điều 19, 21 và 22 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị.


Theo Điều 19 Công Ước “Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị (nhà cầm quyền) can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến những tin tức, ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông, không kể biên giới quốc gia”.


Điều 69 Hiến Pháp Việt Nam cũng quy định như vậy: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền thông tin, kể cả quyền hội họp, lập hội, biểu tình…”


Do đó các bản án tuyên phạt Linh Mục Nguyễn Văn Lý và 3 Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và Cù Huy Hà Vũ do những hành vi tuyên truyền chống nhà nước và thành lập chính đảng, đã hiển nhiên vi phạm hiến pháp quốc gia và công ước quốc tế.


Về tội tuyên truyền chống chế độ, giữa thế kỷ 19, Các-Mác công bố bản “Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản” kêu gọi vô sản toàn thế giới đứng lên đấu tranh võ trang lật đổ chế độ tư bản. Vậy mà Mác cũng không bị Tòa Án Luân Đôn truy tố về tội tuyên truyền chống chế độ tư bản. 


Sau cuộc Cách Mạng Dân Chủ Đông Âu năm 1989, nhân loại văn minh vứt vào thùng rác lịch sử chế độ ngụy xã hội chủ nghĩa. Cũng vì vậy Đảng CS Việt Nam đã giảo hoạt thay đổi tội danh, từ tuyên truyền chống chế độ (Điều 82 cũ) thành tuyên truyền chống nhà nước (Điều 88 mới).


Tuyên tuyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước là những tội danh giả tạo không thấy trong các bộ hình luật của các quốc gia văn minh trên thế giới.


Chiếu Điều 15 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị “không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều đã làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế”. [Luật pháp quốc tế là những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia, như  những nguyên tắc và mục tiêu trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc 1945, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và Công Ước Quốc Tế vể Những Quyền Dân Sự và Chính Trị  1966]


  Về tội tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hỏa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Điều 88 Khoản 1 Điểm (a) và (c) Hình Luật quy định các yếu tố cấu thành tội trạng như “những hành vi phỉ báng chính quyền; chống Nhà Nước bằng tuyên truyền xuyên tạc; và làm ra, tàng trữ hay lưu hành các tài liệu có nội dung chống Nhà Nước”.
 Ngoài ra Điều 88 Khoản 1 Điểm (b) còn kết án tội “dùng chiến tranh tâm lý phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”.


  Đây là một tội lỗi thời, tàn tích của thời Chiến Tranh Lạnh. Cộng Sản thường lầm lẫn luật pháp với chính trị. Họ đã sáng chế ra những tội trạng giả tạo phi- pháp- lý như phản động, phản cách mạng, địa chủ gian ác, cường hào ác bá, xét lại chống đảng, biệt kích văn nghệ v...v... Đối với họ, chính trị là thống soái và luật pháp là công cụ. Bộ Hình Luật năm 1985 cũng xác nhận điều đó: “Trong hệ thống pháp luật của Nước Cộng Hòa XHCNVN, luật hình sự là một công cụ sắc bén của Nhà Nước chuyên chính vô sản để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.


  Trong chiều hướng đó Quốc Hội Cộng Sản  đã ban hành những đạo luật hình sự  quy định những tội trạng bịa đặt giả tạo và cưỡng ép lố bịch, với những yếu tố cấu thành tội trạng hết sức bao quát và mơ hồ,  như những tội tuyên truyền chống chế độ, tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ, phá hoại chính sách đoàn kết, gián điệp, phản nghịch (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền) v...v....


Việt Nam đã ký kết tham gia Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị từ năm 1982, nên có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng và thực thi những điều khoản ghi trong Công Ước.


Chiếu Điều 2 Công Ước “các quốc gia hội viên tham gia Công Ước cam kết sẽ tôn trọng và bảo đảm sự thực thi những quyền tự do cơ bản đã được thừa nhận trong Công Ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp những quyền tự do ghi trong Công Ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp và hiến pháp quốc gia, các quốc gia hội viên ký kết hay tham gia Công Ước có nghĩa vụ phải ban hành các đạo luật bổ túc theo tinh thần và bản văn các điều khoản trong Công Ước để các quyền này được thực sự thi hành”.


Điều 27 Công Ước Vienna về Luật Hiệp Ước Quốc Tế (1969) xác nhận sự Thượng Tôn của Luật Quốc Tế đối với Luật Quốc Nội. Trong trường hợp các quốc gia hội viên kết ước không quy định thành văn những quyền này trong hiến pháp và luật pháp quốc gia, thì những điều khoản về nhân quyền và về những quyền tự do cơ bản của người dân ghi trong Công Ước Quốc Tế vẫn có hiệu lực chấp hành và phải được áp dụng trước các tòa án quốc gia và quốc tế.


Cũng vì vậy, mới đây, Việt Nam đã ban hành đạo luật năm 2008 để tái xác nhận sự tham gia vào Công Ước Quốc Tế, và để thừa nhận giá trị thượng tôn của Công Ước Quốc Tế  đối với Luật Pháp Việt Nam.


Hơn nữa, chiếu Điều 5 Công Ước Dân Sự Chính Trị, các quốc gia hội viên kết ước hay gia nhập Công Ước Quốc Tế không được giải thích xuyên  tạc các điều khoản trong Công Ước để phủ nhận và tước đoạt của người dân những quyền tự do cơ bản đã được thừa nhận trên toàn cầu.


Trong hiện vụ, theo Công Ước Quốc Tế, tuyên truyền không phải là một tội hình sự, dù là tuyên truyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước. Đây chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, quyền thông tin, quyền tham gia chính quyền, quyền đối kháng và quyền thay thế chính quyền bằng tự do tuyển cử chiếu Nguyên Tắc Dân Tộc Tự Quyết  đã được tuyên dương trong Điều Thứ Nhất Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Điều Thứ Nhất Công Ước Dân Sự Chính Trị. 


Phần Mở Đầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng minh thị thừa nhận quyền đối kháng: “Điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ dân chủ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng phải đứng lên đối kháng chống áp bức và bạo quyền”.


Như vậy Điều 88 Hình Luật Việt Nam quy định tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” phải bị hủy bỏ. Vì nó đi trái với các Điều 19, 21 và 22 Công Ước Dân Sự Chính Trị chiếu nguyên tắc thượng tôn của luật quốc tế đối với luật quốc nội.


Vì con người không phải là á thánh nên, để điều hành guống máy nhà nước, quốc gia cần phải có chính quyền. Và vì nhà cầm quyền cũng không phải là á thánh nên luật pháp phải dành cho người dân quyền kiểm soát, phê phán, chỉ trích, đối kháng và thay thế chính quyền. Nếu không có tự do tư tưởng, tự do phát biểu, quyền thông tin, quyền đối kháng bằng phê bình chỉ trích thì không thể có dân chủ. Và nếu người dân không có quyền tự do tuyển cử để tham gia chính quyền và thay thế chính quyền thì đảng cầm quyền sẽ hủ hóa thành độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực.


Như vậy, tuyên truyền lên án nhà nước độc tài, tham nhũng, bất công hay bất lực là những hành vi chính trị hợp pháp trong một chế độ dân chủ pháp trị. Nó không cấu thành tội hình sự. Đặc biệt là, tại các quốc gia dân chủ văn minh, tòa án không truy tố và kết án những hành vi tuyên truyền cho chủ thuyết cộng sản. Tòa cho đó chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu để cổ võ một lý thuyết chủ nghĩa trừu tượng (abstract doctrine). Chỉ khi nào có sự tổ chức  lật đổ chính quyền bằng tập hợp võ trang, và khởi sự hành động võ trang gây nguy hiểm rõ rệt cho an ninh quốc gia, thì đương sự mới bị truy tố, không phải về tội giả tạo tuyên truyền chống nhà nước, mà về tội phản nghịch.


Trong chiều hướng đó, tại các quốc gia lấy Luật Quốc Tế Nhân Quyền làm kim chỉ nam, tòa án không truy tố người dân về những hành vi tuyên truyền chính trị, dầu là tuyên truyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước.

        Ls. Lê Thị Công Nhân và Ls. Nguyễn Văn Đài tại phiên tòa.

B. Về Thủ Tục Tố Tụng

 
Theo quan niệm luật pháp phổ thông, hình thức hay thủ tục tố tụng là chị em song sinh của tự do (Form or Procedure is a twin-sister of Liberty). Nếu nhà cầm quyền vi phạm những thủ tục tố tụng về bắt giữ, khởi tố, điều tra, thẩm vấn, tranh luận hay xét xử, thì tự do nhân thân của bị cáo sẽ bị vi phạm, và hồ sơ nội vụ kể cả bản án tuyên phạt bị cáo nếu có cũng trở thành vô hiệu. Trong những trường hợp này, hội đồng xét xử sẽ tuyên bố miễn nghị bị cáo.

 
Theo Điều 4 Bộ Hình Sự Tố Tụng tác dụng của bộ luật này là để “tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”, công dân ở đây chủ yếu là công dân bị truy tố.


Trong các hồ sơ hiện vụ, những vi phạm về thủ tục tố tụng rất nghiêm trọng khiến cho quyền bào chữa của các bị cáo bị xâm phạm nặng nề.

LM Nguyễn Văn Lý bị Bịt Miệng trong Phiên tòa ngày 30-3-2007


Vi phạm quyền suy đoán vô tội


Chiếu Điều 14 Khoản 2 Công Ước Dân Sự Chính Trị “bị cáo được quyền suy đoán là vô tội cho đến khi có bằng chứng buộc tội theo luật”.


Điều 217 Hình Sự Tố Tụng xác nhận rằng “chỉ các tài liệu và chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa mới có hiệu lực để buộc tội bị cáo”.


Do đó trong giai đoạn điều tra thẩm vấn bị can phải được coi là vô tội. Và các cơ quan báo chí và các đài truyền thanh truyền hình nhà nước không được đưa ra các luận cứ kết tội bị can. Vì việc này sẽ gây ảnh hưởng và tiên kiến cho thẩm phán trong phiên xử khiến cho tòa án mất tính độc lập và vô tư. Trong 3 vụ án chính trị nêu trên, các cơ quan truyền thông nhà nước đã vu cáo các bị can bằng những bài tường thuật và bình luận thiếu vô tư để gán cho các bị can những tội trạng đã định sẵn. Ngoài ra họ còn vu cáo các bị can là những phần tử xấu đã phổ biến những tài liệu phản động để kích thích dân chúng đứng lên chống phá nhà nước. Hậu quả là dư luận chờ đợi những bản án xác nhận tội trạng các bị cáo. Và việc xét xử chỉ là để thông qua một việc đã rồi hay để duyệt y một bản án đã định sẵn.


Do đó sự vi phạm quyền suy đoán vô tội của bị cáo sẽ có tác dụng vô hiệu hóa các biên bản điều tra, thẩm vấn, và bản án kết tội nếu có sẽ vi luật và phải bị hủy bỏ.


Vi phạm quyền biện hộ của bị cáo


Điều 14 Công Ước Dân Sự Chính Trị dành cho các bị cáo quyền được có luật sư bào chữa do chính họ lựa chọn, quyền có đủ thời gian để liên lạc với luật sư và chuẩn bị hồ sơ.


Điều nghịch lý là, tại Việt Nam, chiếu Điều 58 Tố Tụng Hình Sự, các bị cáo bị truy tố về những tội xâm phạm an ninh quốc gia (như tuyên truyền chống nhà nước) không được quyền nhờ luật sư tham gia tố tụng khi cuộc điều tra  chưa kết thúc. Đây là một cấm đoán kỳ quặc (a juridical anomaly) vi phạm quyền biện hộ của bị cáo. Vì nếu phải chờ kết thúc cuộc điều tra rồi mới có luật sư bào chữa thì đã quá muộn! Thông thường nếu tội trạng càng nặng thì càng cần có sự dự kiến và bào chữa của luật sư. Theo quốc tế pháp, vì Điều 58 Tố Tụng Hình Sự đi trái Điều 14 Công Ước Dân Sự Chính Trị, nên hồ sơ truy tố trở thành vô hiệu. Trong trường hợp này tòa án phải tuyên bố miễn nghị bị cáo.


Trong vụ án Linh Mục Nguyễn Văn Lý không có luật sư bào chữa. Tệ hại hơn nữa, trong phiên xử, Cha Lý đã bị công an (chìm) bịt miệng để tước đoạt quyền của Cha được công khai phát biểu trước tòa.


Trong vụ án các Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, các luật sư bào chữa chỉ có 8 ngày để chuẩn bị hồ sơ biện hộ về một tội đại hình nghiêm trọng mà hình phạt có thể đến 12 năm hay 20 năm tù.


Trong vụ án Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, Luật Sư bào chữa là Trần Vũ Hải đã bị tòa trục xuất ra khỏi phòng xử mà không có lý do chính đáng. Luật Sư Trần Vũ Hải chỉ viện dẫn những điều khoản trong Luật Tố Tụng Hình Sự để yêu cầu Viện Kiểm Sát xuất trình các tài liệu và chứng cứ trong hồ sơ điều tra tại công an. Tuy nhiên vì những lý do thầm kín, Công Tố Viện đã không muốn hay không dám xuất trình các tài liệu này. Sau đó tòa án còn  tước đoạt quyền chất vấn của luật sư bào chữa bằng cách trục xuất Luật Sư Trần Vũ Hải ra khỏi phòng xử. Đây là một quyết định kỳ quặc của một hội đồng xét xử kỳ quặc. Vì thấy tòa án khinh thường Luật Pháp Quốc Gia và Công Ước Quốc Tế, 3 luật sư bào chữa khác đã đứng lên phản đối và bước ra khỏi tòa. Vì cho rằng sự hiện diện của họ tại tòa án có cũng như không! Nhiều người còn ví von rằng đây chỉ là một thứ tòa án của loài đại thử (kangaroo court) chuyên xài luật rừng xanh (jungle law). Điều đáng nói là, những con đại thử đi thong thả trên ven rừng Châu Úc trông dễ thương hơn những con người ngồi trong các hội đồng xét xử theo lệnh của người khác.

Tổng kết lại, trong 3 bản án viện dẫn ở trên, những vi phạm thô bạo về thủ tục tố tụng đã đi liền với những vi phạm thô bạo về tội danh (tuyên truyền chống nhà nước). Những vi phạm cả về hình thức lẫn nội dung đều đi trái Hiến Pháp Quốc Gia và Công Ước Quốc Tế.


Trong những điều kiện đó, nếu các vụ án Linh Mục Nguyễn Văn Lý, và các Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và Cù Huy Hà Vũ được đưa cho Khối Công Tác về Giam Giữ Độc Đoán thụ lý thì nhiều phần Liên Hiệp Quốc sẽ  ra Nghị Quyết tuyên phán rằng sự bắt giam 4 tù nhân lương tâm Việt Nam trong thời gian qua là độc đoán.  


Đó là con đường đấu tranh pháp lý, chính trị và truyền thông để giành  Tự Do, Công Lý, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam.*

THAY MẶT ỦY BAN LUẬT GIA BẢO VỆ DÂN QUYỀN
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Hội viên các Luật Sư Đoàn Saigon, Paris và California từ 1954 đến nay


• Ngày 10- 10-1992 Hội Luật Gia Việt Nam tại California đã soạn thảo bản tranh biện với Hà Nội trong vụ Hội Ân Xá Quốc Tế khiếu tố Nhà Cầm Quyền Hà Nội đã bắt giam độc đoán Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế về tội phản nghịch hay hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.


Căn cứ vào những vi phạm về tội danh và về thủ tục tố tụng của bản án Tòa Hình Sự Saigon ngày 29-11-1991, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã ra Nghị Quyết ngày 30-4-1993 lên án sự bắt giam Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế từ tháng 6-1990 là độc đoán. (arbitrary arrest and detention)