Phố đèn lồng Trung Quốc xuất hiện khắp nơi |
Tác Giả: Theo Bee.net | |||
Thứ Ba, 02 Tháng 3 Năm 2010 16:40 | |||
Ðèn lồng được làm bằng vải màu đỏ và có những hoa văn độc đáo có các chữ Phúc, Lộc, Thọ Ðèn lồng sáng đỏ hàng đêm. (Hình Bee.net) THÁI BÌNH (TH) - “Từ Tết Nguyên Ðán đến qua Tết Nguyên Tiêu, dọc khắp tất cả tuyến phố thuộc thành phố Thái Bình, Nam Ðịnh, các đoạn đường thuộc huyện Tiền Hải, Kiến Xương đều lung linh trong ánh đèn lồng đỏ.” Báo điện tử Bee.net ngày Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010, cho hay như vậy về hiện tượng lạ lùng đang diễn ra đập vào mắt mọi người và “rất Trung Quốc.” Theo Bee.net, không biết ý tưởng này xuất phát từ đâu, “cách đây mấy tháng khu đường Minh Khai (Thái Bình) đã thấy xuất hiện những dãy đèn lồng. Sau đó các tổ dân phố triển khai quyên góp.” Ông Tùng nhà ở 95 đường Hoàng Công Chất nói với nhà báo cho biết, “Mỗi nhà đóng 100,000 cho việc mua đèn lồng và mắc đường dây. Chơi đèn lồng đang thành phong trào các tuyến phố khác, những chiếc đèn lồng này cũng bày bán nhiều và dễ mua.” “Ðèn lồng được làm bằng vải màu đỏ và có những hoa văn độc đáo có các chữ Phúc, Lộc, Thọ viết bằng tiếng Trung điều đáng nói là bên trong dùng bóng điện thắp sáng không dùng nến như đèn lồng thuần túy, được mắc lên cao trùng với đường cáp viễn thông.” Phố Việt Nam ngày càng giống phố Trung Quốc? (Hình Bee.net) Hình ảnh các phố đèn lồng Trung Quốc được nêu lên vào lúc đang có nhiều báo động về nguy cơ mất nước hoặc ít nhất nguy hiểm đến sự tồn tại của nước Việt Nam trước các mưu đồ bá quyền bành trướng của Bắc Kinh. Hai tướng hồi hưu Ðồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh báo động về việc 10 tỉnh miền núi ở phía Bắc và miền Trung cho người Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn để trồng cây nguyên liệu cho kỹ nghệ giấy của họ. Hệ quả, rừng đầu nguồn sẽ bị chặt phá không thương tiếc, gây ngập lụt chết chóc mùa lũ cho hạ du trong khi mùa khô sẽ không có nước. Bên trên đó, các khu vực rừng núi cho thuê dài hạn 50 năm lại nằm ở những tọa độ trọng yếu cho an ninh quốc phòng. Dân chúng nghèo khó không được giao đất giao rừng để sản xuất mà lại giao cho người ngoại quốc. Dự án cho người Trung Quốc thuê rừng dài hạn phối hợp với khai thác bauxite phục vụ kỹ nghệ nhôm của nước họ bị chỉ trích mạnh mẽ nhưng không có kết quả. Trong khi đó, ngư dân đánh cá trên biển Ðông đang bị Trung Quốc cắt mạch sống mà chế độ Hà Nội chỉ có những phản ứng thụ động. Bee thuật lời ông Hoa, chủ cửa hàng sách báo Ðông Hoa (phố Ðốc Nhưỡng, TP.Thái Bình), cho biết, “Năm nay đèn lồng được ưa chuộng nhiều, cho đến giờ cháy hàng không còn hàng để bán. Những chiếc đèn lồng này được đóng thùng chở về từ các nơi như Móng Cái (Quảng Ninh), Hà Nội, có đèn từ Huế nhưng giá thành đắt hơn nhưng số lượng ít. Giá thành trung bình là từ 50-200,000/chiếc. Xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc. Sức tiêu thụ mạnh, hàng về chỉ trong vòng 10 phút là hết. Các cửa hàng tạp hóa, tạp phẩm khác cũng đều treo bán.” Nhà cầm quyền CSVN từng đưa ra các chiến dịch cổ võ xây dựng các “khu phố văn hóa” để làm đẹp mặt mũi thành phố, biểu dương nét Việt Nam. Không thấy nhà cầm quyền hai tỉnh Nam Ðịnh và Thái Bình nói gì, phản ứng gì trước các hình ảnh “phố đèn lồng Trung Quốc” đỏ chóe như thế. Trong khi đó, Bee thuật theo lời ông Ðỗ Minh Tẹo (phố Ngô Quang Bích-Thái Bình) là người am hiểu lịch sử nhìn nhận, “Chơi đèn lồng tuy là đẹp, không sai pháp luật nhưng vô tình làm mất bản sắc dân tộc, lại vô tình gây lãng phí điện năng trong thời kỳ khô hạn kéo dài ở nước ta. Còn sở dĩ ở phố cổ Hội An có lễ hội đèn lồng bởi đây là nét đặc trưng riêng của khu phố cổ. Thế kỷ 19, 20 một số người Việt gốc Hoa được phép ngụ cư, làm việc và sinh sống tại Hội An khi đây còn là một cảng biển thông thương giao lưu buôn bán giữa hai miền Nam Bắc và giữa nước ta và người Hoa. Những ngày lễ lớn theo tục lệ của người Hoa thì sẽ thắp đèn lồng, nơi đây cũng là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước láng giềng và Hội An là trọng điểm.” Theo nguồn tin “Khi được hỏi, người dân cho biết đây là do tổ trưởng mỗi tổ dân khu phố vận động, nài nỉ mỗi nhà quyên góp để mắc đèn lồng trên tuyến phố tổ mình, không chỉ các tuyến đường lớn như Minh Khai, Hai Bà Trưng, Quang Trung, Lý Bôn (TP. Thái Bình) ngay cả trong ngõ ngách nhỏ cũng lấp lánh màu đỏ rực.” Bee nói thêm, “Theo bác Tẹo gia đình dù không muốn lắp cũng không được vì ảnh hưởng đến tình làng xóm, khu phố, rất khó cưỡng lại.”
|