Một nghi vấn rùng rợn trong khoa học: liệu nhân loại sẽ trở thành… phụ nữ hết? |
Tác Giả: Hồng Quang theo Popular Science | |||
Thứ Sáu, 05 Tháng 3 Năm 2010 06:35 | |||
Trống không ra trống mà mái cũng chẳng là mái, bộ phận sinh dục của các chàng cá trống sinh sản … Bạn hãy nhìn các giòng sông. Ngày xưa văn hào Đức Hermann Hess viết một quyển sách trứ danh “Câu Chuyện Giòng Sông”làm nức nở bao tâm hồn muốn tìm chân lý tối thượng. Bây giờ bạn hãy nhìn các giòng sông và hãy sợ hãi. Tại sao? Khoa học thế kỷ 21 khám phá một nghi vấn rùng rợn là các chất thải công nghiệp đủ loại đổ vào sông ngòi khắp thế giới chẳng những gây ô ngiễm, mà còn là thủ phạm của một hiện tượng cực kỳ lạ, đó là biến các giống động vật từ nam ra nữ, từ giống đực ra giống cái, bắt đầu là các loài cá! Tiếng kỹ thuật là “intersex”, tức các chú cá “dở dở ương ương”, trống không ra trống mà mái cũng chẳng là mái, bộ phận sinh dục của các chàng cá trống sinh sản …trứng của các nàng cá mái không bao giờ nở, thế mới là đáng nói! Thoạt đầu người ta cứ tưởng loài cá bass da đen của sông ngòi không bị, nhưng một khảo sát mới cho thấy chẳng những chúng bị hiện tượng này chi phối, mà còn với số lượng khá nhiều nữa. Hiện tượng đang làm các khoa học gia hết sức lo ngại cho mức độ ô nhiễm của sông ngòi và có thể hăm dọa đến nhiều loài thủy sản nước ngọt khác. Chính cơ quan U.S. Geological Survey đã tiến hành thăm dò trong 9 năm, lần đầu tiên cung cấp số cá “intersex” trong các sông ngòi Hoa Kỳ. Có đến 44% loài cá bass miệng to và miệng nhỏ khi được giải phẫu cho thấy chúng là giống “intersex”, nhưng riêng đối với các bass miệng to thì đến 91% các chàng cá trống đã bị ảnh hưởng rồi. Trong số 9 sông lớn ở Mỹ có đế 8 giòng sông có vấn đề vì 34 trong số 111 địa điểm ở hạ lưu của chúng đều có cá intersex, theo số liệu của toán điều tra thuộc quyền chỉ huy của nhà sinh học Jo Ellen Hinck. Các sông ngòi vùng đông nam Hoa Kỳ là bị nặng nhất. Hinck trầm ngâm: “Bây giờ là lúc chúng ta cần phải hiểu cho tường tận chuyện gì đã xảy ra”. Các nhà khoa học vấn chưa rõ liệu số cá biến thành vô sinh này một ngày kia có thể làm cá bass và nhiều loài khác bị tuyệt chủng hay không. Thủ phạm đầu tiên có thể chính là cái toilet của con người. Nước thải dù đã được xử lý được tuôn vào sông ngòi chứa đầy các thành tố làm gián đoạn chất nội tiết của cá. Các EDCs này bao gồm cả các hóa chất dược phẩm, thuốc trừ sâu và các hormones. Ngay cả với số lượng nhỏ, EDCs cũng làm đảo lộn hệ thống sinh sản của cá. Các nhà khoa học chọn một cái hồ nhỏ, bị khóa lại, làm thí nghiệm. Trong 7 năm, họ đổ vào hồ loại estrogen tổng hợp dùng trong loại thuốc ngừa thai. Sau đó họ khám phá toàn bộ cá trống của hồ đã biến thành cá mái! Ngoài ra các chất thải nông nghiệp cũng có vai trò nào đó. Một nhà sinh vật khác là giáo sư Vicki S.Blazer, đã khám phá 100% cá bass miệng nhỏ dọc theo sông Shenandoah River đã biến thành “intersex”. Vùng này có nhiều trại nuôi gà và bò lớn. Ngoài ra Blazer cho biết loài cá bass này hiện có hệ miễn nhiễm rất yếu ớt. Trong 2 năm 2004 và 2005, có đến 80% loài cá bass miệng nhỏ ở sông nói trên chết. Giáo sư Blazer cho hay bạch huyết cầu của chúng đã nhận nhiều độc chất khiến chúng không sao chịu nổi. Cái nguy tiềm tàng là nhiều người uống nước từ sông ngòi đã được xử lý. Các thành tố EDCs đã tác động vào cá, rất có thể sẽ tác động vào hệ nội tiết của cơ thể người. Vào tháng 9 năm 2009, lần đầu tiên cơ quan EPA về môi trường đã liệt kê ra 9 hormones có thể là chất lây nhiễm trong nước uống của chúng ta, nhưng EPA không kết luận là liệu lượng của chúng có nguy hiểm hay không. Mae Wu, chuyên gia thuộc hội đồng Natural Resources Defense Council, nhận xét: “Một hóa chất thì có thể không sao, nhưng hàng chục hóa chất là chuyện khác chứ. Chúng ta không biết chúng tác động ra sao đến con người”. Chỉ cần nghĩ tới việc vì hóa chất mà cá đổi giống trong sông ngòi cũng đủ con người phải ưu tiên tẩy sạch nước lấy từ sông để uống rồi. Nếu không…
|