Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Ra đi để lại con đường

Ra đi để lại con đường PDF Print E-mail
Tác Giả: Giao chỉ, San Jose   
Chúa Nhật, 14 Tháng 3 Năm 2010 21:14

 Yêu là không bao giờ phải nói lời tiếc nuối. Love means never having to say you’re sorry

 Chuyện tình
Nhà văn Hoa Kỳ Erich Wolf Segal sinh năm 1937 mới qua đời tháng giêng năm nay 2010, hưởng thọ 73 tuổi. Ông để lại nhiều chuyện tình nhưng tác phẩm danh tiếng nhất là cuốn Love Story xuất bản năm 1970. Thời gian đó ông Segal làm cho hãng phim Paramount và đã viết chuyện phim này. Câu chuyện tình học trò giữa cô cậu sinh viên cùng 24 tuổi. Ðang thơ mộng trẻ trung nhưng chợt cô vợ trẻ bị bệnh ung thư máu và chết trên tay người tình. Nội dung hết sức đơn giản, đối thoại trong sáng tự nhiên và lôi cuốn. Không có tình tiết éo le. Không phải chuyện của anh hùng kỳ nữ, nhưng mà hấp dẫn lạ lùng.

Thấy cốt chuyện hấp dẫn, hãng phim yêu cầu tác giả viết thành tác phẩm xuất bản sách để sau đó lấy ra làm phim. Quả nhiên Love Story trở thành “Best seller” của văn học Hoa kỳ vào mùa Valentine 1970. Dịch ngay ra hơn 20 ngôn ngữ và quay thành phim phát hành cuối năm 1970.                                            
Năm đó tuổi trẻ Saigon đặc biệt các nữ sinh viên đọc truyện và coi phim nước mắt chảy dài trên má đỏ môi hồng. Quí vị tuổi 20 thời đó bây giờ đã chuẩn bị lãnh tiền già tại Hoa Kỳ hẳn còn nhớ câu di ngôn tình yêu do tác giả Erich Segal đã viết: 

 Love Story 1970 
Yêu là không bao giờ phải nói lời tiếc nuối. Love means never having to say you’re sorry.
Segal viết nhiều chuyện tình nhưng khi ông chết đi chỉ để lại với lòng thương nhớ của độc giả qua một cuốn sách mỏng và 1 chuyện phim bất hủ. Chuyện Tình, Love Story.

Đồng thời ông cũng để lại một tên bệnh gây thắc mắc cho mọi người. Bệnh ung thư máu. Căn bệnh đã giết chết cô vợ sinh viên và làm thắt ruột thắt gan của tuổi trẻ trên thế giới đầu thập niên 70.

Bệnh ung thư.
Bây giờ 40 năm sau, tôi có dịp gặp lại căn bệnh quái ác này trong các tin tức của cộng đồng chúng ta. Mấy tháng trước tôi có dịp viết về một bệnh nhân là cô Michelle từ khi còn sống và đang đấu tranh với bệnh ung thư máu cho đến ngày cuối cùng. Tôi lại viết thêm một bài đám tang của cháu.
Tiếp theo lại viết đến câu chuyện cô bác sĩ Lâm Việt, hiện nay cũng đang chống đỡ trong đau thương chưa biết tương lai sẽ ra sao. Hàng ngày Lâm Việt, cô gái Việt Nam của quê hương Mũi Né Phan Thiết, tốt nghiệp bác sĩ tại Hoa Kỳ vẫn phải tự nhủ lòng: Tôi ơi đừng tuyệt vọng. 
 
 Xem ra cuộc đời chúng ta phải trải qua con đường Sinh Lão Bệnh Tử. Rồi trước sau ai cũng ra đi, nhưng sinh ra mà chưa Lão đã gặp ngay đoạn trường...Bệnh rồi Tử thì quả là bất công đối với tuổi hoa niên biết chừng nào!
Dường như, trong cơ thể và đầu óc của con người ai cũng có 2 mầm bệnh đang chờ. Bệnh tâm thần và bệnh ung thư.
Ai may mắn thì đã sống đủ lâu dài và ra đi trước khi hai bệnh tâm thần và ung thư phát hiện trong hình hài trần tục.
Vấn đề là, ra đi để lại điều gì?

Ra đi để lại con đường:

Michelle là cô con gái của chị Hoàng Mộng Thu, một người chủ trương nhóm Tình Thương hoạt động xã hội tại San Jose từ nhiều năm qua, Michelle bị bệnh ung thư máu sau khi tốt nghiệp đại học năm 25 tuổi. Hơn 2 năm đấu tranh đương đầu với bệnh ung thư máu, sau cùng cô đã buông suông hai tay. Dặn dò thân quyến tiếp tục cuộc chiến với bệnh nan y để mở sinh lộ cho các bệnh nhân xếp hàng sau cô. Ra hiệu cho em gái, nhỏ những giọt thuốc an thần lần cuối, và Michelle nhắm mắt lìa trần

Tháng 4 năm nay một dự án luật mang tên cô, nguyên văn Michelle Maykin Memorial Donation Protection Act sẽ được quốc hội California đem ra bỏ phiếu và nhiều hy vọng sẽ thông qua với đa số tuyệt đối. Hôm đó là ngày 14 tháng 4-2010, một ngày dài. Hạ viện sẽ thông qua rồi đến Thượng viện. Mong rằng sẽ không có tranh cãi phiền phức vì linh hồn Michelle sẽ trở về chứng giám cuộc bỏ phiếu thuận theo ước nguyện của cô.

Act SB 1304 California.
Dự án luật mang số 1304 có tên cô gái Michelle chết năm 2009 lúc 27 tuổi sẽ được ghi lịch sử ra sao? Có lẽ chúng ta cũng nên duyệt lại bởi vì đây là lần đầu tiên tại California sau 35 năm định cư mới có một đạo luật mang tên cô gái con của bà mẹ Việt Nam.
 
Michelle 2005
Câu chuyện tương đối giản dị nhưng mang một ý nghĩa tinh thần rất đặc biệt, Năm trước, một bác sĩ Việt Nam có con trai bị bệnh ung thư máu. Trong danh sách thử nghiệm, ông cảnh sát Mỹ trên Seattle có máu trùng hợp. Ông cảnh sát đồng ý hiến tủy để cứu cậu bé Việt Nam. Xin nghỉ một vài tuần để làm công việc nhân đạo. Luật chính phủ không cho nghỉ có lương. Chuyện một vài ngày nghỉ không lương là chuyện nhỏ, nhưng nhân viên công lực đi làm công tác nhân đạo, có lẽ chính phủ cũng nên tiếp tục dành cho các quyền lợi xứng đáng. Từ câu chuyện phiền phức nầy, tiểu bang Washington ban hành luật cho phép nhân viên được nghỉ có lương nếu đi hiến tủy cứu người mang bệnh ung thư.
Tiếp theo với sự vận động của bà mẹ Hoàng Mộng Thu và cô gái Michelle, Thành phố San Jose cũng có luật cho phép tương tự. Tuy nhiên tất cả chỉ giới hạn trong phạm vi nhân viên của thị xã. Luật do ông Dave Cortese lúc đó là Phó Thị Trưởng đề nghị.

Nhưng cuộc đấu tranh không dừng lại tại đây. Michelle chết đi để lại cho mẹ Thu một sứ mạng để đi trọn đường trần. Cô muốn rằng luật phải áp dụng rộng rãi cho toàn thể tiểu bang California.

The Golden State:
Chôn cất xong đứa con gái thân yêu, chị Hoàng Mộng Thu tất tả ngược suôi miền Bắc Cali để tìm đường mở lối. Duyên may cùng với tấm lòng thương con gái, chị đã gặp được nhà báo Mỹ thông cảm và chân trời hy vọng đã có đầy ánh sáng. Bà ký giả Hoa Kỳ cảm thông câu chuyện của bà mẹ Việt nam với nước mắt đầy vơi, đã viết lại chuyện Michelle và thảo luôn cả dự luật. Cả hai lại đem dự thảo lên gõ cửa thượng viện và hạ viện Sacramento. Sau cùng thượng Nghị Sĩ Mark Desaulnier’s đã nhận đỡ đầu cho đạo luật mang tên Michelle áp dụng cho toàn thể công tư sở thuộc tiểu bang vùng California. Rồi đây tất cả các nơi có trên 15 nhân viên đều phải dành mọi quyền lợi và cộng tác chặt chẽ khi có người đi làm công việc từ thiện như tiếp máu, hiến tủy vv......

Contra Costa Times.

Báo chí và Radio Hoa Kỳ tại địa phương bắt đầu loan tin tức về đạo luật mới sẽ ban hành. Tờ báo Contra Costa Times kể rằng dự luật đề nghị bởi 1 phụ nữ Việt Nam đang làm chuyên viên tại nhà thuốc Walnut Creek tên là Hoàng Thu. Bà đã đề nghị nhân danh người con gái Michelle 27 tuổi chết vì ung thư máu. Dự luật này sẽ giải tỏa phần nào những khó khăn trong việc kêu gọi tham dự vào việc cứu người trong y khoa như việc cho máu, hiến tủy vv...

Thượng nghị sĩ California đã lên tiếng ca ngợi bà mẹ Hoàng Mộng Thu và hân hạnh đỡ đầu cho dự luật mang tên con của bà. Michelle là cô gái quả cảm đã đấu tranh với nụ cười cho đến giờ phút cuối cùng. Cô đã để lại con đường cho mẹ Thu đi nốt sứ mạng đấu tranh với định mệnh mà cô đã đứt gánh giữa đường.

Trong lịch sử cộng đồng Việt Nam suốt 35 năm qua, đây là lần đầu tiên với tư cách công dân Hoa Kỳ, một phụ nữ Việt Nam đệ trình dự án để sẽ thành luật của tiểu bang vàợng nước Mỹ. Chị Hoàng Mộng Thu từ suốt 2 tuần qua cho đến ngày điều trần tháng 4 năm 2010 tại Sacramento đang tất tả đi lấy chữ ký xin đồng bào. Chị rất cần thêm sự hỗ trợ tinh thần cho dự luật mang tên thân yêu của con gái Michelle. Chắc chắn ngày 14 tháng 4 năm nay Michelle của chị sẽ trở về trong nhà vòm quốc hội của California.

Michelle con ơi! Con đi để lại cho mẹ con đường ...