Tháng Tư, nói chuyện thuế |
Tác Giả: Lê Phan | |||
Thứ Tư, 21 Tháng 4 Năm 2010 16:06 | |||
Ngày khai thuế ở Hoa Kỳ đã qua và chắc hẳn quí độc giả không muốn nghe chuyện thuế nữa, nhưng thuế nhiều khi cũng lý thú lắm. Xin ghi lại vài chuyện ngộ nghĩnh về thuế để mua vui. Bình thường, Sở Thuế chỉ thích lấy thuế, nhưng Sở Thuế của xứ Ireland nghệ sĩ lại rất rộng lượng. Ở Cộng Hòa Ireland, những người sau đây không phải trả thuế trên những sản phẩm của mình: Các tác giả, các kịch tác gia, các nhà văn, các nhà soạn nhạc, các họa sĩ, các nhiếp ảnh gia, và các điêu khắc gia. Trong Luật Thuế của nước cộng hòa này, có một điều khoản miễn thuế cho việc bán các sản phẩm nghệ thuật. Ðưa vào luật từ năm 1969 bởi ông Charles Haughey, lúc đó là bộ trưởng Tài Chánh, luật này được tạo nên với mục đích được nêu rõ là để giúp những nghệ sĩ đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Có điều, không phải nghệ sĩ nào cũng túng thiếu. Sau khi bị phê bình là những nhóm như nhóm nhạc rock U2 chẳng trả đồng nào thuế lợi tức trên số tiền nhiều triệu Euros họ kiếm được, luật được sửa đổi năm 2006, chỉ cho phép ai có lợi tức từ 250,000 Euros trở xuống được miễn thuế. Năm ngoái, một bản phúc trình của Ủy Hội Thuế Vụ của Cộng Hòa Ireland đã nói việc miễn thuế này không công bằng, nhưng cố gắng hủy điều khoản này đã bị một cuộc trưng cầu dân ý bác bỏ. Thành ra, những nghệ sĩ nghèo nên tìm tới Cộng Hòa Ireland. Xứ sở của James Joyces quả vẫn còn có tinh thần trọng văn chương chữ nghĩa. Nhưng không phải Sở Thuế nào cũng rộng rãi như Sở Thuế ở xứ Ireland. Nếu quí vị có thì giờ ghé thăm Anh Quốc, đi về một số thành phố cổ của Anh, quí vị sẽ thấy có những cửa sổ mà không phải là cửa sổ. Người ta vẽ một khung cửa sổ, có khi còn vẽ cả những cành hoa bao bọc quanh, trông rất đẹp mắt, nhưng không phải là cửa sổ vì đã bị bịt kín không mở ra được. Lý do là vì dưới thời ông William Pitt the Younger, tức là ông con của ông William Pitt, làm thủ tướng, ông thủ tướng trẻ tuổi nhất của nước Anh, ông thủ tướng đã tính chuyện đánh thế cửa sổ. Cũng phải nói ngay là ông thủ tướng có lý do để tính thuế cửa sổ có kiếng vì thời đó nhà có tiền mới làm được cửa kiếng. Làm thủ tướng cho Vua George III vào lúc mà tài chánh quốc gia cạn kiệt vì cuộc chiến mong duy trì được thuộc địa Hoa Kỳ, ông phải tìm cách tăng thuế. Ðây thực sự là một hình thức thuế rất tiến bộ vì chỉ nhắm đánh vào nhà giàu. Thuế này có hai phần, một là thuế đánh trên mọi nhà đồng đều, tuy nhiên, những căn nhà nào có trên 10 cửa sổ phải trả thêm gấp đôi và cứ thế lũy tiến. Nhà càng lớn, càng giàu có, càng nhiều cửa sổ thì càng phải đóng thuế nhiều. Sắc thuế này tuy vậy bị chỉ trích rất nhiều. Các chính trị gia đối lập hò hét bảo ông thủ tướng đánh thuế trên “ánh sáng và không khí” của người dân. Khi sắc thuế này đến Tô Cách Lan, dân chúng chống lại bằng cách bịt kín cửa sổ hay bôi đen cửa sổ nhà mình lại. Những cánh cửa sổ đó được gọi là “Tranh của ông Pitt.” Tội nghiệp cho là ông thủ tướng mà sự nghiệp lẫy lừng vẫn còn ghi trong sử sách nước Anh cũng là người nổi tiếng là thanh liêm. Khi ông chết, còn nợ đến 40,000 bảng Anh, một con số khổng lồ ở thời chiến tranh Napoleon. Quốc Hội và dân chúng thương ông nên quốc gia đã trả nợ cho ông. Nhưng ngày nay người ta chỉ nhớ đến ông như là ông thủ tướng đánh thuế cửa sổ. Nói chuyện thuế lạ thì không phải chỉ có Anh Quốc mới có những sắc thuế kỳ lạ. Ngay ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nhiều tiểu bang cũng có lắm sắc thuế vô cùng quái lạ. Ở Maine chẳng hạn, nếu bạn thích cái món blueberry, tức là quả sim mà nhà thơ Hữu Loan thích màu hoa, thì bạn sẽ phải chịu thuế. Bất cứ ai trồng, mua, bán, di chuyển hay chế biến blueberry ở tiểu bang cũng phải chịu 1 penny rưỡi tiền thuế mỗi pound trái sim. Ở Maryland, từ năm 2004, người dân phải trả tiền thuế nước thải. Món thuế này là để bảo vệ nguồn nước cho Vịnh Chesapeake nổi tiếng. Tiểu bang đã thêm 2.50 đô la cho tiền thuế cống nếu ai muốn thải nước vào cống thành phố. Thôi thì chịu thêm vài đồng thuế để bảo vệ cua Chesapeake Bay thì cũng đáng lắm chứ. Tờ Foreign Policy còn cho biết là năm ngoái, trong lúc cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang trong trầm trọng nhất, chính phủ Trung Quốc cần tiền quá, nhân dịp Tết Trung Thu, nhà nước bèn tìm ra là họ có một sắc thuế đánh trên bánh trung thu. Thế là ông sở thuế cho điều tra 3,100 lò bánh trung thu và khám phá ra là họ thiếu thuế lên đến 30 tỷ nguyên. Nhưng ở Thụy Ðiển, quốc gia của truyền thống cởi mở ở Bắc Âu, ông sở thuế lại tìm được nguồn tiền thiếu thuế ngoạn mục hơn. Số là ngày càng nhiều cô nghệ sĩ khỏa thân tìm lên trình diễn online. Các cô kiếm được khách và khách cũng vui vẻ. Có điều các cô quên mất đóng thuế. Trả lời cho đài BBC, ông Dag Hardyson, đứng đầu cuộc điều tra, nói là lúc đầu khi sử dụng một chương trình điện toán tìm tự động thì không sao nhận diện được các cô trốn thuế cả. Nhưng khi nhân viên của ông bắt tay vào tự làm thì tìm ra vô số. Và sau cùng, nghe đâu các ông sở thuế đã thu hồi được 40 triệu đồng kronor tiền trốn thuế của các cô (cỡ 5.5 triệu đô la)! Ở Hoa Kỳ, trong mùa khai thuế, nghe đâu dân chúng cũng có nhiều “sáng kiến” về những khoản để được miễn thuế. Có người khai cả xin miễn thuế vì nuôi con đà điểu, có người thì bảo là vì đã phải chi nhiều tiền mua thức ăn cho chó. Có người còn bảo vì đã rộng rãi cung cấp tinh trùng cho thiên hạ. Nhưng tất cả những lý do đó hẳn là thua cô Maaike Buurman, học viên của Học Viện Heksehoeve. Nếu quí vị không đọc được cái tên đó thì xin giải thích, theo tiếng Hòa Lan, cái tên đó là “trang trại của phù thủy.” Ðược biết cô Buurman nói là khóa học cô theo là để giúp cô “mở rộng kiến thức chuyên môn,” thành ra cô được quyền miễn thuế. Cô Buurman nói là cô theo học tại “học viện” đó là vì nó giúp cô dạy môn sử thời Trung cổ. Ai cũng biết đó là cái thời người ta đốt nhiều phù thủy và làm nhiều vụ “witch hunting- săn phù thủy” lắm, thành ra cô Buurman muốn tìm hiểu về phù thủy cũng phải thôi. Ông sở thuế đành chịu thua. Tuy không hiểu khóa một năm dạy phù phép đó có giúp gì trong việc này hay không! Câu chuyện thuế má nòi hoài không hết nhưng khuôn khổ trang báo có hạn thành ra xin tạm chấm dứt ở đây.
|