Năm mèo nói chuyện mèo, mèo tốt lẫn mèo xấu đều có ở nơi con mèo.
|
Mèo có khi được cưng cũng có khi được dùng ví von chuyện tình ái lăng nhăng. Nói về mèo có thứ mèo lại hoàn mèo, có thứ lại trở thành linh miêu. Gẫm suy chuyện mèo để nói chuyện người cũng là đề tài để nói.
Con mèo cùng với con rắn bị chê trách trong thế giới Phật, đã không mảy may xúc động trước sự từ trần của Phật. Nếu nhìn theo cách khác, con mèo đã biểu lộ sự anh minh siêu việt, chuyện chết là lẽ đương nhiên thường tình, dùng ánh mắt khô lệ để đón nhận của sự kiện xảy đến. Người xưa cũng đã nói: Biết chết thì biết sống, chết để sống, chứ không sống để chết, Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô viết: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”, đó là kinh nghiệm sống để tới kinh nghiệm chết: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Tại Ấn độ, người thấy đâu đó, con mèo khổ hạnh biểu lộ cho phúc lạc của thế giới động vật. Người Ai Cập cổ rất quý mèo, họ tôn thờ vị nữ thần Bastet (hay Pasht) có đầu là đầu mèo, vị thần ban phúc và bảo hộ cho con người. Người ta cũng đã tìm ra tàn tích của ngôi đền thời Ptolemaic tại Alexandria - thành phố cảng nằm dọc theo bờ Địa Trung Hải. Con Mèo biểu trưng cho sức mạnh và sự khéo léo phục vụ con người, giúp con người chiến thắng kẻ thù ẩn nấp. Nhiều bức tượng mô phỏng thần mèo Bastet đã được tìm thấy trong ngôi đền, điều đó chứng tỏ đây có thể là ngôi đền đầu tiên thời Ptolemaic thờ thần mèo được phát hiện ở Alexandria. Mèo được phong thần bởi vì có công đuổi lũ chuột phá hoại mùa màng, nhất là vựa lúa bên dòng sông Nil. Con người nếu để lại những công đức cho đời, cũng được tôn vinh, cũng được người đời nhắc đến, ghi ơn.
Tại Campuchia, con mèo được kiệu trong lồng, vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa. Dân làng tưới nước trên nó, kêu meo meo theo tiếng của nó để động lòng thần Indra mà ban mưa cho họ. Trong chiều kích này, mèo tượng trưng cho hạn hán, sự khô cằn, hay thuộc về cõi hỗn mang, chưa được thần linh tác động. Con người cũng thế, nếu thiếu vắng thần linh trong cuộc đời, cằn cỗi và ác độc làm chủ trong cuộc đời họ. Con người cần phải có Thiên chúa, Thần linh vượt mọi thần linh làm chủ cuộc đời. Thiếu vắng
Thần Linh con người sống như lũ mèo hoang.
Tranh châm biếm Việt nam biến con mèo thành biểu tượng của ông quan tham lam trong bức tranh “Đám cưới chuột”. Bởi chuột là loài bị mèo sát sinh nên muốn đám cưới của chuột suôn sẻ thì cần phải đút lót cho mèo. Cung kính, trật tự, ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau, hân hoan và vui vẻ, tiến dâng cho mèo, mèo mới nhận. Đút lót mà còn đòi lễ nghĩa, thật quá đáng đối với loài thấp bé. Trong đời thường nó là như vậy, nên chỉ có người thấp cổ bé họng mới thấy hết nỗi tủi nhục, mà có ai nhỡ hỏi thì vẫn cười nói hạnh phúc, an vui. Mèo dù sao đi nữa vẫn được nhiều người yêu mến, dù đó là mèo đen có những thuộc tính ma thuật, bởi vì vốn nó là loài ăn thịt nhưng lại trở thành vật nuôi trong nhà, hiền lành và đôi khi nũng nịu với gia chủ, nhanh nhẹn và nhẹ nhàng trong bước đi và ngay trong bước nhảy. Có thể thấy đó là những nét thanh cao của con người đã tu luyện chính mình, xem cuộc đời tranh giành, đua chen như rơm rác, thản nhiên sống cuộc đời không phiền muộn, âu lo. Nhẹ nhàng khoan thai trong khi bao người sống vội, yêu cuồng, tận hưởng niềm an vui cuộc đời trong sự thanh cao không tỳ ố.
Những hình ảnh về những con mèo dễ thương luôn làm tươi trẻ tâm hồn, một chút gì đó ngây ngô dễ thương, một chút gì đó êm ả giữa bụi trần. Con đường tu luyện bản thân, đó là con đường chắc chắn để hưởng niềm vui. Thăng tiến đường đạo hạnh là chắc chắn an vui. Hãy trở về với đơn sơ và thật thà.
|