Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời ĐẤT NƯỚC TÔI CÓ NHIỀU CÁI LẠ

ĐẤT NƯỚC TÔI CÓ NHIỀU CÁI LẠ PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Tất Tiến.   
Thứ Hai, 13 Tháng 6 Năm 2011 06:04

 
 
Cách đây vài năm, một danh từ mới đột nhiên xuất hiện trên các trang báo và trên đài phát thanh, truyền hình

 của nhà cầm quyền: “Tầu Lạ”! Danh từ mới này được dùng để chỉ những chiếc tầu “lạ” đến tấn công các tầu đánh cá Việt, tịch thu dụng cụ đánh bắt cá của ngư dân Việt, đâm chìm tầu Việt, bắn giết ngư phủ Việt, và còn bắt cóc rồi đòi tiền chuộc mạng.

Dĩ nhiên, địa điểm để mang tiền đến nộp hầu chuộc mạng ngư dân về đều đã được thông báo đàng hoàng trên văn bản, nhưng vì lý do nào đó, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam vẫn cho là họ dùng tiếng “lạ”, nên không hiểu. Nguyên cả một tập đoàn cầm quyền có hàng ngàn, hàng vạn Tiến Sĩ có bằng cấp được phát từ các trường “học đại” trong nước hay từ các đại học nước ngoài nơi có thông dịch viên tiếng Việt dịch giùm cho các Tiến Sĩ khi thi lấy bằng, đều không hiểu cái tiếng “lạ” kia nói gì, viết gì, nên vẫn tiếp tục dùng hai chữ  “Tầu Lạ” để tiếp tục nói về những chiếc tầu có vũ khí tiếp tục đàn áp ngư dân mình, cấm đoán ngư dân mình ra biển.

Từ sự chính thức hóa của nhà nước, một danh từ khác được dân chúng bổ xung thêm để chỉ một giống người xuất hiện đông đảo trên đất của nước ta: “Dân Lạ!” Tuy hình dáng, tướng vóc, và tiếng nói, cũng như cách hành xử của giống “Dân Lạ” này đã được dân ta nhận diện từ mấy ngàn năm trước, nhưng vì nhà nước, có lẽ quá sợ hãi trước sức mạnh của giống dân ấy, nên đã thần thánh hóa từ ngôn ngữ đến con người của họ, và tuyên bố với dân chúng rằng “đó là giống dân lạ, chủ nhân những chiếc tầu lạ, cho nên Nhà Nước chào thua!”

Bên cạnh các nhóm “dân lạ”, lại có danh từ “hàng lạ” để chì những hàng hóa được vận chuyển kìn kìn công khai qua cửa ngõ “Hữu Nghị Quan”, hoặc chở bằng xe hỏa, xe hơi, tầu thủy, máy bay tràn ngập Việt Nam. Những món hàng này không cần khai quan thuế, không cần kiểm nghiệm, cứ “tự nhiên như người Hà Lội”, xâm nhập kinh tế Việt Nam, làm cho hàng hóa nội địa ngắc ngoải.

Công An Bảo Vệ Kinh Tế 1,2,3,4,5, Công an khu vực, Công An Biên Phòng, Công An Hải Quan, Công An Bảo Vệ Chính Trị, Công An Thành Phố, Công An Phường, Công An Quận, Công An Giao Thông… tất cả các loại Công An đều im thin thít trước các kiện hàng “lạ” này, không một ai dám giơ cái dùi cui cao su lên để hỏi giấy tờ cả. Những cái gậy cao su, súng ngắn, súng dài, hay còng số 8 trang bị cho Công An chỉ để dùng với người dân Việt mà thôi, còn với “dân lạ, hàng lạ, tầu lạ” thì bỗng nhiên súng kẹt đạn, dùi cui cao su trở thành mềm nhũn, giơ lên không được, còng số 8 thành đồ chơi con nít.

Vì thế các “hàng lạ” vẫn theo nhau tuôn chẩy vào đất nước mình. Rồi, “văn hóa lạ” từ đó mà phát triển cực kỳ thoải mái, không như văn hóa hải ngoại bị cho là “văn hóa tàn dư Mỹ Ngụy, văn hóa độc hại, văn hóa tư bản, văn hóa tuyên truyền chống phá nhà nước…” nên cần phải cấm chỉ. Kẻ nào lưu hành các loại văn  hóa ấy liền bị trừng trị thích đáng bằng cách hình thức côn đồ, du đãng, hoặc bị tống vào tù khổ sai triền miên.

Gần đây, trong đầu tháng 6 năm 2010, một danh từ “lạ” nữa được bản tin được Nhà Nước phổ biến, đó là “hỏa tiễn lạ”: Một “hỏa tiễn lạ” đã rơi xuống thị xã An Giang làm chết 4 bộ đội và làm bị thương nhiều người khác! Quả hỏa tiển “lạ” này, nếu như ở đất nước Tự do khác, thì chỉ cần năm, mười phút tìm một mảnh vỡ là đủ biết tên của quốc gia nào xử dụng liền, nhưng như đã nói ở trên, vì nhà nước quá sợ hãi sức mạnh của “nước lạ” ấy, nên đành im re, và cho chữ “lạ” vào sau, thế là xong nợ với nhân dân!

Ngày xưa, khi mà trình độ dân trí còn kém cỏi, văn minh còn trong tình trạng chậm phát triển, các cụ mình, khi đứng trước các sức mạnh khó chống lại, đành dùng chữ nghĩa linh tinh để lấp liếm sự nhút nhát của mình. Gặp con cọp, lại gọi là “Ông Ba Mươi”. Bị cá sấu hay cá mập nuốt, lại gọi bằng “ông Hà Bá”. Trông thấy con cá voi chết, lại xúm nhau lạy, và đặt tên là “Cá Ông” rồi thờ kính. Trong làng xã, có mấy tên hung dữ, thì gọi là “ông Kẹ”. Bây giờ, thời buổi văn minh hơn, người ta nhìn lại những sự việc cũ mà buồn cười. Nhưng, thực tế đau lòng là tuy người dân đã hiểu rõ mọi vấn đề, không còn điều gì ngớ ngẩn mà không rõ, thì chính Nhà Nước, cái bộ máy cầm quyền, có hàng triệu cây súng đủ loại trong tay, có rada, có tầu ngầm, có tuần dương hạm, có máy bay vượt tường âm thanh, lại tỏ ra hèn nhát, khiếp nhược một cách vô cùng nhục nhã trước một kẻ thù phương Bắc để phải đặt tên cho chúng là “người lạ”! Tất cả những gì liên hệ đến kẻ xâm lược này đều cho thêm chữ “lạ” đàng sau, tưởng rằng như thế có thể lấp liếm được thái độ khiếp nhược của mình.

Bao nhiêu công trình đấu thầu xây dựng, phát triển đất nước đều để cho “kẻ lạ” kia trúng thầu. Rừng đầu nguồn cho “dân lạ” kia đến khai thác đến cạn kiệt tài nguyên quốc gia. Từ Bắc xuống Nam, “dân lạ”, “hàng lạ”, và “văn hóa lạ” kia tung hoàng. Thanh niên “lạ” tha hồ lấy vợ Việt, nhiều tên còn cưỡng hiếp dân làng, để đẻ con cho nhiều, hầu cấp chứng minh cho dân Việt biến thành “dân lạ” hết. Từ từ rồi giang sơn Tổ Quốc mình biến thành “đất lạ” với nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam luôn.
 
Trên một “blog” của một trí thức Việt sinh sống tại miền Bắc, đã có một bài viết rất cay đắng về sự xâm thực của Trung Cộng, được sự tiếp tay của chính Nhà Nước Cộng Sản có tiêu đề rầm rộ trên tất cả mọi văn bản: “Độc Lập –Tự Do – Hạnh Phúc” như sau:
“Người ta đưa nhiều lý do để biện minh cho việc khai thác bô xít, một nguyên nhân thuyết phục nhất là để phát triển kinh tế địa phương. Những người dân Tây Nguyên quanh năm sống trong nghèo khó, một sớm mai nghe tin có dự án, có việc làm, có cơ hội kinh doanh, dịch vụ…những cơ hội cải thiện đời sống được vẽ ra rạng ngời. Và hiện thực là tiền của đang đổ vào nơi họ sống.

Dân nào mà chả muốn, nhất là dân nghèo. Họ đâu cần biết ngày mai, hay thế hệ sau hậu quả ra sao. Bởi vì họ không tính được đến mai sau cho nên họ là dân. Còn những người ra quyết sách lớn lao đó họ có tính được không ? Tôi nghĩ họ tính được bởi vì họ nói họ khôn ngoan hơn dân, có đạo đức hơn dân. Bởi thế dân đã tin tưởng chọn họ làm lãnh đạo để ra những quyết sách”
Vị trí thức kia còn khẳng định thêm về những quan niệm của dân chúng đối với việc Nhà Nước khiếp nhược trước kẻ thù:

“Môt số người nói rằng những hành vi đang bán nước. Mới đây người ta vừa được biết có hơn 300 ngàn ha rừng đầu nguồn đã được cho Trung Quốc thuê với thời gian đến nửa thế kỷ. Lý do đưa ra vẫn muôn thưở – phát triển kinh tế khu vực. Một dự án bô xít Tây Nguyên mà dư âm phản đối còn chưa lắng đọng, lại tiếp thêm 300 nghìn ha rừng đầu nguồn. Phát triển kinh tế khu vực hay tư duy nhiệm kỳ ?
Có lẽ cụm từ ‘’ tư duy nhiệm kỳ’’ nhẹ nhàng và có phần sát với thực tế hơn là kết luận ‘’ bán nước’’.

Ở nhiệm kỳ của mình, vị lãnh đạo nào cũng muốn thể hiện được việc gì đó rõ ràng mang ích lợi về cho địa phận mình quản lý. Ở tình trạng dân chúng làm ăn tư duy manh mún, chụp giật, cán bộ dưới quyền quan liêu , năng lực yếu, bộ máy hành chính cồng kềnh những vận hành trì trệ, không ăn khớp…để giải quyết hạ tầng năng lực, tư duy ở một địa phương như vậy, nhà lãnh đạo cần bao nhiêu năm. Giải quyết vấn đề phi vật thể như vậy, công sức bỏ ra nhiều, thời gian cũng nhiều mà kết quả không thể đánh giá được ngay.

Người lãnh đạo cầu toàn thường hay chọn cho mình phương án tối ưu nhất trong thời gian mình lãnh đạo địa phương. Và cách gì thu được tiền bạc nhanh nhất là cho thuê đất, đào tài nguyên đem bán lấy tiền.? Nhất là không thể không nói đến những khoản hoa hồng cho người đặt bút ký.

Nhiệm kỳ 10 năm làm vậy, thì các lãnh đạo khác của 40 năm sau này còn gì để thuê, còn gì để khai thác.Nếu cứ tiếp tục như vậy thì chỉ thêm vài nhiệm kỳ nữa, con người Việt Nam còn chưa chắc thuộc về mình chứ đừng nói đến đât đai, tài nguyên., chủ quyền, văn hóa…..

Người ta lại có thể lý giải, nhiệm kỳ này cho thuê đất, khai thác tài nguyên để lấy vốn phát triển nội lực , sau này không phải bán hay cho thuê gì nữa. Vẫn là ngụy biện cho qua nhiệm kỳ thôi. Hạ tầng năng lực, chuyên môn, kiến thức, tư duy …con người như vậy thì tiền đổ vào thế chứ nữa cũng chỉ làm nháo nhào trương cái biển, dựng cái cổng, mua máy móc cũ vận hành loáng thoáng để chụp ảnh, quay phim lấy thành tích rồi bỏ đó, quản lý và phát triển được đâu. Cốt có lý do để mang tiền về rồi chia nhau tiêu, rồi có số liệu để nói kinh tế đang tăng trưởng….Việc này xảy ra nhan nhản ở khăp các địa phương.

Bao nhiêu tài nguyên đã ra đi để mong mỏi làm vốn liếng cho đất nước phát triển, một mỏ than Quảng Ninh mênh mông tưởng rằng vô tận. Thì ngày hôm nay điện tăng giá vì lý do than phải nhập từ Trung Quôc về giá lên. Cả một khu dầu mỏ Dung Quất, Vũng Tàu đầy tiềm năng, đầu tư không biết bao nhiêu mà giờ để xăng, dầu tăng giá với lý do nhập khẩu dầu thế giới tăng. Chúng ta khai thác tài nguyên lấy vốn để giờ chúng ta vượt xa Căm Pu Chia những 20 năm. Tự hào chăng ?

Giờ đang còn nhiều tài nguyên nữa đang và chuẩn bị ra đi để đổi lại cho đất nước, con người Viêt Nam này là gì ?”

Thật đau xót cho giang sơn mà Tổ Tiên ta đã gầy dựng hơn 4000 năm nay, với bao chiến công lẫy lừng trong sử sách thế giới. Trần Hưng Đạo đã được liệt kê vào danh sách cách chiến tướng vĩ đại nhất trong Thế Giới Sử. Trần Thủ Độ với câu nói bất hủ: “Bệ Hạ muốn hàng, xin hãy lấy đầu thần đi đã”.  Lý Thường Kiệt với bài thơ “Nam Quốc sơn hà, Nam Đế cư” cùng với công trình đánh đuối quân Thanh của Hai Bà, của bà Triệu, của Quang Trung Nguyễn Huệ và hàng triệu triệu dân Việt nay sắp đi vào quên lãng bởi sự đê hèn của nhóm cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.
 
Nhưng với ý chí của những người dân Việt chân chính, chúng ta vẫn cầu xin Tổ Tiên gia hộ cho đất nước chúng ta có ngày thoát khỏi nạn cai trị của bọn cầm quyền khiếp nhược kia. Cầu xin cho chúng ta và con cháu không bao giờ phải nhìn quê hương mình như một miền “đất lạ” cai trị bởi một nhóm “người lạ”.
Cầu mong có ngày trở về hôn lên mảnh đất yêu quý ngàn năm kia, hôn lên từng khóm cây, ngọn cỏ, uống chút nước trong dòng sông quê hương, nghe những câu hát hò ngọt ngào len qua khóm trúc, và tận hưởng không khí trong lành của đồng ruộng xanh tươi cánh cò dào dạt….Cầu xin cho ta được mãi mãi là người Việt Nam, máu đỏ da vàng, yêu quê hương như yêu hơi thở và trái tim của chính mình.