Lương thiện: một đóa hoa lòng |
Tác Giả: Trịnh Thanh Thủy | |||
Chúa Nhật, 05 Tháng 7 Năm 2009 21:14 | |||
Chiều nay trên đường lái xe về nhà lòng tôi xôn xao gió. Hoa Đỗ Quyên trắng, tím, hồng dịu dàng nở. Hàng Phượng tím thả đầy những cánh nhẹ đùa với nắng. Tôi vui vì vừa thấy được một đóa hoa lòng. Trong đời sống mỗi chúng ta, hiếm khi trời cho duyên gặp những đóa hoa lòng nên tôi trân quý chúng lắm. Nhất là lúc “người khôn của khó”, lại rơi vào buổi kinh tế tuột dốc không phanh, quyền lợi con người và mãnh lực đồng tiền bỗng trở nên ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống thường nhật. Đoá hồng tôi nhặt hôm nay có thể là đoá hồng các bạn nhặt được hôm kia hay ngày mai, ở bất cứ đâu trên quãng đường bạn đi qua. Nó tuy nhỏ bé, có thể không giá trị với các bạn nhưng theo tôi nó là một đóa hồng đẹp của một người Việt biết làm thương mại, biết đầu tư “tình người” vào công việc của mình. Điều đáng nói nhất là tính thẳng thắn, chân thật trong việc cư xử với khách hàng. Theo tôi sự thật thà là điều cần phải có để mà tôi thấy nhiều nơi, nhiều thương hiệu nhất là các cửa hiệu chuyên sửa xe đã cố tình bỏ quên nó. Sau giờ tan sở, trước khi về nhà tôi tà tà lái xe qua một đoạn đường thương mại có nhiều shop sửa xe của người Việt. Thấy một cửa hiệu Auto body, tôi liền ghé vào. Đã từ lâu, vì một hôm de xe bất cẩn tôi làm cái bumper sau, đụng vào hàng rào. Thùng xe thụng lại chút xíu khiến những con ốc nhựa gắn thùng xe và bumper văng ra. Những lỗ tròn để tra chúng vào bị lệch, ốc lạc khỏi ổ. Tôi ráng nhét những con ốc vào, lâu lâu chúng lại văng ra vì sái khớp. Tôi sợ bumper không được kềm chặt với ốc, có ngày sút ra và rụng xuống đường như cua rụng càng. Tôi hỏi người thợ sửa xe có chịu làm việc tu sửa nho nhỏ này không? Ông trả lời có, rồi bảo “Tôi phải kéo cái dàn (frame) xe này ra cho hai cái khung ăn khớp vào nhau mới gắn ốc lại được, tôi tính 300 đô”. Tôi nói “trời ơi cái này anh đẩy vào chút xíu rồi ráp lại cho tôi bằng vài con ốc thôi, tôi không cần kéo frame lại đâu, xe tôi cũ rồi, trị giá đâu có bao nhiêu, anh tính rẻ dùm đi mà” . Ông ta nói “Phải kéo ra mới làm được, mất nhiều công lắm” Nhân tiện tôi nhờ ông ta xiết lại cái bumper phía trước cũng bị sút ốc ra. Ông ta đòi thêm 35 đồng. Tôi lái xe đi, bảo sẽ suy nghĩ lại. Tôi tiếp tục lái đi tìm một shop khác. Tới một shop trông thật sang và lớn tôi chạy vào. Một người con trai dáng mạnh khoẻ bước ra. Tôi hơi ngại và hỏi anh có giúp tôi sửa việc này được không ? Sau khi nghe tôi trình bày, anh nói đưa chìa khóa cho anh, anh lái vào shop và giúp tôi. Anh lấy một cái xà beng thọc vào mấy cái lỗ bỏ ốc nậy nậy cho chúng ăn khớp với nhau chỉ trong vòng 5 phút. Anh nhét mấy cái ốc nhựa tôi đưa bỏ vào lỗ, tuy nhiên chúng đã bị hư. Anh bước vào trong đem ra mấy con ốc nhựa và bảo mấy con ốc này cũng mắc lắm, hai đồng một con đấy. Anh lại lấy ốc và đinh gắn lại cái bumper trước cho tôi. Tôi hỏi anh bao nhiêu tôi trả, anh lắc đầu, thôi làm giúp cô, việc nhỏ tôi không lấy tiền. Tôi tròn mắt ngạc nhiên nói “anh mở shop phải trang trải tiền nhà, tiền công không nhiều thì ít cũng phải lấy tiền công chứ?” Tôi mở bóp lấy một số tiền dúi vào tay anh ta. Anh nhất định không lấy “ở đây tôi chỉ lấy tiền công việc lớn, mấy việc nhỏ này tôi làm giúp cô, chỉ nhờ cô quen biết ai muốn sửa xe giới thiệu lại đây giúp tôi được rồi”. Tôi đành cám ơn rồi ra về. Trên đường về, tôi không thấy mừng vì được miễn trả tiền mà lòng lại canh cánh nặng vì phải mắc nợ một người. Tôi tự nhủ mình phải tìm khách hàng giúp anh và nếu có dịp sẽ trở lại lần khác, hy vọng cửa tiệm anh ta còn chưa đóng cửa. Tôi không biết sự lương thiện trong việc làm ăn có đem lại nhiều thành công trong thương trường không nhưng tôi thật lòng mong những người làm ăn lương thiện được gặp may. Trong khi ngược lại những kẻ dối trá lại mau giàu nhờ những mánh khoé thương nghiệp. Cách đây một năm tôi có đem xe mình đi tune-up thay mấy cơ phận cần thiết khi xe đã đạt 90,000 miles. Tôi vào shop thấy một thanh niên còn rất trẻ đang ngồi học bài tại bàn. Sau khi xem xe cho tôi anh bảo, xe tôi còn có thể chạy đến hơn 100,000 miles mới cần thay đồ mới và khuyên tôi trở lại khi xe đạt tới số miles ấn định. Anh cắt nghĩa loại xe tôi là loại xe tốt, sách nói có thể chạy hơn 100,000 miles mới cần thay. Anh thêm “Em thà ngồi xem sách, không có việc làm hơn là dối trá với khách hàng, em có thể làm việc này ngay cho chị để lấy tiền, nhưng chị có thể chạy thêm hơn 10,000 miles nữa, tại sao mình không giúp khách hàng tiết kiệm?” Tôi ra về với lòng cảm mến sự thành thật của thanh niên này. Khi xe đạt số miles cần thiết tôi trở lại thì shop của anh đã đóng cửa. Lòng tôi chơi vơi vì mất một thương nghiệp dịch vụ lương thiện. Tôi hy vọng tiệm anh đóng cửa vì một lý do khác, không phải vì ế khách. Xưa nay người thật thà, lương thiện thường chịu nhiều thiệt thòi. Chiếc xe trong đời sống chúng ta như đôi chân ai cũng cần phải có. Không may xe bị đụng hay hư hao, sự phiền nhiễu đến với ta ngay lập tức. Đem xe đi bảo trì hay sửa chữa là chuyện thường ngày ở huyện. Tìm ra một nơi sửa xe tín cẩn và thành thật là chuyện ai cũng muốn. Theo kinh nghiệm bản thân của tôi và của nhiều người, hễ đem xe tới shop sửa là các ngài Mechanic chém thẳng tay không cần thương tiếc. Muốn tiết kiệm và đỡ sợ bị lừa, người ta thường phải đi khảo giá vài nơi trước khi quyết định sửa ở đâu. Xui hơn nếu xe nằm đường, bị kéo tới shop thì coi như tiêu, thợ sửa xe có đòi bao nhiêu chủ nhân cũng è cổ ra trả nếu không có bảo hiểm. Do đó số thợ sửa xe lương thiện có lẽ không có bao nhiêu. Trong vài dịp may tôi gặp được người lương thiện khiến tôi vui. Tôi mong những cơ sở thương mại của người Việt mình ngày càng thành công hơn và sự thành thật, thực sự là phương châm phục vụ khách hàng như nhiều nơi từng quảng cáo. Chiều nay các bạn sẽ thấy một người lái xe với một nụ cười tươi nở vì vừa được gặp thêm trong đời một đóa hoa lòng lương thiện.
|