Home Đời Sống Tài Liệu Mỹ từng bí mật triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc

Mỹ từng bí mật triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Năm, 03 Tháng 9 Năm 2009 14:33

Để trấn an Tổng thống Rhee, Tổng thống Eisenhower quyết định sẽ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Nam Triều Tiên nhằm giáng trả bất cứ cuộc tấn công nào của Bắc Triều Tiên. Sau khi thống nhất với Chính phủ Nam Triều Tiên, Tổng thống Eisenhower giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân tại đây.


 Thanh sát viên Tiệp Khắc và Ba Lan
 buộc phải rời lãnh thổ Nam Triều Tiên
 vào năm 1956, dọn đường cho việc
Mỹ bí mật triển khai vũ khí hạt nhân
tại Nam Triều Tiên.


Chi phí cho việc tham gia cuộc chiến tranh tại Triều Tiên vào đầu thập niên 50 thế kỷ trước đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước Mỹ. Hàng năm, ngân sách liên bang đã phải chi đến 800 triệu USD (một số tiền lớn vào thời kỳ đó) cho việc duy trì sự hiện diện của gần 300.000 lính Mỹ tại Nam Triều Tiên (nay là Hàn Quốc) sau khi chiến tranh kết thúc. Để cứu vãn nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Dwight Eisenhower quyết định rút 250.000 binh lính về lại Mỹ và chỉ duy trì một lực lượng chừng 50.000 quân tại đây.
 
Quyết định này của Mỹ đã gặp phản ứng gay gắt của Chính phủ Nam Triều Tiên (NTT) do Syng-Man Rhee làm tổng thống do lo ngại lợi dụng việc Mỹ rút quân với số lượng lớn, Bắc Triều Tiên (BTT) sẽ xua quân tiến chiếm NTT. Để trấn an Tổng thống Rhee, Tổng thống Eisenhower quyết định sẽ triển khai vũ khí hạt nhân (VKHN) trên lãnh thổ NTT để giáng trả bất cứ cuộc tấn công nào của BTT. Sau khi thống nhất với Chính phủ NTT, Tổng thống Eisenhower giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai kế hoạch bố trí VKHN tại NTT thông qua ba bước:
 
1- Tìm cách giải thể  Ủy ban Kiểm soát đình chiến (NNSC) của Liên Hiệp Quốc
 
Hiệp định đình chiến được ký kết giữa các bên tham chiến tại Triều Tiên  vào tháng 8/1953 sau khi chiến tranh kết thúc, Liên Hiệp Quốc quyết định thành lập NNSC có nhiệm vụ giám sát việc thực thi các điều khoản của Hiệp định, trong đó có việc đưa vào lãnh thổ hai miền Triều Tiên các loại vũ khí và phương tiện chiến đấu. NNSC được điều hành bởi một hội đồng gồm 4 quan chức của hai quốc gia trung lập là Thụy Sĩ và Thụy Điển và hai quốc gia thuộc khối XHCN là Tiệp Khắc và Ba Lan.
 
Cho rằng việc duy trì hoạt động của NNSC sẽ gây cản trở cho kế hoạch triển khai VKHN của Mỹ tại NTT nên Mỹ đã dựng lên việc một số thanh sát viên người Ba Lan và Tiệp Khắc của NNSC khi thi hành nhiệm vụ trên lãnh thổ NTT đã hoạt động tình báo cho Trung Quốc và BTT. Sau khi vụ việc bùng nổ, Mỹ và Pháp đã gây sức ép buộc chính phủ hai quốc gia trung lập là Thụy Điển và Thụy Sĩ phải rút hết số thanh sát viên đang thi hành nhiệm vụ tại BTT về nước để phản đối việc các thanh sát viên người Ba Lan và Tiệp Khắc hoạt động tình báo. Cuối cùng NNSC đành phải giải thể vào năm 1956.
 
2- Xem xét lại Hiệp định đình chiến
 
Nhằm đạt được mục đích này, Mỹ, NTT và một số quốc gia phương Tây đã tố cáo BTT bí mật tăng cường sức mạnh quân sự thông qua sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô. Vì vậy, Mỹ đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải xem xét lại Hiệp định đình chiến để Mỹ tái vũ trang cho quân đội NTT nhằm cân bằng khả năng chiến đấu một khi xảy ra chiến tranh giữa 2 miền Nam - Bắc.
 
3- Thống nhất việc xác định thời điểm để triển khai VKHN tại NTT
 
Việc xác định thời điểm và địa điểm để Mỹ triển khai VKHN đã được bàn thảo và sau đó thống nhất trong chuyến công du đột xuất của Tổng thống Rhee đến Mỹ vào tháng 12/1957. Theo đó, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai VKHN tại 3 căn cứ quân sự Uijongbu, Anyang-ni và Kunsan theo một trình tự kéo dài từ tháng 1/1958 đến tháng 10/1964.

Một tên lửa Honest John mang đầu đạn hạt nhân được triển khai tại căn cứ Uijongbu trên lãnh thổ Nam Triều Tiên.

 Từ tháng 1/1958, những chuyến bay quân sự bí mật xuất phát từ căn cứ không quân Kadima của Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật, từ căn cứ không quân Clark của Mỹ tại Philippines và từ căn cứ Guam ở Tây Thái Bình Dương đã chuyển những VKHN đầu tiên đến hai căn cứ Uijongbu và Anyang-Ni bao gồm tên lửa Honest John mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa hành trình Matador mang đầu đạn hạt nhân, bom hạt nhân ADM và đại bác Howitzer cỡ nòng 203mm bắn đạn hạt nhân.
 
Đến tháng 5/1958, Mỹ triển khai tiếp bom hạt nhân được ném từ máy bay và từ tháng 7/1960 đến tháng 9/1963 còn triển khai tiếp loại tên lửa Lacrosse, Davy Crockett và Sergent mang đầu đạn hạt nhân. Tháng 10/1964, Mỹ còn triển khai tiếp tên lửa  Nike Hercules mang đầu đạn hạt nhân và đại bác Howitzer cỡ nòng 105mm bắn đạn hạt nhân. Tới thời điểm này, Mỹ đã triển khai tổng cộng 950 đầu đạn hạt nhân các loại trên lãnh thổ NTT.
 
Theo kế hoạch, trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ sử dụng 3 gọng kìm hạt nhân để giáng trả. Gọng kìm thứ nhất là sử dụng vũ khí hạt nhân triển khai tại 2 căn cứ Uijongbu và Anyang-ni để giáng trả; gọng kìm thứ hai là sử dụng các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom B-52 mang bom hạt nhân xuất phát từ căn cứ không quân Kunsan trên lãnh thổ NTT, căn cứ không quân Kadima trên đảo Okinawa, căn cứ không quân Clark tại Philippines và căn cứ Guam ném bom xuống lãnh thổ Trung Quốc và BTT. Cuối cùng là phóng các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân từ các tàu ngầm hạt nhân vào các mục tiêu trên lãnh thổ BTT.
 
Năm 1977, việc triển khai tiếp tên lửa Lance mang đầu đạn hạt nhân quy ước tại NTT đã gây tranh luận quyết liệt giữa Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Mỹ. Cuối cùng, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định hoãn vô thời hạn việc triển khai tên lửa Lance mang đầu đạn hạt nhân quy ước tại NTT nhưng lại được quyền phóng tên lửa Lance mang đầu đạn hạt nhân quy ước từ căn cứ Guam và căn cứ Kadima vào lãnh thổ BTT và Trung Quốc một khi chiến tranh xảy ra. Ngoài ra, Mỹ còn tiếp tục triển khai VKHN tại hai căn cứ không quân Kunsan và Osan trên lãnh thổ NTT, nâng tổng số đầu đạn hạt nhân hiện diện trên lãnh thổ NTT lên đến con số 2.000.
 
Đến năm 1990, khi Liên Xô và các quốc gia XHCN Đông Âu sụp đổ, Tổng thống Mỹ George H. Bush (Bush-cha) quyết định triệt thoái VKHN ra khỏi lãnh thổ NTT mặc cho phản ứng quyết liệt của Chính phủ NTT. Tuy nhiên, Mỹ đã trấn an NTT bằng việc đưa nước này vào danh sách các quốc gia được bảo vệ bởi chiếc ô hạt nhân của Mỹ.
 
Thực ra, trước đó từ năm 1985, trong vòng bí mật, Mỹ đã dần dần triệt thoái VKHN ra khỏi lãnh thổ NTT. Cho đến ngày 18/12/1991, Mỹ đã hoàn tất việc triệt thoái toàn bộ VKHN kết thúc quãng thời gian 33 năm hiện diện của VKHN của Mỹ trên lãnh thổ NTT.
 
Những tiết lộ đầu tiên về việc Mỹ triển khai VKHN trên lãnh thổ NTT xuất hiện trên hai số liền của báo The Washington Post vào tháng 3/1974. Nhưng khi điều trần trước Quốc hội Mỹ, tướng Creighton Abrams, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ đã chối phăng việc này. Tuy nhiên, tại phiên điều trần tiếp theo vào tháng 2/1976, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã thú nhận việc Mỹ có triển khai VKHN tại NTT nhưng với... số lượng hạn chế (!)