Home Đời Sống Tài Liệu Cuộc đào thoát không thành của điệp viên nội gián Robert Soblen

Cuộc đào thoát không thành của điệp viên nội gián Robert Soblen PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Năm, 17 Tháng 9 Năm 2009 14:30

Vào ngày 11/9/1964, Bộ Ngoại giao Anh ra thông báo rằng điệp viên nội gián người Mỹ Robert Soblen đã chết vì tự tử

 trong thời gian làm thủ tục dẫn độ từ Anh về lại Mỹ để chấp hành bản án tù chung thân mà Soblen đã bị một tòa án ở thành phố New York tuyên phạt trước đó.

Điệp viên nội gián Robert Soblen;Điệp viên nằm vùng Jack Soblen.

Cái chết của Soblen cũng làm chấm dứt cuộc đào thoát không thành của điệp viên nội gián này từ Mỹ đến Israelrồi tìm cách trốn sang một quốc gia Arập mà đích đến là Liên Xô.

Sinh năm 1900 tại Lithuanie, từng theo học chuyên khoa tâm lý tại Moskva, Soblen được nhận vào làm việc tại Viện Tâm lý quốc gia. Chính tại đây ông cùng anh trai tên  là Jack, một chuyên viên về vật lý ứng dụng, được tình báo Liên Xô tuyển dụng.

Để tránh gây nghi ngờ cho phản gián Mỹ, Soblen được lệnh quay về lại Lithuanie, trốn đến thủ đô Helsinki của Phần Lan xin tị nạn chính trị tại Sứ quán Mỹ. Sau khi kiểm tra, phía Mỹ chấp thuận cho Soblen đến định cư tại Mỹ vào năm 1940.

Nhưng phải đợi đến tháng 3/1941, Soblen mới nối liên lạc với một đường dây điệp báo của tình báo Liên Xô hoạt động tại Mỹ, do điệp viên nằm vùng có cỡ Vasily Zarubin phụ trách. Hoạt động trong đường dây điệp báo này còn có một điệp viên nội gián khác là Boris Morros, một nhà làm phim có tiếng của Hollywood.

Là một nhà khoa học về tâm lý con người nên chẳng bao lâu sau Soblen được nhận vào làm việc tại Cục Tình báo chiến lược (OSS - tiền thân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ) với nhiệm vụ kiểm tra, tư vấn tâm lý cho các điệp viên OSS chuẩn bị thi hành nhiệm vụ tại mặt trận châu Á và châu Âu.

Đây là dịp để Soblen thu thập các thông tin về hoạt động của OSS rồi tìm cách chuyển giao cho tình báo Liên Xô. Cho đến khi OSS giải thể vào tháng 9/1945, hoạt động nội gián của Soblen được giữ bí mật tuyệt đối và không hề bị phát hiện.

Năm 1948, Soblen được nhận vào làm việc tại Viện Nghiên cứu tâm lý quốc gia Rockland ở thành phố New York và chuyển sang tham gia đường dây điệp báo chuyên thu thập thông tin về các hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân và vũ khí bí mật khác của Mỹ do Jack Soblen, một điệp viên nội gián kỳ cựu làm việc cho tình báo Liên Xô phụ trách.

Năm 1954, Soblen được nhận vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Sandia ở thành phố Albuquerque, bang New Mexico. Trung tâm Sandia được thành lập vào năm 1939, thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyên nghiên cứu và thử nghiệm các vũ khí bí mật, kể cả vũ khí hạt nhân.

Chính từ Trung tâm Sandi đã tách ra hai phòng nghiên cứu cấp quốc gia khác là Los Alamos, là nơi triển khai kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân có tên gọi Manhattan và phòng nghiên cứu Livermore.

Tuy nhiệm vụ của Soblen là kiểm tra và giám định tâm lý của các chuyên viên, nhân viên trước khi họ bước vào giai đoạn thử nghiệm các loại vũ khí mới nhưng Soblen vẫn tìm cách moi thông tin liên quan đến các chương trình chế tạo vũ khí bí mật của Mỹ.

Thành công quan trọng nhất của Soblen là đã thu được rất nhiều thông tin và cả tài liệu về dự án chế tạo Cỗ máy Z, là thiết bị phát tia X lớn nhất thế giới vào thời kỳ đó, được sử dụng để thử nghiệm sức chịu đựng của con người và vật liệu trong điều kiện áp suất cao và thời tiết khắc nghiệt nhất.

Thực ra, đây là thiết bị  được  dùng để tính toán sức chịu đựng của con người và vật liệu khi bị tác động bởi một vụ nổ hạt nhân.

Hoạt động nằm vùng của Soblen chỉ bị phát hiện vào năm 1963, khi một điệp viên nội gián trong đường dây điệp báo của Jack Soblen là George Kirsten cung khai khi bị Cục Điều tra liên bang (FBI) bắt giữ.

Vào ngày 22/10/1963, FBI huy động một lực lượng hùng hậu bao vây căn hộ của Soblen tại thành phố New York và bắt giữ được điệp viên nội gián này. Đến tháng 5-1964, một tòa án ở thành phố New York đã tuyên phạt Soblen tù chung thân về tội hoạt động gián điệp cho tình báo Liên Xô.

Tuy nhiên đến tháng 7/1964, Soblen được tạm tha do bị chẩn đoán mắc chứng ung thư máu và sau khi đã đóng 100.000 USD tiền thế chân. Vào thời kỳ đó do chưa bị phát hiện nên điệp viên nằm vùng Jack Soblen đã tìm cách đưa Soblen đến Liên Xô để chữa trị, được tổ chức thành một cuộc đào thoát ngoạn mục.

Theo kế hoạch, Soblen sẽ sử dụng một giấy thông hành giả đáp máy bay đến Israel và từ Israel trốn đến một quốc gia Arập. Tại đây, tình báo Liên Xô sẽ tổ chức tiếp đón và đưa Soblen đến Liên Xô. Tuy nhiên kế hoạch này bị phá sản khi Soblen sử dụng một giấy thông hành Canada, bị bắt giữ tại Israel vào ngày 28/8/1964 và bị trục xuất về lại Mỹ.

Vào thời kỳ đó, tuy giữa Israel và Mỹ chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm nhưng Thủ tướng David Ben Gourion vẫn quyết định chuyển giao Soblen cho FBI do bị áp lực của Mỹ bất chấp phản đối của dư luận Israel.

Đến ngày 7/9/1964, hai đặc vụ FBI đã áp giải Soblen về Mỹ trên một chuyến bay của Hãng Hàng không Israel El Al. Tuy nhiên, khi máy bay đang được tiếp nhiên liệu tại sân bay Heathrow ở thủ đô London của Anh, lợi dụng sơ hở của hai đặc vụ FBI, Soblen đã lấy một con dao trên khay thức ăn đâm vào bụng để tự tử.

Được đưa ngay đến một bệnh viện ở thủ đô London để chữa trị, Soblen không ngớt yêu cầu Chính phủ Anh cho phép mình được tị nạn chính trị. Vụ việc của Soblen lúc đó trở thành mối quan tâm của dư luận Anh với đa số ý kiến cho rằng, vì lý do nhân đạo, Chính phủ Anh nên để cho Soblen được hưởng quy chế tị nạn chính trị.

Vậy mà đến ngày 11/9/1964, Bộ Ngoại giao Anh đột ngột tuyên bố Soblen đã chết vì tự tử. Tuy nhiên, dư luận cũng như các phương tiện truyền thông ở Anh và Mỹ lúc đó cho rằng lợi dụng việc Soblen đã tự tử trước đó, tình báo Mỹ hoặc tình báo Anh đã giết hại Soblen để giải quyết một vụ việc không có lợi cho quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Anh.

Vào năm 1968, điệp viên nội gián Robert Soblen đã được Chính phủ Liên Xô truy tặng Huân chương Cờ đỏ.