Hương Xưa Lắm Rồi |
Tác Giả: Quỳnh Giao | |||
Thứ Sáu, 02 Tháng 10 Năm 2009 12:17 | |||
Ba trăm năm về trước, nếu có một sản phẩm có thể là tiêu biểu cho tinh thần quốc tế và cho hiện tượng toàn cầu hóa ngày nay thì có lẽ đó là một chai nước hoa! Một người Ý qua lập nghiệp ở nước Ðức đã chế tạo ra một loại nước hoa lấy tên Pháp rồi bán khắp Âu Châu. Ngày nay, nước hoa đó cũng đã được Mỹ hóa... Ðó là vào năm một ngàn bảy trăm lẻ chín. Mỹ phẩm có hương xưa rất ngạt ngào hiện vẫn được sản xuất và trong số khách mua ngày nay có một cựu tổng thống rất hào hoa là ông Bill Clinton. Ông không là người cô đơn hay lập dị trong việc chọn lựa một thứ đồ cổ cực quý trong chai như vậy, vì Hoàng Hậu Soraya của xứ Ba Tư (Iran), nữ minh tinh Romy Schneider, nữ Thủ Tướng Indira Gandhi của Ấn Ðộ hay Công Nương Diana cũng là khách ưa chuộng mùi thơm này. Trước đấy, Mozart hay Beethoven cũng xức hương thơm đó, Ðại đế Nã Phá Luân cũng vậy... Ðó là chai “Eau de Cologne”, một loại nước hoa “unisex” trước khi chữ này được phát minh, để cho nam nữ xài chung, nhưng mà phải là loại nam nữ quý phái và có rất nhiều tiền. Năm 1709, Giovanni Maria Farina viết từ nước Ý cho người anh là Giovanni Battista Farina đang lập nghiệp ở bên Ðức, rằng ông “vừa tìm ra một mùi thơm gợi nhớ đến một sáng Xuân ở tại quê nhà...” Mình cứ tưởng tượng đến mùi hoa thơm cỏ dại sau một cơn mưa buổi sáng. Ðọc cụ Vương Hồng Sển về thú chơi đồ cổ, người viết được biết lam Huế gợi nhớ màu da trời xanh đậm sau một trận mưa, ngờ đâu là cũng có người nghĩ đến hương thơm của thủy tiên và hoa cam sau một trận mưa buổi sáng... Khi ấy, ông Giovanni Battista vừa mở ra một cửa hàng bán mỹ phẩm và trang sức đắt tiền tại thành phố Cologne ở bên Ðức. Ông em Giovanni Maria bèn gói hương trong áo đi qua Ðức với người anh và đổi tên thành Johann Maria. Ông đặt tên loại nước hoa này là “Eau de Cologne” để ghi khắc vùng đất mới. Phương pháp cất chế rất tân kỳ của ông đã lấy được tinh dầu của cam chanh, làm tỏa ra một hương thơm tinh khiết, lúc ban đầu nước hoa đó được bán trong một chai nhỏ màu xanh lục. Một loại dầu thơm đắt tiền nhất vừa ra đời. Vào thời ấy, đầu thế kỷ 18, người ta lạm xức mùi thơm để đánh bạt mùi hôi của cơ thể. Có lẽ, phòng tắm và nước ấm mùa Ðông vẫn chưa mấy phổ biến dù là trong các dinh thự quý phái. Chẳng những vậy, người Âu thời ấy còn... sợ nước vì nước non dễ gây bệnh ghẻ, dễ làm nhiễm trùng! Vì vậy, người ta trùm lên mùi mồ hôi, và cả mùi ẩm mốc của mấy lớp y phục nhung gấm, nào là mùi quế, mùi trầm, và cả xạ hương. Ði tới đâu là lê theo một mùi nặng trĩu! Khi xem phim ảnh về các bậc vương tôn quý phái của thế kỷ 18, chúng ta không được ngửi mùi nồng nặc ấy... Vì thế, “Eau de Cologne” vừa ra đời là đã chinh phục được các hoàng gia quý tộc với hương thơm rất nhẹ, rất sạch. Một sự tinh khiết tỏa hương đã lan vào các đế quốc vương quốc. Hoàng Ðế Frederick William Ðệ Nhất của nước Phổ, Hoàng Ðế Charles Ðệ Lục của đế quốc La Mã Thần thánh, Ðại Công Nương Maria Theresa của vương quốc Áo, Vua Louis 15 của Pháp hay Ðại Ðế Frederick, v.v... đều đượm hương “Eau de Cologne”. Có lẽ được bán với giá đắt như... cà cuống của mình. Sau khi Johann Maria Farina tạ thế, con cháu ông tiếp tục nối nghiệp và có trong danh sách những khách hàng sang quý tên tuổi như Mozart, Goethe, Beethoven hay Napoléon. Rồi đến lượt Nữ Hoàng Victoria và nhiều công nương hay thủ tướng hay tổng thống của đời nay. Nhưng ít ai biết là trong số những người quan tâm đến chai Eau de Cologne cũng có nhiều luật sư, thầy kiện. Năm 1804, đất Cologne có ông Wilhelm Muehlens thính mũi vì là một đại lý bán “Eau de Cologne” cho nhà Farina đã có sáng kiến mua lại tên Franz Maria Farina của một người chẳng liên hệ gì đến nhà sản xuất “Eau de Cologne”. Chỉ mua lại tên Farina của một người trùng tên thôi, để sản xuất nước hoa của mình, nhưng phảng phất danh hiệu “Eau de Cologne” nhờ cái tên Farina. Nhiều nhà kinh doanh khác cũng làm theo như vậy và thị trường bỗng tràn ngập loại “nước ở Cologne” với mùi thơm khả nghi, nghe vậy mà không phải vậy. Gia đình Farina đang sản xuất “Eau de Cologne” bèn mời họ vác chiếu ra tòa, tổng cộng là 1,200 vụ kiện! Một chuyện vô tiền khoáng hậu mà lại rất ra tiền cho các luật sư. Cũng nhờ vậy mà ngay từ thế kỷ 19 đế quốc Ðức đã có luật lệ chặt chẽ về việc bảo hệ thương hiệu. Dòng họ Farina thắng lớn nhờ một đạo luật của Ðức bảo vệ luôn cái tên Farina trong thương hiệu “Eau de Cologne”. Còn con cháu nhà Muehlen kia thì tiếp tục pha chế nước Cologne của họ, dưới một tên khác rất đáng chú ý vì là con số “4711”, là tên số nhà. Nhưng dưới con số đọc là “forty seven eleven” họ còn điểm thêm một dòng chữ oanh liệt: “Eau de Cologne nguyên thủy”. Mùi thơm thì cũng được, dù hơi hắc hơn một chút. Kỹ thuật pha chế thì đơn giản và rẻ tiền hơn vì dùng máy nhiều hơn người và dùng hóa chất hơn là tinh dầu của hoa quả. Ngày nay, ngay tại Mỹ ta cũng tìm ra mùi “bốn bảy mười một” này, trong một cái chai không được mỹ miều nghệ thuật như chai “Eau de Cologne” chính hiệu. Còn nước hoa chính hiệu có 300 năm tuổi đó, nay nó ở đâu? Nó vẫn còn, với phương pháp vẫn là bí truyền, do thế hệ thứ tám của dòng Farina chế cất ra. Nhưng họ chế cất song song cùng một công ty khác đã mua lại quyền sản xuất từ Procter & Gamble của Mỹ. Và hãng Mỹ này thật ra cũng còn mua cả quyền chế cất nước hoa “4711” nữa. Nghĩa là bao nhiêu nước hoa hình như cứ chảy về Mỹ cả! Nhưng không hiểu sao, mình vẫn có cảm tưởng là “Eau de Cologne” do nhà Farina sản xuất tại Ðức phải có hương thơm tinh khiết nhẹ nhàng hơn nước hoa của Mỹ. Cũng như chai tương Maggie sản xuất tại Thụy Sĩ vậy! Nhìn vào cái giá thì các bà biết ngay sự khác biệt...
|