Home Đời Sống Tài Liệu Nhìn Lại Sau Hai Mươi Năm Bức Tường Bá Linh Bị Sụp Đổ

Nhìn Lại Sau Hai Mươi Năm Bức Tường Bá Linh Bị Sụp Đổ PDF Print E-mail
Tác Giả: Phương Tôn   
Thứ Bảy, 24 Tháng 10 Năm 2009 13:21

Cuộc biểu tình lịch sử chưa bao giờ xảy ra vào ngày 9.10.1989 tại thành phố Leipzig thuộc Đông Đức cũ bùng nổ gây niềm phấn khởi cho những người yêu chuộng tự do nhưng đồng thời cũng gây bàng hoàng lo lắng do hình  ảnh cuộc thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6 vẫn còn trước mắt người dân Đức.

 

 Giới chính trị gia lo lắng đã đành, người dân từ trí thức cho đến quần chúng lao động ai ai cũng cầu mong không có tiếng súng nổ sau lời tuyên bố tanh mùi máu của Ergon Krenz[1] :“Sẽ triệt hạ tất cả những người gây rối loạn như tại Thiên An Môn“. Chỉ cần một tiếng súng vận mệnh thế giới có thể đã thay đổi. Người dân căng thẳng từng giờ từng phút hướng về Leipzig, thành phố về sau được xem là cái nôi của cuộc cách mạng ôn hòa không đổ máu chưa từng có tiền lệ. Leipzig trở thành một biểu tượng Tự Do của người Đức yêu chuộng Công Lý. Không những chỉ có một thứ hai 9.10 mà hàng loạt thứ hai hàng tuần sau đó, hàng vạn người đã xuống đường thầm lặng thắp nến cầu nguyện cho một nước Đức thống nhất, tự do. Tiếng súng đã không nổ ra. Phải chăng là „Phép Lạ“ do cầu nguyện mà ra hay lòng can đảm của nhân dân Đức đã chinh phục cảm tình của quân đội và công an? Lẽ phải cuối cùng đã thắng, đúng một tháng sau vào đêm 9 rạng sáng 10 tháng 11 Bức Tường Ô Nhục Bá Linh bị chính sức mạnh của quần chúng dựt sập.

Cấp thiết phải đến Leipzig để ngửi cho được mùi nến của tự do, phải thấy cho được những con đường, những tàng cây đã nâng niu che chở cho hàng vạn người chân yếu tay mềm nhưng can đảm sẵn sàng đương đầu với một hệ thống an ninh được xem là quỷ quyệt nhất trên hành tinh này, chỉ một vài ngày sau đó chuyến „hành hương“ Leipzig đã được thực hiện. Sau gần một đêm vượt qua những đoạn đường xa lộ gập gềnh của miền Đông Đức cũ xe chạy vào trung tâm thành phố Leipzig khi trời vừa hừng sáng. Mặt trời đã lên nhưng nhà cửa trong trung tâm thành phố Leipzig xem chừng vẫn còn ngái ngủ dưới bộ mặt loan lổ tro xám, tối tăm tàn tạ như khuôn mặt của một cô điếm già vừa mệt mỏi thức giấc sau một đêm bán mình cho lũ người thiếu nhân tính, một nhà hàng trông „bề thế“ ngay tại nhà ga chính của Leipzig được chọn để giải quyết nhu cầu vệ sinh cũng như để nghĩ ngơi ăn sáng. Dù bỡ ngỡ vì những khuôn mặt khó chịu của các cô tiếp viên cũng như không được phục vụ nhanh nhưng bữa ăn sáng tươm tất với giá cả thật rẻ cũng mau chóng đánh tan những cảm giác bực mình đang chực nỗi dậy sau hơn một thập niên được quên lãng. Sau ba lần gọi cô tiếp viên để xin thêm chút đường cho ly cà phê đen đắng nhưng cô ta vẫn lạnh lùng vì đang „bận“ hút thuốc và tán chuyện gẫu với các đồng nghiệp, một „sáng kiến“ liền được nẫy ra: „Tôi cho cô một Đức Mã, làm ơn đem cho tôi một ít đường“, thật đúng, chỉ không đầy năm giây đồng hồ cô tiếp viên chạy vội mang đường đến với khuôn mặt tươi cười thật dễ mến.

Hai mươi năm sau, trên một chuyến xe lửa đi từ miền Nam Đức xuyên suốt vùng đất Đông Đức cũ với trạm dừng chân ngắn tại thành phố Leipzig, người đi chỉ còn mơ hồ nhận ra những vùng thuộc Đông Đức cũ qua một vài cơ xưởng điêu tàn không được sữa sang. Ngoài ra, hầu như tất cả cơ sở vật chất tại vùng đất này đã được chính quyền Berlin trợ giúp tu bổ lại. Nhà ga Leipzig với hai tầng lầu cơ sở thương mại tấp nập người ra kẻ vào mua bán. Khu trung tâm thị tứ của Leipzig bừng sức sống, với những tiệm cà phê bày ghế ngoài trời, với những ban nhạc trẻ trung vui tươi trổ tài trên đường phố. Người ta không còn nhận ra một khuôn mặt đen tối nghèo đói của một Leipzig hai mươi năm trước.

Hai mươi năm sau, cũng vào một buổi sáng thứ bảy trong một tiệm bánh mì nhỏ người mua vừa bước vào tiệm:

-          Chào ông buổi sáng.
-          Chào cô
-          Thưa ông, tôi có thể giúp gì cho ông?
-          Tôi cần 2 ổ bánh mì…
-          Ống cần thêm gì  nữa không?
-          Dạ không, cám ơn cô.
-          Xin ông 70 cent… Cám ơn Ông, xin chúc Ông một cuối tuần thật đẹp!

Hai câu chuyện ngắn nói về cách hành xử của người dân Đông Đức cũ cách nhau hai mươi năm mang đầy kịch tính nhưng lại nói lên được bản chất của con người sống trong một xã hội từng được gọi là Thiên Đường của các nước anh em xã hội chủ nghĩa nay được cải tạo thật sự theo đúng nghĩa của nó, trong một môi trường sống đầy Nhân bản, biến đổi hàng thế hệ người cộc cằn ích kỷ trở thành những con người bình thường, sống tử tế, nhân hòa thân ái cùng nhau.

Cuộc cải tạo nhân ái dành cho một xã hội bị vùi dập sau một vài thập niên sống sau Bức Tường Ô Nhục. Bức tường đã gây bao thảm cảnh đau thương để cho con phải xa cha, vợ phải xa chồng... biết bao ly tán và đã có biết bao nước mắt tuông chảy trong đau đớn thầm lặng vì những hờn căm tủi nhục!

Người dân lành không có một chọn lựa nào khác mà phải chấp nhận định mệnh qua những quy định chiến lược được ba nước đồng minh lớn là Hoa kỳ, Anh quốc, Pháp quốc và Nga sô đã phân chia khu vực để tiến vào Đức quốc triệt hạ quốc xã Đức. Gọi là đồng minh, nhưng quân đội hai phía, một bên là Nga sô và bên kia là  Hoa Kỳ, Anh và Pháp quốc đều muốn nhanh chóng tiến về thủ đô Bá Linh, dành được cho mình càng nhiều đất càng tốt. Sau khi Chính quyền Quốc xã của Hitler bị đánh tan, thế chiến thứ hai chấm dứt, quân Nga sô chiếm trọn vùng đất mà sau này được gọi là Đông Đức. Phần đất còn lại Tây Đức đặt dưới sự kiểm soát của Anh, Pháp và Hoa kỳ. Điểm đặc biệt là “miếng bánh“ thủ đô Bá Linh nằm ngay trong phần đất Đông Đức được ba nước Anh, Hoa kỳ và Nga sô kiểm soát. Đức quốc được chia ra làm ba: Cộng Hòa Dân Chủ Đức - DDR đặt thủ đô tại Đông Bá Linh, Cộng Hòa Liên Bang Đức với thủ đô tại Bonn và Khu vực Đặc biệt Tây Bá Linh.

Tây Bá Linh ngay từ những ngày phôi thai là cái gai nhọn đối với khối Cộng sản Nga sô. Dưới con mắt của chính phủ Đông Bá Linh và Mạc Tư Khoa (Moscow), Tây Bá Linh  là một “khối u, ung thư Tư bản Chủ nghĩa“ nằm trong một “thân thể lành mạnh trong sáng Xã hội Chủ nghĩa của DDR“. Để giải quyết rốt ráo vấn đề, vào tháng 11.1958 Nga sô dưới sự chỉ đạo của Tổng thư ký Nikita S. Chruschtschows đưa ra tối hậu thư, trong vòng 6 tháng quân đồng minh Tây phương phải rút ra khỏi Tây Bá Linh để biến phần đất này thành một khu vực tự do, tự trị và là khu vực phi quân sự. Quân Đồng minh Tây phương không chấp nhận tối hậu thư của Mạc Tư Khoa: Tây Bá Linh bị phong tỏa  để cắt đường máu tiếp vận cho Khối ung thư Tư bản này. Để giữ vững Tây Bá Linh, Hoa kỳ lập cầu không vận tiếp tế và sau đó vào năm 1963 Tổng thống Hoa kỳ John F. Kenedy trước khi ông bị ám sát chết không lâu, đã đến Bá Linh hổ trợ tinh thần với câu nói lịch sử được nhắc nhở cho đến ngày nay “Ich bin ein Berliner – Tôi là một người dân Bá Linh“.

Điều gây bực bội cho Mạc Tư Khoa và Đông Bá Linh là “Cái khối ung thư“ Tây Bá Linh và phần đất tư bản Cộng Hòa Liên Bang Đức lại là khu vực thu hút người dân DDR. Theo thống kê cho thấy, từ tháng 9.1949 cho đến tháng 8.1961 đã có 2.691.270 người dân Đức từ DDR bỏ sang Tây Đức sinh sống. Vào những ngày đầu tháng 8.1961 tính ra có đến từ 1500 đến 2000 người hàng ngày rời bỏ thiên đường DDR sang phần đất tư bản. Làn sóng người tỵ nạn trong đó phần lớn là những người có chuyên môn với bằng cấp cao, cũng như giới thợ thuyền chuyên môn có tay nghề rời bỏ DDR, đã gây nên hậu quả kinh tế trầm trọng cho nước này. Mạc Tư Khoa và Đông Bá Linh không thể chần chờ nên phải ra tay. Vào ngày 13.8.1961 vào lúc mọi người còn say ngủ, quân đội DDR được huy động để bảo vệ cho chiến dịch xây dựng bức tường Bá Linh. Nỗi ô nhục cho Đức quốc, niềm đau cách ly gia đình, nỗi thống hận cho người dân Bá Linh, tất cả bắt đầu vào ngày 13.8.1961 này. Dưới những họng súng lăm lăm chờ nhả đạn, 1378 cây số hàng rào kẻm gai và mìn bẫy với tháp canh hệ thống báo động được xây dựng bao bọc DDR. Riêng khu vực thành phố Berlin một bức tường beton cao 4m20 dài 43 cây số cũng được dựng lên cắt đứt công ăn việc làm của 50 000 người Đông Đức vào thời đó hàng ngày sang làm việc tại Tây Bá Linh.

Bức tường cắt đôi đất nước ngày càng cao càng dài thì lại càng tỷ lệ thuận với máu và nước mắt của người dân Đông Đức. 17 triệu dân người Đông Đức kể từ đó bị cách ly với thế giới bên ngoài. Tiếng than oán vang lên tới trận trời xanh vì gia đình bị chia ly cách tán. Những thân xác bị lính canh DDR bắn gục nằm dọc theo bức tường ô nhục này là những bức hình thường xuyên được chính quyền Đông Bá Linh phổ biến nhằm cảnh cáo người dân. Hơn 200 mạng người dân vô tội bị giết dọc theo bức tường này chỉ vì một cái tội: muốn đi tìm tự do. Bức tường ô nhục là tiếng gọi không những chỉ dành riêng cho Mạc Tư Khoa  và Đông Bá Linh những người cho lệnh nả súng vào những người dân chân yếu tay mềm, mà cũng còn dành cho chính phủ tại Bonn và quân đồng minh Tây phương. Lịch sử ngày hôm nay đã cho thấy rõ, chiến dịch xây tường vào ngày 13.8.1961 đã được Tình báo Tây phương nắm rõ và đã thông báo trước cho các chính phủ trách nhiệm. Chính phủ Bonn im lặng đồng tình và ngay chính John F. Kenedy cũng đã thốt lên “thà để cho tụi nó xây tường còn hơn xảy ra chiến tranh“.

Áp bức, bạo lực và tường cao mìn bẫy cũng không ngăn chận nỗi niềm ao ước tự do, được xum họp gia đình của người dân Đông Đức. Một số cuộc vượt tường thành công đã được ghi nhận đưa vào lịch sử như vụ vượt tường bằng đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước kéo theo nhiều toa tàu chở 6 người đàn ông, 10 phụ nữ và 7 trẻ em nhà ga Albrechtshof, vụ 28 người đã thành công đào hầm vượt sang Tây Bá Linh vụ 14 người dân cướp thuyền đi dạo trên sông Spree thành công vượt sang phần phía tây dù bị công an biên giới nhắm bắn xối xả, vụ Công an biên phòng Đông Đức dùng đại liên bắn hàng loạt đạn nhưng không ngăn cản được hai gia đình dùng một chiếc xe Bus chạy tông tràn qua trạm kiểm soát Drewitz/Dreilinden, vụ 57 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã được người từ Tây Bá Linh giúp đỡ để đào hầm vượt thoát, vụ ba người dân Đông đức chất đầy sạn đá trên một chiếc xe chở đất rồi đâm nhào qua trạm kiểm soát danh tiếng Checkpoint Charlie, vụ hai chiếc máy bay loại nhẹ đã đáp xuống ngay trước mặt Tòa Quốc Hội ngày nay chở theo một người tỵ nạn và một vài người giúp đỡ đào thoát. Một số vụ đào thoát không thành công được mọi người biết đến như vụ Peter Fechter, một nhân công xây dựng 18 tuổi lợi dụng lúc xây bức tường vào ngày 17.8.1962 đã leo và nhào qua tường, anh bị bắn và bị thương nằm ngay trên tường. Cảnh sát biên phòng Tây Đức phải đành trố mắt trong vòng hơn một tiếng đồng hồ nhìn cảnh sát Đông Đức để mặc cho Fechter đổ máu rồi dần dần lịm chết, vụ Chris Gueffroy 20 tuổi thợ xây dựng bị bắn chết khi đang trèo qua tường, vụ Winfried Freudenberg 32 tuổi tự làm một chiếc khinh khí cầu với dự tính bay sang phần đất phía tây. Không thành công, anh đã bị rơi xuống Ehlendorf và chết tại chỗ.

Tổng kết cho đến ngày Bức tường ô nhục bị sụp đỗ đã có gần 960 người dân vô tội bỏ mình dọc theo hàng rào ngăn chận tự do này.

Mãi đến tháng 1.1989 Erich Honecker, chủ tịch nhà nước Đông Đức vẫn còn hợm hỉnh tuyên bố: “Tường sẽ còn đứng vững trong 50 năm tới, và cả 100 năm nữa, khi mà những căn nguyên cơ bản chưa được giải quyết.“. Lời tuyên bố kiêu căng của Honecker xem ra chẳng có một cơ sở vững chắc nào vì chỉ một vài tháng sau và 28 năm sau ngày bức tường được xây dựng, sinh viên, học sinh, công nhân, các bà nội trợ, những người hưu trí... đã đồng lòng không dùng vũ khí, không một tất sắc trong tay, chỉ dùng tay không phá sập bức tường ô nhục này.

Không cần phải là những ai đã từng sống trong cảnh ly tán, trong cùm ngục mà tất cả mọi người khi chứng kiến những khuôn mặt hớn hở, tươi vui, mãn nguyện của những người dân Đông Đức khi đặt những bước chân đầu tiên sang vùng đất tự do vào đêm 09.11.1989 đã hiểu được cái giá mà họ đã bỏ ra trong hàng tháng trường, can đảm đối đầu với hệ thống an ninh tinh vi quỷ quyệt, bất chấp bạo lực có thể xảy ra bất cứ khi nào đến từ phía nhà cầm quyền. Ôn hòa nhưng cương quyết người dân Đông Đức với hai bàn tay không nhưng được trang bị bằng những khối óc minh mẫn, bằng những trái tim rực cháy vì tự do đã thành công dựt sập Bức tường ô nhục Bá Linh đưa đến thống nhất đất nước.

Hai mươi năm sau thời gian vẫn còn quá ngắn để có thể khẳng định được ai là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giải phóng Đông Đức ra khỏi bức màn sắt tăm tối. Một Gorbachew với chính sách “Glasnost” và “Perestrojka”? Hay là một Ronald Reagan lên tiếng thách thức tại Berlin vào ngày 12-6-1987: “Mr. Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này”, đưa ra chương trình „ lá chắn phòng thủ vũ trụ“ đã làm chùn bước chân can thiệp của hồng quân Sô Viết? ? Câu trả lời chính xác nhất có lẽ chính là khát vọng Tự Do Dân Chủ, khát vọng Thống Nhất đất nước để cùng nhau xây dựng lại một đất nước bị Đảng và nhà nước Đông Đức phá nát từ của cải vật chất đến Đạo Đức con người của người dân Đức.

Nhìn vào một nước Đức thống nhất, tự tin về mặt chính trị đối nội lẫn đối ngoại, hùng mạnh về kinh tế nhưng chan hòa nhân tính ngày nay người ta không khỏi chạnh lòng nhớ đến đất nước Việt Nam với hoàn cảnh lịch sử tương tự.

Hai mươi năm sau ngày bức tường ô nhục Bá Linh bị sụp đổ, một Đức quốc Dân Chủ tự tin chấp nhận đua tranh chính trị với tất cả các đảng phái kể cả hậu thân của Đảng Cộng Sản Đức trước đây. Chính phủ chấp nhận sự quyết định của người dân qua lá phiếu để chọn người lảnh đạo đất nước kể cả những người thuộc „Die Linke“,  hậu thân của Đảng Cộng Sản Đức. Ba mươi lăm năm sau ngày thống nhất đất nước, người dân Việt Nam cũng vẫn chưa được quyền bày tỏ chính kiến của họ.

Hai mươi năm sau ngày bức tường ô nhục Bá Linh bị sụp đổ, tự hào là người chiến thắng hay mặc cảm là kẻ thua trận trên đất nước Đức đã hoàn toàn bị triệt tiêu. Người dân chung sống không phân biệt, mọi người đều được luật pháp bảo vệ như nhau. Ba mươi lăm năm sau ngày Việt Nam thống nhất đất nước những nghi kỵ vẫn còn đó, kẻ chiến thắng vẫn còn ngẫng đầu tự đắc người thua trận vẫn còn cúi đầu trong tủi nhục.

Hai mươi năm sau ngày bức tường ô nhục Bá Linh bị sụp đổ, một nước Đức độc lập hãnh diện dương tầm mắt ngang hàng với các đại cường, bảo vệ từng quyền lợi nhỏ nhặt nhất cho đất nước và nhân dân của họ.  Ba mươi lăm năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam lần lượt đánh mất những mảnh đất, những biển đảo quý giá do tổ tiên để lại.

Hai mươi năm sau ngày bức tường ô nhục Bá Linh bị sụp đổ, người dân Đức đang được hưởng những ngày thanh bình thảnh thơi. Ba mươi lăm năm sau ngày thống nhất đất nước Việt Nam lại đang bị sa lầy vào những cuộc chiến xem chừng không lối thoát: Cuộc chiến chống tham nhũng, nạn bè phái cửa quyền quan liêu. Cuộc chiến chống bất công, nghèo đói, khoảng cách giữa người nghèo kẻ giàu ngày càng gia tăng nhanh chóng. Cuộc chiến bảo vệ môi trường sống trong lành ngày càng sôi động hơn với việc chấp thuận cho khai thác Bauxite tại Tây nguyên.

Hai mươi năm sau ngày bức tường ô nhục Bá Linh bị sụp đổ, đạo đức xã hội, nhân cách con người ngày càng hoàn thiện trên toàn nước Đức. Ba mươi lăm năm sau ngày thống nhất đất nước, những lời kêu gào mong Đạo đức con người được vãng hồi xem ra bội phần phát triển trên mọi miền đất nước. Con cái giết Cha Mẹ, cháu chắt giết Ông Bà, học trò tạt acid vào thầy giáo, phụ huynh đánh đập thầy giáo, Công an tra tấn hành hạ người dân v.v… là những bản tin xuất hiện thường trực trên các tờ nhật báo. Được sống tử tế cùng nhau là niềm mong ước hiền hòa của người dân Việt Nam hiện nay xem ra vẫn còn quá xa vời.

Người Việt chúng ta thường tự hào là một dân tộc thông minh, hiếu học, dũng cảm nhưng ngày hôm nay khi nhìn vào thành quả hai mươi năm xây dựng đất nước kể từ ngày bức tường ô nhục Bá Linh bị sụp đổ, của người Đức chúng ta phải ngậm ngùi mà thốt lên :“ Chúng ta đi trước mà lại về sau !“

Vì sao?

Phương Tôn