Home Đời Sống Tài Liệu Người Việt và đầu óc mê tín dị đoan

Người Việt và đầu óc mê tín dị đoan PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Hy Sơn   
Thứ Bảy, 21 Tháng 11 Năm 2009 15:08

Mê tín dị đoan thì dân tộc nào cũng có do từ thời xa xưa kiến thức về vũ trụ...

về những hiện tượng thiên nhiên như sấm sét, động đất, lũ lụt, bệnh tật  . . .  đem đến gây chết chóc, tàn phá làm người ta hoang mang, sợ sệt đi tìm nguyên nhân ở những thế lực thần bí.  Dịch tễ  giết người là do âm phủ bắt lính;  đắm đò, đắm thuyền là do thần sông (Hà bá)  nổi giận vì không cúng tế...

Người ta tin đủ thứ thần, nào thần sấm, thần sét, thần cây đa, thần hổ, ma xó...tất cả đều có quyền lực và có thể gây cho con người những điều xui xẻo, bất hạnh, chết chóc.

Người Trung Hoa thời cổ và ngay cả bây giờ  vẫn thờ nhiều thần lắm. Các thần thiên, địa, nhật, nguyệt, sơn, xuyên, lâm, trạch (trời, đất, mặt trời, mặt trăng, núi sông, rừng ruộng)  thần hổ, ngũ hành, thần tài...Trong nhà người Trung hoa ít nhất cũng có vài cái bàn thờ thờ thổ công, thần hổ, thần tài, quan công. Trước cửa tiệm buôn của họ luôn luôn có tượng thần tài mập mạp ngồi trên cái khay hay cái bệ nhỏ sáng ra có ném hương bốc khói và miệng "phì phèo" điếu thuốc lá Mỹ với chủ đích ban phước cho  chủ tiệm buôn may bán đắt, tiền bạc đầy nhà.

Người Việt không thờ quá nhiều thần như thế, nhưng mê tín dị đoan không kém người Tàu  bao nhiêu .Sanh ra con người ta đặt tên là Vằn, Vện, Mực, Đốm... theo tên của chó để ma quỉ lánh xa không dám đến bắt. Người ta tin  ma qủi sợ chó nên các thầy cúng lấy máu chó vẽ bùa cho trẻ con đeo ở cổ. Bế đứa bé ra khỏi nhà thì lấy nhọ nồi hay mực đen bôi lên mặt để ma quỉ thấy xấu không bắt đi.

Không biết ma quỉ qúa khờ để người ta đánh lừa hay chúng ta quá khờ nghĩ rằng đánh lừa được ma qủi bằng cách  ấy? Nhiều người ra khỏi nhà phải tính đi phương hướng nào, giờ nào tốt nhất.  Làm nhà cũng vậy,  phải nhờ  thầy địa lý chọn hướng, nhờ thầy cúng xem ngày giờ tốt để khởi công; có người kỹ hơn  làm nhà, tậu ruộng  hay mua trâu, bò đi xem tử vi xem năm nào, tháng nào hợp với tuổi của họ mới làm.  Vợ chồng xung khắc  hay bỏ nhau thay vì sửa đổi tính nết  hay tìm cách hoà giải  lại đi bói toán xem ma quỉ nào quấy nhiễu  và xin bùa ngải về đeo.

Ông cha chúng ta, qua kinh nghiệm của cuộc sống, đã nói "Xem bói ra ma, quét nhà ra rác" nhưng đầu óc mê tín đã tiêm nhiễm quá nặng không dễ gì bỏ được.  Không biết khi người tây phương phóng hoả tiễn lên mặt trăng, lên sao Hoả có bấm giờ, xem ngày  như người Việt chúng ta không, có tránh những ngày  "mồng năm, mười bốn, hăm ba, đi chơi cũng lỗ, nữa là đi buôn" không? Người Tây phương có thờ Thần Tài không mà họ giàu đến thế!
               
Tôi có anh bạn học trường Pháp  mà tin tướng số một cách lạ lùng.  Ngày tuần nào anh cũng cúng sao , làm việc gì cũng đi xem bói vài ba thầy. Nếu  tất cả các thầy bảo được mới làm, không thì thôi.  Thế mà đi vượt biên năm, bảy lần (tất nhiên mỗi lần các thầy bảo đi được mới đi), bị bắt vào tù ra tội mãi mới thoát vào lần chót.

Về mê tín dị đoan, người Việt bị ảnh hưởng khá nặng người Trung hoa nhất là về khoa tử vi (dựa vào bộ Kinh Dịch do Khổng Tử soạn)  và đồng cốt (dựa vào tư tưởng Lão Trang).

Những người bênh vực cho rằng Kinh Dịch thâu tóm những nguyên tắc huyền vi của vũ trụ do Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thổ, Thủy, Hoả) tương tác biến dịch.  Nếu đúng như vậy tại sao  hơn 2.000 năm (từ khi Khổng Tử biên soạn Kinh Dịch ) người Tàu vẫn tin rằng trái đất vuông và nước Tàu là nước văn minh nhất ở giữa (Trung Quốc: nước ở giữa), cho đến khi tiếp xúc với người Tây phương  mới  biết trái đất tròn?

Bằng chứng thứ 2 để nói thuyết Ngũ Hành hoàn toàn sai lầm vì Vũ Trụ đã có khoảng trên 13 tỉ năm, hệ mặt trời (Thái Duơng hệ) trong đó có trái đất mới có khoảng trên một tỉ năm và theo các nhà khảo cổ, cây cối (tức Mộc) mới có vài triệu năm nay.  Vậy bao nhiệu tỉ năm trước vũ trụ biến dịch  ra sao  khi thiếu mất  một "hành " là Mộc?

Bằng chứng thứ 3 để bác bỏ thuyết Ngũ Hành (căn bản của Kinh Dịch) là người ta nói Kim sinh Thủy tức kim loại khi nấu  ở nhiệt độ cao chảy thành chất lỏng (thủy) . Ngành Vật Lý chứng minh  tất cả đất, đá, cây cối ...bị đốt ở nhiệt độ cao đều chảy thành lỏng cả. Trong phún thạch do núi lửa phun ra có cả đất , kim loại  và nhiều thứ khác trộn lẫn với nhau.

Người ta còn lý luận rằng Kim khắc Mộc vì con người dùng dao, búa, cưa để đốn  cây (Mộc).  Nhưng người ta quên rằng loài người mới biết dùng đồ  kim loại như đồng, sắt nhiều nhất là 10 ngàn năm. Khi chưa biết dùng kim loại người ta chế ra những lưỡi búa đá, dìu đá, những nhà khảo cổ gọi đó là thời đại đồ đá. Trước thời đồ đá người ta dùng vỏ sò, hến, ngay cả răng, tray để bẻ cành, cắt lá làm lều ở.  Như vậy trước đây hơn 10 ngàn năm hay xa hơn nữa,  Răng, Sò, Hến rồi  Đá khắc Mộc chưa phải Kim khắc Mộc.  Biết bao nhiêu sai lầm khác trong Kinh Dịch kể ra làm mất thì giờ của độc giả.

Thuyết Ngũ hành sai lầm vì ngày xưa kiến thức về vũ trụ và khoa học chưa có , người ta chỉ có một ít kiến thức về thiên văn nhưng lại chứa đầy  màu sắc dị đoan tin rằng những ngôi sao ấy có ảnh hưởng đến sinh mệnh con người.

Học giả Nguyễn Hiến Lê tự nhận là người trọng đạo Nho vì sinh ra trong một gia đình nho giáo, khi nghiên cứu về Tử vi  ông thấy khi đúng khi sai: " . . . 10 lá chỉ đúng 6, 7 lá  và những lá đó 10 điều cũng chỉ đúng 6, 7  càng đoán về tiẻu tiết càng sai". (Hồi ký NHL). Cũng trong cuốn Hồi Ký này ông nhận xét: Kinh dịch chỉ có giá trị  luân lý khuyên răn người ta biết ăn ở phải đạo, biết lui biết tới mà thôi. Về khoa Phong Thủy ông có một nhận xét rất hợp lý:  "Ở những vùng dân cư sinh sống đất đai, đồi gò sau bao nhiêu đời trồng trọt, cày cuốc, lấp ao hồ, san gò thành ruộng, địa hình biến đổi đâu còn nguyên hình rồng phượng, bút, nghiên...mà tìm huyệt phát . (HK NHL trang 264).
 
Thời ông Nguyễn văn Thiệu làm Tổng Thống, người ta đồn ông ta cho xây cây tháp  sen thật cao ở hồ Con Rùa ngay ngã tư Trần qúy Cáp  và Duy Tân đè lên đuôi con rồng để yểm không cho nó vẫy đuôi đập vào dinh Độc Lập.  Câu chuyện ấy đúng hay sai  không thành vấn đề , vấn đề là nó biểu lộ tính dị đoan trong người Việt chúng ta.

Đấy là khoa tử vi có cơ sở Kinh Dịch của Khổng Tử để dựa vào, còn biết bao những khoa bói toán  khác như bấm độn, chỉ tay, bói bài, bói Kiều...không có cơ sở đáng tin nào .
 
Thế mà nhiều người vẫn tin, không nhận thấy cái tai hại của mê tín dị đoan .
 
Biết bao gia đình tán gia bại sản vì đồng bóng, bao nhiêu thanh niên nam cũng như nữ ôm mối hận tình vì  "thầy " nói không hợp tuổi đành phải chia tay, biết bao người con gái lỡ cả cuộc đời vì sinh nhằm tuổi "Dần" (cọp) không ai dám lấy. Cũng vì cái tuổi Cọp này mà biết bao thai nhi ở bên Tàu và Việt Nam sau khi siêu âm biết là con gái  thì bị phá giết đi  vì để sanh vào tuổi Cọp  sẽ phải ở già (ế chồng).

Ai bảo mê tín dị đoan không độc ác, sát nhân?    
 
Mê tín dị đoan là một mối họa cho dân chúng, nhất là dân nghèo hết bị quan quyền chèn ép, bóc lột lại bị ông thầy, bà cốt lừa gạt  sạch sành sanh.  Chúng tôi xin dẫn chứng qua bài đồng giao (bài hát của con nít) từ xưa để lại:

                                       Con chim chích choè
                                       Nó đậu cành chanh
                                       Tôi ném mảnh sành
                                       Nó rơi xuống đất
                                       Xáo xào một chốc
                                       Được mâm cỗ đầy .
                                       Ông thầy ăn một
                                       Bà cốt ăn hai
                                       Cái thủ cái tai
                                       Tôi đem biếu chúa
                                       Chúa hỏi thịt gì\?
                                      - Thưa thịt chim chích .
                                       Con chim chích choè...

Người dân nghèo không có phương tiện  như cung, nỏ để săn bắn. May mắn ném trúng con chim chích  choè, một loại chim nhỏ,  vặt bỏ lông chắc chưa tới 50 gr thịt  mà phải vội tìm thêm rau cỏ xáo xào, chế biến  thành một mâm cỗ đầy. Anh ta không được miếng nào vì  phải lo dâng lên cho ông thầy bà cốt.   Họ ăn tham quá, nhất là bà cốt.  Còn cái đầu chim bằng ngón tay cái xương xảo người ném chim cũng không được nút, phải đem biếu Chúa.  Chúa nào nhỉ?
 
Có thể bài hát này xuất hiện vào thời Trịnh - Nguyễn  phân tranh  thế kỷ 17, 18 (1.627 - 1.775). Đọc lại lịch sử chúng ta thấy cuộc chiến tranh kéo dài khoảng 150 năm này gây biết bao nhiêu chết chóc cho con người, tàn phá biết bao nhiêu nhà cửa ruộng vườn . Thanh niên trai tráng phải xung vào lính ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài .  Đất đai không người cày cấy, đã thế còn thêm sưu cao thuế nặng làm nhân dân đói khổ;  từ đói khát, khổ sở sinh ra bệnh tật  phải đi khấn nơi này vái nơi kia. Ông thầy bà cốt  - trong ý nghĩ mê tín của người dân - là những người có thể đem phúc hoạ cho họ nên phải lo lễ lạt trước, sau đó là lo sưu thuế cho bộ máy chiến tranh suốt 150 năm của Chúa Trịnh ngoài Bắc và Chúa Nguyễn ở trong Nam. Bài hát trên  diễn tả hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời đó  chăng?