Home Đời Sống Tài Liệu Xóm thúng Yên Hạ buồn hiu

Xóm thúng Yên Hạ buồn hiu PDF Print E-mail
Tác Giả: Phóng sự của Cát Tường/Người Việt   
Thứ Tư, 03 Tháng 2 Năm 2010 18:07

Thật bất ngờ khi khám phá ngay tại chợ Cái Răng (khu vực Yên Hạ, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) có một xóm nghề làm thúng.

 Lại càng bất ngờ hơn khi nghe mấy ông làm nghề đan đát ở đây nói giọng nằng nặng khó nghe với người miền Tây. Hỏi ra mới biết họ là dân Quảng Ngãi vô đây hồi những năm 1968. Từ đó khai sinh cái xóm nghề đan thúng hoạt động rôm rả một thời này.

Ông Tô Hiến, năm nay 64 tuổi, cho biết ông theo nghề này từ khi còn nhỏ, do cha ông truyền dạy, hồi còn ở quê nhà. Nghề đan đát, vật liệu chủ yếu là tre hoặc trúc. Hai thứ này do người ta đem tới bán, muốn “ngợi” vốn hơn thì chịu khó chạy xe hoặc đi xuồng vô xóm xa mua.

Tre hoặc trúc mua về ngâm dưới sông khoảng 1 tháng là “chín”, không bị mối mọt, xài bền. Nói vậy nhưng thực tế họ chẳng làm thế vì tre, trúc sau khi ngâm rất khó đan đát, nhất là mất nhiều thời gian, vả lại “hàng chợ” mà...

Ðể có một sản phẩm từ tre hoặc trúc đan đát không đơn giản vì phải trải qua nhiều công đoạn và một số dụng cụ thiết yếu. Dụng cụ gồm có: cựa, dao chành, rựa, mác...

Tre hoặc trúc sau khi cưa từng khúc ngắn theo yêu cầu rồi chẻ nan bằng cây mác bén. Nan có hai loại: nan đan và nan đát. Nan đan ngắn (khoảng 8 tấc), chỉ lấy phần bề mặt ngoài có phần vỏ bền chắc (gọi là cật), cạo tinh (lớp da xanh của cây) xong, vót mỏng bằng mác trước khi đem phơi để có màu vàng đẹp. Phơi một nắng tốt, sau đó vót bằng rựa cho láng và bóng rồi bắt đầu đan.

Ðan thúng thì cần 80 cặp nan đan mới đan thành một mê thúng (còn gọi là mê nan). Ðan xong mê thúng thì dùng cây gõ bằng gỗ gõ vào cây dộng (như cây đục mũi dẹt, bằng tre) làm cho các nan đan khít chặt lại. Tiếp theo là đát. Ðát xong bốn góc mê thúng, gọi là ‘mình’ thúng. Ðem mình thúng phơi nắng chắc, dẻo. Sau đó chẻ tre, vót tre, bo vành, lận. Công đoạn lận vành chỉ có những người nam nhiều sức khỏe mới làm được.

Cây vành dài vót bằng rựa hoặc dao chành, hai đầu dẹt để có thể uốn tròn. Vành ngoài dài hơn vành trong nên cần phải có khuôn vành để dễ uốn tròn và cố định bằng dây mây mảnh. Khuôn vành cũng được làm bằng tre nhưng dầy và cứng hơn. Lấy mình thúng lận vành ngoài vô trước, đưa phần mặt vỏ bóng ra ngoài. Vành trong uốn ngược với vành ngoài. Kế đó dùng kéo to có làm bàn đỡ cố định cắt bỏ những phần dư của mình thúng tại miệng thúng, gọi là vanh.

Sau cùng dùng dây mây nứt là hoàn thành một sản phẩm. Rổ thì đan long một, long hai. Thúng thì “đề tam bắt tứ”. Người ta còn đặt ra câu vè sau đây để chỉ nghề đan thúng: “Con cu mà đậu nhánh mè/Bắt chữ nhị mà đè chữ tam”. Người ngoài cuộc nghe “điếc con ráy” (chẳng biết gì) nhưng với “thuật ngữ” này ai làm nghề cũng thông như... cháo.

Cô Mỹ Hằng đang đát để hoàn thành ‘mình’ thúng. (Hình: Cát Tường/Người Việt)

Cô Tô Thị Kiều Ngôn, 24 tuổi, con ông Tô Hiến, tốt nghiệp lớp 12, ở nhà tiếp tục làm nghề truyền thống của gia đình. Tùy theo sản phẩm và “đơn đặt hàng”, mỗi ngày có khi cô hoàn thành 5 mê bồ, có khi nứt được 10 cái. Ông Tô Hiến thì làm xong 1 cái thúng (2 táo) mất 1 giờ đồng hồ, còn thúng (3 táo) mất 1 tiếng rưỡi. “Nói vậy chớ rảnh lúc nào làm lúc nấy, bất kể giờ giấc. Nghề này sướng cái là vừa làm vừa coi vô tuyến” (TV), cô Kiều Ngôn tự hào khoe bằng giọng miền Nam rặt, không có chút gì chất giọng Quảng Ngãi gốc của mình.

Tuy nhiên, những lúc có đồ nhiều, nhà làm không xuể, phải mướn lối xóm làm tiếp, theo kiểu dây chuyền. Ngoài ra còn làm theo đơn đặt hàng, chẳng hạn như làm vỉ trang trí cho khách sạn. Giá cao vậy vì lâu lâu mới có người đặt hàng, nhưng quan trọng là phải đan long 3, một cách đan đòi hỏi người có tay nghề cao.

Sản phẩm làm ra được bạn hàng đến lấy hoặc muốn có thêm “đồng vô đồng ra” thì chịu khó mang đi “bỏ”.

Ông Nguyễn Hồ, 62 tuổi, ở địa phương này, là một người như vậy. Mua sản phẩm xong, ông chở xe hoặc ghe đem bán tại các chợ nông thôn thành phố Cần Thơ, hoặc các tỉnh: Vĩnh Long, Hậu Giang, Ðồng Tháp... Trung bình, mỗi tháng ông chở hàng đi bán 2-3 chuyến. Chỉ với cái nghề mua đi bán lại này mà ông nuôi 5 con nên người, lại có nhà cửa đàng hoàng cùng khá nhiều tiện nghi vật chất. Ðó là “hồi xưa”, còn bây giờ ông chỉ kiếm cơm chút đỉnh cùng một ít tiền con cái phụng dưỡng.

Cũng với cái nghề gia truyền này mà ông Tô Hiến đã có nhà tường, nuôi 5 con (có gia đình 4 người, chỉ còn cô con gái út Kiều Ngôn đang sống cùng) đàng hoàng. Ông nhớ lại: “Trước 1975, nghề này sống được dù bị đồ nhựa lấn lướt”. Rồi bâng khuâng hồi tưởng: “Thời hoàng kim của chúng tôi là sau 1975. Lúc đó đồ nhựa rụi tàn, hàng tre trúc bán đắt như tôm tươi”.

Còn từ 7-8 năm trở lại đây thì “xóm thúng Yên Hạ buồn hiu”, chỉ còn khoảng 15 gia đình làm, lưa thưa, rải rác. Lâu lâu mới có một đoàn khách du lịch ngoại quốc đến tham quan theo tua. Không khí xóm không còn nhộn nhịp như xưa, nhưng họ cũng thích thú nhìn người dân uyển chuyển tay chân đan, đát, lận... tre trúc thành sản phẩm. Và họ sẵn sàng móc hầu bao ra mua một nét văn hóa đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước này. Giá bán cho họ tất nhiên cao hơn giá bán ngoài thị trường, nhưng sản phẩm này làm rất khó, chỉ có trẻ con mắt sáng, tay chân nhỏ nhắn, mềm dẻo mới có thể hoàn thành vì đó là những món nhỏ như đồ con nít chơi.

Ðể có cái xóm này, xa hơn nữa, những năm 1940, người dân Quảng Ngãi đan mê bồ xong, đóng thành bành chở ghe bầu vô tới đây bán, nên mới biết mà đưa con cái vô định cư sau này.

Cha ông Tô Hiến là ông Tô Chừng đưa gia đình vô đây hồi những năm chiến tranh ác liệt ấy (1968). Ðến nay dù đã 87 tuổi nhưng ông vẫn còn tiếp tục đan đát ở khu vực cầu Ðầu Sấu (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) vì tuổi già không biết làm gì, nhất là làm cho đỡ nhớ nghề.

Làm cho đỡ nhớ nghề và làm kiếm gạo ăn qua ngày cũng là tâm trạng ông Tố Hiến bây giờ. Ông bùi ngùi nói: “Bây giờ người ta ít xài đồ tre trúc. Lúa không còn đong bằng giạ, ví trong bồ, mà được chứa trong bao, chất thành đống. Mình đang ở trong ‘thời đại đồ nhựa’ nên loại hàng vừa đẹp mắt vừa bền bằng chất liệu dẻo này đã ‘giết chết’ đồ gia dụng thủ công tre trúc mau hư. Xóm thúng Yên Hạ đìu hiu là vậy, vì người ta bỏ nghề nhiều lắm”.

Cô Lê Thị Mỹ Hằng, 37 tuổi, tâm sự đã làm nghề này từ năm lên 6 lên 7. Sau đó, những năm hai mươi tuổi, cô bỏ nghề vì vật liệu mắc, sản phẩm làm ra khó bán, giá rẻ, đi làm thuê làm mướn sống qua ngày. Bây giờ cô chẳng làm gì hết, lâu lâu “ngứa nghề” làm bậy một vài cái cho vui, vì cuộc sống của cô và đứa con nhỏ đã có ông chồng làm nghề xây dựng lo chu đáo.