Home Đời Sống Tài Liệu Viếng lăng Ðức Tả Quân ngày cuối năm

Viếng lăng Ðức Tả Quân ngày cuối năm PDF Print E-mail
Thứ Ba, 16 Tháng 2 Năm 2010 06:35

. . . mấy nén nhang tỏ lòng thành kính đối với một vị anh hùng dân tộc có công bảo quốc an dân . . .

 

 
              Cùng nhau xin xăm. (Hình: VT)

Hồi nhỏ ở dưới quê, nghe người ta nói Sài Gòn có Lăng Ông Bà Chiểu, tôi cứ tưởng “Lăng Ông Bà Chiểu” tức là lăng của “vợ chồng ông Chiểu, bà Chiểu”. Sau này, lên Sài Gòn đi học, tôi mới biết Lăng Ông Bà Chiểu là Lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt, một khai quốc công thần đời nhà Nguyễn.

“Ông” là cách gọi tôn kính của dân chúng đối với Ngài, kiêng gọi bằng tên húy. Người Sài Gòn gọi “Lăng Ông Bà Chiểu” chẳng qua là Lăng nằm sát bên cạnh chợ Bà Chiểu, và để phân biệt với Lăng Cha Cả (Giám Mục Bá Ða Lộc, người Việt thường gọi là “Cha Cả”, tên tục của Ngài là Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine) ở khu vực Tây Bắc Sài Gòn, nay là bùng binh Cộng Hòa. Lăng Tả Quân tọa lạc tại khu đất gò ngay vị trí đắc địa với bốn mặt tiền hướng ra bốn con đường của quận Bình Thạnh, mặt trước lăng là đường Vũ Tùng. Khuôn viên lăng rộng với nhiều cây cổ thụ và thảm cỏ xanh mát. Nếu xuôi theo hai con đường lớn là Ðinh Tiên Hoàng và Phan Ðăng Lưu đều đi ngang qua Lăng Tả Quân.

Tả quân vốn nổi tiếng linh ứng từ trước năm 1975. Ngài là người Kinh, nhưng người Hoa ở Sài Gòn rất sùng kính Ngài, bởi lẽ lúc sinh tiền nắm quyền tổng trấn thành Gia Ðịnh, Ngài tạo điều kiện cho họ làm ăn, buôn bán, an cư lạc nghiệp nơi vùng đất mới phía Nam này.

Phần mộ của Ðức Tả Quân và phu nhân Ðỗ Thị Phẫn xây cất kiểu dáng rất bình thường, núm mộ tròn thấp như quả trứng xẻ đôi úp xuống, không trang trí hoa văn, rồng chầu cọp gác như các ngôi mộ quan quyền ngày xưa. Ngoài cổng tam quan, sờ sờ ba chữ đại tự to tướng: Thượng Công Miếu. “Công” là từ gọi tôn kính đối với người đàn ông, Thượng Công tức là “ông lớn trên cao”. Không hiểu tại sao dân địa phương không gọi là “Miếu Ông”, “Ðình Ông” mà lại gọi là “Lăng Ông”?.

 
 Bài Văn bia ca ngợi Tả Quân, tương truyền do ông Hoàng Cao Khải viết. (Hình: VT)
 Ngày cuối năm, Lăng Tả Quân tấp nập người đến thắp nhang khấn vái, xin keo, cầu phúc. Bên trong Tiền điện, Trung điện, Chánh điện sâu hút lúc nào cũng có khói hương bát ngát, tiếng mõ đều đều của người quản điện mỗi lần khách thập phương xì xụp vái lạy không ngừng khua lốc cốc. Không phải ngày rằm, mùng Một, ngày vía, ngày kỵ Tả Quân, nhưng người đến thắp nhang khấn Ông ra vô nườm nượp. Nhiều lồng chim sẻ, nhang đèn, giấy vàng mã được bày bán trước cổng lăng. Người bán cứ thấy ai vào lăng là đon đả chào mời mua chim phóng sinh làm phúc, giá bán mỗi chục mười con chim sẻ 60 ngàn đồng. Tôi quan sát những chú chim đang nhảy nhót trong lồng, hình như chúng đã bị cắt bớt lông cánh nên khó bề bay cao, bay xa được, thả xong không bao lâu cũng “quay về” cái lồng của người bán thôi.

Tiền điện có ba đôi câu đối khắc trên gõ phẳng thường, chữ sơn nhũ vàng trên nền đen. Một bức hoành phi đại tự đề chữ “Thánh Ðức Cao Thâm” và ba đôi câu đối treo hai bên vách điện. Trung điện có năm đôi câu đối chạm khắc tinh vi ôm theo hai hàng cột gỗ, cây nào cây nấy đen mun, bóng lưởng lớn bằng vòng tay một người lớn. Ba bức hoành phi đại tự đề chữ “Thiên Thu Sùng Bái” và “Nam Bắc Ðồng Khâm”. Cột gỗ tròn lớn chạm nổi rồng bốn móng đen bóng vấn cột tinh ti, sắc sảo.

Tiền điện, Trung điện đều có bàn thờ đặt bức tranh lớn vẽ truyền thần Tả quân thời giữ chức tổng trấn Gia Ðịnh thành.

Tuy câu đối ở Tiền điện không đẹp, số chữ trên câu đối không nhiều như câu đối ở Trung điện, nhưng tôi thích hai cặp câu đối ở Tiền điện hơn. Câu đối ngắn gọn, ý nghĩa, khí thế hào hùng tóm tắt sự nghiệp, chiến công tiêu biểu và lòng kính trọng của người đời sau đối với Tả Quân. Cặp thứ nhất là “Lương tướng tài năng thiên cổ lưu phương huyền Bắc khuyết/Anh hùng khí tiết bách niên trước tích tráng Nam cương”, nghĩa là tướng hiền tài năng ngàn năm lưu tiếng thơm nơi cửa Bắc nhà vua/ Anh hùng khí tiết ghi thành sự tích một cõi nước Nam. Cặp thứ hai đề “Quân thánh thần trung Thị Nại phong công thôi đệ nhất/ Ðịa linh nhân kiệt Rạch Gầm phát tích định vô song”, nghĩa là: Vua sáng tôi hiền trận Thị Nại chiến công lớn hạng nhất/ Ðất linh người giỏi nơi Rạch Gầm sinh ra không có người thứ hai. Tháng 1 năm 1801, ngài cùng Chúa Nguyễn Phúc Ánh và ba tướng khác đánh chiếm cửa biển Thị Nại, chiến thắng vang dội quân Tây Sơn. Ðịa danh Rạch Gầm, nay thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, là nơi sinh ra Tả Quân.

Gian điện nào cũng có người khấn vái, nhưng người dân tập trung vào gian Trung điện nhiều nhất, bởi lẽ ngoài việc cầu Tả quân phù hộ cho an khang, thịnh vượng, công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió thì người ta còn có... xin xăm, giải xăm. Hóa ra, ngoài tài kinh bang tế thế, cầm quân dẹp loạn, an định bờ cõi thì ngài còn có thêm tài xem... bói (?!)Bốn ống kim loại cao cỡ một gang tay, mỗi ống đựng một trăm cái thẻ tre dẹp dẹp cao cỡ chiếc đũa ăn cơm, được đánh số từ 00 đến 99, luôn kêu lách cách, lách cách đều đều theo nhịp lắc trên đôi tay cung kính nâng cao quá đầu đầu của quý thiện nam, tín nữ. Khi có một thẻ tre rớt ra ngoài, người xin lấy hai miếng gỗ hình quả xoài đưa lên khấn: “Nếu Ông đồng ý cho con xăm này, xin Ông cho keo một sấp một ngửa” rồi tung hai miếng gỗ lên cho rớt xuống đất. Keo một sấp một ngửa người xin sẽ trao thẻ tre cho ông quản điện đang ngồi gõ mõ mở sách ra tra cứu, nghe ông quản điện ê a giải nghĩa, rồi mở giấy bút mang theo chép quẻ xăm mang về nhà. Còn keo hai sấp hoặc hai ngửa là phải khấn lại, xin lại từ đầu, ba lần không được (“Sự bất quá tam”) là “Ông không cho”, phải về hôm khác đến xin lại. Hễ ai xin được quẻ xăm nói tốt thì mặt mày hớn hở, quẻ xấu thì bí xị, buồn bã, tư an ủi coi như xả xui cuối năm, đầu năm mới vào xin Ông quẻ khác.

Tôi hỏi một chị khoảng năm mươi tuổi vái xin xăm thế nào, chị nói: “Thì cứ khấn: Lạy Ðức Thượng Công Tả Quân, con tên gì, họ gì, bao nhiêu tươi, xin Ông cho con một quẻ, muốn hỏi Ông về việc gì thì cứ nói vào”. Chị còn vui vẻ hỏi tôi muốn xin Ông cái gì chị khấn giùm cho. Tôi trả lời: “Dạ, cám ơn chị, em tự khấn được rồi”. Chẳng lẽ tôi nói tôi vào lăng để xem xin xăm chớ hổng phải để xin xăm. Mà ở đây người ta giúp đỡ nhiệt tình, vô tư, chớ hổng phải khấn thuê lấy tiền như chùa Hương ngoài Bắc.

Uy nghi nhất là Chánh điện, nơi đặt bức tượng đồng Tả quân cao 2.65m được tạc ở tư thế ngồi trên (ghế) đại kỷ, áo mũ triều phục uy nghi, tay cầm ngang thanh bảo kiếm. Chánh điện cũng có cột tròn cao ngất, rồng múa vấn quanh, bàn thờ hoành tráng hơn, võng lọng, xiêm y, ngựa, binh khí kiểu xưa bày hai bên chái đủ cả lễ bộ như chuẩn bị sẵn sàng cho Ngài sắp sửa lên đường đi đâu đó.

Tả Quân sinh năm Giáp Dần (1764), cầm tinh Hắc Hổ. Tương truyền, người cầm tinh Hắc Hổ thần thái uy nghi, khí thế lẫm liệt, có tài lược thao, trận mạc. Ðương thời, các nước lân bang đều khiếp sợ oai phong, gọi Ngài là “Cọp gấm Ðồng Nai” (Ðồng Nai chỉ khu vực Nam bộ). Một ông khách nói giá binh khí trong chánh điện là binh khí của Tả Quân sử dụng ngày xưa, nói rồi ông lấy tay xoa lên binh khí xong xoa vào đầu mình để “lấy hên”. Tôi nhìn kỹ thì thấy không phải vậy, đây chỉ là đồ phục chế có tính cách tượng trưng để thờ thôi, vì binh khí này cán bằng gỗ thường sơn đen vừa nhỏ vừa nhẹ, dễ gãy. Phần kim loại đầu binh khí bằng đồng thau nhỏ, mỏng và yếu, không thể gây sát thương. Nếu thực sự Ngài sử dụng mấy món binh khí trong điện thờ này thì Ngài chẳng bao giờ nổi danh “Cọp Gấm”.

Lạ nhất là trong Chánh điện ngoài một bức hoành phi chạm nổi bốn chữ đại tự “Uy Trấn Hạo Thiên”, nghĩa là uy thế trấn áp lớn hơn trời; bên trái có hình hai dấu triện vuông và một số chữ rất nhỏ, nhìn xa không đọc được (có lẽ ấn sắc của Vua Thiệu Trị ban bức hoành này cho Ngài sau khi giải oan) thì không thấy có câu đối nào trên cột cả. Tôi để ý xem rất kỹ đôi cột lớn chạm rồng vàng vấn quanh kiểu “Lưỡng Long Triều Nguyệt” hai bên bàn thờ, nhưng tìm mãi mà không thấy cái chân rồng nào. Ở vị trí chân rồng, người thợ chạm đã thế vào đó hình đám mây vần vũ, nên người xem có thể hiểu chân rồng đang ở tư thế ẩn trong mây nên nhìn bên ngoài không thấy.

Tục truyền, theo quy định thời phong kiến, chỉ có vua mới được dùng hình ảnh rồng có chân năm móng, còn quan lại chỉ được dùng hình ảnh rồng bốn móng, đào kép phường tuồng thì trang phục diễn vai vua, quan thêu rồng ba móng mà thôi. Không cho thấy chân rồng, không khẳng định năm móng hay bốn móng, phải chăng người thợ chạm hình rồng trên Chánh điện Tả quân muốn ám chỉ đến vụ án Lê Văn Khôi - người con nuôi tài ba của Tả Quân ngày xưa? Không muốn dùng hình ảnh rồng bốn móng thấp hơn nhà vua, nhưng cũng không dám công khai dùng rồng năm móng cho Ngài, người thợ chạm biểu lộ sự kính nể Ngài có tài năng, đức độ ngang nhà vua, hàm ý bất phục vua Minh Mạng một cách kín đáo chăng? Sát bàn thờ Chánh điện có một hàng rào gỗ sơn đỏ chặn người lạ vào bên trong, có lẽ quản lăng sợ ai đó vào trong rồi chôm chỉa võng lọng, tượng đồng? Ai muốn thắp nhang khấn thì cứ thắp vào lư hương to phía ngoài hàng rào. Vì vậy mà Chánh điện vắng lặng hơn các điện bên ngoài. Cõ lẽ Chánh điện Tả Quân là nơi duy nhất có tiếng chim se sẻ hót ríu ra ríu rít thật thanh bình, vui vẻ giữa lòng một thành phố náo nhiệt, ồn ào và ô nhiễm.

Lúc bảy tám tuổi, tôi được đọc một bài văn tựa đề “Lê Văn Khôi đánh cọp” trong sách Quốc ngữ xưa. Nội dung bài nói về việc Tả Quân muốn thị uy với vua Cao Miên, bèn mở đấu trường, mật sai con nuôi mình là Lê Văn Khôi ăn mặc như lính thường biểu diễn tay không đánh cọp cho vua Cao Miên xem. Mở đầu bài văn là câu: “Lê Văn Khôi, con nuôi Tả Quân Lê Văn Duyệt, người cao lớn, khỏe mạnh, giỏi võ nghệ...” Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những câu văn mô tả trận thư hùng giữa cọp và người thật là ấn tượng: “Tiếng trống thúc đùng đùng, cọp được mở cửa chuồng liền phóng vút ra”, “Khôi đầu chít khăn xanh, mình trần đóng khố hùng dũng tiến vào đấu trường. Cọp đập đuôi xuống đất, vươn mình phóng vào Khôi. Khôi tràng người qua một bên, tung chân đá liền hai cước vào bụng cọp, cọp bật ngửa đánh bịch xuống đất, gào lên dữ dội”, “Cọp thu mình lại, rồi chồm lên nhảy bổ vào, hai chân trước tát thẳng vào Khôi, Khôi lanh lẹ tránh né, cọp mất đà chúi đầu xuống đất”, “Thình lình, Khôi vung tay đấm thẳng vào trán cọp, cọp vỡ óc lăn quay ra chết liền tại chỗ. Vua Cao Miên mặt xanh lè cắt không còn hột máu”. “Duyệt thét lính bắt trói Khôi chém đầu, vì cuộc chơi sao lại dám giết chết cọp.” Vua Cao Miên hết lời xin tha cho Khôi là người có tài, Duyệt nói: “Thứ này nước tôi nhiều vô số kể, tiếc gì một người”. Từ đó, vua Cao Miên càng sợ nước Nam”.

Ông quản Lăng tóc đã bạc, nói ông làm ở đây hơn mười năm rồi. Thời điểm này còn ra vô thoải mái, chớ đến đêm giao thừa, từ mùng Một cho đến mùng Ba Tết Nguyên đán thì người đông đến không có chỗ chen chân, cỏ cây trong lăng thì xơ xác hết do người ta “hái lộc”. Chừa lại mấy cây thốt nốt, cây đa cổ thụ lớn quá, hái không được nên họ không bứng đi thôi. Năm ngoái, ban quản lý lăng vừa tổ chức đại tu, quét vôi, sơn sửa lại những chỗ hư hỏng, xóa đi các dòng chữ “kỷ niệm...” và các hình thù trớt quớt của một số du khách kém ý thức vẽ lên khu vực mộ.

Ngày cuối năm, hay ngày đầu năm mới, đến viếng Lăng Tả Quân, đặt trước mộ phần Ngài và Chánh thất phu nhân bó hoa tươi nho nhỏ, thắp trên bàn thờ Ngài mấy nén nhang tỏ lòng thành kính đối với một vị anh hùng dân tộc có công bảo quốc an dân, cầu mong năm Canh Dần đến Ngài phù hộ cho bá tánh phúc lộc thọ dồi dào. Xin ai đó đừng “lưu dấu kỷ niệm”, đừng vặt cây bẻ lá trong khuôn viên lăng đến xác xơ, âu cũng là bày tỏ lòng kính trọng Tả Quân một cách chân thành mà đơn giản, hơn là cắm từng nắm nhang trầm đắt tiền nghi ngút khói đến nghẹt thở trước điện thờ.