Home Đời Sống Tài Liệu Học nghề làm báo tại Mỹ

Học nghề làm báo tại Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Văn Ân   
Thứ Tư, 24 Tháng 3 Năm 2010 15:35

Tại Mỹ, đây là một nghề đòi hỏi phải được đào tạo bài bản, phải có thực tập ngay từ thời trung học và đại học và phải có nhiều đức tính đặc thù, đặc biệt là lòng đam mê nghề nghiệp.

 
Nghề làm báo là một trong những nghề đòi hỏi nhiều tranh đua nhất tại Mỹ. Trong bài viết này, chữ “làm báo” là để chỉ chung luôn cho công việc làm báo giấy, truyền thanh và truyền hình. Tại Mỹ, đây là một nghề đòi hỏi phải được đào tạo bài bản, phải có thực tập ngay từ thời trung học và đại học và phải có nhiều đức tính đặc thù, đặc biệt là lòng đam mê nghề nghiệp.

Trong khi đó làng báo tiếng Việt tại Mỹ lại được xây dựng lên bởi hầu hết những ký giả “tự học, nghề dạy nghề” (kể cả tác giả) mà không được đào tạo trong bất cứ một trường học nào cả. Ngoại trừ một số nhỏ được đào tạo tại Việt Nam trong các lớp báo chí tại đại học Vạn Hạnh hay tại Việt Tân Xã, phần lớn còn lại đều tự học theo kiểu nghề dạy nghề.

Một vài người trẻ tuy được đào tạo chính thức tại Mỹ và tương đối thành công trong làng báo bản địa, nhưng khi làm việc trong làng báo Việt thì lại không mấy thành công. Với mục đích tham chiếu, ta có thể kể tới 3 nhà báo nữ gốc Việt được coi như đã bám trụ vẻ vang được vào làng báo Mỹ: Đó là Betty Nguyễn, xướng ngôn viên đài CNN, Leyna Nguyễn, xướng ngôn viên đài TV số 9 tại Orange County và Thúy Nguyễn, phóng viên/ xướng ngôn viên cho nhiều đài truyền hình San Jose và San Francisco California.

Bài viết này nhằm mục đích thông tin cho các phụ huynh có con em muốn vào nghề làm báo. Hầu hết các tài liệu sau đây đều rút ra từ trên mạng dưới tựa đề “careers.stateuniversity.com” và “www.bls.gov/oco/ocos088.htm.”

Trước tiên xin trình bày về các loại công việc trong nghề làm báo tại Mỹ.

Phóng viên (reporter) làm công việc đi lấy tin, viết tin gửi tới tòa báo hay đài. Phóng viên có thể chuyên về loại tin kinh tế, thể thao hay pháp luật...

Ký giả (correspondent) cũng làm giống như công việc người phóng viên, nhưng nhiều khi được gửi đi xa hay đi tới hiện trường có biến cố lớn.

Xướng ngôn viên, người phát tin thể thao hay thời tiết (sportcaster, weathercaster) là những người đọc tin, đôi khi bình luận trên truyền thanh hay truyền hình.

Sau một số năm kinh nghiệm, các phóng viên hay xướng ngôn viên có thể được chuyển sang làm một số các công việc khác như bình luận gia (columnist, commentator), xướng ngôn viên (anchor), chủ bút (editor), phân tích tin tức (news analyst), chuyên viên giao tế (PR specialist), giám đốc chương trình (program manager)... Một số nhà báo khác có thể chuyển sang làm các công việc như phát ngôn viên của các công ty lớn hay của các cơ quan công quyền tiểu bang, liên bang...

Nhà báo tại Mỹ thường khởi đầu làm việc tại các báo nhỏ hay các đài truyền thanh, truyền hình nhỏ tại địa phương trước, rồi chuyển tới các báo hay các đài có tầm vóc lớn hơn. Kế đó sau nhiều năm kinh nghiệm, có thể chuyển tới các báo, các đài truyền thanh truyền hình cấp quốc gia như CNN, Fox News, ABC, NBC, CBS hay các báo lớn như New York Times, Washington Post... Nếu muốn thăng tiến trong lãnh vực giáo dục hay nghiên cứu, nhà báo cần học thêm lấy bằng Master hay Ph.D.

Tất cả các nhà báo nổi tiếng đều được đào tạo chuyên ngành về báo chí tại đại học. Đồng thời ngay từ thời gian trung học và đại học, họ đã phải thực tập làm quen với các sinh hoạt báo chí ngay tại trường, hay tại các tổ chức địa phương như nhà thờ, các đoàn thể cộng đồng... trước khi được nhận vào làm việc tại một cơ sở truyền thông địa phương.

Tại Mỹ có trên 1,500 cơ sở dạy về truyền thông, báo chí và các ngành liên hệ. Trong số này, vào năm 2007 có 109 cơ sở được công nhận bởi tổ chức “The Accrediting Council of Education in Journalism and Mass Communication.” Học trình thường kéo dài 4 năm, phần lớn gồm các môn căn bản về nhân văn học, cộng thêm các lớp về báo chí, các phương tiện truyền thông, cách viết tin và kiểm tin, lịch sử báo chí, luật báo chí, đạo đức nghề nghiệp, một số lớp về truyền thanh, truyền hình...

Để chuẩn bị trước khi vào đại học, học sinh trung học có thể lựa trước các lớp về Anh văn, báo chí, xã hội học, tâm lý học, chính trị học, lịch sử... Ngoài ra là các lớp về điện toán, họa đồ, chụp hình, thương mại, giao tế... Tất cả đều rất hữu dụng cho bất cứ sinh viên nào muốn học ngành báo chí. Ngoài các môn học kể trên, một số các đức tính như tháo vát, bắt tin nhạy, sức chịu đựng bất kể ngày đêm, kiên trì, vô tư, sẵn sàng vào chỗ hiểm nguy, thời giờ co giãn bất thường... cũng sẽ rất cần cho một nhà báo.

Bối cảnh làm việc thường rất khẩn cấp, sôi nổi, ồn ào, không có thời giờ chuẩn bị viết hay nói, đôi khi cần ứng khẩu, ứng biến mà vẫn đầy đủ, chính xác, nơi làm việc nhiều khi rất bất tiện và nguy hiểm như trong các trường hợp chiến tranh, nổi loạn, lụt lội... Giờ làm việc phần lớn bất thường, kéo dài không còn thời giờ ăn ngủ... Những người muốn có một đời sống gia đình ổn định, theo một thời khóa biểu đều đặn không nên vào nghề báo.

Lương bổng thường căn cứ vào kinh nghiệm và lãnh vực chuyên môn như về kinh tế, y khoa, quân sự, kiến thức đặc thù về văn hóa hay sinh ngữ. Nhưng nói chung căn cứ vào thống kê của Bộ Lao Động, lương trung bình cho phóng viên báo chí là $31,320/năm. Mười phần trăm cao nhất lãnh trên $68,250/năm.

Dĩ nhiên lương bổng nêu trên chỉ áp dụng cho những trường hợp bình thường. Những nhân vật truyền hình “huyền thoại” như Barbara Walter hay Diane Sawyer... thường lãnh nhiều triệu mỗi năm, chưa kể những tiền thưởng đặc biệt theo khế ước. Riêng các khôn mặt truyền hình địa phương nổi tiếng tại Nam hay Bắc Cali có thể lãnh tới $500,000 tới $600,000/năm trong khi một người làm truyền hình với kinh nghiệm cả chục năm nhưng chưa nổi tiếng cũng tại Nam hay Bắc Cali có thể chỉ lãnh chừng dưới $100,000/năm.

Để tóm tắt, tác giả muốn đưa ra một số nhận định như sau:

1. Nghề làm báo tại Mỹ là một trong những nghề mang tính tranh đua cao nhất. Sự tranh đua lấy tin sớm không tính từng giờ mà phải tính từng phút.

2. Trong những năm mới vào nghề, đời sống gia đình phải coi như hàng thứ yếu. Bất cứ nhà báo nào cũng cần biết là đời sống một phóng viên thường không có giờ giấc nhất định. Bất cứ lúc nào có chuyện lớn xảy ra, dù ngày hay đêm, người phóng viên cũng phải sẵn sàng trong tình trạng “ứng chiến.”

3. Lương bổng trong những năm đầu tiên thường không xứng đáng với công việc khó nhọc trong nghề làm báo. Phần thưởng quý nhất đối với người làm báo chí là sự mãn nguyện đã tường trình kịp thời (tính bằng phút) một tin tức nóng hổi và quan trọng.

4. Nghề làm báo chỉ thích hợp với những người đam mê loại công việc mỗi lần là một sự mới lạ, câu chuyện thay đổi mỗi lúc, mỗi nơi. Đối với nhà báo mọi sự đều bất ngờ thích thú.

5. Nếu cá nhân mình nhận thấy không thể thích hợp với loại công việc như vậy thì tốt nhất là không nên “ném” mình vào nghề này. Phải coi làm báo là một cái “nghiệp” thì mới nên học và sống bằng nghề này. Một nghề đầy hấp dẫn không phải là nghề dành cho những người muốn sống an bài.