Home Đời Sống Tài Liệu Giải đáp một vài thắc mắc về cải tổ y tế

Giải đáp một vài thắc mắc về cải tổ y tế PDF Print E-mail
Tác Giả: Lan Phương / VOA   
Thứ Sáu, 16 Tháng 4 Năm 2010 15:52

Trong tuần qua, quý vị đã nghe nhà bình luận Ngô Nhân Dụng giải thích một số thắc mắc về đạo luật cải tổ y tế vừa được ký ban hành.

Tuần này chúng tôi sẽ mời quý vị nghe tiếp những chi tiết lên quan đến đạo luật này, xem người dân, phía công ty bảo hiểm và các bệnh viện cũng như giới chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ y tế, ai có lợi và ai sẽ thiệt hại.
 Ngoài lời giải thích của nhà bình luận Ngô Nhân Dụng, giáo sư Trịnh Quang Hanh thuộc đại học Wisconsin và bác sỹ David Ores sẽ đóng góp ý kiến về đạo luật cải tổ y tế trong Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này. Mời quý vị theo dõi với Lan Phương.

  Tồng thống Obama ký ban hành luật cải tổ y tế, 23/3/2010
Hình: AP 
 
Tuần qua chuyên gia tài chính học kiêm bình luận gia Ngô Nhân Dụng đã giải thích về những lý lẽ mà đạo luật cải tổ y tế vừa được ban hành dự tính sẽ giúp giảm bớt thâm hụt ngân sách.

Chuyển qua vấn đề ai sẽ được hưởng lợi và ai sẽ phải chịu thiệt hại, ông Ngô Nhân Dụng cho biết: lúc ban đầu, các công ty bảo hiểm y tế chống đối mãnh liệt vì đảng Dân chủ và Tổng thống Obama có ý định thiết lập một hãng bảo hiểm sức khỏe do chính phủ điều khiển. Nếu như ý định này được đem thực hiện, các hãng bảo hiểm tư sẽ bị thiệt hại. Ông giải thích:

"Một hãng bảo hiểm tư sẽ phải kiếm lời, họ phải chi rất nhiều về tiền quản trị, quảng cáo v..v..Trong khi một cơ quan do chính phủ điều khiển thì không cần chi những thứ đó. Vì thế họ có thể bán loại bảo hiểm giống như bảo hiểm tư, nhưng bán với giá rẻ hơn, người mua phải trả ít hơn mà vẫn được hưởng những điều kiện tương tự. Nếu như vậy các công ty tư sẽ bị đe dọa vì sẽ có ngày không còn cạnh tranh được với công ty của chính phủ nữa.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia khác, như Canada chẳng hạn, cơ quan bảo hiểm công chỉ chi tiêu khoảng độ 1,2% số tiền của họ vào việc quản lý hành chánh mà thôi, trong khi đó những công ty bảo hiểm ở Mỹ có thể chi đến mười mấy phần trăm vào chi phí quản lý."

Đó là lý do các công ty bảo hiểm công lúc đầu chống đối dữ dội. Sau đó thượng viện đã phải dung hòa, và biểu quyết dự luật trong đó không hề có một cơ quan bảo hiểm nào của chính phủ, coi như tổng thống Obama và đảng Dân chủ phải chịu thua, không theo đuổi việc thành lập cơ quan bảo hiểm công nữa. Vì thế bây giờ các công ty bảo hiểm tư lại có thái độ ngược lại, quay sang ủng hộ. Lý do là vì họ không bị cơ quan bảo hiểm công cạnh tranh, mà luật này lại coi như bắt buộc mọi người dân Mỹ đều phải mua bảo hiểm. Sẽ có thêm 32 triệu người Mỹ trong 10 năm tới là những khách hàng đi mua bảo hiểm. Có thêm 32 triệu khách hàng mới chắc chắn là các hãng bảo hiểm phải vui mừng.

Cũng theo ông Ngô Nhân Dụng, nói chung, rất nhiều cơ sở và những người trong ngành cung cấp dịch vụ y tế sẽ bị thiệt hại, lý do là từ trước đến nay có những chương trình để cho bệnh viện và bác sỹ được quyết định rất nhiều, tuy vẫn có những mức giá gọi là usual customary rate. Còn theo đạo luật mới sẽ có những thay đổi làm cho số chi phí trả cho bác sỹ và bệnh viện giảm đi.

Trong tương lai sẽ có một ủy ban 15 người do tổng thống đề cử và do quốc hội biểu quyết. Đây là ủy ban độc lập, do cả hành pháp và lập pháp quyết định, để đảm trách việc ấn định chi trả.

Ngoài ra đối với một số bệnh, các hãng bảo hiểm hoặc chương trình y tế của chính phủ sẽ không trả tiền cho mỗi lần bệnh nhân đi gặp bác sỹ hay bệnh viện nữa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, không phải cứ mỗi lần bệnh nhân đi gặp bác sỹ hay thử nghiệm là một lần hãng bảo hiểm lại phải trả tiền, mà người cung cấp địch vụ y tế sẽ được trả tiền cho tất cả các công việc chăm sóc đó trong 6 tháng, 1 năm hay 2 năm chẳng hạn.

Vậy thì đạo luật mới này có lợi gì cho dân? Giáo sư Hanh Trịnh, dạy môn quản trị y tế tại đại học Wisconsin, thành phố Milwaukee, đưa ý kiến:

"Đây là một vấn đề quan trọng và có lợi cho dân chúng ở nước Mỹ. Tất cả mọi người đều có cơ hội mua bảo hiểm. Ngay cả những người đã có bệnh sẵn từ trước hay bệnh kinh niên, bây giờ họ có quyền mua bảo hiểm và hãng bảo hiểm phải chi trả tất cả những dịch vụ y tế cho họ. Tôi nghĩ điều đó rất tốt cho dân chúng."

Tuy nhiên, nhiều người lo là hãng bảo hiểm là một cơ sở kinh doanh kiếm lời. Khi phải nhận những người đã có bệnh sẵn, tổn phí sẽ cao, họ sẽ phải chi nhiều, thì hãng sẽ phải tăng giá bảo hiểm để duy trì lợi lộc, mà nếu không được tăng giá thì lợi nhuận của họ sẽ bị sụt giảm. Giáo sư Hanh không nghĩ như vậy:

"Trên quan niệm về bảo hiểm thì một người đóng góp một ít tiền vào trong quĩ, hãng bảo hiểm lấy tiền từ quĩ đó để trang trải chi phí về y tế. Nhưng không phải ai cũng có bệnh kinh niên hay có bệnh sẵn đâu? Chỉ có một số mới có những bệnh đó. Do đó tính theo xác suất hay thống kê thì càng nhiều người mua bảo hiểm thì hãng dùng tiền của người khỏe mạnh mua bảo hiểm trả cho những người bệnh tật. Tôi nghĩ rằng hãng bảo hiểm không nên quá quan tâm về vấn đề đó."

Khi nhắc đến chuyện các bác sỹ và bệnh viện có thể sẽ phải chịu thiệt, giáo sư Hanh Trịnh nói rằng với tình trạng nhiều người không có bảo hiểm như hịện nay mà các bệnh viện và bác sỹ vẫn chữa trị, sau đó nhiều người không trả được những khoản y phí thì giới cung cấp dịch vụ y tế đành phải chịu thiệt. Còn khi mọi người đã có bảo hiểm thì bệnh viện và bác sỹ không phải những chịu thiệt hại đó nữa.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là: hãng bảo hiểm đóng vai trò gì trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân? Giáo sư Hanh phát biểu như sau:

"Sự thực, các hãng bảo hiểm không đóng góp gì hết cho nền y tế nước Mỹ, chỉ có nhà thương, bác sỹ mới thực thụ đóng góp. Tôi không thấy bảo hiểm đóng góp gì hết. Giáo sư Reinhardt tại trường Princeton nói rằng các hãng bảo hiểm không đóng góp cho nền y tế mà chẳng qua chỉ là một cơ quan bảo hiểm kiếm lời."

Bác sỹ David Ores, một người chủ trương y học mang sứ mạng phục vụ con người, đưa ý kiến về đạo luật mới được ban hành:

"Tôi hài lòng với đạo luật ở điểm là nó đã đưa vấn đề này ra trước công chúng toàn quốc để tranh luận. Rất nhiều người đưa ý kiến, rất nhiều người, nhiều cơ quan truyền thông vẫn bàn tán về vấn đề chăm sóc sức khỏe và vấn đề kinh tế, tiền bạc liên quan đến chuyện này. Tôi cho đây là điều tốt vì người ta ý thức nhiều hơn."

Tuy nhiên bác sỹ Ores nói với ban Việt ngữ đài VOA rằng cuộc tranh luận sôi nổi này đã không nhắm đúng vào chủ đề cốt lõi. Vậy thì cuộc tranh luận phải tiến theo chiều hướng như thế nào? Mời quí thính giả ý kiến của bác sỹ Ores:

"Cuộc bàn luận không nên đề cập tới chuyện phá thai, chuyện chính phủ lấy mất quyền quyết định của người dân, chuyện trao đổi bảo hiểm, cũng không phải là những bệnh tật đã có sẵn của người muốn được bảo hiểm, cũng chẳng phải là giới người già, người nghèo, hay các tổng thống cũ muốn làm như thế nào, nhưng nó cần phải luôn luôn nhắm tới chủ đề: hệ thống bảo hiểm là hệ thống kiếm lời hay bất vụ lợi? Vấn đề đặt ra là sứ mạng của hệ thống chăm sóc y tế là gì? Để kiếm được càng nhiều lợi nhuận càng tốt hay là bất vụ lợi để chăm lo sức khỏe cho dân?"

Bác sỹ Ores cho rằng cuộc tranh luận đã không đi đúng hướng và theo ông các hãng bảo hiểm, với lợi lộc hàng tỉ tỉ đô la, đầy thế lực không muốn cho nguời dân thấy rõ vấn đề.