Home Đời Sống Tài Liệu Ðậu xe, và người khuyết tật

Ðậu xe, và người khuyết tật PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Ðình   
Chúa Nhật, 04 Tháng 7 Năm 2010 15:58

Bảng đậu xe Handicap tại California, có ghi rõ số ID để nhận diện chủ nhân.

Ðậu xe là vấn đề đang trở thành nan giải cho ngành giao thông. Ai trong chúng ta chẳng có lúc khổ sở khi loanh quanh miết trong bãi vẫn không tìm được một chỗ “ngả lưng” cho chiếc xế hộp, trong lúc giờ làm việc, giờ học, giờ ăn... đã bắt đầu.

Ông Donald Shoup, giáo sư môn Kế Hoạch Ðô Thị tại Ðại Học UCLA cho biết, trung bình một tài xế ở xứ Mỹ phải mất 3 phút 3 giây, tương đương nửa dặm, trước khi tìm được chỗ đậu xe.

 Như vậy trong một năm, ông giáo sư nói tiếp, tổng số đường đất dân lái xe toàn quốc xớn xác đi tìm chỗ đậu là 950,000 dặm - tương đương với 3 chuyến đi vòng quanh trái đất. Wow!

Ðấy là nói những tài xế bình thường. Chưa kể những người khuyết tật (handicapped), tay chân không được nhặm lẹ, mắt nhìn không được tinh tường như người khác... khi phải tranh chỗ đậu xe đương nhiên còn khổ sở hơn, còn mất nhiều giờ hơn nữa! Tưởng vậy mà không phải vậy. Bởi vì, đối với những người này luật pháp dành cho nhiều ưu tiên.

Bạn khuyết tật ư? Hay thân nhân của bạn bị khuyết tật? Hãy cứ khuyến khích họ học lái xe, ngồi vào sau tay lái, và enjoy driving như ai, thậm chí còn hơn bất kỳ ai nữa.

I. Ưu tiên cho người khuyết tật:

Bãi đậu xe nào cũng dành để một số chỗ ưu tiên. Những khung này được đánh dấu bằng một tấm bảng nhỏ có hình chiếc xe lăn (không ai lầm lẫn được) kẻ bằng sơn xanh (blue), rộng rãi, và gần nơi cửa ra vào văn phòng, cửa chợ... để rút ngắn khoảng đường đi bộ cho người khuyết tật.

 Hình ảnh chiếc xe lăn được phác thảo trên nền xanh là dấu hiệu khuyết tật được công nhận trên toàn thế giới (International Symbol of Access). Dọc theo đường phố cũng có những chỗ đậu ưu tiên, người khuyết tật cứ việc tìm gờ đường sơn Blue là chỗ độc quyền của họ.

Chỗ đậu xe càng ngày càng khan hiếm, vì phải dành nơi cho gia đình đến... picnic!

Ðó là điều rõ ràng, gần như ai cũng biết. Nhưng những quyền lợi sau đây có thể bị lãng quên, hoặc ít khi dùng tới:

Lề đường sơn Green (Green Curb): Green cũng là màu xanh, xanh lá cây, và tươi hơn màu xanh Blue nước biển.

Ðây là nơi mọi người được phép đậu, dù lành lặn hay khuyết tật. Khác một điều là người khuyết tật không bị giới hạn về thời gian.

Nếu có bảng ghi giới hạn thời gian đậu xe, thì chỉ tài xế bình thường mới phải chấp hành, còn người khuyết tật thì... bất chấp!

Lề đường có máy tính tiền: Ðây cũng là chỗ đậu cho mọi người, nhưng người lành lặn phải trả tiền theo thời gian, còn người khuyết tật được đậu miễn phí, không giới hạn.

Bên lề những con đường dành ưu tiên cho cư dân địa phương hoặc chủ nhân cơ sở thương mại trong vùng: Người nơi khác đến đậu trên quãng đường này mà không có bảng hiệu cư dân, có thể lãnh ticket, hoặc bị kéo xe, nhưng những chiếc xe có treo bảng Handicap thì không sao, vẫn đậu thả dàn, cái bảng Handicap là “thần hộ mệnh” vạn năng.

Ngoài việc đậu xe, người khuyết tật còn được ưu tiên khi đi đổ xăng. Một số trạm xăng phân chia 2 cấp phục vụ: Tài xế tự bơm xăng (self-service) và bơm xăng có nhân viên phục vụ (full service). Tự đổ xăng lấy, bạn chỉ phải trả tiền xăng, nếu nhờ nhân viên phục vụ bạn phải trả thêm tiền cho người phục vụ đó. Nhưng người khuyết tật có thể yêu cầu nhân viên phục vụ việc đổ xăng mà không cần trả thêm khoản lệ phí khác, ngoài tiền xăng.

Trên đây là những điều mà người khuyết tật có thể bất chấp, bất chấp lệ phí, bất chấp thời gian... Nhưng không có thể trở thành “kiêu binh” bất chấp luật pháp. Vẫn có những điều cấm kỵ, hoặc những qui định phải chấp hành về việc đậu xe:

Không được đậu ở khu vực có hàng kẻ xiên, bên cạnh khung đậu dành cho Handicap. Ðây là khu vực giữ xe lăn, hoặc dụng cụ nâng xe lăn.

Không được đậu ở lề đường sơn vàng (yellow curb), là nơi dành riêng cho xe thương nghiệp, xuống hàng hoặc bốc hàng.

Không được đậu ở lề đường kẻ trắng là nơi xe đón khách, bỏ khách hoặc gần bên một hộp thư công cộng, nơi xe cộ đi ngang qua để bỏ thư.

Những bãi đậu xe không nằm trong lòng đường, như garage có mái, hoặc bãi đậu tư nhân... thường có thu lệ phí. Người khuyết tật vẫn được dành vị trí ưu tiên, nhưng phải trả tiền như mọi người khác. Ðậu xe miễn phí không giới hạn chỉ áp dụng với những điểm đậu xe ở lề đường công cộng mà thôi.

Không được đậu ở những nơi có bảng cấm đậu hoặc những giờ quét dọn đường phố.

Tối đa 72 tiếng: Cũng như tất cả mọi xe khác, xe có bảng khuyết tật không được phép đậu liền một chỗ ở trên đường, quá 72 tiếng liên tục (3 ngày). Cái chữ “không giới hạn” cho người khuyết tật phải được hiểu là “không giới hạn trong vòng 3 ngày”.

II. Ðiều kiện xin bảng đậu xe ưu tiên:

Ðể xin bảng đậu xe Handicap, trước hết xin bạn ghé văn phòng bác sĩ để lấy giấy xác nhận. Không cứ là bác sĩ, bạn có thể lấy giấy chứng nhận của phụ tá bác sĩ, y sĩ (nurse practitioner), y tá hộ sản, hoặc y sĩ chỉnh thương (chiropractor) nếu bị thương tật ở tay chân. Nếu có bệnh mắt hoặc thị lực sút giảm, thì phải có chứng nhận của bác sĩ nhãn khoa.


Người có bảng đậu xe Handicap có thể đậu ở chỗ có cột tính giờ mà không phải trả tiền.

Bạn có thể thắc mắc, “Như tôi đây thì có thể kể là khuyết tật không?” Theo qui định của luật pháp California, bạn cần có một trong những bệnh hoặc triệu chứng sau đây:

Bệnh tim hoặc bệnh về tuần hoàn.
Bệnh phổi.
Một khuyết tật nào đó khiến bạn khó sử dụng chân tay.
Bệnh về thị giác, mắt kém...
Cụt chân, cụt tay, hoặc tê liệt, không thể dùng được chân tay...

Bác sĩ sẽ ký nhận khuyết tật theo mẫu của văn phòng DMV. Nếu phòng mạch bác sĩ không có sẵn mẫu đó, cư dân California có thể in mẫu đơn từ địa chỉ mạng sau đây: http://www.dmv.ca.gov/forms/reg/reg195.pdf

Có được giấy xác nhận của bác sĩ, bạn mang lên nộp cho văn phòng DMV địa phương, rồi về nhà chờ đợi. Bảng đậu xe Handicap sẽ được gửi đến tận nhà ít ngày sau đó. Bảng đậu xe Handicap có giá trị trong 1 năm, DMV sẽ tự động tái hạn và gửi bảng mới về nhà cho bạn trong những năm sau đó.

Bạn không cần phải xin giấy chứng nhận của bác sĩ nếu khuyết tật được xem thấy hiển nhiên, chẳng hạn: Cụt chân, cụt tay. Khi đó, bạn có thể đến thẳng văn phòng DMV để trình diện “người thật việc thật”.

Lệ phí xin bảng đậu xe Handicap:

Cho đến lúc này, bạn không mất một đồng bạc nào cả, trừ lệ phí khi đi khám bác sĩ để lấy giấy chứng nhận, nếu không có bảo hiểm. Tuy nhiên, Phạm Ðình biết có nhiều vị bác sĩ nhân ái trong cộng đồng Việt Nam, không lấy lệ phí khi bạn đến xin xác nhận khuyết tật.

Tại DMV, nếu là người có khuyết tật vĩnh viễn, bạn không phải trả lệ phí khi xin bảng, cũng như khi tái hạn hằng năm. Nhưng nếu không phải là khuyết tận vĩnh viễn, bạn sẽ chỉ được cấp bảng đậu xe Handicap tạm thời, phải trả $6.00 lệ phí khi xin, và $6.00 mỗi lần gia hạn.

Bảng đậu xe Handicap bị mất hoặc bị hư hại:

Nếu bảng bị hư hại hoặc bị mất, bạn có thể xin lại bảng khác, bằng cách nộp đơn báo cáo mất và xin bảng thay thế. Ðơn có sẵn tại DMV hoặc có thể in ra tại địa chỉ mạng sau đây, nếu là cư dân California: http://www.dmv.ca.gov/forms/reg/reg156.pdf , và gửi về cho DMV California, kèm theo bảng đậu xe Handicap cũ, nếu còn giữ, và lệ phí (nếu xin bảng đậu xe Handicap tạm thời).

DMV Placard
P.O. Box 942869
Sacramento, CA 94269-0001

Một điều kiện khác:
Ðúng ra phải gọi là Không điều kiện, đó là: Bạn không cần phải có xe hoặc không cần có bằng lái mới được phép xin bảng đậu xe Handicap. Có nghĩa là, bạn có thể xin bảng và sử dụng mỗi khi đi xe do mình lái, hoặc ngồi trên xe do người khác lái. Nhưng không thể cho người khác mượn khi mình không hiện diện trên xe. Trường hợp lạm dụng bất hợp pháp đó kéo theo nhiều hậu quả tai hại như sẽ trình bày dưới đây.

III. Lạm dụng bảng đậu xe Handicap:

Trong điều kiện chỗ đậu xe mỗi lúc một trở nên khan hiếm, thì cái bảng đậu xe Handicap đúng thực là một tài sản quí giá. Chính vì thế có nhiều người lạm dụng, bằng cách mượn bảng hoặc thậm chí dùng bảng giả. Những trường hợp này được gọi là abuse, là bất hợp pháp, bị trừng phạt khá nghiêm khắc như sau:

- Bị mất đặc quyền dùng bảng đậu xe Handicap, nếu tự ý cho mượn.

- Bị phạt từ $250 đến $3,500, lại còn có thể bị tù tới 6 tháng, tùy từng trường hợp.

Là người được trời đất ban cho một thân thể lành lặn, bạn có đôi lúc cảm thấy ghen tị với những đặc quyền mà xã hội dành cho những người kém may mắn hơn hay không? Không ai dám nói rằng có, nhưng cũng không phủ nhận được một đôi lúc... tủi thân, vì không được ưu đãi khi đậu xe như “người ta”.

Vậy, nếu có thể đánh đổi vị thế - Mình trở thành người tàn tật để được cái bảng đậu xe Handicap, còn người kia thì lành lặn và mất quyền ưu tiên đậu xe - bạn có bằng lòng không? Chắc chắn là Không! Dại gì, phải không bạn? Vậy đừng dại dột mượn bảng đậu xe Handicap của ai. Bởi vì, đó là bất hợp pháp, có thể kéo theo những hậu quả tai hại. Nhìn xa hơn một chút, nhỡ ông Trời, ổng tưởng mình muốn đổi thật thì sao!