Thở Bụng PDF Print E-mail
Tác Giả: BS Đỗ Hồng Ngọc   
Thứ Năm, 22 Tháng 7 Năm 2010 15:07

Tôi đã thử tập thở để tự chữa bệnh mình mà sao thấy khó quá! Thường người ta nói "thở vào thở ra", tại sao ở đây lại nói "thót bụng thở ra" trước rồi mới "phình bụng thở vào" sau?

Thở ra quan trọng hơn ta tưởng. Thở ra giúp làm sạch các hốc phổi, đáy phổi, nơi khí dơ dễ đọng lại. Đặc biệt, với những người bị suyễn, bị bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD) càng cần tập luyện thì thở ra.

Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hai lá phổi là một khối đặc, im lìm, không hoạt động, như chiếc dù xếp chặt trên lưng vận động viên. Khi người nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ thì dù mới tự động bung ra, bọc gió. Đứa bé "tung mình" ra khỏi lòng mẹ, hai lá phổi cũng bung ra như vậy do không khí tự động lùa vào, đó chính là hơi thở vào đầu tiên.

 Tiếng khóc chào đời lúc đó chính là hơi thở ra đầu tiên của bé chứng tỏ hệ hô hấp đã được "lắp đặt" xong, đã khởi động tốt, sẽ "bảo hành" cho đến khi... tắt thở, miễn là trong quá trình sử dụng biết "bảo trì”! Cách bảo trì tốt nhất vẫn là đừng đưa bụi, khói... (thuốc lá!) vào lấp các đường hô hấp lớn nhỏ khiến ta phải thở khò khè, thở cà giựt, thở cà hước về sau... là được.

Sự hô hấp xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không phải ở hai lá phổi. Phổi thực chất là một cái bơm, bơm khí vào ra "phình xẹp" vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về "cơ chế" của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn pít-tông (piston) chính là cơ hoành - một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bể lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi.

Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Vậy mà cơ hoành có thể nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí. Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất. Cho nên trong bài vè tập thở ta thấy nói "thót bụng", "phình bụng" - mà không hề nói đến ngực chút nào là vậy. Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết. Nó thở bằng bụng chớ không phải thở bằng ngực. Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống, đều đều, nhẹ nhàng mà thôi.

Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for Reversing Heart Disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.

Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga... để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra v.v... căn bản cũng không ngoài cách... thở bụng. Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa... mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại. Nên cố gắng tiếp tục tập thở bụng. Phải chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu quả.