Home Đời Sống Tài Liệu Nhìn lại vụ đặt bom tòa cao ốc Thương Mại Thế Giới năm 1993

Nhìn lại vụ đặt bom tòa cao ốc Thương Mại Thế Giới năm 1993 PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Thanh   
Thứ Hai, 02 Tháng 8 Năm 2010 11:02

Vào ngày 26/2/1993, lúc 12:18 vào buổi trưa, Yousef đã đặt 540 kí-lô bom mà hắn ta đã tự chế trong một chiếc xe van và bỏ lại bãi đậu xe rộng lớn bên dưới tầng hầm của Trung tâm Thương Mại Thế giới.

LTS: Ngồi trong xà lim của trại giam tại Florence, Colorado, người đàn ông với lỗ tai lớn, chiếc mũi thẳng và đôi mắt đen phải có những cảm xúc lẫn lộn khi nghe tin vụ tấn công khủng bố vào Nữu Ước và Hoa Thịnh Đốn. Bởi vì gã là người đầu tiên nghĩ ra ý kiến muốn tòa tháp đôi của Trung tâm Thương Mại Thế giới sụp đổ, và gần như thành công trong vụ đặt bom tấn công Trung tâm Thương mại này vào năm 1993. Tên gã là Ramzi Ahmed Yousef.

 
  Một số tòng phạm khác trong vụ án WTC
Vào ngày 26/2/1993, lúc 12:18 vào buổi trưa, Yousef đã đặt 540 kí-lô bom mà hắn ta đã tự chế trong một chiếc xe van và bỏ lại bãi đậu xe rộng lớn bên dưới tầng hầm của Trung tâm Thương Mại Thế giới. Qua cuộc thẩm vấn, hắn cho biết mục đích của hắn là muốn một trong hai tòa nhà đổ và ngã vào tòa nhà thứ nhì, khiến cả hai tòa cao ốc sụp đổ xuống. Hắn hy vọng cả hai tòa nhà sụp đổ sẽ gây tử vong cho nhiều người. (Con số mà hắn tính là khoảng 250,000 người thiệt mạng). Thực tế là vụ đặt bom đã khiến 6 người bị thiệt mạng, và hơn 1000 người khác bị thương. Cho đến nay, FBI vẫn còn hồ nghi về danh tính xác thực của hắn. Và liệu hắn có mối quan hệ nào với những tên không tặc lái máy bay hành khách đâm vào hai tòa nhà chọc trời của Trung tâm Thương Mại Thế giới vào ngày 11/9 không?

Xin mời quý độc giả theo dõi lại sự kiện đặt bom Trung tâm Thương Mại năm 1993 cùng với những âm mưu của tên Yousef.

Vụ đặt bom năm 1993

Vụ đặt bom dưới tầng hầm của tòa Thương Mại Thế giới là một vụ lớn nhất trong lịch sử mà ngành Cứu hỏa tại Nữu Ước phải đương đầu vào thời điểm đó. Bởi vì nó gây ra một vết nứt dài 60 mét khiến cho nước từ hệ thống thoát nước tràn vào bãi đậu xe dưới hầm. Vụ đặt chất nổ đó cũng gây hư hại nặng cho một trạm xe lửa gần bên, khiến dịch vụ xe lửa phải ngừng hoạt động. Nó cũng gây thiệt hại cho các đài truyền hình, và làm cho Khách Sạn Vista ngay bên trên tầng hầm hầu như bị sụp đổ hoàn toàn. Nhưng một khi được sửa chữa lại, cả hai tòa cao ốc quay trở lại sinh hoạt bình thường một tháng sau đó. Đối với công chúng vào lúc ấy, chẳng ai còn quan tâm đến sự kiện này nữa. Hiện giờ, sau cuộc tấn công khủng bố hôm 11/9, khiến cả hai tòa cao ốc Thương Mại đẹp đẽ kia sụp đổ tan tành, và hơn 6000 người vùi thây dưới hàng tấn bê tông cốt thép kia, thì chuyện đặt bom vào năm 1993 chỉ như một sự kiện lịch sử nhỏ nhoi chẳng đáng để ý. Các nhân viên điều tra cũng không tìm được manh mối trực tiếp nào cho thấy giữa Yousef và những tên không tặc kia có mối quan hệ hay không. Nhưng vụ đặt bom của Yousef đã khiến cho những kẻ Hồi giáo cuồng tín suy nghĩ đến kế hoạch tấn công vào Trung tâm Thương Mại của Nữu Ước. Nhiều nhân viên điều tra cố tìm tòi những gì đằng sau biến cố thương tâm của ngày 11/9, đã tái thẩm vấn Yousef. Khi các nhân viên điều tra hỏi rằng có phải Osama bin Laden và Saddam Hussein là những kẻ chủ chốt đằng sau các cuộc tấn công này không? Hắn một mực giữ im lặng, không khai lời nào.

Không thể minh định danh tính

Theo ông Neil Herman, cựu chỉ huy đơn vị điều tra đặc biệt đã tiến hành cuộc điều tra vụ đặt bom vào Trung tâm Thương Mại Thế giới năm 1993, cho biết:

- ”Chúng tôi không biết đích thực gã Ramzi Yousef là ai. Vì không có một nhà cầm quyền nào có thể xác định được hắn là ai, từng sinh sống ở đâu, gia đình của hắn gồm những ai, hoặc tiền đâu mà hắn trả cho những vé máy bay hạng nhất khi hắn du lịch khắp thế giới.”

Và cái tên Ramzi Yousef chưa chắc là tên thật của hắn. Vào năm 1992, hắn đã đến Hoa Kỳ với sổ thông hành của Irắc mang tên là Ramzi Yousef. Hắn không có cả chiếu khán, nhưng hắn đã làm đơn xin tỵ nạn chính trị.

Kết quả là hắn được nhận vào nước Mỹ.

Vào ngày cuối năm, Yousef đến tòa Tổng Lãnh sự của Pakistan tại Hoa Kỳ, trình một sổ thông hành cũ, với cái tên là Abdul Basit để xin cấp một sổ thông hành mới.

Nếu như tên thật của hắn là Basit, hắn được sinh vào năm 1968 tại Kuwait có cha là người Pakistan và mẹ là người Palestine. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nhân viên điều tra cho rằng Basit là tên thật của hắn, mặc dù chính họ cũng không chắc chắn đây có phải là tên thật của hắn không. Basit đã từ Kuwait đến Anh vào cuối thập niên 1980 để học Anh ngữ tại Oxford và có một chứng chỉ về điện tử do một Viện đại học tại Wales cấp. Chính tại Anh, hắn đã tự học cách chế bom, và đã đến trại huấn luyện quân sự của bin Laden.

Mục đích của Ramzi Yousef

Dù hắn ta là ai, hắn chắc chắn không phải là một kẻ Hồi giáo cuồng tín bình thường như những kẻ khác. Bởi lẽ cách sống của hắn đầy vẻ hưởng thụ: thường đến các quán rượu, vũ trường, thường tán tỉnh các phụ nữ kể cả những phụ nữ đã có gia đình.

Mục đích của Yousef có vẻ là vì chính trị hơn là vì tôn giáo. Mục tiêu của hắn cũng quá rõ ràng: người đàn ông được biết là Ramzi Yousef đến Hoa Kỳ với một ý tưởng là giết chết nhiều dân Mỹ.

Hắn đến Hoa Kỳ vào ngày 1/9/1992, và ngay lập tức đến gặp Mahmud Abouhalima, một người bạn của hắn, từng tham gia phong trào du kích chống Nga Sô tại A Phú Hãn. Abouhalima là tài xế cho vị tu sĩ mù là Omar Abdel-Rahman tại thành phố Jersey, New Jersey. Thành phố Jersey là nơi có cộng đồng Hồi giáo sinh sống nhiều nhất, nên những người mới đến Hoa Kỳ đều thường tụ về đấy, kể cả nhiều kẻ Hồi giáo cực đoan.

Sau khi đến đó cư trú, Yousef đã bắt đầu chế tạo bom. Hắn không phải là một kẻ cảm tử, ôm bom tự sát chung với nhiều người, mà hắn đã lập một chiến thuật trốn thoát, với nhiều địa điểm hắn sẽ đến, sau khi chạy trốn khỏi Hoa Kỳ bằng sổ thông hành của Pakistan.

Ngày hành động

Vào sáng sớm ngày 26/2/1993, hắn và đồng bọn mướn chiếc xe van, do Mohammad Salameh cầm lái. Chiếc xe này cùng với hai chiếc xe hơi khác tiến đến Manhattan. Tại một khách sạn ở Manhattan, những kẻ âm mưu đã đón thêm người nữa là Eyad Ismoil.

Chính Eyad Ismoil là người đã cầm lái chiếc xe van chạy vào tầng hầm của bãi đậu xe bên dưới Trung tâm Thương Mại Thế giới, và đậu chiếc xe van cạnh bức tường, chống đỡ tòa cao ốc phía Bắc. Bên trong chiếc xe van, Yousef đã đốt 4 cái ngòi dài 6 mét dẫn đến một quả bom nặng 540 kí-lô - những ngòi này sẽ cháy trong 12 phút đồng hồ. Kế hắn chui vào một trong hai chiếc xe kia. Cả hai chiếc xe tiến về ngã dẫn ra khỏi tầng hầm.

Điều tra và bắt các đồng lõa

Thế là một cuộc điều tra của FBI bắt đầu. Và họ đã tìm ra những mảnh vụn của chiếc xe van. Chính số máy của chiếc xe đã dẫn họ đến văn phòng mướn xe tại New Jersey. Những tên này biết rằng các nhân viên điều tra có thể truy tìm dấu vết một khi kế hoạch bị thất bại, nên đã báo với văn phòng mướn xe là chiếc xe van đã bị mất trộm một ngày trước đó. Khi Salameh đến văn phòng mướn xe để lấy lại tiền đặt cọc, các nhân viên cảnh sát đã chờ sẳn ở đó.

Từ Salamed, các nhân viên điều tra đã lần đến nơi trú ngụ của Yousef và sổ trương mục của hắn. Một cuộc bố ráp bắt đầu. Kết quả là Nidal Ayyad, Ahmad Ajaj và Mahmud Abouhalima bị bắt. Trong khi Yousef trốn mất. Phiên tòa xử bốn tên đồng lõa này phán quyết bọn chúng bị tù giam là 240 năm, và được giam giữ trong những xà lim được bảo vệ kỹ càng. Cũng trong khoảng thời điểm đó, FBI hiểu rằng họ đã phạm sai lầm khi không tin lời của một kẻ chỉ điểm. Trước khi xẩy ra vụ đặt bom Trung tâm Thương Mại Thế giới, một cựu quân nhân Ai Cập tên là Emad Salem đang làm việc cho FBI, đã báo cho FBI biết về mẫu tin anh ta nghe được từ một đền thờ Hồi giáo do Omar Abdel-Rahman lãnh đạo về những âm mưu đặt bom và ám sát. Nhưng FBI cho rằng anh ta đặt chuyện và nghi ngờ rằng anh ta cũng đang làm việc cho tình báo Ai Cập nên sa thải anh này. Cho đến khi xẩy ra vụ đặt bom, các nhân viên điều tra mới tin rằng Salem đã nói sự thật. Nhất là khi khám xét chiếc máy điện toán của một nghi can, họ đã tìm thấy một lá thư của một nhóm khủng bố báo rằng tổ chức này có đến 150 cảm tử quân, sẳn sàng ôm bom tự sát; và mục tiêu chính là những căn cứ quân sự hay các địa điểm tập trung nhiều dân cư nhất tại Hoa Kỳ. Hoảng kinh, FBI lại tiếp tục hợp tác với Salem. Với những tin tức của Salem, FBI đã có chứng cớ để bắt giữ vị tu sĩ mù Omar Abdel-Rahman và 10 tên đồng lõa khác khi bọn họ đang chuẩn bị một kế hoạch khác bao gồm cả việc đặt bom những chiếc cầu, đường hầm và tòa nhà của Liên Hiệp Quốc tại Hoa Kỳ.

Trước khi bị bắt

Về phần của Yousef, sau khi đặt bom và đứng nhìn công trình của hắn không mấy thành công trong việc đánh đổ tòa tháp đôi kia, hắn tức tốc bay đến Pakistan.

Dù cẩn thận đến đâu, Yousef cũng phạm sai lầm khi để lại dấu tay trên chai hóa chất chứa trong căn chung cư hắn cư ngụ. Cùng với những tài liệu di trú được tìm thấy tại đó về hắn đã giúp cho các nhân viên FBI tiến hành cuộc điều tra và truy tầm dấu vết của hắn. Trong khi các nhân viên điều tra đang lùng kiếm Yousef trên thế giới, thì hắn cũng bắt đầu cho một kế hoạch khủng bố khác. Vào năm 1994, hắn đến Phi Luật Tân và hoạch định âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Clinton. Hắn còn dự định đặt bom những chiếc phản lực của Mỹ đang từ Á Châu quay về Hoa Kỳ. Nhưng âm mưu này không thực hiện được, có lẽ do thiếu người ủng hộ. Yousef vội vả rời khỏi Phi Luật Tân.

Tại Pakistan, Yousef nhắm vào việc ám sát Benazir Bhutto, người sẽ trở thành Thủ Tướng Paksitan trong vài tháng sau đó. Nhưng âm mưu này thất bại khi một chiếc xe cảnh sát đi ngang đúng lúc Yousef và một tên đồng lõa của hắn đang đặt bom vào một cái cống gần nhà của ông Bhutto. Một viên chức của FBI cho biết: Yousef là một người đầy mưu mô và khôn ngoan. Cuộc sống của hắn giống như nhân vật gián điệp James Bond trong phim điện ảnh: Với nhiều nghề nghiệp khác nhau khi là một công nhân Moroco, hoặc có thể là một nhà ngoại giao người Ý, và rất giỏi trong việc tuyển mộ người vào tổ chức của hắn. Hoa Kỳ biết đây là một nhân vật nguy hiểm nên đã cho đăng tấm ảnh của hắn khắp các nước hòng truy tìm và bắt cho bằng được hắn ta.

Bị bắt tại Pakistan

Cuối cùng Yousef cũng bị bắt vào ngày 7/2/1995, gần hai năm sau vụ đặt bom. Nguyên nhân bắt được hắn là do một cộng sự của hắn đã phản bội và khai báo chỗ ở của hắn. Cảnh sát và binh lính Pakistan lẫn các nhân viên của Hoa Kỳ bao vây căn nhà hắn đang ở tại Islamabad. Khi một nhân viên đến gõ cửa, Yousef không nghi ngờ gì cả, nên đã mở cửa. Trong phòng của hắn, các nhân viên điều tra Hoa Kỳ cũng tìm thấy một chiếc va li chứa đầy những chiếc xe hơi đồ chơi được gói chung với chất nổ và một lá thư đe dọa sẽ giết Tổng Thống Phi Luật Tân, và bỏ thuốc độc vào nguồn nước nếu như một cộng sự của hắn không được thả. Trên chuyến bay quay trở về Hoa Kỳ, Yousef tự động thú nhận về kế hoạch đặt bom vào Trung tâm Thương Mại Thế giới cũng như vai trò của hắn trong âm mưu này.

Vào tháng 10/1996, trong phiên tòa xử, quan tòa phán quyết Yousef với nhiều tội danh trong đó có cả tội danh liên quan đến âm mưu đặt bom các máy bay phản lực của Hoa Kỳ.

Vào tháng 11/1997, Yousef bị kết tội với tội danh lãnh đạo vụ đặt bom Trung tâm Thương Mại Thế giới. Hắn cũng phủ nhận những lời thú tội ban đầu mà hắn đã khai trình, và một mực nói rằng hắn vô tội. Sau khi bị kết án đến 240 năm tù giam, hắn lại tuyên bố rằng:

- ”Tôi là một kẻ khủng bố và tôi tự hào về điều đó.”

Những đồng lõa của hắn cuối cùng đã bị tóm hết: Eyad Ismoil bị bắt tại Jordan. Trong khi Abdul Hakim Murad - cộng sự viên của Yousef trong âm mưu đặt bom một hãng hàng không bị kết án tù chung thân.

Là tên khủng bố hay gián điệp của Iraq?

Dù trùm khủng bố bin Laden cho rằng ông ta không quen biết gì với Yousef, nhưng theo những thông tin thu thập được, tổ chức của bin Laden đã chứa chấp hắn, sau khi hắn trốn khỏi Hoa Kỳ.

Một điều đáng chú ý là Yousef đã ở trong ngôi nhà của bin Laden tại thị trấn biên giới Peshawar, và đang ẩn nấp tại một ngôi nhà bí mật của bin Laden khi hắn ta bị bắt. Ngoài ra, một trong những cộng sự của Yousef lại là tay trợ lý của bin Laden.

Nhưng theo một chuyên gia, có thể Yousef không phải tên thật là Basit nhưng là một tay gián điệp của Irắc, đã giả mạo là Basit. Có thể lập luận này có lý phần nào chăng?

Bởi lẽ một yếu tố nổi bật là Yousef đến Hoa Kỳ với sổ thông hành do chính phủ Irắc cấp ra. Ngoài ra, một trong những kẻ cộng sự của Yousef trong vụ đặt bom Trung tâm Thương Mại Thế giới đã trốn khỏi Hoa Kỳ và sang tỵ nạn tại Irắc. Gã này là Abdul Rahman Yasin - đã thú nhận với các nhà điều tra là hắn đã dạy tên Salameh lái chiếc xe van vài ngày trước khi xẩy ra vụ đặt bom. Một phần do thấy Yasin tỏ ra thành khẩn, và bằng lòng hợp tác với các cảnh sát, nên Yasin đã được trả tự do. Nhưng ngày kế tiếp hắn đã trốn khỏi Hoa Kỳ, bay đến Jordan và từ đó sang Irắc. Hiện giờ, FBI tin rằng hắn đang làm việc cho chính phủ Irắc.

Nhưng theo các nhà điều tra, Yousef cũng không phải là tay nhà nghề chế tạo ra loại bom có sức công phá lớn vì loại chất nổ do hắn chế ra rất dễ làm, lại sơ sài, và không cần tốn nhiều tiền để mua vật liệu. William Gavin, chỉ huy trưởng của văn phòng FBI tại Nữu Ước đã chỉ huy cuộc thẩm vấn gã này kể rằng: Trên chuyến trực thăng chở Ramzi Yousef ngang qua hai tòa cao ốc Thương mại Thế giới, ông Gavin đã không ngăn được việc mở bịt mắt của Yousef và bảo rằng âm mưu của hắn đã bị thất bại. Gã Yousef lạnh lùng trả lời:

- ”Đó là vì tôi đã sử dụng quá ít chất nổ.”

Vào ngày 26/5/1995, một tượng đài tưởng nhớ sáu người thiệt mạng trong vụ đặt bom năm 1993, đã được xây dựng ngay chỗ chiếc xe van đã đậu. Và tượng đài kỷ niệm ấy giờ nằm bên dưới đống đổ nát của hai tòa tháp đôi kia sau sự kiện thảm thương ngày 11/9. Những kẻ không tặc kia cũng không thể tiết lộ những điều họ biết với bất cứ một ai. Còn Ramzi Yousef vĩnh viễn bị giam giữ trong xà lim. Quanh hắn vẫn là một điều bí ẩn, khi danh tính thật sự về hắn chưa được khám phá.