Home Đời Sống Tài Liệu Mặc Ðỗ, văn chương Hồi Giáo và truyện ngắn 'Ðĩa Ðậu Luộc'

Mặc Ðỗ, văn chương Hồi Giáo và truyện ngắn 'Ðĩa Ðậu Luộc' PDF Print E-mail
Tác Giả: Hồ Tùng Nghiệp   
Chúa Nhật, 05 Tháng 9 Năm 2010 15:59

Hai mươi năm Văn Học Miền Nam (1954-1975) là khoảng thời gian thật ngắn nhưng lại đã mở cửa ra khắp thế giới,

 dịch thuật và in ấn mỗi tháng hàng chục đầu sách từ nước người (trong khoảng 2,000 đầu sách các loại mỗi tháng) để mở mang kiến thức người đọc. Khi Dương Thu Hương đặt chân vào Sài Gòn, tới đường Lê Lợi, tại khu hàng sách la liệt trên lề đường, cô đã khóc tại chỗ, như cô viết lại sau này.

 Nhà văn Mặc Ðỗ và vợ (đã quá cố). (Ảnh của Tạp chí Khởi Hành)

Trong khi đất nước tự do miền Nam mở tung cửa ra bốn phương thì ở phía u tối kín mít kia, cửa may ra chỉ mở tới Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa.

Tạp chí “Văn” do Trần Phong Giao làm thư ký Tòa Soạn ra hẳn một số khoảng 200 trang với chủ đề: Tuyển Tập Truyện Ngắn Hồi Giáo, tất cả do nhà văn Mặc Ðỗ tuyển và dịch.

Mặc Ðỗ, một trong ba người chủ chốt của Nhóm Quan Ðiểm, sinh năm 1917, cư ngụ tại Houston, là dịch giả uy tín nhất của miền Nam. Ông đã dịch khoảng gần 100 tác giả ngoại quốc, làm giám khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật do Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa tổ chức, không sống bằng nghề gì khác ngoài dịch thuật. Trong nước vẫn xin phép in lại nhiều dịch phẩm của ông. Mặc Ðỗ hiện cư ngụ tại Houston, vẫn có bài đều đặn trên Tạp chí Khởi Hành. Bài nhận định ngắn và bản dịch kèm theo dưới đây đều là của ông từng đăng trên tạp chí trên.

Thế giới Á-Rập gồm một khu vực khá rộng, từ vùng nằm giữa hai đại lục Âu và Á, mà người da trắng thường gọi là Ðông Phương, cho tới Ðịa Trung Hải, chiếm trọn vẹn miền Bắc Phi Châu; ảnh hưởng árập còn tràn lan cả tới vùng Âu Châu la tinh.

 Trong một tập thể nhân loại đông đảo như vậy dĩ nhiên có những dị biệt chính trị, nhưng giữa những người árập có một thứ keo sơn không dời đổi, đó là tín ngưỡng. Hồi Giáo bao trùm thế giới árập như ngọn đèn duy nhất soi sáng một căn phòng, trọn vẹn đời sống árập đắm trong ánh sáng Hồi Giáo.

Tựa đề chung “Truyện ngắn Hồi Giáo” ngụ ý nhấn vào tính cách không thể tách rời giữa tín ngưỡng và mọi hình thái của đời sống trong thế giới árập, trong đó có văn chương, một bộ môn của sinh hoạt văn hóa.

Danh từ árập có nhiều để chỉ những truyện kể mà ta thường gồm vào chung là truyện ngắn. Trước hết là danh từ “Hadith” chỉ ý niệm sự việc có thật do chứng nhân được biết vào một thời gian nào đó, sau đưa ra kể lại cho mọi người nghe. Những sự tích đó tích lũy thành một tục truyền (Sounna).

Có một tục truyền thời tiền Hồi Giáo, khi đó người árập chưa có một tín ngưỡng duy nhất, và có một tục truyền Hồi Giáo gọi là Tục truyền của Giáo tổ. Những sự tích liên quan đến ngôn và hành của Giáo tổ Mahomet tạo thành một tục truyền với những phép tắc kể chuyện được định rõ theo một quy luật ('Ilm al-Hadith) có mục đích loại bỏ những chi tiết sai với chân lý.

Danh từ “Hadith” về sau trở nên thông tục hơn và có những tác giả dùng để gọi những sáng tác không hẳn đúng phép kể như xưa, chẳng hạn như Al-Mouwaylihi (1868-1930) đã dùng danh từ này để đặt tên cho tập truyện của mình. Dùng thể “Hadith,” Al-Mou-waylihi chỉ giữ lại lề lối một nhân vật chính (Isa con của Hichâm) kể lại những sự việc mà y đã chứng kiến hay tham dự.

Nếu những sự việc kể lại không hoàn toàn có thật, trong đó có phần lựa chọn của người kể, danh từ árập có từ “Qissa.” Qissa truy nguyên từ gốc có nghĩa là “chặt, cắt”: đó là một mảnh cắt ra từ tấm vải sự thật và chỉ đưa ra trình bày có một mảnh sự thật đó mà thôi.

Một qissa có thể là một truyện kể, một chân dung hay một đoản kịch. Nếu cái phần sáng tạo của tác giả đặt vào truyện có nhiều hơn, dễ nhận thấy do người đọc, có một danh từ árập khác để chỉ văn phẩm đó: “hikâya.” Danh từ này gốc là động từ “hâka” có nghĩa là “dệt một chiếc áo” hay “làm một bài thơ.” Sự việc nội dung của truyện không những đã do tác giả tùy ý lựa chọn mà còn được tác giả làm cho biến thái đi theo quan điểm của mình, hay để minh thị một điều gì.

Cũng gần với thể hikâya còn có hai thể khác. Một là thể “Maqâmâ” (có nghĩa là một buổi) với tác dụng kể ra để làm vui một đám khách. Một thể khác không có tên gọi riêng nhưng có một vị trí đặc thù trong lòng một thể văn khác.

... Sở dĩ cần phải trình bày về những thể truyện ngắn khác nhau theo quan niệm árập là bởi có một lý do. Có lẽ vì ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng, hầu hết các tác giả árập mang một đặc điểm là bảo thủ, ưa thích viết theo những hình thức cổ. Hồi 1939 có một tác giả Ai Cập, Tawfiq al-Hakim, xuất bản một tiểu thuyết mang tựa đề “Yawmiyyât nâ'ib fi'l aryâf” (Nhật ký của một phó biện lý tại thôn quê). Trong bài tựa ông ta còn cẩn thận nói rõ: “Ðây không phải là một “nhật ký” theo đúng nghĩa của nó.

Những “ngày” của ông phó biện lý được kể như kiểu trong bộ “Nghìn lẻ một Ðêm.” Mỗi ngày, một biến cố được ghi lại và có thể coi như một truyện tách riêng ra được, ngoại trừ sự hiện diện của một vài nhân vật dùng làm móc nối cho những truyện kể trong toàn tập, giống như Schéhérazade, Schéhérayar và Doniazade. Những hình tích của kỹ thuật cổ xưa đó tuy vậy vẫn còn ẩn hiện dưới hình thức mà bây giờ được coi như hiện đại.”

Về nội dung cũng vậy. Trong khi các tác giả ở những nơi khác trên thế giới tiến theo đường thẳng, các tác giả árập tiến theo vòng đồng tâm, mỗi vòng tách biệt với những vòng khác, nhưng vẫn căn cứ theo một cái tâm là những cá biệt của tư tưởng và nghệ thuật árập tránh trước hết không khai triển rộng e rằng làm sai lạc đi mất những sắc thái đặc biệt của sự việc đề ra.

Tác giả árập cũng tránh đào sâu tâm lý vì tin rằng nếu đi sâu xuống những cái hố cá biệt những vùng không gian sẽ bị thu hẹp lại và không còn cảm thông được với toàn bộ nhân loại. Chủ trương đó cũng giải thích tại sao truyện ngắn árập phần lớn đều ngắn. Tác giả árập từ chối đi vào cõi riêng, ưa chú trọng tới cái chung. Một đặc điểm nữa, cũng không xa rời nhận định căn bản kể trên, là tác giả árập tránh nặng tay châm biếm, vì cho rằng ngòi bút nhọn gây vết thương và ngăn không cho những vết thương xã hội mau lành như ý muốn của họ khi viết.
Mặc Ðỗ

* Trong truyện hay trong những đoạn giới thiệu, đôi khi độc giả sẽ gặp những tên người, thí dụ “Isa, con của Hichâm,” đó là điểm đặc biệt của người árập ngày xưa.

 Hộ tịch xưa kia của người árập rất giản dị, sinh con chỉ đặt cho mỗi cái tên tục. Lớn lên ra đời đứa trẻ vẫn giữ tên tục của mình và được người đời gọi kèm theo tên của bố nữa và cứ thế suốt đời.

Từ ngày các quốc gia árập bắt đầu duy tân, tổ chức hộ tịch chu đáo hơn, mỗi người bắt đầu chọn lấy một tên họ, thường là tên họ có liên quan đến một địa danh hay một hỗn danh nào đó mà người đời đã gán cho rồi lấy luôn làm tên họ.
* * *

Ðĩa Ðậu Luộc

Truyện của Bichr Farès

Sanh năm 1906, Bichr Farès hấp thụ được một nền kiến thức árập rất vững chắc và còn học thêm ngoại ngữ, rất thông thạo Pháp và Ðức ngữ.

Là phê bình gia và kịch gia, Bichr Farès đứng vào hàng đầu của văn chương árập tiến bộ với vở kịch tượng trưng “Malfraq al-tariq” (Khi những con đường chia đôi ngả) xuất bản và trình diễn năm 1938. Bichr cũng viết những truyện ngắn được các nhà phê bình liệt vào trường phái ấn tượng. Truyện ngắn “Ðĩa Ðậu Luộc” trích trong tập “Sou'tafâhom” (Ngộ nhận) xuất bản năm 1942.

Tấm gương chỉ cần một điều là trong. Trong mọi việc, điều quan trọng nhất không bao giờ thiếu, đến độ mà bạn có thể ngạc nhiên thấy việc đó có thể xẩy ra... Tôi có biết một Quốc Hội cứ ngày một nghèo bớt đi, nghèo lòng tin nơi dân chúng.

Do đó nhiều người thấy thiếu những gì giữ cho họ được ở trong tình trạng ngay thẳng, ngoại trừ người đàn bà yêu - người mẹ cũng là một người đàn bà yêu.

Người đàn bà đó không còn là của loài người, mà thuộc vào nhóm Thiên-Thần. Bạn không thấy hai cánh tay của bà mẹ khi ru người Thương-Yêu-Nhất hay sao, hai cánh tay đung đưa như hai cánh chim.

 Tình cảm bao dung nảy sinh từ một miếng trời xanh, không thấy mô tả trong cuốn sách nào hết; rồi từ từ hạ xuống mặt đất màu hung, trên cánh của nhiệt tâm tự hiến như một đại giá; khi đó những phúc lợi lần lần tan biến trong những đường phố bụi và trên những cánh đồng hoang, giữa những móng sắc của ghen muốn và những báng nhạo của khinh khi.

Y là người lối xóm của tôi trong đám mọi người và mang tên Latif.

Y ngó trong gương, sắp xếp lại mái tóc. Tấm gương chỉ cần một điều là trong.

Từ khóe mắt, Latif efendi (*) ngó trong gương, chê tấm gương phản ánh nét mặt của mình, vì nhận thấy có lau nước mà gương vẫn chưa trong chưa sinh động.

Y có lau một phần tấm gương và hứa với gương là ngày mai sẽ chăm sóc cho toàn tấm gương..., những công việc khó đâu có thể trong một ngày làm xong được. Y mở cửa sổ và nhận thấy, bên khung cửa sổ đối diện, bà hàng xóm của tôi - bà trạc tuổi bốn mươi.

Bà hàng xóm cúi đầu chào y - đàn bà ở Cairo bây giờ đã biết chào đàn ông - y muốn mỉm cười: nhưng y chỉ đòi được nơi cái miệng của y một kẽ hở như kẽ hở của thùng thư. Lúc đó y chợt nhớ ra người bán đậu luộc đang chờ y; bèn khép cửa sổ lại mà không nói xin lỗi... Cơ hội ăn một đĩa đậu luộc đáng giá hơn cần thiết nói lời xin lỗi.