Home Đời Sống Tài Liệu Nạn thất nghiệp đè nặng lên người gốc Á

Nạn thất nghiệp đè nặng lên người gốc Á PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 09 Tháng 11 Năm 2010 11:51

 Nghiên cứu của Asian Pacific Fund (kỳ 1)

Gốc Việt chiếm 1/10 dân gốc Á, nhưng thất nghiệp hơn 30%

LTS. Ðây là kỳ 1 trong 3 kỳ nhìn về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, nhất là người Mỹ gốc Việt, dựa trên kết quả nghiên cứu của Asian Pacific Fund.

SAN FRANCISCO (NV) - Anh Huy, nhà ở Westminster, mỗi tuần gọi điện thoại xin việc tới 7-8 lần hay hơn.

Việc thì nhiều, nhưng tìm vẫn khó.

Hình minh họa

Anh Huy, ngoài 50 tuổi, làm nghề “auto body” nhưng từng “thất nghiệp lên thất nghiệp xuống” đã lâu, anh nói với báo Người Việt.

Tình trạng anh Huy không phải hiếm có trong cộng đồng người Việt Nam, hay là ngay cả trong cộng đồng Châu Á.

Ở California, người Mỹ gốc Á là chủng tộc duy nhất chịu mức thất nghiệp tệ hại nhất trong mỗi tam cá nguyệt trong năm suy thoái đầu tiên, từ Tháng Giêng 2008 đến Tháng Ba 2009. Số khai thất nghiệp giảm sau Tháng Ba 2009 có nghĩa là ít có người bị cho nghỉ việc hơn.

Ðó là kết quả nghiên cứu của tổ chức Asian Pacific Fund, một tổ chức tọa lạc tại San Francisco, với sự hợp tác của UCLA Asian American Studies Center và Center for Responsible Lending.

Số người gốc Á khai thất nghiệp cao nhất từ Tháng Giêng đến Tháng Ba 2009, gần gấp đôi so với một năm trước, theo Asian Pacific Fund. Tính đến Tháng Sáu 2009, số dân Châu Á Thái Bình Dương khai xin trợ cấp thất nghiệp lên đến 620,000 người trong 18 tháng.

Tuy nhiên trong nhóm Á Châu có chủng tộc bị ảnh hưởng đến sự mất việc nhiều hơn chủng tộc khác. Người gốc Hoa và gốc Việt được coi là bị thất nghiệp nhiều nhất.

Ở California, cứ 10 người gốc Á thì có một người gốc Việt nhưng họ lại chiếm hết 1/3 số người gốc Á thất nghiệp trong thời gian từ Tháng Giêng 2008 đến Tháng Sáu 2010. Người Hoa chiếm 26% dân gốc Á ở California nhưng số khai thất nghiệp chiếm 41%.

Có nhiều người gốc Philippines cũng khai mất việc nhưng họ lại là dân gốc Á đông nhất ở California. Nhóm chủng tộc gốc Ấn, Ðại Hàn và Nhật là ít bị ảnh hưởng vì tình trạng thất nghiệp hơn cả.

Ðúng ra con số thất nghiệp còn cao hơn nữa vì một số lý do như, nhiều người làm nghề tự do nên không đủ điều kiện để xin trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người khác là di dân mới, có thể không nộp đơn khai thất nghiệp vì không biết rằng mình có thể được trợ cấp. Có số khác lại không biết có chương trình này để mà xin, lại có những người tuy chưa có quốc tịch mà vẫn có thể xin tiền thất nghiệp nhưng ngại phải nộp thêm giấy tờ để xác nhận tình trạng di trú của mình, hoặc chứng minh mình được phép làm việc ở Mỹ.

Nhiều công nhân gốc Á trở nên nghèo hẳn đi trong những năm gần đây, và nhiều người phải mất hằng tháng, thậm chí hằng năm để tìm lại được việc làm. Hơn sáu trong mười gia đình người Mỹ cho biết, họ bị khó khăn về tài chánh trong thời gian suy thoái nhưng dự trù sẽ phục hồi chỉ trong ba năm, theo Pew Research Center và các chuyên gia cho rằng công việc trở lại với California sẽ xảy ra chậm hơn.

Bản tiên đoán của UCLA Anderson Forecast tiên đoán mức thất nghiệp của tiểu bang sẽ vẫn cao ở mức 12.1 trong năm nay và vẫn giữ ở hai con số cho đến cuối năm 2011. Dù số người gốc Á thất nghiệp ngày nay không quá thê thảm như hồi năm 2009, nhưng phải lâu mới hồi phục hoàn toàn. San Francisco, San Jose và Oakland là những thành phố mắc mỏ nhất trên toàn quốc, ai mất việc khó có thể bám vào đây để sống.

Anh Huy, tuy thất nghiệp, chỉ nhận một loại trợ cấp, là tiền bảo hiểm thất nghiệp. Anh nghĩ: “Chắc phải hai năm nữa mới khá hơn.” Từ giờ tới đó, anh nói: “Mình ráng, chịu cho được cỡ 2 năm.”

“Tình hình này chung cả thế giới mà, đâu riêng gì nước Mỹ hay California,” anh Huy nói. (TP)