Home Đời Sống Tài Liệu Từ vụ Lara Logan

Từ vụ Lara Logan PDF Print E-mail
Tác Giả: * Phan Tú Khuynh(Viết theo msnbc.com)   
Thứ Hai, 07 Tháng 3 Năm 2011 12:30

 Phụ nữ Ai Cập từ bao lâu từng là nạn nhân của những vụ quấy nhiễu tình dục

Từ bao đời nay, “thân phận” người phụ nữ trong các xã hội Ả Rập vẫn được thế giới bên ngoài nhắc đến với mối quan ngại bởi vì, không nhiều thì ít, vẫn còn tình trạng bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới tại các xã hội đạo đức khép kín của Hồi Giáo.

Thông tín viên Lara Logan của đài CBS. (Hình: AP Photo/Gregory Bull/file)
 
Tại đây, mỗi người đàn ông được quyền có tới bốn vợ và người phụ nữ không được phép tự do phục sức nơi công cộng mà phải tuân thủ cung cách ăn mặc kín đáo gần như từ đầu đến chân, với chiếc mạng che mặt hoặc với chiếc khăn trùm đầu được coi là tiêu biểu và nhiều khi bắt buộc.

 Cuộc tấn công thông tín viên Lara Logan

 Trong một khoảng thời gian ngắn hồi Tháng Hai, dường như Ai Cập không chỉ cởi bỏ cái gông cùm chính trị mà thôi.

 Phụ nữ Ai Cập từ bao lâu từng là nạn nhân của những vụ quấy nhiễu tình dục, có lúc báo cáo rằng Công Trường Tahrir, trung tâm đầu não của cuộc nổi dậy của dân chúng chống chính quyền của Tổng Thống Hosni Mubarak, đã trở thành một an toàn khu vì không còn có những cảnh vẫn hay xảy ra trước đây cho phụ nữ như đàn ông cứ sờ soạng (groping) và nhìn chằm chặp “như muốn lột quần áo” (leering) người ta ra nữa.

Nhưng vụ tấn công vào một nữ thông tín viên hàng đầu của truyền hình Hoa Kỳ vào hôm 11 Tháng Hai, trong đêm cuối của 18 ngày nổi dậy của dân chúng thủ đô Cairo, cho thấy rằng mối đe dọa bạo động tình dục đối với phụ nữ Ai Cập vẫn còn rất thực.

Ðài CBS cho biết thông tín viên trưởng Lara Logan của đài đã phải trải qua “một cuộc tấn công tình dục và đánh đập tàn bạo và dồn dập” dưới tay một đám dân bát nháo điên cuồng trong công trường đó trong lúc họ đang reo mừng tin Tổng Thống Hosni Mubarak từ chức.

Nhà tranh đấu cho nữ quyền người Ai Cập Nawla Darwiche nói: “Tất cả đàn ông đều rất biết tôn trọng phụ nữ trong suốt thời gian có cuộc cách mạng. Quấy nhiễu tình dục đã không xảy ra trong thời gian có cuộc nổi dậy. Nó chỉ xảy ra trong cái đêm đó mà thôi. Ngay chính bản thân tôi cũng bị quấy nhiễu vào đêm đó nữa.”

 Thân phận phụ nữ Ai Cập trước đối tượng là đàn ông

 Trường hợp của Logan có thể là trường hợp cực đoan, nhưng vụ này nhắc nhở rằng tấn công tình dục và quấy nhiễu tình dục là chuyện hay xảy ra tại Ai Cập, và ngay cả các phụ nữ đeo mạng che mặt và mặc áo quần dài thậm thượt theo lối thời trang nghiêm ngặt của Hồi Giáo cho biết họ cũng không được miễn trừ.

Một cuộc thăm dò hồi năm 2008 do Trung Tâm Quyền Phụ Nữ Ai Cập thực hiện kết luận rằng 83% phụ nữ Ai Cập và 98% phụ nữ ngoại quốc tại Cairo cho biết họ đã bị quấy nhiễu tình dục -trong khi đó có 62% đàn ông Ai Cập nhìn nhận mình có quấy nhiễu tình dục phụ nữ.

Quấy nhiễu tình dục thường là mặt trái của các tập tục bảo thủ. Vì đàn ông tin rằng phụ nữ phải tránh xa chỗ công cộng, họ thường có khuynh hướng nghĩ rằng những phụ nữ mà họ gặp tại nơi công cộng là loại dễ chọc ghẹo. Nạn thất nghiệp triền miên làm cho giới thanh niên cảm thấy chán nản, thất vọng và cảm thấy mình không đủ sức cưới vợ.

Việc giết chóc phụ nữ dưới tay những người đàn ông là thân nhân của họ với lý do họ đã vi phạm một quy luật đạo đức nghiêm ngặt nào đó thường được hoặc là gia đình hoặc là kẻ tấn công che giấu, còn nếu bị truy tố ra tòa thì thủ phạm chỉ bị kết án nhẹ.

Theo lời Medine Ebeid, một thành viên Tổ Chức Phụ Nữ Mới Ai Cập, thì phụ nữ tại Ai Cập -và tại nhiều nơi trong thế giới Ả Rập- vẫn còn sợ sệt khi phải tố cáo chuyện mình bị tấn công hay quấy nhiễu tình dục, sợ rằng bản thân họ hoặc gia đình họ sẽ bị sỉ nhục.

Thật hiếm khi phụ nữ xông ra tố cáo các tệ nạn tình dục. Trong một vụ án được phổ biến rộng rãi hồi năm 2008, một phụ nữ đã kéo lê kẻ tấn công tình dục mình ra trước bót cảnh sát và đã thành công thuyết phục nhà chức trách bỏ tù thủ phạm tới ba năm.

Nhà hoạt động xã hội Rasha Hassan nói rằng bà và những phụ nữ khác hy vọng có thể tận dụng được cái tinh thần từng tạo cho Công Trường Tahrir thành một nơi an toàn cho phụ nữ trong một thời gian.

Hassan nói: “Chúng tôi tin rằng khi người ta mải nghĩ tới chuyện lớn, tất cả mọi người đều tập trung phục vụ một mục tiêu lớn, thì những cái tốt trong đạo lý của chúng ta sẽ quay trở lại.

Cô Hassan đang giúp điều hành một trang web gọi là Harrasmap, nơi phụ nữ có thể nhanh chóng báo cáo những vụ quấy nhiễu tình dục qua phương thức đánh text hoặc đưa lên Twitter. Ðược nối kết trên mạng với một bản đồ kỹ thuật số thành phố Cairo, Harassmap vẽ lên những điểm và khu vực nguy hiểm cho phụ nữ khi phải đi bộ một mình.

 Bước tới hay là quay lui?

 Asma Barlas, một chuyên gia về phụ nữ trong các xã hội Hồi Giáo tại Ðại Học Carthage College, nói rằng rất có thể là chuyện thay đổi sẽ đến chậm bởi vì thái độ truyền thống đã ăn sâu gốc rễ trong dân chúng. Bà nói: “Khi hình ảnh ngoài xã hội của phụ nữ bắt đầu thay đổi thì có thể là mọi sự sẽ tốt đẹp hơn.”

Những người vận động cho quyền phụ nữ tại Ai Cập hiện giờ đang lo rằng thời gian yên ắng cho phụ nữ có được trong cuộc nổi dậy chỉ là chuyện cầu may mà thôi, và rằng xã hội Ai Cập sẽ mau lẹ quay trở lại với các tục lệ có tính đàn áp làm cho người phụ nữ dễ bị xâm hại vì bạo động tình dục mà không biết trông cậy vào đâu.

Còn Nawla Darwiche thì nói rằng cảnh sát chứng kiến những vụ xâm hại tình dục có thói quen bất di, bất dịch là không chịu can thiệp và ngay cả còn tham gia luôn vào đó nữa, đặc biệt là truy nã luôn cả các nhà hoạt đông chính trị tranh đấu cho nữ quyền. Hồi năm 2005, cảnh sát mặc thường phục có nhiệm vụ phá vỡ một cuộc biểu tình phản đối chính phủ của phụ nữ đã xé rách áo quần của họ ra và nắm tóc họ lôi đi.

Một dự luật cấm quấy nhiễu tính dục và đề ra các hình phạt kẻ vi phạm chưa bao giờ được trình lên cho Quốc Hội biểu quyết cả.

Trong thời gian Ai Cập đang gặp tình trạng nhiễu nhương về chính trị như hiện nay, với sự thể Quốc Hội đã bị giải tán và ít ra cũng phải sáu, bảy tháng nữa mới có bầu cử, thật khó mà đặt lại vấn đề vào lúc này.