Home Đời Sống Tài Liệu Giã từ thế kỷ XX & Phát Minh mới

Giã từ thế kỷ XX & Phát Minh mới PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Hai, 09 Tháng 5 Năm 2011 05:34

Hai trăm chiếc máy đánh chữ vẫn còn trong kho Godrej & Boyce có thể giao qua cho Viện bảo tàng hay những người sưu tầm đồ cổ

1. Vĩnh biệt máy đánh chữ

Khi những "Cô nàng mặt vuông - touchscreen" đã dần thay thế những cô tính tiền trong siêu thị; vài nơi đã thay thế cô thơ ký bằng một robot. Nhưng đến bây giờ, computer mới khai tử chiếc máy đánh chữ thì kể ra cũng còn nhân đạo. Công ty Godrej & Boyce bắt đầu sản xuất máy đánh chữ từ những năm 50 của thế kỷ trước. Khi đó họ bán được 50.000 chiếc mỗi năm, nhưng đến năm ngoái chỉ xuất xưởng được 800 chiếc. Công ty Godrej & Boyce là công ty sản xuất máy đánh chữ cuối cùng trên thế giới vừa tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất tại Mumbai, Ấn Độ. Hai trăm chiếc máy đánh chữ vẫn còn trong kho Godrej & Boyce có thể giao qua cho Viện bảo tàng hay những người sưu tầm đồ cổ.

2. Vĩnh biệt... bugi

Bugi chắc chắn có trước luật cấm "Hit and run"! Được biết bugi đã ra đời cách đây 150 năm. Nhiệm vụ của bugi là đốt cháy hỗn hợp xăng-gió, tạo áp suất nhằm ép piston chuyển động lên xuống trong buồng xi-lanh. Từ chuyển động thẳng của piston, người ta nối với tay sên tạo thành chuyển động tròn - thông qua hộp số và truyền động tới bánh xe... Nhưng 150 năm bugi không thể thiếu trong xe cộ (các động cơ đốt trong) và ngành "Phục hồi bugi" cũng đã hết thuốc chữa cho sự hao mòn của bugi sau một thời gian sử dụng. Bugi cũ đánh lửa không chuẩn làm hao nhiên liệu, và bugi chết ngắc là... xụi lơ, đi bộ. Vì những khuyết điểm của bugi sau 150 năm dài, các nhà nghiên cứu Romania và Nhật đã thiết kế một thiết bị laser cho động cơ hiệu quả hơn bugi: khả năng đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu cao hơn bên trong xi-lanh, làm đỡ hao xăng, lại ít khí thải CO cho môi trường do đốt hết. Thiết bị lại ít hao mòn hơn bugi...
Viện khoa học Okazki Nhật Bản cho biết trước đây laser còn bị giới hạn vì quá lớn, không hiệu quả, không ổn định nhưng thiết bị laser mới có kích thước và hình dáng tương tự như bugi, cũng được đặt trong vỏ bọc bằng sứ nên có độ bền trong môi trường nhiệt độ cao của động cơ. Laser có ưu điểm là đánh lửa chính xác và nóng hơn bugi, đốt cháy nhanh chóng và đốt hết nhiên liệu... Thiết bị laser sẽ thay thế bugi trong tương lai không xa. Nghiên cứu sẽ được trình bày tại Hội nghị về laser và điện quang tại Baltimore Hoa Kỳ trong tháng tới. Nhà sản xuất Denso chuyên sản xuất thiết bị xe hơi sẽ sản xuất hàng loạt để đưa vào sử dụng. Coi như chấm hết 150 năm oanh liệt của bugi. (Theo báo Telegraph 25 tháng 04, 2011)

3. Chuột máy tính...

Vào ngày 27 tháng 04 của 30 năm trước, chuột máy tính chính thức khai sanh theo hệ thống máy điện toán cá nhân đầu tiên. Sau 30 năm thay đổi về kiểu dáng, thêm options... nhưng nhiệm vụ chánh của chú chuột không thay đổi là điều khiển con trỏ trên màn hình điện toán.
Lịch sử phát triển của chuột máy tính ra đời từ rất lâu, nhưng phải đến năm 1981 hệ thống máy tính đầu tiên trang bị chuột mới được ra đời. Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, chính phủ Anh phát minh ra Trackball (loại thiết bị điều khiển có bi lăn mà ngày nay sử dụng trong các loại chuột bi), đã là một bí mật của chính phủ.
Đến năm 1963, Douglas Engelbart, Giáo sư Đại học Stanford, tình cờ phát minh ra loại thiết bị được sử dụng để thí nghiệm, với bi lăn, có thiết kế tương tự như dự án mà chính phủ Anh bí mật phát triển vào những năm 50.
Tuy nhiên, đến 27 tháng 04, 1981, hãng Xerox mới bắt đầu bán ra hệ thống máy tính Xerox 810. Đây là hệ thống máy tính cá nhân đầu tiên được bán ra thị trường có kèm chuột máy tính.
Đến năm 1984, Apple là hãng thứ 2 giới thiệu sản phẩm có kèm theo chuột điều khiển, đó là bộ máy MacIntosh, với chuột chỉ gồm 1 phím bấm. Chuột của Apple mang tên: Lisa Mouse.
Trải qua 30 năm tồn tại và phát triển, chuột máy tính đã được trang bị thêm nhiều nút bấm, thêm nhiều kỹ thuật mới, nhưng chức năng của chuột máy tính vẫn không thay đổi.
Mặc dù, Douglas Engelbart không nhận được một phần thưởng nào cho phát minh của mình, nhưng không thể phủ nhận thiết kế của ông đã tạo nên một trong những thiết bị hữu dụng và cần thiết nhất hiện nay. Douglas Engelbart ngày nay vẫn được tôn vinh là “cha đẻ” của chuột máy tính. Nhưng từ khi máy tính cho phép người sử dụng chỉ lên màn hình - là lệnh! (touch screen) thì chú chuột... đã về hưu một nửa.

Nhà khoa học Rita Levi-Montalcini mừng Sinh nhật 102
Cụ bà Rita Levi-Montalcini là nhà nghiên cứu về thần kinh học và là người phụ nữ thứ 4 từng được trao giải Nobel về Tâm lý và Y khoa năm 1986 cùng đồng nghiệp người Mỹ Stanley Cohen. Hai nhà khoa học đã nghiên cứu sự tăng trưởng thần kinh. Nghiên cứu của họ có ảnh hưởng quan trọng với các nghiên cứu về nhiều loại bệnh như: ung thư, Parkinson và Alzheimer.
Levi-Montalcini sinh năm 1909 cùng cô em song sinh Paola trong một gia đình Do Thái ở Turin, Ý. Bà đã theo học trường Y và tốt nghiệp năm 1936. Sự nghiệp của bà bị gián đoạn bởi bộ luật năm 1938 của Mussolini, cấm những người thuộc tầng lớp thấp kém học và phát triển sự nghiệp. Gia đình bà đã trốn được đến Florence, Ý vào năm 1943, tại đây Levi-Montalcini hành nghề bác sĩ. Sau chiến tranh, bà vào học tại Đại học Washington ở St.Louis, và tiếp tục nghiên cứu về các nhân tố phát triển thần kinh.
Phát biểu trong ngày sinh nhật, bà Levi-Montalcini nói: "Tôi không quan tâm đến cái chết. Điều quan trọng nhất là thông điệp bạn để lại. Đó chính là sự bất tử".

Chuyện chỉ có ở Trung Quốc

Ngày 25 tháng 04 vừa qua, một công ty kim hoàn ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã cho ra mắt chiếc xe buýt mạ vàng. Chiếc buýt có giá thành gấp 10 lần so với một chiếc buýt bình thường cùng loại. Nhằm thu hút sự chú ý của người dân Nam Kinh và người hiếu kỳ ở trong nước, nước ngoài sẽ tới thành phố này để đi thử; cũng là phương cách phát triển du lịch của thành phố.

Đĩa bay của Không quân Nga

Không quân Nga sẽ trang bị đĩa bay trong tương lai! Các nhà khoa học Nga cho biết đĩa bay mang hình dạng hai chiếc dĩa úp lại với nhau, tạm gọi là ATLA. Đĩa bay sẽ sử dụng động cơ điện, đường kính 250 mét, chiều cao 100 mét, có sức nâng lên tới 600 tấn. Giá thành có thể lên đến 2 tỷ rúp. Đĩa bay ATLA của Nga mới chỉ có trênhọa đồ, trong khi năm 2008, trường Đại học Florida đã đăng ký sáng chế Vật thể bay điện từ không có cánh - hình dạng đĩa bay. Chiếc đĩa bay Florida dựa trên nguyên lý từ thủy động học (magnitohydrodynamic) sử dụng chất lỏng dẫn động, khí ion hóa trong sự có mặt của từ trường. Các điện cực được lắp đặt trên bề mặt của đĩa bay để ion hóa không khí bao quanh, chuyển thành những dòng plasma. Phản ứng này cho phép đĩa bay di chuyển, hoặc treo lơ lửng trên không.

Giấy Graphen

Đại học Kỹ thuật Sydney ở Úc đã chế tạo thành công loại giấy cứng nhưng dai nhất thế giới. Vật liệu được tạo thành từ graphen (loại vật liệu có cấu trúc hình tổ ong của nguyên tử carbon, độ dày tương đương một nguyên tử, gần như trong suốt, rất dai và dẫn điện tốt. Tính đến nay, giới khoa học chưa tìm thấy bất kỳ vật liệu nào mỏng hơn graphen. Loạt vật liệu đã được hai nhà vật lý người Anh gốc Nga là Andrei Konstantinovich Geim và Konstantin Sergeevich Novoselov phát hiện từ năm 2004 - lãnh giải Nobel Vật Lý năm 2010. Graphen được giới khoa học quan tâm, nhưng đến nay mới có các nhà khoa học Úc đạt được thành quả khi sử dụng một kỹ thuật hoàn toàn mới để tạo ra giấy graphen. Theo các kết quả được công bố trên Tạp chí Journal of Applied Physics, so với thép, giấy graphen nhẹ hơn 6 lần, mỏng hơn từ 5 đến 6 lần, cứng hơn gấp 2 lần, khả năng co giãn cao gấp 10 lần và bền hơn 13 lần khi gập lại.

Phát hiện ung thư qua hơi thở

Đại học Haifa ở Israel vừa nghiên cứu thành công mũi điện tử để kiểm tra ung thư qua hơi thở. Mũi điện tử có thể đáp ứng kiểm tra ung thư khẩn cấp. Kết quả thí nghiệm tạm thời đã cho tỷ lệ chính xác lên tới 92%. Ngoài ra, mũi điện tử còn có thể phân biệt được loại hình và vị trí của các loại ung thư. Nghiên cứu mũi điện tử được dựa trên cơ sở nghiên cứu loài chó có khả năng ngửi ung thư qua hơi thở của người bệnh. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để đưa vào sử dụng.

Khai tử bệnh sốt rét vào năm 2015
Trong thông điệp nhân Ngày Thế Giới Chống Sốt Rét 25 tháng 04, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi thế giới hãy loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2015. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị thay đổi phép điều trị sốt rét ở trẻ em do loại vi trùng sốt rét nguy hiểm nhất (P. falciparum) gây ra, theo đó ưu tiên truyền artesunate vào tĩnh mạch thay vì cho sử dụng thuốc ký ninh vì ký ninh khó kiểm soát và có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Theo số liệu của WHO, khoảng 50% dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt rét, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Sốt rét hiện đang tác động đến hơn 3 tỷ người trên toàn cầu. Hơn 500 triệu người bị nhiễm vi trùng sốt rét và số người chết lên tới 1 triệu người mỗi năm. Sốt rét trở thành gánh nặng kinh tế đối với các nước ở khu vực sa mạc Sahara của châu Phi.

Sức nước

Tạp chí Nature ngày 27 tháng 04 cho biết: nghiên cứu các nhà khoa học tính được các dòng hải lưu Ấn Độ Dương đang đổ vào Đại Tây Dương từ 1,4 đến 4 triệu mét khối nước/giây mỗi thập niên. Lượng nước này nhập vào vòng tuần hoàn ngược lại nam Đại Tây Dương. Với kết quả này các nhà khoa học thuộc trường Đại học Miami cho biết hiện tượng nước từ Ấn Độ Dương chảy sang nam Đại Tây Dương có thể đảo ngược dự đoán của Liên Hợp Quốc về sự chuyển động chậm lại của hệ thống hải lưu và khí hậu ở Châu Âu ấm hơn.
Liên Hợp Quốc đang chuẩn bị đánh giá mới về biến đổi khí hậu, dự trù sẽ được xuất bản vào năm 2014 và sẽ xem xét lại các nghiên cứu từ sau nghiên cứu cuối cùng năm 2007.
Theo Liên Hợp Quốc, nhiệt độ cao hơn và lượng mưa nhiều hơn do biến đổi khí hậu, cũng như băng tan ở Greenland và các phần khác của Bắc Cực, có thể dẫn đến một sự chuyển động chậm hơn của các dòng hải lưu trong thế kỷ này. Đồng thời, Châu Âu sẽ ấm áp hơn do ảnh hưởng của nhiệt độ toàn cầu tăng.

Smartphone xung trận

Quân đội Hoa Kỳ muốn mỗi người lính của họ mang theo một smartphone Android khi tham trận, để nắm thông tin về tình huống chiến thuật và nhận lệnh chỉ huy. Thiết bị liên lạc dùng cho quân đội Mỹ trên nền Android sẽ được sử dụng trong "Hệ thống chỉ huy liên trận" (Joint Battle Command-Platform, JBC-P) và có ký hiệu là JBC-P Handheld. Theo tin kỹ thuật từ Wired, Cnet, đó là một chiếc smartphone. Với thiết bị này, lính Mỹ có thể nhận biết trên bản đồ vị trí của mình, vị trí của đối phương và các công sự chiến đấu, các thông tin nhanh chóng được cung cấp cho các đơn vị tham chiến khác. Để chế tạo smartphone quân sự, cần có phần mềm đặc biệt, gọi là Mobile/Handheld Computing Environment (CE) để bảo đảm an toàn cho các ứng dụng, sự tương tác với các hệ thống điều khiển và chỉ huy khác. Từ tháng 07/2011, bộ phận CE sẽ được dân sự hóa. Nhưng ứng dụng trong quân sự là sổ địa chỉ thông thường và OpenOffice để xem tài liệu.
Hiện thời chưa rõ JBC-P Handheld có khả năng sử dụng smartphone sản xuất hàng loạt. Hệ điều hành iPhone (iOS) đang được quân đội Hoa Kỳ cân nhắc, nhưng họ nghiêng về Android do vấn đề chi phí và không muốn bị bó buộc vào một chiếc điện thoại, nói thẳng ra là như trường hợp của iPhone.

Máy đọc tư tưởng

Máy chống nói dối trong kỹ thuật điều tra nghe đã khiếp vía. Các nhà khoa học thuộc Đại học Washington cho biết đã thành công trong thí nghiệm: cách thức giao tiếp bằng suy nghĩ. Lần đầu tiên các nhà khoa học đã có thể đem những suy nghĩ trong đầu một người thể hiện lên trên màn hình máy vi tính. Mở ra tương lai con người có thể không cần giao tiếp với nhau bằng lời nói.
Bí mật của chiếc máy đọc ý nghĩ này là một thể hình trụ nhỏ được cấy vào trong não con người, cài sẵn chương trình có khả năng nhận biết được những sóng não do não bộ tạo ra khi con người nghĩ đến một điều gì! Các nhà khoa học tin rằng thành công của nghiên cứu có thể ứng dụng cho những người bị tổn thương não. Chỉ mong là các nước cộng sản không bắt cóc các nhà đấu tranh dân chủ để cấy vào não họ trụ gián điệp!