Home Đời Sống Tài Liệu Cây nhân sinh, lời cầu nguyện cho gia đình, bản giao hưởng về cuộc sống

Cây nhân sinh, lời cầu nguyện cho gia đình, bản giao hưởng về cuộc sống PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Ba, 17 Tháng 5 Năm 2011 08:51

Tất cả những sinh hoạt đời thường của gia đình này lại được đan xen vào trong khung cảnh tôn giáo

  Hôm nay, 16/05/2011, bộ phim The Tree of Life – Cây nhân sinh được trình chiếu tại Cannes, trong khuôn khổ cuộc tranh đua giành Cành Cọ Vàng. Giới phân tích coi bộ phim là lời cầu nguyện cảm động đối với một đứa trẻ qua đời, bản giao hưởng trữ tình về cuộc sống trên Trái đất.

Brad Pitt (trái) và Jessica Chastain tại Liên hoan Cannes, 16/05/2011 (Reuters)

Cây nhân sinh kể về cuộc sống thường ngày của một gia đình trung lưu ngoan đạo tại một thành phố nhỏ bé ở tiểu bang Texas, trong những năm 50 : Người cha, do nam tài tử Brad Pitt thủ vai, thì độc đoán, luôn bị ám ảnh là ba đứa con trai của mình phải thành đạt trong cuộc sống, người mẹ, nữ diễn viên Jesssica Chastain đóng, thì nhẹ nhàng, hiền dịu và bao dung, luôn tìm cách an ủi, động viên con cái.

Jack, con trai đầu lòng, phải học cách chia sẻ tình cảm của mẹ với những đứa em. Cậu phải hứng chịu mọi đòi hỏi nghiệt ngã của người cha và thảm họa giáng lên đầu những đứa trẻ trong gia đình.

 Jack khi lớn, lúc này do diễn viên tài ba Sean Penn đóng vai, thường xuyên cật vấn về cái quá khứ tuổi thơ vừa đau đớn vừa tuyệt vời của mình.

Nam tài tử Brad Pitt giải thích, trong phim, giấc mơ Mỹ không thể biến thành hiện thực nữa, người cha nổi giận và đổ mọi sự bực bội, cáu giận lên đầu đứa con.

Để thể hiện được vai diễn một người mẹ bao dung, hiền dịu với con cái, Jessica Chastain đã phải làm quen tiếp xúc, chơi với trẻ nhỏ trong một thời gian dài.

Tất cả những sinh hoạt đời thường của gia đình này lại được đan xen vào trong khung cảnh tôn giáo như sự ra đời của Trái đất, sự xuất hiện của sự sống và những hình thái biến hóa của nó.

Để có thể hiểu được ý tưởng của đạo diễn Terrence Malick trong cái mớ bòng bong về những quan niệm tạo sinh mang mầu sắc tôn giáo, các diễn viên đã phải theo nhịp làm việc của ông, một người rất am hiểu về triết học và thần học.

 Brad Pitt cho các nhà báo biết là mỗi sáng, đạo diễn Terrence đưa cho các diễn viên 4 trang giấy viết chi chít mà ông đã ghi trong đêm hôm trước và các diễn viên cứ dựa theo đó mà đóng, thể hiện vai diễn của mình. Điều này tạo cảm giác mới mẻ.

Hơn nữa, đạo diễn giới hạn mỗi cảnh trong phim chỉ quay nhiều nhất là hai lần. Diễn viên Brad Pitt kể lại, đạo diện Malick không muốn các diễn viên diễn theo kịch bản đã viết. Giống như đi bắt buớm : đạo diễn căng lưới đón chờ bắt những con bướm tình cờ bay qua và những sự cố này lại là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất.

Cũng vào tối nay, bộ phim thứ ba của Pháp tranh giải Cành Cọ Vàng được chiếu tại Cannes, đó là phim « Apollonide - Kỷ niệm Lầu xanh ».

Bộ phim đưa người xem đi tham quan thế giới của những cô gái mại dâm. Họ hành nghề trong Lầu xanh và coi đây như một ký túc xá nội trú.

Đó là một ngôi nhà ở khu vực Opera, nằm trong quần thể kiến trúc Haussman nổi tiếng ở Paris. Chìm trong thứ ánh sáng được hắt xuống từ những bức tranh của Ingres và Degas là nơi sinh sống và hành nghề của hơn một chục cô gái. Họ tiếp khách từ chập tối, một vài khách thường xuyên lui tới và gắn bó với nơi này.

Đạo diễn Bertrand Bonello đưa người xem thâm nhập vào thế giới kín Lầu xanh vào thời điểm quan trọng của thế kỷ 19 : Điện và tầu điện ngầm bắt đầu phát triển. Lầu xanh sẽ bị đóng cửa.

 Trong phim, các cô gái hành nghề mại dâm gắn bó với nhau như những người bạn tốt, họ không bị ngược đãi. Bà chủ quan tâm chăm sóc các cô gái, đưa ra những lời khuyên bảo. Trong khi đó, các cô vừa chuẩn bị đón khách, vừa vui đùa với nhau. Họ sống có vẻ hồn nhiên cho dù rất nhiều người vẫn còn nợ chồng chất, ràng buộc họ với Lầu xanh.

Bộ phim kết thúc với cảnh các cô gái hành nghề mại dâm hiện nay, đứng đón khách trên các cửa ô vào Paris. Phải chăng những cảnh này làm gợi nhớ đến những khu Lầu xanh xưa kia. Đạo diễn Bonello từ chối tham gia cuộc tranh luận này.