Home Đời Sống Tài Liệu Viết Về Nhiếp Ảnh

Viết Về Nhiếp Ảnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Nhiếp Ảnh Gia Ngọc Thái   
Thứ Ba, 28 Tháng 6 Năm 2011 05:40

“Đường” là thể xác, “Nét” là tâm hồn” . Thể xác dù có hào nhoáng bao nhiêu, cũng tàn tạ theo thời gian, tâm hồn thì mãi mãi không phai mờ.

Mắt Người và Mắt Máy

Lúc nhìn sự vật, mỗi người nhìn một cách khác nhau mặc dầu về cơ thể học, mắt người đều cấu tạo giống nhau. Có sự sai biệt là do khác nhau về nhận thức. Một người có học Hội Họa, có học Nhiếp Ảnh sẽ nhìn cảnh vật khác với người không học. Bởi vậy lắm khi đứng trước một cảnh vật, có người khen đẹp nức nở trong lúc người chơi ảnh chẳng thấy gì đáng chụp, nghĩa là chẳng đẹp chút nào. Trái lại có những cái người chê xấu thì nhiếp ảnh gia lại bấm máy say mê. Như thế về phương diện Nhiếp Ảnh xấu đẹp, nghệ thuật hay không, là do cái nhìn khám phá chứ chẳng phải do máy móc. Đưa một cái máy thật tốt cho một người không am hiểu Nhiếp Ảnh thì cũng chẳng khác gì giao bút máy vàng cho người mù chữ vậy.
Thế nên, cái nhìn (mắt) của người ảnh là chính, cái nhìn của máy ảnh (ống kính) là phụ. Máy chỉ làm công việc trung gian ghi nhận chuyển đạt sự vật. Nói như vậy không có nghĩa máy thế nào cũng được. Máy càng tốt càng giúp sự diễn đạt của người chơi càng cao. Có một điều khác biệt nữa giữa Mắt và Máy : Mắt bị sự vật (hình dáng, màu sắc) đánh lừa nhưng Máy thì không, Máy thấy sao ghi lại vậy, không bị chi phối bởi tình cảm. Điều này rất dễ thấy : Khi lớp học đứng trước một phong cảnh hoặc một đề tài nào thì mắt người ảnh bị thu hút trước, nào hình dáng, đường nét màu sắc, chuyển động...làm cho mắt thấy đẹp tức khắc(lóa mắt), sau đó, máy làm công việc ghi hình. Khi ra ảnh chẳng thấy nghệ thuật đâu chỉ thấy màu sắc, người vật loạn xạ, không sao chọn lựa được.
Để tránh tình trạng trên, bất cứ trong tình huống nào người chơi ảnh (nhất là thời kỳ tập sự) cũng bình tĩnh quán xét: Chụp cái gì ? Loại bỏ cái gì? Chụp như thế nàỏ? Đứng góc độ nào đắc ý nhất.?..vv
Thời gian đầu dĩ nhiên là chậm chạp, nhưng khi thói quen đã trở thành phản xạ thì mọi việc diễn tiến rất nhanh, có khi chỉ trong nháy mắt. Điều quan trọng để có một phản xạ trong việc sáng tác là giáo khoa căn bản phải nằm lòng và phải được thực tập nhuần nhuyễn. Có những người cầm máy năm ba năm mà vẫn mò mẫm chọn lựa tác phẩm sau mỗi chuyến sáng tác một cách quá vất vả, chẳng hơn gì người mới tập chụp, có khi còn chẳng biết lấy, bỏ như thế nào. Đó là do sự tự mãn, nghĩa là cho mình đã biết rồi không cần học hỏi gì nữa.
Kết quả của nghệ thuật không như của khoa học. Khoa học làm một cuộc thí nghiệm là thấy ngay kết quả với những con số rõ ràng. Trái lại nghệ thuật là thể hiện rung động của tâm hồn lên tác phẩm, khó mà mô tả hay qui định như thế nào. Nó là một phản-ứng-tức-thì giữa người sáng tác và sự vật, giữa người xem và tác phẩm. Nói nghe có vẻ mơ hồ, nhưng đã là phản ứng của tâm hồn thì làm sao cụ thể được. Chỉ nhờ qua trung gian tác phẩm. Từ nội tâm hiện lên "cửa sổ" (đôi mắt) là một công đoạn, từ "cửa sổ" ra tác phẩm còn qua nhiều "công đoạn" khác mà người cầm máy phải tự tìm tòi học hỏi, chiêm nghiệm, chứ không thể dùng thế lực sai khiến hay hóa phép được.
Xin lấy "tác phẩm" của 2 học viên sơ cấp làm thí dụ : Lý Thủy và Nhã Nhiên Yên Tử. Cả hai đều là người cầm máy lần đầu, Nhã Nhiên học một bài rồi mới mua máy. Vậy nhưng qua tuần thứ 3 là đã biết nhìn và nhìn ra tác phẩm. Hôm thực tập chủ đề "Chuyện Trò" ai cũng từ trên cao chụp xuống, Lý Thủy đã tìm một góc độ cho riêng mình : Lý Thủy nhìn ngang nên đã có cái nhìn trội hơn các bạn. Những đường vòng cung của băng gỗ đã trở thành những đường ngang gợi lên sự êm đềm cho câu chuyện hai người. Thủy chụp với ống kính góc rộng nên tạo nét sâu cho ảnh, đồng thời do vị trí chéo góc đã tạo được độ viễn cận (Perspective) lớn làm cho người xem có cảm tưởng như hai nhân vật (chủ đề) đang sống trong lúc thời gian chạy qua mau. Lại nữa, nét mặt người con gái (chính) rõ hơn, "diễn tả" hơn. Lý Thủy chỉ cần cắt bớt phần bầu trời trong tỉ lệ vừa phải là tác phẩm hoàn chỉnh. Tôi thích cái mood êm đềm và màu sắc nhẹ nhàng của tác phẩm Chuyện Trò.

Tác phẩm Ngủ Trên Vai Bố (NTVB) của Nhã Nhiên Yên Tử

(NNYT), là một tác phẩm bất chợt. Học viên này có điểm đặc biệt là người thì thấp nhưng tên và tựa thì dài, chắc là để có balance (!) Chụp ảnh lọai Snapshot rất khó, đòi hỏi người chơi phải nhanh nhẹn, nhuần nhuyển về hai phương diện : Sử dụng máy và sự nhạy cảm của tâm hồn. NNYT trong lúc đi xem Hội Chợ Tết đã bấm được tác phẩm Ngủ trên vai Bố. Một tác phẩm rất thực và sống động, không thể dàn dựng, tác phẩm cho người xem cảm xúc rất "gia đình" rất thân thương. Một hình ảnh ai cũng trải qua trong đời nhưng ít khi bắt gặp. Có lẽ ở bước đầu còn nhiều ngập ngừng nên NNYT đã đóng khung tác phẩm hơi thừa, cắt phần trên, sát đầu tóc bé, bỏ phần màu đỏ bên phải, tác phẩm trở nên cô đọng, chặt chẽ, có sức dồn người xem hoàn toàn vào chủ đề. Điểm chính thu hút người xem là nét mặt say ngủ của em bé, nhưng cánh tay buông thỏng cũng đóng một vài trò trong việc tạo bố cục và tăng ý nghĩa cho tác phẩm, một đường nét cần thiết. Ánh sáng rất đều không quá tương phản để làm mất chi tiết những phần chính của tác phẩm.
Trong sáng tác cũng có yếu tố hên xui, nhưng quan trọng vẫn là chính chúng ta có nhìn thấy, có nhận ra không. Kim cương hột xoàn mà không nhận ra lại để lẫn với sỏi đá thì có tích sự gì ? Ngược lại phô trương những thứ trang sức giả thì cũng chẳng có gì ý nghĩa.
 
PHÁ BÔ CỤC

Nhiếp ảnh là một trong những môn nghệ thuật tạo hình. Tạo hình bằng cách dùng ánh sáng để vẽ, theo như định nghĩa thông thường. Người họa sĩ khi đứng trước một cảnh vật, họ hình dung, sắp đặt tất cả những gì cần vẽ lên khung vải trong một thứ tự được qui định, gọi là bố cục. Trong nhiếp ảnh lúc nhìn vào khung máy, nhiếp ảnh gia cũng phải tính toán sao cho hình ảnh thu vào được chặt chẽ vững chắc, đó là bố cục. Trong thiên nhiên, mọi vật thể tự thân, cũng được cấu tạo trong một bố cục hài hòa cân bằng. Thiếu cân bằng thì khó mà tồn tại. Chúng ta thấy những quái thai khó có thể sống lâu là vậy.
Bố cục là một trong những bài học căn bản trong môn nhiếp ảnh. Bố cục là cái sườn để người ảnh dựa vào đó xây dựng tác phẩm, bố cục là dàn bài cho một bài luận văn. Không dàn bài, người viết dễ bị lạc đề, bài viết lõng lẽo thiếu mạch lạc. Nhiếp ảnh cũng thế, không bố cục người xem sẽ không hiểu nhà nhiếp ảnh chụp gì, nói gì. Có nhiều người cầm máy đã mấy chục năm, nhưng hình ảnh tưởng như mới tập chụp. Một thứ "tác phẩm" gặp chăng hay chớ, bởi lẽ thiếu bố cục.
Như thế nào gọi là bố cục? Ai qui định các luật lệ về bố cục?
Trong quá trình đi tìm đẹp, trải qua nhiều thời kỳ, các nhà làm nghệ thuật đã đồng ý với nhau về một nguyên tắc bố cục: Luật 1/3 hay còn gọi tỉ lệ vàng. Đây là tỉ lệ chuẩn cho các công trình nghệ thuật. Trong các cuộc thi ảnh giám khảo đều dựa vào luật chung này để xét duyệt tác phẩm. Căn bản của luật bố cục là những phần chính của tác phẩm phải nằm ở vị trí trọng yếu. Tức các đường chia ba diện tích ảnh (đường mạnh) hoặc giao điểm của các đường chia này (điểm mạnh). Đó là luật bố cục cổ điển. Trong thực tế có những chủ đề không nhất thiết phải theo luật trên. Như chụp chính diện một tượng Phật, tất nhiên phải đặt tượng Phật ngay chính giữa ảnh, đặt qua một bên sẽ làm mất vẻ trang nghiêm đường bệ. Hoặc khi người chụp muốn tạo một effect mới lạ, lúc ấy không cần theo luật mà có khi còn ngược lại, gọi là phá bố cục.
Có hai lần tôi được nghe hai nhà nhiếp ảnh giải thích cho khách xem ảnh về phá bố cục. Một lần tại Hội Quán Little Sài Gòn : Một ông khách đang mãi mê trước một tác phẩm khỏa thân, ảnh một thiếu nữ nằm hai chân gác ngược lên, ánh sáng chạy ven theo "núi đồi" rất đẹp. Tác giả thấy có khách say sưa ngắm tác phẩm mình, lấy làm thích lắm, ông đến cạnh để có dịp chia sẻ. Ông khách (ĐHT) bất chợt hỏi:
- Thưa nhiếp ảnh gia, ông có thể giải thích giùm tác phẩm này?
- Xin anh cứ hỏi.
- Theo tôi thấy, người mẫu ở trong thế nằm ngược?
- Đúng vậy.
- Như vậy có hợp lý không?
- Hợp lý chứ .
- Tôi thấy không đúng thực tế chút nào cả.
- Anh bảo sao không đúng? Ai cấm một người đàn bà nằm như vầy?
- Không ai cấm nhưng nó không đúng thực tế.
- Anh bảo cái gì không đúng thực tế?
- Cái vú.
- Cái vú làm sao?
Lúc này thì tôi đã rõ điều ông khách thắc mắc, mấy người đứng chung quanh, lúc nghe "Cái vú làm sao" thì càng chăm chú theo dõi câu chuyện. Ông khách phân tích:
- Tôi thấy chiều căng của bầu vú không hợp lý. Trong thế nằm như vậy buộc bầu vú phải dồn về phía ngực, ở đây lại cong ngược lên, trái với nguyên tắc trọng lực.
Những người đứng cạnh tủm tỉm cười chờ câu trả lời. Nhà nhiếp ảnh suy nghĩ giây lát rồi trả lời chắc nịch: “Tôi phá bố cục”.
Trường hợp thứ hai, mới đây, trong phòng triển lãm ảnh chuyên đề "Tình Thu", một khách xem, nhà thơ KT hỏi:
- Tác phẩm nầy đẹp, nhưng tại sao rừng phong và bóng soi đáy nước lại chia hai phần trên dưới bằng nhau mà không 1/3 ?
Nhà nhiếp ảnh trả lời không nghĩ ngợi:
- Tôi phá bố cục, thỉnh thoảng phải "phá" để chọc thiên hạ hỏi.
Cả hai trường hợp, theo tôi chẳng phá gì cả. Trong tác phẩm khỏa thân, thắc mắc của anh ĐHT rất chính xác. Anh nhìn với con mắt của nhà cơ thể học, đã thấy điểm không hợp lý về khoa học thực nghiệm. Nhưng trong nghệ thuật, tác giả có thể "hy sinh" điều này để đưa ra đường nét độc đáo của chủ đề. Thực tình khi chụp ảnh nói trên, tác giả để người mẫu ngồi xuôi, sau đó đặt ngược ảnh, mục đích tạo cái nhìn mới lạ. Như vậy ảnh ngược chứ người có ngược đâu mà bảo vú hợp lý với không. Xem ảnh đa số đi tìm cảm xúc về cái đẹp, không mấy ai táy máy tìm tòi như anh ĐHT.
Trường hợp thứ hai, theo tôi, cũng chẳng có gì để phá, một bố cục tự nhiên và cần thiết. Tôi nghĩ với bất cứ người nào cầm máy cũng chụp như vậy chứ chẳng phải để chọc ghẹo ai. Cái đẹp ở đây là gì? Phải chăng rừng cây lá vàng và bóng in qua mặt nước hồ? Vậy bố cục 1/3 thì làm sao phô toàn thể cái đẹp của cảnh vật ? Trường hợp này chỉ có một bố cục: Bố cục đối xứng. Thực tình tôi không hiểu phá chỗ nào.
Sáng tác, chúng ta hay có tính chủ quan, cứ diễn tả theo cái mình nghĩ và quên mặt thực của sự việc. Khi phải giảng giãi thì chỉ nhớ bài học mà quên tác phẩm của mình.
Năm 72 trong cuộc triển lãm của tôi tại Viện Đại Học Duyên Hải Nha Trang, có một tác phẩm cũng làm cho khách thắc mắc. Tác phẩm "Như Cuộc Đời", tôi chụp con đường đèo Hải Vân đổ về Lăng Cô lúc 4 giờ chiều, trời ngược sáng. Cùng chụp với tôi còn mười nhà nhiếp ảnh nữa, trong đó có tác giả ảnh khỏa thân nói trên. Một chủ đề cố định, một vị trí chụp giống nhau, tất nhiên sẽ cho những tác phẩm giống hệt nhau : Mười mấy "con rắn" bò ngoằn ngoèo thì ai ăn ai! Tôi đã kịp tính ra cách riêng của mình. Tôi chụp thành hai con đường xoắn vào nhau khi ẩn khi hiện (như cuộc đời). Lúc triển lãm một khách người Âu đã hỏi tôi:
- Ai thiết kế con đường này?
Tôi lấy làm lạ, xem ảnh mà điều tra cả người trong ảnh, nên đã hỏi vặn lại (vì cũng không biết trả lời sao)
- Ông hỏi để làm gì?
- Tôi thấy con đường này sẽ gây tai nạn suốt ngày.
Tôi cười thoải mái :
- Xin lỗi, ông làm nghề gì?
- Tôi là kỹ sư cầu cống.
- Tôi hiểu câu ông hỏi, thực tế chỉ có một đường, tôi chụp thành hai để cho lạ thế thôi. Nó thuần túy về nghệ thuật, không gây nguy hiểm về giao thông vì không có xe cộ nào chạy trên ảnh của tôi cả.
Ông khách cười thông cảm và không lục vấn tôi nữa. Tôi nhận thấy có một số người ưa lợi dụng những từ ngữ chuyên môn để dẫn người xem vào rừng rậm. Tôi cho như vậy là không thành thực. Đã có lần tôi tiếp chuyện với một nhà thơ, ông có lối nói chuyện rất ngang tàng. Ông gọi tất cả các vị giáo chủ bằng thằng. Ông bất cần, với ông nghệ thuật là trên hết. . Ông nhảy một cái từ dưới chân núi lên ngồi ngay trên đỉnh.
Trong võ thuật người ta thường nói "Vô chiêu thắng hữu chiêu", nói thế tôi không nghĩ rằng tay ngang (vô chiêu) hạ được võ sư (hữu chiêu). Muốn đạt được trình độ vô chiêu, võ nghệ phải thuộc hạng thượng thừa bạt chúng. HT Thanh Từ có giảng một bài về phá chấp, tôi được nghe, đại ý :..”Mấy chú mới xuất gia mà trong phòng đầy băng nhạc, radio casette. Có ai hỏi thì nói ta phá chấp. Như vậy là lạm dụng”. Phá chấp là khi không còn gì để chấp mới phá. Khi mang bình rượu và đồ nhắm vào chợ ( Thập Mục Ngưu Đồ) là lúc tâm thật sự rỗng rang. Nhấm nháp mà tự tại.
Trong đời sống hàng ngày người ta nói: "Xây dựng khó, phá dễ". Trong nhiếp ảnh, phá bố cục là vấn đề không phải đùa. Phá cái thông thường để đưa ra cái độc đáo, không phải chỉ nói mà được. Phá bố cục là chiêu thức xuất thần của tay kiếm lỗi lạc. Phá bố cục là hình thức vô chiêu vậy.
 
ĐƯỜNG NÉT

Toán học định nghĩa đường là do nhiều điểm hợp lại. Hình ảnh

một sợi chỉ căng thẳng cho ta khái niệm một đường. Khi nói đến đường thẳng, đường tròn, đường cong, đường gãy...là nói đến đường trong kỹ hà học, dùng để chứng minh các bài toán hình học. Tóan học chỉ có "Đường" mà không có "Nét" và chẳng mang ý nghĩa gì về nghệ thuật. Trước giờ tôi chỉ mới thấy có mỗi nhà thơ Nguyên Sa đưa đường thẳng vào cảm xúc tình yêu. Nếu tôi không lầm thì câu thơ như vầy: "Anh sẽ đến với em bằng con đường ngắn nhất, ngắn hơn con đường thẳng". Đường thẳng ở đây trở nên dễ thương cách lạ lùng. Nhờ nó mà ta thấy rõ mối tình say đắm thiết tha như thế nào. "Nét", chỉ có trong nghệ thuật, chỉ có nơi con người. "Nét" tượng trưng cho một ý niệm đẹp, duyên dáng, bóng bẩy. "Nét" thuộc về tinh thần, về tình cảm. Nó chủ quan và mông lung bất định..."Nét" là yếu tố căn bản của thẩm mỹ.
Ngày xưa đi học, môn tập viết coi vậy mà khó nhất. Không những viết cho ngay hàng thẳng lối mà còn phải có nét. Ngòi bút lá tre, khi ấn mạnh cho nét đậm, khi kéo nhẹ cho nét nhạt, có thế chữ viết mới đẹp.. Ta cũng thường nghe nói: "Đời người trong nét bút" và khoa xem chữ ký cũng đã căn cứ vào nét chữ mà đoán vận mệnh con người. Nhìn một người thiếu nữ, ta để ý đến "nét" hơn là "đường". Nét dịu dàng, nét thanh tú, nét duyên dáng.....Đôi khi cũng nhắc đến đường, "đường cong tuyệt mỹ". Nhưng, "đường" thì biểu hiện một cái gì đó rất giới hạn và chóng qua. "Đường" có dài mấy rồi đi cũng đến cùng. "Đường" có khởi đầu và có kết thúc, nó không bền, không vững như "nét". Người xưa nói "Cái nết đánh chết cái đẹp". Nết là "nét" (trừu tượng), đẹp là "đường" (cụ thể). Đẹp mà không có nết thì kém sức thu hút và người ta bảo đẹp vô duyên. Khi nói "đẹp lão" có nghĩa là nhan sắc đã tàn phai nhưng nơi khóe mắt, nụ cười vẫn còn lại những nét riêng biệt mà một thời đã làm cho biết bao nhiêu người xao xuyến. Câu nói thường nghe: "Bà cụ chắc ngày xưa đẹp lắm" chứng tỏ "nét" còn mà "đường" đã mất. "Nét" biểu hiện tính nghệ thuật mạnh nhất khi ta xem một họa phẩm thủy mạc, một bức đại tự (chữ Hán). "Nét vẽ có thần", "Nét bút tài hoa", không ai nói: "Đường vẽ đẹp",hay "Đường bút tuyệt vời".
Trong nhiếp ảnh, "Đường" đi đôi với "Nét". Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh mang tên "Đường Nét". Nhưng tác phẩm "Đường Nét" thì chụp cái gì? Có phải chỉ cần có hình ảnh những đường ngang dọc, xiên qua chéo lại là mang ngay tên "Đường Nét". Khi nói đến "Đường Nét" ta thấy có hai phần: "Đường" thuộc hình thức, "Nét" nói về nội dung (ý nghĩa, nghệ thuật..). Nếu một tác phẩm chỉ gồm những đường ngang dọc hoặc xiên chéo như một bức họa đồ mà đề "Đường nét" thì tôi nghĩ tác giả đã không hiểu gì về "Đường Nét" và đã lạm dụng từ ngữ hoặc bắt chước nói theo. "Đường" trong nhiếp ảnh là phần cụ thể của sự vật, "Nét" là biểu hiện cảm xúc, tâm hồn của người chụp. Nếu người chụp làm việc như cái máy, tất sẽ không nhìn ra "Nét". Nghĩa là không có cái nhìn. Một hình ảnh rất thường nhưng nhờ "khóe nhìn" của người chụp, tác phẩm sẽ có những "nét" độc đáo. Ngược lại, dù chủ đề có là hoa hậu mà nhìn một cách khô khan mộc mạc thì tác phẩm chỉ là tấm ảnh vô hồn.
nhiều người chơi ảnh nhưng lại chỉ "chụp hình". Tác phẩm

chỉ có "Đường" mà không có "Nét". Một tác phẩm đẹp lộng lẫy nhưng "vô cảm". Đẹp theo kiểu họa đồ, đẹp máy móc, đẹp theo cách biến chế ...Tôi cho loại ảnh này chỉ để trang trí nhà hàng hoặc dùng trong kỹ nghệ quảng cáo. Một tác phẩm "Đường Nét" phải tạo được một cảm xúc nào đó nơi người xem. Ít ra cũng gợi được chút suy tư.... chứ không như xem một bản đồ. Xem một bản đồ thì không ai cảm xúc mà chỉ thấy nhức đầu. Nếu một tác phẩm "Đường Nét" chỉ để cho vui hay lạ mắt, đó không còn là tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật nữa. Với những thành công của kỹ thuật máy móc mà một bạn trẻ tự hào và cho đó là nghệ thuật thì rồi đây chẳng ai cần đến nhiếp ảnh gia hay họa si, nhạc si nữa. Tác phẩm bấy giờ sẽ là những thứ đóng hộp như mì gói và chắc chắn giá không đắt. Đấy là những tác phẩm chỉ có "Đường" mà không có "Nét".
Nhận xét một tác phẩm ảnh nghệ thuật phải điểm qua nhiều yếu tố, từ bố cục, ánh sáng, màu sắc, và một yếu tố buộc phải có là “Đường Nét”.
Một hôm có người cho tôi xem một lô ảnh chụp một người con gái trong nhiều position khác nhau, nhiều dáng điệu khác nhau. Từ đi đứng đến chân dung, ảnh rất sắc, đúng sáng, màu đẹp. Anh hăm hở xin ý kiến:
- Nhờ bác nhận xét giùm.
Tôi xem qua một lượt, người mẫu quả là đẹp. Ảnh rất xứng đáng đưa vào Album gia đình. Tôi nói:
- Cháu có biết cái đẹp nơi người con gái là gì không? Cái khó chụp nơi người con gái là gì ? Có phải chụp rõ mặt mũi tay chân là đẹp?
Người bạn trẻ tỏ vẻ lúng túng. Xin ý kiến, tưởng được trả lời, lại bị hỏi lại. Tôi an ủi:
- Học là phải suy nghĩ tìm tòi, phải "đầu tư động nảo" không nên làm như mì ăn liền. Cháu có nghe mấy bác si trả lời trên Radio? " Không thể chẩn bệnh cho toa qua đài phát thanh". Không những thế, ngày trước có một triết gia (nếu tôi không lầm) còn bảo phải lấy tiền bệnh nhân thật cao, thuốc bán thật đắt, bệnh mới mau lành. Đi tìm nghệ thuật còn khó hơn. Phải nhẫn nại, chịu khó và hy sinh nhiều thứ.
- Thưa bác, cháu thấy có anh bạn chụp đại lọai cũng như vầy mà ảnh được vào quốc tế.
- Cháu nói không sai, nhiếp ảnh gia LLS có nói :"Nhiều khi cái ảnh nơi này được huy chương, nơi khác ăn cái hột dzịt". Hai nữa cũng tùy "loại quốc tế".
- Tùy loại quốc tế là sao bác.
- Mỗi tổ chức nhiếp ảnh đều có "cốt cách" riêng, "mục đích" riêng. Năm trước đây có mấy người cho tôi xem một số tác phẩm tôi cứ thẳng thắn nhận xét. Tác phẩm thuộc loại chưa sạch "nước cản". Không dè đó là những tác phẩm đã được acceptance quốc tế. Có lẽ các anh em không vui và nghi ngờ sự hiểu biết của tôi, nhưng dường như cũng chỉ được "quốc tế địa phương" lần đó thôi.
- Như vậy, thưa bác làm sao biết giá trị một tác phẩm.
- Chà, cái này thì phải dựa trên nhiều yếu tố, nó dong dài lắm. Tôi chỉ khuyên cháu là chơi thì cố gắng tạo cho mình một bản lãnh, tự tin. Đừng để bị ám thị vào những hào quang giả tạo.
Trở lại vấn đề "Đường Nét", không có "Đường Nét chay" trong nhiếp ảnh. Do đó tác phẩm "Đường Nét" rất khó tạo. Có thể lợi dụng đường nét của bối cảnh ta đưa chủ đề vào, như thế, giải quyết một công hai việc.
Trong những tác phẩm không thuần túy "đường nét" chúng ta cũng cần để ý "đường nét". Chụp một em bé, một thiếu nữ, một cụ già, cái khó vẫn là nhìn cho ra cái "nét" độc đáo, chứ không phải chụp cho đầy đủ rõ ràng. "Đường nét" do đâu mà ra ? Tất nhiên là do từ hình thể của chủ đề. Trái banh có đường tròn, cây cột có đường thẳng. Đó là những vật thể đơn thuần, nhưng khi đứng trước những chủ đề phức tạp, tỉ như cảnh trời chiều. Mặt trời mỗi lúc một xuống, tạo những tia nắng như nan quạt, cảnh vật nhuốm màu hoàng hôn, biến đổi..ta phải nhanh mắt bắt kịp giây phút cảnh vật có nét nghệ thuật nổi bật nhất. Có loại đề tài như khoả thân chẳng hạn, nhìn cho ra "nét" nghệ thuật độc đáo mới "ăn tiền". Ảnh khỏa thân không phải để khai thác các cơ phận của người nữ mà chỉ mượn đường nét trên cơ thể họ mà thôi. Khi ta thấy một nhà nhiếp ảnh nào đó đã nhìn ra một "đường nét" của một chủ đề, xin đừng vội cóp pi, suy nghĩ để tìm ra cái mới. Nghệ thuật đi liền với sáng tạo. Sao chép không phải nghệ thuật, đó là công việc của người thư ký. Có lần tôi được xem những tác phẩm của một nhiếp ảnh gia, trong số có một tác phẩm y trang tác phẩm nhiếp ảnh gia NNH đã chụp trước 75, chỉ khác, trước kia đen trắng, nay màu. Tôi cảm thấy khó chịu, vì xem một thứ hàng giả. Hỏi ra là do thầy dàn giựng và có bao nhiêu học trò, có bấy nhiêu tác phẩm giống nhau.
Đường nét nơi tác phẩm là phần thể hiện tần số cảm xúc, là biểu hiện trình độ nghệ thuật của mỗi người, nói nôm là "tay nghề". Con người, nhất là người làm nghệ thuật phải có “tần số cảm xúc” cao hơn người thường, có như thế mới bắt được những dao động của vạn vật trong vũ trụ, mới ghi lại được dáng vẻ đổi thay mỗi mùa, mới thấy: “Màu nắng hay là màu mắt em, bàn tay xanh xao đón ưu phiền...” (Nắng Thủy Tinh của TCS). Người cầm máy còn vất vả hơn trong khi đi tìm đường nét, nhiếp ảnh cần những cảm xúc qua dao động cụ thể, cảm xúc thật, không ngồi nhà tưởng tượng. Và, những lúc bị lôi đi bởi cảm xúc, người nhiếp ảnh chẳng khác gì người lính ngoài trận địa, tiếng súng đã nổ, chỉ biết tiến lên, không từ nan bất cứ khó khăn nào.
“Đường” là thể xác, “Nét” là tâm hồn” . Thể xác dù có hào nhoáng bao nhiêu, cũng tàn tạ theo thời gian, tâm hồn thì mãi mãi không phai mờ.


Trích sách Về Nhiếp Ảnh
Nhiếp Ảnh Gia Ngọc Thái