Home Đời Sống Tài Liệu ‘Din quý tộc’

‘Din quý tộc’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạp Ghi Quỳnh Giao   
Thứ Sáu, 22 Tháng 7 Năm 2011 18:20

Một năm, dân Mỹ tốn khoảng 14 tỷ đô la mua đủ loại quần din

  Tuần trước đây, trong một bữa ăn cơm Việt Nam cùng vợ chồng người bạn từ Pháp qua chơi, câu chuyện nở như pháo ran ngày Tết vì đã mấy năm rồi mà chưa gặp nhau...

 Quần jean quý tộc

Có lúc, hai ông bàn qua chuyện rượu trong khi chờ chai rượu mở nút được “thở một chút.” Hai bà thì nói chuyện họ hàng, gia đình và con cháu. Trong câu chuyện nghe từ các ông, có câu hỏi được nêu lên về rượu chát, của Pháp và của California...

Nước Pháp nổi tiếng toàn cầu về rượu nho, nhưng California có trung tâm thu thập và quảng bá kiến thức toàn cầu về rượu chát, trong đại học U.C. Davis tại miền Bắc. Muốn học nghệ thuật làm rượu thì nên đến California.

Pháp có những chai rượu chát không phải bạc ngàn mà bạc vạn và nếu tính bằng đồng Euro thì còn đắt hơn vậy. Nhưng California mới là nơi đã từng giật giải thưởng khiến các nhãn hiệu lớn của Pháp phải giật mình. Câu chuyện lan man qua một câu hỏi. Nói về loại rượu uống được mà không quá đắt thì trong cùng một hạng, rượu Pháp bán tại đây lại rẻ hơn rượu California. Tại sao như vậy?

Quỳnh Giao hóng nghe câu trả lời mà nghĩ sang chuyện khác.

Câu trả lời là nghệ thuật kinh doanh của người Mỹ trong một lãnh vực có nồng độ văn hóa rất cao là chế cất rượu nho. Rượu Cali có nhiều chai ngon như rượu Pháp, nếu có nhắm mắt nếm thử thì người sành rượu cũng chẳng phân biệt nổi.

Nhưng các hãng rượu Mỹ rất khéo hạn chế số chai bán ra từng mùa để giữ giá cho cao. Trong khi ấy, họ thừa sức tung ra loại “chuck two bucks,” rượu cực rẻ của nhà Charles Shaw, mỗi chai có hơn hai đồng bạc, uống vào chẳng kém gì loại “vin de table” của Tây.

Còn nước Pháp thì có trợ cấp xuất cảng để giúp nhà sản xuất ở nhà, đâm ra giúp cả giới tiêu thụ Hoa Kỳ có thể gật gù đãi nhau “cơm Tây rượu chát” như dân Pháp sành điệu tại những thủ đô về ẩm thực của nước Pháp.

Không là tay sành rượu, người viết đảo qua tiết mục của các bà. Ðó là vì sao cái quần “din” của Mỹ lại có loại quý tộc, đắt giá vô cùng?...

Trước khi cái quần bị... tụt hạng với cái tên là “quần bò” từ khi Việt Nam đổi mới, thì quần “din” là loại trang phục bình dân hơi lam lũ và thuộc loại dãi dầu sương gió. Nhưng đã hết là cái quần của mấy anh chăn bò trong phim ảnh. Sài Gòn ngày xưa của chúng ta còn có người gọi là “lu din” ( blue jean) vì màu xanh truyền thống của nó...

Năm xưa, Quỳnh Giao cũng đã từng viết về gốc gác của cái quần tiêu biểu này của Mỹ, có thể là theo kiểu dáng của Ðức với vải bông rất dày của Pháp tại thành phố tên là Nimes, nên được Mỹ hóa hành “Denim,” v.v...

Nhưng ngày nay, nếu có muốn “hòa mình vào quần chúng,” người ta dễ dàng mua về một cái quần din với giá rất rẻ là năm chục đô la. Vậy mà cũng cái quần đó, ở một khu phố khác, mình có thể trả đến gần bốn trăm bạc. Ðó là loại “din quý tộc” của dân có tiền và rất đỏm dáng với cái vẻ phong trần.

Ngày nay, bận quần din ở dưới, khoác áo lông ở trên và bước ra từ một chiếc xe đắt tiền thì... đến Tây cũng không chê được! Vì đấy là trang phục rất thời thượng. Nhưng phải là loại quần có nhãn như “True Religion” và có tên là “Phantom” cơ... Chứ không phải là quần Levi đáng giá vài chục. Mua một cái quần có tên ma mãnh là “Phantom” thì mình phải tốn đến 375 đồng chứ không ít!

Một năm, dân Mỹ tốn khoảng 14 tỷ đô la mua đủ loại quần din. Trong số này, loại bình dân vài chục thì có vô số, nhiều vô kể, mà chỉ có chừng một phần trăm là loại din quý tộc. Rẻ thì vài trăm trở lên, như cái quần của hiệu “Seven For All Mankind,” đắt thì có quần “Gucci,” từ gần năm trăm đến 665 đồng.

Với những loại đó thì vài chục bạc của mình chỉ mua được... cái khuy!

Các ông mà luận về những chai Clos này hay Château kia với cái giá mấy ngàn thì các bà sẽ nói chuyện dãi dầu nắng mưa của quần din hiệu “J. Brand” hay chiếc “Phantom” có hai ống cũng ròn rã như xe Ferrari.

Loại rẻ tiền và xứng danh “quần bò” là sản phẩm do hãng Mỹ đặt làm hàng loạt bên Tầu. Dù chẳng nhìn vào chuyện Ðông Hải ngày nay, giới thượng lưu mà cứ thấy nhãn “Made in China” là buông xuống và lánh xa như gặp hàng hóa đầy chất độc của Trung Quốc.

Họ tìm về thủ đô của quần din quý tộc, là quần din Cali, do trung tâm xuất phát là Los Angeles!

Nơi đây, những người vẽ kiểu và các hãng sản xuất đang thi đua chế tác và thực hiện lấy những loại quần din đắt tiền nhất. Vải vóc thì có thể là giống nhau nhưng qua mỗi bước thực hiện lại chất chứa thêm những chi tiết phù du mà tốn kém. Nhìn cho kỹ thì mình mới thấy thế nào là đại chúng thế nào là quý tộc.

Vải thì cũng chỉ là bông vải thôi, nhưng phải dệt tại Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn Mỹ, có khi từ North Carolina. Chi phí cỡ ba chục khi được chở từ đó qua hãng xưởng bên cạnh Hollywood. Rồi còn tiền may cắt và khâu lên đó chán vạn thứ lỉnh kỉnh. Lá quốc kỳ Mỹ ở túi sau, mười mấy cái khuy đồng và chiếc zipper tí xíu bên đầu gối. Lật túi trước thì bên trong đã in nhãn hiệu Made in USA và vén gấu lên thì mới thấy kỳ công vì vắt sổ rất kỹ và viền nẹp rất tinh.

Dáng thô sơ như vậy chứ các bà mà diện vào thì thấy mềm như tơ, mát như lụa và tốn thêm mười mấy đồng vì cái quần được giặt đi giặt lại nhiều lần, mỗi lần lại theo một công thức khác cho đến khi phai màu và xổ tơ theo đúng kiểu thì mới đạt tiêu chuẩn.

Còn công thợ nữa chứ! Mà phải là thợ Mỹ có đầy đủ bảo hiểm và lương bổng rất khá vì là thợ có tay nghề. Tốn thêm mười mấy đồng nữa, rồi mới đến những người áo trắng. Khoác áo trắng mà không phải là... bác sĩ đâu. Họ là các chuyên viên về quảng cáo, đóng, gói và phân phối. Họ rất biết nghệ thuật tung ra những người mẫu kiều diễm để khách hàng có thể mường tượng ra dáng vẻ của mình khi trưng diện sản phẩm.

Tính đi tính lại thì mất chừng trăm rưởi! Ðến tay chúng ta thì đắt gấp ba!

Như mọi người tò mò về cái đẹp, Quỳnh Giao cho rằng chi tiết đẹp nhất và đáng chú ý nhất trong loại “din quý tộc” này là... cái túi! Không phải là túi tiền đâu vì xưa nay bao giờ mà sự phù du không cần thiết lại chẳng là sự tốn kém? Cái túi quần ở đây là nơi phô diễn sự tinh xảo của từng đường thêu đường viền, nhìn sơ qua thì ít ai thấy sự dụng công của nhà sản xuất để tạo ra nét khác biệt.

Câu chuyện bên bàn ăn đang từ rượu đổi qua thời trang và hiện tượng hàng giả. Người tinh ý thì biết là hàng giả luôn luôn cường điệu để làm như thật còn hơn hàng thật! Nhìn kỹ hay nghe kỹ là mình biết ngay. Cái quần jean quý tộc thì ngược lại. Cứ ra vẻ bình dân phong trần nhưng đường kim mũi chỉ lại có sự chi ly tinh tế mà chỉ những người khó tính mới nhận ra. Vì thế mà những đồng hồ giả, ví giả rất nhiều, mà không ai dại gì làm quần jean giả...