Tình trạng ngày càng nhiều đất nông nghiệp được dùng cho mục tiêu trồng cây nhiên liệu..
ROME (AP) -Liên Hiệp Quốc vừa hoàn tất bản nhận định đầu tiên về tình trạng đất đai trên địa cầu, cho hay trong bản báo cáo đưa ra hôm Thứ Hai rằng khoảng 25% đất đai trên thế giới đang bị suy thoái trầm trọng và cảnh cáo rằng phải thay đổi chiều hướng này nếu muốn giữ được khả năng nuôi sống dân số địa cầu đang tiếp tục tăng trưởng.
Ðất đai trên thế giới đang bị suy thoái trầm trọng, và nếu không thay đổi sẽ không đủ nuôi sống nhân loại, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc. (Hình: Fred Tanneau/AFP/Getty Images)
Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước lượng rằng các nhà nông phải sản xuất thêm 70% số lượng thực phẩm vào năm 2050 để đáp ứng được nhu cầu của thế giới, lúc đó sẽ lên đến hơn 9 tỉ người. Ðiều này có nghĩa là phải có thêm 1 tỉ tấn lúa mì, gạo và các loại ngũ cốc, cùng thêm hơn 200 triệu tấn thịt bò và các loại thịt gia súc khác. Tuy nhiên, hiện nay hầu như tất cả đất có thể được dùng cho nông nghiệp đang được sử dụng, và trong nhiều trường hợp, năng suất đang giảm xuống vì cách khai thác đưa đến việc đất bị xói mòn và phí phạm nước. Ðiều này có nghĩa là để có thể đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của thế giới trong tương lai, một hình thức “tăng cường khả năng bền vững” của sản xuất nông nghiệp trên đất đai đang dùng là điều cần phải thực hiện, theo FAO trong cuộc nghiên cứu mang tên “Tình Trạng Tài Nguyên Ðất và Nước Trên Thế Giới cho Thực Phẩm và Nông Nghiệp.” Tổng giám đốc FAO, ông Jacques Diouf, cho hay tình trạng ngày càng nhiều đất nông nghiệp được dùng cho mục tiêu trồng cây nhiên liệu, cộng với sự thay đổi thời tiết và trồng trọt không đúng cách, đã khiến các hệ thống sản xuất thực phẩm quan trọng gặp nguy cơ không đáp ứng đủ cho nhu cầu con người vào năm 2050. “Hậu quả đói kém và nghèo khổ là điều không thể chấp nhận được,” ông Diouf nói với báo chí tại trụ sở của FAO ở Rome, Ý. “Các biện pháp chấn chỉnh cần phải được thực hiện ngay lúc này. Chúng ta không thể nào tiếp tục cách hành xử hiện nay được nữa.”
|