TV PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Đình Cảnh   
Thứ Bảy, 21 Tháng 2 Năm 2009 08:10

Oakland 15-2-2009

Làn Sóng TV: Một Cuộc Đổi Đời
Trong những ngày vừa qua, báo chí và truyền thanh truyền hình Mỹ đã nói nhiều đến một cuộc đổi đời trên các tín hiệu truyền hình như là một cuộc "cách mạng" trong việc phát hình và thâu hình của các đài TV. Đó là việc sử dụng tín hiệu "digital" thay thế tín hiệu "analog". Đã có nhiều người tìm cách dịch các từ ngữ chuyên môn này như digital là "kỹ thuật số" nhưng xem ra cách dịch đó còn khó hiểu hơn là các từ ngữ tiếng Mỹ. Trong bài viết có tính cách giản lược nầy, chúng tôi sẽ dùng các từ ngữ kỹ thuật truyền hình tiếng Mỹ kèm theo lời giải thích, ngoại trừ những từ ngữ đã khá quen thuộc với người Việt chúng ta. (Hoàng Đình Cảnh)

1. Vài dòng lịch sử - Vô tuyến truyền hình Mỹ đã chính thức góp mặt từ năm 1941 với hình ảnh đen trắng, máy móc và chương trình rất thô sơ, và việc phát hình, thâu hình của các đài truyền hình được giới hạn trong một số đô thị hay những vùng đất bằng phẳng mà thôi. Để đáp ứng nhu cầu của một số dân chúng sống ở các vùng xa đô thị lại bị ngăn cách bởi đồi núi mà tín hiệu truyền hình không thể vượt qua, năm 1948 một số người Mỹ, đầu tiên ở Oregon, sau đó đến Colorado và Pennsylvania, đã nghĩ ra cách lập trạm thâu nhận tín hiệu truyền hình trên các đỉnh đồi rồi khuyếch đại, chuyền vào các sợi giây "cable" để phân phối đến các gia đình ở vùng thung lũng bên kia đồi. Ngày nay, chúng ta quen dùng danh từ "cable" để chỉ việc các hãng cable, bất cứ ở thế đất nào, tìm cách chuyền tín hiệu truyền hình đến tận nhà bằng đường dây cable hay "dây kiếng" (fiber optic), gắn vào máy TV cho bạn, nhưng nguyên thủy, công việc nầy được giới hạn ở các khu vực cộng đồng dân cư khuất đồi núi, và vì thế "cable" còn được gọi là CATV (Community Antenna Television - Aêng-ten Truyền hình Cộng đồng).Năm 1953, hình mầu được bắt đầu truyền đi trên các làn sóng truyền hình. Năm 1974, các vệ tinh thương mãi (commercial satellite) được phóng lên không gian, "định cư" gần bên các vệ tinh thám thính và quân sự đã được phóng lên từ trước, nằm trên một "vòm cung" hay quỹ đạo (orbit) cách mặt địa cầu 23,500 miles. Ở khoảng cách nầy, các vệ tinh hầu như đứng yên tại chỗ so với mặt đất vì quay theo chiều trái đất và cùng vận tốc với trái đất. Tận dụng các vệ tinh vào kỹ nghệ truyền hình, năm 1975 một công ty được thành lập lấy tên là Home Box Office, gọi tắt là HBO, có sáng kiến phóng hình mầu lên vệ tinh rồi chuyền xuống bất cứ vùng nào trên mặt đất. Thành công nhất của HBO là đã trực tiếp truyền hình về Florida và Mississippi (nằm trong vùng tín hiệu vệ tinh tỏa xuống (satellite signal footprint) trận đấu võ tranh chức vô địch hạng nặng giữa Mohamed Ali (Casius Clay) và Joe Frazier tại Manila, Philuật-tân, vào tháng 10 năm 1975. Sự thành công hy hữu nầy đã lần lượt lôi kéo một số đại công ty khác như Showtime, Turner (TNT, TBS) nhập cuộc, dành quyền bao thuê một số vệ tinh thương mãi để phóng hình lên và chuyền hình xuống. Hình ảnh từ các đài vệ tinh nầy được các hãng truyền hình thâu lại và phát đi qua hệ thống ăng-ten. Các hãng cable như Comcast, Time-Warner, Media One ký giao kèo "mướn" lại các hình ảnh và âm thanh nầy để chuyền vào tận các tư gia. Chính các hệ thống truyền hình lớn của Mỹ như ABC, NBC, CBS cũng sử dụng vệ tinh để chuyền tin tức, phim ảnh, bi hài kịch và phóng sự đến các "đài con" (affiliate) trong hệ thống truyền hình của họ nằm rải rác trên khắp nước Mỹ.

Sau đây là một số hiện tượng thiên nhiên ảnh hưởng đến việc thâu hình từ vệ tinh của các đài truyền hình và hãng cable:

a.  Phóng xạ mặt trời - Chúng ta biết trái đất không ngừng quay quanh mặt trời. Mỗi năm hai lần vào đầu tháng 3 và tháng 10, mặt trời, vệ tinh và ăng-ten xếp thành một hàng thẳng. Tia phóng xạ (radiation) phát ra từ mặt trời có cường độ cực mạnh so với cường độ tín hiệu của vệ tinh, do đó ăng-ten ở mặt đất chỉ nhận được tia phóng xạ mặt trời làm cho các hình ảnh mất đi trong vài phút, lần lượt từ vệ tinh nầy đến vệ tinh khác. Hiện tượng nầy được gọi là một cách đơn giản là "mất hình vì mặt trời" (Solar outages), và là một hiện tượng thiên nhiên mà các kỹ thuật gia dù giỏi cách mấy cũng đành phải bó tay.

b.  Bão tuyết - Một hiện tượng thiên nhiên khác cũng gây ra sự mất hình ảnh, làm nhức đầu không ít cho các hãng truyền hình. Bão tuyết ở một số địa phương nhất là Miền Đông và các vùng núi cao của nước Mỹ, tuy không làm cho tín hiệu bị thổi tạt đi, nhưng những cục tuyết rơi xuống liên tục như một màn tuyết, cũng làm cho tín hiệu vệ tinh bị gián đoạn. Tệ hại hơn nữa, tuyết rơi xuống bao phủ mặt ăngten (thường là ăng-ten dĩa) tạo nên một lớp tuyết khá dày làm cho tín hiệu từ ăng-ten không hội tụ được vào tiêu điểm để khuyếch đại và chuyền đi, mà lại bị lớp tuyết phân tán mỏng hoặc "thẩm thấu" mà tan biến. Ở các vùng nầy, các nhà truyền hình thử thay thế ăng-ten dĩa hình tròn hay hình quả trám bằng "ăng-ten nhánh" không có mặt phẳng lớn, tránh bớt tuyết bao phủ, nhưng không thành công vì tín hiệu quá yếu. Thông thường ở các vùng nầy, trong những ngày có tuyết xuống dày đặc thì ăng-ten phải có hệ thống sưởi ấm vừa đủ để làm cho tuyết tan nhanh, ít ảnh hưởng đến tín hiệu vệ tinh mà ăng-ten nhận được.

2. Các dạng thức của làn sóng truyền hình -Từ ngày khởi sự có truyền hình, làn sóng truyền hình được sử dụng để phát và thâu dưới dạng thức analog và trong bốn tháng sắp tới, dưới dạng thức digital. Sau đây là sự khác biệt của hai dạng thức nầy:

a. Analog là dạng thức làn sóng chiếm một đơn vị tần số là 6 MegaHertz (MHz), trong đó, theo thứ tự, có phần hình ảnh, phần mầu sắc và phần âm thanh. (Ở Âu-châu, vì ít đài truyền hình nên mỗi đơn vị tần số được ấn định dài gấp đôi, tức 12 MHz cho mỗi đài truyền hình). Các đài truyền hình được ấn định sẵn một đơn vị tần số, thí dụ đài số 2 từ 54 MHz đến 60 MHz, đài số 3 từ 60 MHz đến 66 MHz, đài số 4 từ 66 MHz đến 72 MHz v.v. và chỉ phát hình trong đơn vị tần số được ấn định nầy mà thôi. Các nhà làm TV (máy thâu) cũng theo đúng bảng tần số nầy mà sản xuất máy truyền hình để có thể thâu nhận đúng tần số của đài. Xin nhắc lại là mỗi đài truyền hình ở Mỹ chiếm 6 MHz dưới dạng làn sóng analog. (xem hình 1).

 

b. Digital là dạng thức làn sóng chiếm một đơn vị tần số rất nhỏ, tùy theo tỉ lệ "nén hình" (compression), 6:1, 12:1, 18:1 hoặc 24:1. Tỷ lệ "nén hình" nầy có nghĩa là đơn vị tần số 6 MHz của làn sóng analog có thể chứa được 6, 12, 18 hoặc 24 đài truyền hình dưới dạng làn sóng digital. Như vậy truyền hình dưới dạng thức digital có thể "tiết kiệm" được rất nhiều đơn vị tần số để dùng những đơn vị tần số nầy vào các công việc khác. (xem hình 2)

c. Nén hình (compression) - Để "tiết kiệm" được các đơn vị tần số dưới dạng thức digital, các nhà truyền hình sử dụng phương pháp "nén hình". Thuật ngữ "nén hình" được dùng một cách tượng trưng cho dễ hiểu mà thôi, chứ trong thực tế không có phương pháp nén hình như thế. Có thể gọi là "xén hình" thì đúng và sát nghĩa hơn. Chúng ta biết rằng cứ mỗi giây đồng hồ, 30 tấm hình "tĩnh" được liên tục lướt qua trên màn máy thâu hình (TV) làm cho khán giả có cảm tưởng như đang xem một cảnh "động". Truyền hình digital - qua hệ thống computer phức tạp - tìm cách xén bớt những chi tiết hình ảnh "tĩnh" làm nền có mặt trong chuỗi 30 tấm hình, chỉ chừa lại những chi tiết hình ảnh "động" mà thôi. Thí dụ: một chiếc phi cơ đang bay từ điểm A đến điểm B, giữa một bầu trời xanh có vài cụm mây. "Bầu trời xanh" và "vài cụm mây" là những chi tiết "tĩnh" làm nền, được xén bớt trong các tấm hình, chỉ chừa lại trong vài tấm là đủ. Chi tiết "động" là chiếc phi cơ đang bay thì vẫn giữ nguyên. Một thí dụ khác: Cô ca sĩ đang múa hát trên sân khấu. Sân khấu với ánh đèn và tấm phông trang trí là chi tiết "tĩnh" mà tấm hình nào cũng có, có thể được xén bớt, còn cô ca sĩ đang múa hát là chi tiết "động" thì vẫn giữ nguyên.

Việc xén hình như thế tiết kiệm được rất nhiều làm cho hình ảnh dưới dạng thức digital trở nên hẹp lại, không choán quá nhiều chỗ trên đơn vị tần số được chỉ định cho mỗi đài. Do việc xén hình nầy, hay gọi một cách chính thức, do phương pháp "nén hình" nầy mà mỗi đài có dư chỗ để phát thêm nhiều chương trình truyền hình khác, hoặc nhiều đài truyền hình được gom lại trong một đơn vị tần số tùy theo sự chỉ định của Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission, gọi tắt là FCC). Và cũng do phương pháp nén hình nầy mà rất nhiều đơn vị tần số được dư ra để sử dụng vào các công việc khác sẽ nói trong đoạn dưới đây.

Xin nói thêm: chắc chắn bạn đã có ít nhiều kinh nghiệm với dạng thức truyền hình analog: hình ảnh khi rõ, khi mờ, khi lợn cợn, khi nhòe nhoẹt. Trong tương lai, với dạng thức digital, hình ảnh và âm thanh trên màn ảnh TV sẽ rõ hơn nhiều, ngoại trừ khi gió bão xê dịch vị trí và xô lệch hướng ăng-ten của bạn, thì hình ảnh sẽ mất hẳn.

3. Những thay đổi về luật lệ Truyền hình - Như đã nói trong phần "Vài dòng lịch sử", Truyền hình đã chính thức có mặt tại nước Mỹ vào năm 1941 dưới dạng thức làn sóng analog. Kể từ đó kỹ nghệ truyền hình phát triển nhanh chóng và Ủy Ban Truyền Thông Liên bang đã cung ứng đơn vị tần số cho các đài truyền hình mỗi ngày một nhiều đến nỗi hầu như không còn băng tần cho những nhu cầu về điện thoại cầm tay và thông báo của chính phủ trong các trường hợp khẩn cấp như biến cố 911, trận bão Katrina và các kế hoạch phá hoại của bọn khủng bố trong nước Mỹ. Năm 2005 một đạo luật về truyền thông bằng làn sóng digital và an toàn công cộng (Digital Transition and Public Safety Act) đã được ban hành, và ấn định đạo luật sẽ có hiệu lực vào ngày 17 tháng 2 năm 2009. Kể từ đó, các đài truyền hình đã mua sắm thiết bị và mượn tần số để cấp tốc thử nghiệm việc phát hình digital. Đạo luật cũng bắt buộc, từ ngày 1 tháng 3 năm 2007, các hãng làm máy thâu hình (TV) phải sản xuất loại máy thâu hình có sẵn bộ phận chuyển đổi từ analog qua digital. Để bù lại những thiệt thòi mà dân chúng Mỹ phải gánh chịu do việc chuyển đổi hình thức làn sóng, nhất là giữa lúc kinh tế đang trì trệ nầy, chính phủ đã phải chi ra một số tiền khổng lồ là 1 tỉ 340 triệu đồng để phát không phiếu (coupon) cho dân chúng, mỗi phiếu trị giá 40 đồng (mỗi gia đình nhận được tối đa 2 phiếu, và phiếu chỉ có giá trị trong 3 tháng) phụ giúp vào việc mua "hộp đổi làn sóng" (converter box, giá khoảng 50 mỹ-kim). Ngược lại, chính phủ cũng thu vào 19 tỉ đô-la do việc bán lại tần số thặng dư cho các hãng điện thoại như Verizon, AT&T v.v.

Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy vẫn còn hơn 8 triệu gia đình dân chúng Mỹ chưa có sẵn phương tiện cho việc thay đổi nầy, có nghĩa là máy truyền hình cũ của gia đình họ sẽ không còn sử dụng được sau ngày 17/2/2009. Để lấy lòng dân chúng một cách hợp lý, tân chính quyền Obama đã xin Quốc hội gia hạn ngày thi hành đạo luật nói trên. Quốc hội cũng trù trừ không dứt khoát vì căn cứ trên đạo luật, Ủy ban Truyền Thông Liên bang đã bán tần số thặng dư cho các công ty và đã nhận tiền rồi. Cuối cùng, gần đến ngày thi hành, Quốc hội đã biểu quyết tu chính gia hạn thêm 4 tháng, đến ngày 12/6/2009 mới thi hành đạo luật chuyển đổi. Tu chính nầy đã làm cho nhiều người thở ra nhẹ nhõm, nhưng cũng làm cho các hãng điện thoại cầm tay lớn méo mặt vì chưa bán lại được tần số đã mua cho các hãng điện thoại nhỏ đang cần.

4. Những cách thế ứng phó với việc đổi dạng thức làn sóng - Để ứng phó với việc thay đổi dạng thức làn sóng truyền hình từ analog qua digital, chúng ta có một số lựa chọn sau đây:

a. Hộp đổi dạng thức làn sóng (Converter box) dùng với TV cũ - Dùng phiếu nói trên của chính phủ, nếu có, đến các tiệm electronics như Radio Shack, Fry's Electronics để mua hoặc đổi lấy converter box (khoảng 50 đồng, bù thêm tiền). Sợi giây từ ăng-ten trời nối vào input của hộp, và nối một đoạn giây ngắn từ output của hộp vào TV. TV sẽ nằm luôn ở đài số 3 (hoặc số 4 tùy từng vùng), dùng remote control của converter box để đổi đài ở hộp.

b. Nếu là TV mới mua khoảng năm 2007 về sau và có ghi DTV (Digital TV) thì không cần converter box, chỉ cần nối sợi giây từ ăng-ten trời vào thẳng TV. Đổi đài bằng remote control của TV.

c. Lựa chọn thứ ba là mua cable từ các hãng cable như Comcast, hoặc Direct TV, Satellite TV, AT&T, cho cả TV cũ và mới. Các hãng nầy sẽ cung cấp hộp đổi đài cùng với remote control. Đây có lẽ là lựa chọn tốt nhất - nhất là đối với hãng cable địa phương - vì bạn có quyền "mua" những đài mình muốn kể cả các đài truyền hình địa phương, và khi hộp bị hư hỏng có thể đổi hộp khác mà không phải trả tiền. Và, do sự cạnh tranh ráo riết giữa các hãng nầy, nếu bạn đã mua HDTV (High Definition, màn ảnh rộng và hình rõ nét) thì bạn cũng sẽ có nhiều đài HD mà không phải trả thêm tiền. Riêng đối với hãng Comcast, tùy theo túi tiền, bạn có thể lựa chọn các nhóm basic (B1) hoặc basic expanded (B2) cùng với những đài mà bạn và gia đình bạn thích và thường xem để tiêu khiển như đài tiếng Việt SBTN hoặc đài chuyên về thể thao ESPN.

Kết luận:

Việc đổi làn sóng truyền hình từ analog qua digital, đối với kỹ nghệ truyền hình Mỹ, là một sự kiện quan trọng, một cuộc đổi đời, một cuộc cách mạng kỹ thuật. Các hệ thống truyền hình Mỹ đều phải chi phí rất nhiều cho máy móc cũng như kỹ thuật theo đúng các điều khoản của đạo luật chính phủ. Một số hãng truyền hình độc lập không đủ tài chánh cho các chi phí nầy nên đã rao bán hoặc khai "phá sản". Phần chúng ta, tuy không chịu ảnh hưởng nặng nề của đạo luật "Chuyển qua Digital và An toàn Công cọng" (Digital Transition and Public Safety Act), nhưng tìm hiểu thêm để có khái niệm tổng quát về sự thay đổi có một không hai trong phạm vi kỹ thuật truyền hình ở nước Mỹ, nơi chúng ta đang sống và tận hưởng tiện nghi vô tuyến truyền hình, thiết nghĩ là một điều đáng và nên làm. Và đó chính là mục đích của bài viết nầy vậy. 

Ghi chú:

1. Hertz: là đơn vị nhỏ nhất của tần số (frequency) xoay chiều trong 1 giây đồng hồ. MegaHertz bằng 1,000,000 Hertz, có nghĩa là xoay chiều 1 triệu lần trong một giây.

2. TV (Television set): quen gọi là "máy vô tuyến truyền hình", nhưng thực sự đó chỉ là máy thâu hình.

3. Nếu gia đình bạn chưa bao giờ nhận được coupon của chính phủ, hãy vào website www.DTV2009.gov bấm số 1 rồi điền vào các ô trống. Hai coupon sẽ được gửi về tận nhà.