Home Đời Sống Tài Liệu Chương trình “Sau giờ học”-After School Program

Chương trình “Sau giờ học”-After School Program PDF Print E-mail
Tác Giả: Oanh Thơ   
Thứ Ba, 31 Tháng 3 Năm 2009 08:04

 Khi nói đến vấn đề làm sao có đủ khả năng để trả tiền giữ trẻ, có rất nhiều người cho rằng sống ở Hoa Kỳ, một là phải thật giàu, hai phải là người không có lợi tức thì chúng ta mới có thể đủ điều kiện để con cái chúng ta được hưởng những dịch vụ giữ trẻ (ở đây chưa nói tới việc dịch vụ này có đủ phẩm chất hay không).

Thật vậy, hiện nay với số tiền trả rất cao cho công việc giữ trẻ, mà theo thống kê khoảng 500 $/tháng trở lên cho một đứa trẻ dưới 5 tuổi, một gia đình có hai con nhỏ với lợi tức khoảng 3,000 $ một tháng trở lên mới có thể kham nổi tiền gởi trẻ.

Trong khi đó, vì muốn khuyến khích việc đi làm của những người đang được hưởng trợ cấp xã hội, từ năm 1998, ở California chương trình Welfare To Work thường gọi tắt là CalWORKs đã trả tiền giữ trẻ để những người thuộc diện này có thể đi kiếm việc hay đi làm việc.

Sự việc những gia đình thuộc diện đi làm việc với lợi tức thấp không có khả năng trả tiền gởi trẻ đã đưa đến chuyện những đứa trẻ “đeo chìa khóa ở cổ” mà tiếng Anh gọi là “latched key kid”, đi bộ về nhà sau giờ học một mình, tự mở cửa, kiếm cái gì trong tủ lạnh ăn vặt, ngồi xem TV và chờ cha mẹ đi làm về. Hình ảnh nầy thực ra đã diễn ra hàng bao nhiêu năm nay ở Hoa Kỳ nhưng càng ngày nó càng trở nên một vấn nạn dẫn đến nhiều xáo trộn xã hội, bởi vì số gia đình gồm cả hai cha mẹ đi làm ngày một nhiều hơn.

Theo thống kê của Bộ Lao Ðộng, tại Mỹ hiện nay cha mẹ của khoảng 28 triệu trẻ con trong tuổi đi học, đang làm việc ngoài nhà của họ, và trong khi họ còn ở sở làm, con cái của họ đã rời trường học để đi về nhà của chúng.

May mắn thay một số các đứa trẻ này đang được ở trong chương trình “sau giờ học” - After School Care, một chương trình được tài trợ bởi chính phủ để cho các học khu của thành phố cung cấp dịch vụ coi sóc trẻ với một lệ phí nhẹ (hiện nay ở California, chỉ có 1/5 số trường học ở California nhận được ngân khoản tài trợ để có thể tổ chức chương trình coi trẻ sau giờ học này mà thôi).

Ðây là một chương trình được sự hỗ trợ tuyệt đối của các cơ quan lo về giáo dục và xã hội, cũng như những tổ chức lo về sự phát triển của giới thanh thiếu niên. Dĩ nhiên chương trình sau giờ học này vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các gia đình trên toàn quốc vì vẫn theo thống kê của Bộ Lao Ðộng khoảng từ 5 đến 7 triệu trẻ con dưới 12 tuổi vẫn ở nhà một mình sau giờ học mà không có sự hiện diện của người lớn.

Trong kỳ bầu cử Tháng Mười Một năm 2002, dự luật 49 đã được dân chúng tiểu bang California biểu quyết chấp thuận để trở thành đạo luật là một thắng lợi của những nhà tranh đấu cho quyền lợi của trẻ em cũng như lành mạnh hóa xã hội. Ðạo luật này nhằm yêu cầu chính phủ trợ giúp thêm ngân khoản để thiết lập nhiều hơn nữa những chương trình “sau giờ học” với những sinh hoạt giúp giới thanh thiếu niên tránh bớt thì giờ nhàn rỗi, nhờ đó, chúng sẽ không phạm vào tội ác hay nghiện ngập, băng đảng.

Những nhà tranh đấu cho chương trình “sau giờ học” muốn đạt tới giải pháp chấm dứt những vấn nạn xã hội hay tội ác do thanh thiếu niên gây ra bằng cách làm thế nào để mọi đứa trẻ đều có cơ hội được hưởng chương trình này. Maryann O'Sullivan, giám đốc chương trình “Fight Crime: Invest in Kids, California”, hỗ trợ tuyệt đối cho chương trình “After School”. Bà nói: “Chúng tôi biết chương trình này sẽ mang lại kết quả tốt cho trẻ con.”

 Sau đây là những quyền lợi mà chương trình giữ trẻ sau giờ học có thể mang lại cho trẻ con:

 1.Nâng cao trình độ giáo dục và rèn luyện tính tốt

Sự tìm hiểu về chương trình “after school” cho thấy là các trẻ em tham gia chương tình này sửa đổi tính tình trở nên tốt hơn, cũng như đạt được điểm cao tại trường học và tốt nghiệp nhiều hơn. Chúng cũng giao thiệp với những bạn đồng tuổi một cách hài hòa hơn.

Sự tìm hiểu về chương trình sau giờ học này cũng cho thấy những trẻ em không được trông coi sau giờ học, thường trở thành nạn nhân của những hành động thô bạo, 3 lần nhiều hơn là những trẻ em được coi sóc. Chúng cũng dễ có nguy cơ nghiện ngập, bỏ học, có liên hệ tình dục bậy bạ hoặc có những hành động dẫn đến những vấn nạn lớn hơn.

Những nhà làm luật cũng cho rằng chương trình “after school” tiết kiệm cho ngân quỹ của Sở Giáo Dục vì sẽ có ít học sinh ở lại lớp.

 2. Ngăn ngừa tội ác

Các nhà tranh đấu cũng nói rằng chương trình “after school” còn là một phương cách thực hiện hữu hiệu việc phòng ngừa tội ác, so với các chương trình chỉ cảnh cáo trẻ con về việc chúng không nên phạm tội.

Với những chương trình thể thao, âm nhạc, hội họa, bơi lội, kèm bài tập, “after school” giúp trẻ tìm biết khả năng của mình, cho chúng có cơ hội được chọn lựa và hoạch định hướng đi tới về nghề nghiệp hay sở thích, nhờ vậy chúng sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc hầu trở nên một con người tự trọng, tự tin để không sa chân vào những tội ác.

Sở Cảnh Sát của Orange County, California cho biết số lượng tội ác gây ra phần lớn do giới nam thanh niên tuổi từ 16 đến 24. Trong số đó, những thiếu niên trong hạn tuổi dưới 18 thường phạm tội trong khoảng thời gian từ 2 đến 6 giờ chiều.

Các chuyên viên giáo dục và xã hội phụ trách về vấn đề thanh thiếu niên nói: “Ðiều này không gây ngạc nhiên vì đó là thời gian mà nhiều đứa trẻ đã ra khỏi lớp học, nhưng lại không có sinh hoạt nào khác để chúng tham gia. Nếu có được những chương trình miễn phí sau giờ học như thể thao, computer hay kèm bài tập dĩ nhiên tụi trẻ sẽ không có thì giờ đi theo băng đảng”.

 3. Giúp phụ huynh gia tăng năng suất làm việc

Những chương trình “sau giờ học” có chất lượng cũng giúp gia tăng năng suất làm việc của phụ huynh. Thật vậy, nếu biết con mình đang ở trong những chương trình sinh hoạt an toàn và ích lợi, phụ huynh sẽ yên lòng để chú tâm đến công việc mình đang làm và nhờ vậy sẽ phát huy nhiều sáng kiến hơn.

 4. Những thách đố cần vượt qua

Thách đố quan trọng nhất để thực hiện chương trình sau giờ học cho tất cả mọi người là “Tiền”. Lệ phí của chương trình thường không đủ trang trải cho những chi phí. Chẳng hạn như tiền chuyên chở, đưa đón trẻ con rất mắc mỏ.

Ngân sách không đủ trả lương cho những huấn luyện viên giỏi cũng như những cô thầy có khả năng. Theo thống kê của Bộ Giáo Dục thì doanh số nhân viên làm việc cho những chương trình sau giờ học trên toàn quốc chỉ đạt tới mức 40% mỗi năm. Nếu ngân sách của chương trình sau giờ học dồi dào nhờ sự nâng đỡ của nhiều nguồn tài trợ khác nhau, chương trình đôi khi có thể có những lớp dạy đan, may vá, lớp computer, dạy ngoại ngữ hay có thể tổ chức những sân banh quy tụ cả 100 đứa trẻ.

Những chương trình sau giờ học này đang được điều hành bởi những cơ sở tôn giáo, YMCA hay Boys and Girls Clubs, khu giải trí địa phương, những hội tư, hay những học khu của tỉnh lỵ.

Những nhà tranh đấu cho chương trình sau giờ học được phát triển rộng rãi hơn nữa, đã cố gắng chứng minh cho mọi người thấy là chương trình này không chỉ giúp giải quyết một nhu cầu mà rất nhiều nhu cầu khác nhau của trẻ con như:

 a. Cung cấp một môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ con cho đến khi cha mẹ đi làm về.

b. Nâng cao mức thành tựu về học vấn của trẻ con cũng như giúp trẻ có những kinh nghiệm sinh hoạt tập thể.

c. Ngăn ngừa được những hành động phạm pháp của thanh thiếu niên.

 Sự tài trợ của liên bang?

Khi còn tại chức, Tổng Thống Bill Clinton đã phát động một chương trình để liên bang tài trợ cho chương trình sau giờ học. Tuy nhiên, chương trình tài trợ này dành cho cơ quan 21st Century Community Centers của liên bang, mới có hiệu lực và bắt đầu hoạt động từ Tháng Chín năm 2002. Sau đó, lan rộng ra đến những bộ giáo dục của các tiểu bang. Bà Miriam Rollin, giám đốc của cơ quan Fight Crime: Invest in Kids ở Washinton DC nói rằng: “Người ta đã bắt đầu nhận ra là chúng ta phải làm gì cho trẻ con.”

Ngân khoản tài trợ khởi đầu với 40 triệu Mỹ kim vào năm 1998, đã tăng lên rất nhiều trong 10 năm qua nhưng vẫn nhưng vẫn chưa bao giờ đạt được mức 1 tỉ Mỹ kim như hy vọng của các nhà giáo dục, vì các nhà làm luật nhất là dưới thời Tổng Thống Bush, không nhìn ra mức độ quan trọng của các chương trình này vì họ chú ý đến các vấn đề khác mà họ nghĩ cần thiết hơn.

Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều dự luật (hơn 50 cái) đã được đưa ra trước Quốc Hội trong việc đề nghị nới rộng chương trình sau giờ học, nhưng sự hỗ trợ của liên bang cho các tiểu bang trong những dịch vụ coi sóc trẻ này vẫn còn quá ít ỏi.

Kể từ sau ngày 11 Tháng Chín năm 2001, dường như không ai dám yêu cầu Quốc Hội phê chuẩn việc trả tiền giữ trẻ với phí tổn từ 1,000$ cho đến 4,000$ mỗi năm dành cho một đứa nhỏ của chương trình giữ trẻ sau giờ học. Tuy nhiên , bà Miriam Rollin nhấn mạnh rằng khi nói đến việc bảo vệ an ninh quốc gia, mọi người nên bao gồm cả sự an toàn của trẻ con khi cha mẹ chúng vắng mặt.

 Những hỗ trợ tại địa phương

Tại các tiểu bang, người ta biết rằng không thể trông chờ liên bang giải quyết nhu cầu thực hiện chương trình sau giờ học của họ nên chỉ riêng tại California, dự luật 49 về chương trình sau giờ học đã được dân chúng bỏ phiếu chấp thuận trong kỳ bầu cử vào Tháng Mười Một năm 2002. Một trong những người từng hỗ trợ đắc lực và mạnh mẽ nhất cho chương trình sau giờ học này là cặp vợ chồng ông Arnold Schwarzenegger, hiện nay là thống đốc tiểu bang cũng như Michael Jordan, thần tượng môn bóng rổ. Thế nhưng với tình trạng ngân sách thiếu hụt hiện nay của California, cũng chính ông Schwarzenegger lại là người đề nghị cắt giảm ngân sách tài trợ cho chương trình After School này.

 Tùy theo nhu cầu của từng khu vực, những chương trình sau giờ học có thể khác nhau đôi chút theo từng cộng đồng.

Tổ chức “The After School Alliance” ở Washington D.C. hiện đang theo đuổi một sứ mạng là làm sao đến năm 2010, các trẻ em dưới 18 tuổi sẽ được tham gia vào chương trình sau giờ học. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là niềm mơ ước mà thôi.

Tuy vậy, giám đốc của cơ quan The After school Alliance, bà Samelson nói rằng mặc dù những cuộc trưng cầu dân ý cho thấy tất cả các phụ huynh đều đồng ý “chương trình sau giờ “ phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của quốc gia, nhưng họ cần phải nói lên đòi hỏi và nhận xét của mình cho tất cả những nhà làm luật, những vị dân cử biết, để mọi người cùng nhau thực hiện cho bằng được chương trình After School này.

Nếu mọi người Hoa Kỳ đều hiểu được rằng họ cần đầu tư vào tương lai của trẻ con họ sẽ cố gắng hơn, và việc này cần sự chung vai sát cánh để làm việc của tất cả chúng ta.

 Ðể giúp phụ huynh có thể tìm ra những chương trình sau giờ học được tài trợ bởi chính phủ, sau đây là những nguồn tài liệu:

 1. California Department of Education- wwwcde.ca.gov. Ðiện thoại (916) 657- 2451

2. YMCA of Orange County; www.ymcaoc.org

3. Boys and Girls Club of Garden Grove; (714) 530-0430; www.bgcgg.org

4. Children's Home Society - Kid care Hotline; ( 714) 543- 2273

5. Trường học tại địa phương cư ngụ (học khu Westminster, Garden Grove, Santa Ana, Huntington Beach) phần lớn có chương trình sau giờ học.

6. Nhà thờ tại địa phương cư ngụ.

 Người viết nghĩ rằng, hơn ai hết, khi có dịp gặp gỡ những dân cử địa phương, các phụ huynh Việt Nam cần nói lên nhu cầu của gia đình mình về chương trình sau giờ học. Chúng ta cần tiếp tục tranh đấu và hỗ trợ cho những chương trình này được tồn tại và phát triển.