Home Đời Sống Tài Liệu 20 năm sau vụ Thiên An Môn : Câu chuyện của một người sống sót

20 năm sau vụ Thiên An Môn : Câu chuyện của một người sống sót PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Chúa Nhật, 12 Tháng 4 Năm 2009 22:50

Bắc Kinh ( AP ) - Hai mươi năm sau khi quân đội Trung Cộng đàn áp những người chống đối tại quảng trường Thiên An Môn, những chi tiết về vụ đó vẫn còn mới mẻ trong tâm khảm của Qi Zhiyong. Mùi sặc sụa của lựu đạn cay.Người bị chiến xa cán nát thây. Cái đau đến tê dại khi một viên đạn xuyên qua bắp chân trái của ông ta.

Các cuộc biểu tình phản đối do sinh viên dẫn đầu ngay tại trung tâm thủ đô Trung Cộng đã kéo dài được nhiều tuần lễ, một tiếng kêu gọi không ai có thể ngờ đến để đòi quyền tự do và đòi chấm dứt tệ nạn tham những trong giới cầm quyền. Cuộc nổi dậy bắt ngòi từ cái chết vào ngày 15 Tháng Tư của một lãnh tụ đảng được mọi người kính yêu nhưng đã bị hất cẳng bởi phe cứng rắn. Những cuộc nổi dậy lúc ban đầu đó hầu hết đều bất bạo động, cho dù là ngay sau khi lệnh giới nghiêm được ban hành vào ngày 20 Tháng Năm.

Thế nhưng vào cuối ngày 3 Tháng Sáu, 1989, thì chính quyền đã hết còn giữ được kiên nhẫn.

“Tôi thấy người ta bị cán chết. Máu văng tung tóe khắp nơi”, ông Qi nói như thế, năm đó ông là một công nhân 33 tuổi. “Những chiếc xe tăng cứ thế tiến tới như chỗ không người. Tóc tôi dựng ngược cả lên. Tôi sợ rét run đến tận xương tủy”.

Chứng kiến được cảnh đàn áp đó rồi sau đấy mất một chân đã hóa xác Qi từ một ủng hộ viên trung kiên của đảng thành một người hoạt động chỉ còn mỗi mục đích giản dị là nói lên về những biến cố mà giới cầm quyền đã tìm cách tẩy xóa khỏi lịch sử.

Những nỗ lực của ông đã khiến ông mất việc, mất vợ và mất luôn tự do. Thế nhưng ông đã tìm ra được niềm tin mới mẻ nơi đạo Thiên Chúa và chỉ có sự kiên trì đã giúp ông ta tiếp tục chí hướng của mình.

“Thế hệ trẻ ngày nay, họ ăn “hamburgers” và ăn mặc quần áo kiểu cọ theo mốt mới. Thế nhưng khi có ai nhắc đến biến cố vào ngày 4 Tháng Tư thì họ chỉ có một ý niệm rất mù mờ về những gì đã xảy ra”, Qi nói như thế. “Dân chủ là cho mọi người, và chúng tôi cần nói với mọi người và đem cái ý tưởng đó đến vói họ”.

Chính quyền chưa hề tường trình lại toàn bộ biến cố đó và trong thực tế đã coi mọi bàn bạc về đề tài đó như chuyện cấm kỵ. Giới cầm quyền nói rằng đấy là họ trấn áp những cuộc biểu tình “nhằm chống phá cách mạng” để duy trì sự ổn định chung cho toàn thể xã hội và lót đường cho những thành quả về mặt kinh tế.

“Ðảng Cộng Sản rêu rao rằng mình là cứu tinh của nhân dân và tự coi mình như một cái gì đấy vinh quang nhất trên thế gian này”. Họ nói là họ yêu thương nhân dân cũng như quan tâm đến những quyền nhân bản”, Qi nói. “Nhưng họ lại cho nổ súng vào dân và 20 năm sau vẫn còn chưa chịu thừa nhận”.

Những ai tìm cách xóa tan sự câm lặng đó đều bị nhà cầm quyền triệt hạ. Zhang Shijun, một cựu quân nhân có tham gia vào vụ trấn áp năm 1989 và có kêu gọi các giới chính quyền thầm định lại vụ đổ máu tàn khốc đó đã bị bắt giữ tháng vừa qua sau khi trả lời một cuộc phỏng vấn với Associated Press. Cho đến nay vẫn chả ai biết gì về số phận của đương sự. (Tr. N.)