Home Đời Sống Tài Liệu Trại Phong Di Linh hôm nay vẫn biểu lộ tình thương dành cho kẻ khổ đau

Trại Phong Di Linh hôm nay vẫn biểu lộ tình thương dành cho kẻ khổ đau PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Ðạt   
Thứ Hai, 13 Tháng 4 Năm 2009 01:07

 Từ Sài Gòn lên Ðà Lạt, trên quốc lộ 20, vừa tới thị trấn Di Linh có ngả đường phía tay trái để đi Ma Lâm, một thị trấn thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận, nơi người Chăm cư ngụ. Trại Phong Di Linh tọa lạc trên một vùng đồi rộng lớn, sâu trong ngả đường này vài cây số.

 Chúng tôi đã tới trại Phong Di Linh từ trước 30 Tháng Tư, 1975, khi Cha Cassaigne còn sống. Ðức Cha là người lập trại Phong Di Linh vào năm 1928, gắn bó với trại phong tới lúc qua đời, năm 1973. Mới đây, chúng tôi trở lại trại Phong Di Linh nhân dịp người bạn điêu khắc gia hoàn thành cụm tượng Cha Cassaigne và vài bệnh nhân, đặt bên nhà nguyện trong khuôn viên trại phong.

Trại Phong Di Linh trước mắt chúng tôi đã thay đổi nhiều, do những điều kiện có được qua thời gian sau này và với sự chăm sóc của các nữ tu dòng Vinh Sơn, trong đó có soeur Mậu, Mẹ Bề Trên, người gắn bó với trại phong từ thời Cha Cassaigne còn sống.

 Trại Phong Di Linh hôm nay là một quang cảnh đẹp. Trong hầu hết đám cưới quanh vùng, cô dâu chú rể đã chọn nơi này làm phông cảnh chụp hình. Khi tới nơi, chúng tôi gặp một đoàn người Thượng trong đám cưới nối theo cô dâu chú rể vừa chụp hình tại khuôn viên trại phong đi ra lộ. Con lộ chính dẫn lên trại phong đang được đại tu, chuẩn bị trải nhựa đường.

Soeur Mậu, khi biết chúng tôi đã từng gặp Cha Cassaigne, hỏi tôi, “Ông điêu khắc gia trẻ tuổi nặn bức tượng này có giống Ðức Cha Cassaigne chút nào không?”

 Quả thật soeur Mậu là người toàn tâm toàn ý, đã không chịu những phác thảo của vài điêu khắc gia tên tuổi. Soeur Mậu đã tìm ra người bạn trẻ tuổi của chúng tôi, điêu khắc gia Vũ Lâm, có thực tài nhưng ít người biết đến. Lâu nay anh chỉ làm nông dân trồng trà ở Bảo Lộc. Chỉ qua vài bức ảnh Cha Cassaigne mà soeur Mậu lưu giữ được, người bạn chúng tôi đã làm nên bức tượng vừa rất giống Cha Cassaigne, vừa sinh động.

Mặc dù chưa có ý định viết một một bài ghi nhận gì đấy, chúng tôi muốn ghi lại hình ảnh trại Phong Di Linh hôm nay. Tuy đây đó còn giữ nguyên dấu tích, nhưng vẫn là một sự thay hình đổi dạng, mới mẻ hoàn toàn. Nguyên dạng bệnh viện của trại phong từ trước 30 Tháng Tư, 1975 là một căn nhà gỗ mà nay vẫn còn tại chỗ, có lẽ để làm lưu niệm.

Cách xa đó, trên khoảng diện tích rộng lớn, là bệnh viện của trại phong hiện tại, mang tên Bệnh Viện Da Liễu Di Linh. Bệnh viện được xây dựng từ sự tích cực của soeur Mậu trong cuộc vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện, cùng ngành y tế địa phương. Nay bệnh viện trại Phong Di Linh trở thành một bệnh viện lớn của thị trấn, gồm ba dãy phòng dài rộng khang trang hiện đại, bố cục theo hình chữ U, ôm lấy một công viên xinh xắn.

Ðội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện trại phong phần lớn là các nữ tu, chúng tôi được biết, chính soeur Mậu cũng tham gia chữa trị, băng bó vết thương cho các bệnh nhân phong. Ðây là cung cách người cộng sự của Cha Cassaigne lúc sinh thời. Những việc mà soeur Mậu đã lo toan, chu tất cho những bệnh nhân phong, từ điều trị tới nơi ăn chốn ở, đều do người khác cho chúng tôi biết. Soeur Mậu luôn tránh nói về chính mình.

Chúng tôi chỉ thấy được ở người nữ tu ngoài 60 tuổi có gương mặt đôn hậu, dáng vẻ nhanh nhẹn, và hay nói đùa rỡn nhẹ nhàng, dí dỏm. Chúng tôi được biết soeur Mậu vẫn trích tiền quỹ của trại phong để mua đất làm nhà cho bệnh nhân phong ở Di Linh có nhu cầu, tiếp tục duy trì lớp học cho con em các bệnh nhân trong khuôn viên trại phong. Nhiều học sinh từ các lớp học của trại phong tiếp tục theo học các lớp trên tại trường học ở Di Linh, Bảo Lộc. Ðã có những học sinh từ trại phong này, hiện trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo phục vụ ngoài xã hội.

Cha Cassaigne là linh mục thừa sai của Hội Truyền Giáo Paris, sang Việt Nam ngay sau khi thụ phong linh mục, năm 1926. Cha Cassaigne học tiếng Việt gần một năm, rồi nhận làm cha sở tại Djiring, tức Di Linh - tên gọi từ thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ðây là một thí điểm truyền giáo miền Cao Nguyên Trung phần.

 Lúc đó hầu hết cư dân tại đây là người Thượng Koho (cũng viết là K'ho). Ở vùng người Thượng Koho này, cũng như nhiều vùng nhiệt đới khác, từ đời sống hoang sơ không phương pháp vệ sinh, số người mắc bệnh phong (cùi) rất cao. Hầu hết người bị bệnh phong tới thời kỳ thân tàn ma dại, khi các vết ung thối phá ra lở loét, dân buôn làng đưa họ vào rừng, cất cho tấm lều tranh và bỏ mặc họ ở đấy.

Cha Cassaigne học nói tiếng Thượng Koho để thực hiện sứ mệnh truyền đạo tại Di Linh. Một lần đi sâu vào bản Thượng xa xôi, ngang khu rừng gặp những người Thượng bị bệnh phong, Cha Cassaigne liền nảy sinh ý định lập nơi ăn chốn ở cho họ, và sau đó vài ngày, Cha Cassaigne bắt tay ngay vào công việc thực hiện.

Thời gian ấy vào cuối Mùa Thu năm 1928. Khu đất ở chân trái đồi được chọn để dựng những chòi sàn lợp tranh do Cha Cassaigne và vài thanh niên người Thượng Koho tự tay làm, đưa những người bị bệnh phong đơn độc từ các nơi về, chính là tiền thân của trại Phong Di Linh.

Mùa Hạ năm 1929, trại Phong Di Linh (lúc đó gọi là Làng Cùi Di Linh) được chính quyền Pháp công nhận, trợ cấp tiền ăn uống. Cha Cassaigne tận tâm tận lực để lập một bản làng hẳn hoi cho những người Thượng Koho bị bệnh phong, vận động các nhà hảo tâm mọi nơi, sau đó trại Phong Di Linh có đủ nhà rộng, phòng cấp phát thuốc, phòng chiếu phim, nhà nguyện, lớp học cho người lớn và trẻ em.

Cha Cassaigne trực tiếp lau rửa băng bó vết thương của bệnh nhân, tổ chức đi săn thú rừng để có thêm thực phẩm cho trại phong. Và dù bị mắc bệnh sốt rét ác tính ngay thời gian đầu tới Di Linh, Cha Cassaigne vẫn cặm cụi thức đêm thức hôm để viết cuốn tự điển Koho-Pháp-Việt, hoàn thành và in vào cuối năm 1929 tại nhà in Tân Ðịnh-Sài Gòn. Cha Cassaigne cũng là tác giả cuốn sách giáo lý cho người Thượng Koho bằng thứ ngôn ngữ do chính đức cha tự phiên âm, hoàn thành và in năm 1938. Cuốn sách mang tên “Catéchisme Koho / Sara Diat Bap Iang.”

 Cha Cassaigne dành hết cuộc sống của mình cho người Thượng Koho bị bệnh phong, gắn bó với họ từ lúc lập trại Phong Di Linh tới khi đức cha từ trần, trừ thời gian ngắn phải về Pháp chữa bệnh, và 14 năm làm giám mục tại Tòa Giám Mục Sài Gòn.

Ngôi mộ Cha Cassaigne đặt bên nhà nguyện trong trại Phong Di Linh. Soeur Mậu kể lại cho chúng tôi nghe về Cha Cassaigne, và nói, “Chúng tôi nguyện đem hết sức lực, toàn tâm toàn ý chăm sóc bệnh nhân phong, để không phụ lòng đức cha, con người hỷ xả suốt một cuộc đời vì những kẻ khổ đau, mang bệnh ác nghiệt này.”