Home Đời Sống Tài Liệu “Múa may” với “bóng”

“Múa may” với “bóng” PDF Print E-mail
Tác Giả: Cát Tường   
Thứ Bảy, 06 Tháng 6 Năm 2009 02:22

Trước năm 1950, cùng với thầy pháp, các “bà bóng” đã hoạt động rôm rả khắp các làng quê miền Tây sông nước. Là mê tín dị đoan, từ khá lâu, thầy pháp đã trở thành “cổ tích”, được các cụ cao niên vui miệng kể cho con cháu nghe những lúc nhàn rỗi. Riêng các “bà bóng” thì vẫn còn tồn tại lại còn được xếp vào “loại hình văn hóa dân gian”.

 “Bóng”, theo cách hiểu dân gian miền Tây, là những người “bán nam bán nữ”. Xưa kia, phần lớn các người có “giới tính thứ ba” này thường hay hoạt động phục vụ tâm linh tại các ngôi đình, miếu và tại nhà “bá gia bá tánh”. Hoạt động hầu như liên tục nên họ có cuộc sống tương đối khá giả. Ngày nay, hoạt động của họ bó hẹp trong các sân đình trong các kỳ lễ, kỳ yên thượng điền và hạ điền, trước sân miếu Bà Chúa Xứ. Ngày xưa, trước khi bước vào lễ cúng, các “bà bóng” thường “ợ ngáp” nhằm báo cho bà con biết người “cõi trên” đang “nhập” vào mình.

Một “bà bóng” là “anh” Lê Văn Nghĩa, sinh năm 1970, hiện ngụ tại khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cho biết “anh” có thể múa được 12 món đồ, như: cọng lá dừa, 6 ve chai, khạp da bò, bông quay, 9 chiếc ghế, 5 cái dĩa (ngũ hành), mâm vàng quay, phụng quay, 3 nhánh huệ..., trong tống số 70 món.

 “Anh” tâm sự: “Tui là “bóng dăm”, làm nghề từ năm 18 tuổi, nối nghiệp ông nội, ông ngoại và bà già tui. Có phần “làm thầy” mà”. Rồi “anh” khẳng định: “Dù là bóng chuyên nghiệp nhưng tui ghét nhứt cái vụ ợ ợ, ngáp ngáp như người khác”.

 Còn “anh” Lê Văn Cang thì không có nét gì là “bóng”, y như một phụ nữ luống tuổi, quý phái. Chính vì vậy mà người ta gọi là “cô”, cô Bóng Chín. Cô Bóng Chín sinh năm 1935, hoạt động nghề này từ nhỏ tới bây giờ, dù không phải là “gia truyền”. Cô nói cứ tới Bến Đò Giữa (khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) hỏi cô Bóng Chín là người ta chỉ nhà ngay. Nổi tiếng như vậy vì trước đây cô là diễn viên Đoàn ca múa nhạc Hậu Giang, lại biểu diễn múa khạp, nên cô luôn được mời đi cúng các đình trong khu vực miền Tây, như: đình Tân An, đình ông Dựa (Cần Thơ), đình Phụng Hiệp (Hậu Giang)... Cô nói múa bóng rất khó, phải học và tập luyện công phu, vì nó là một bộ môn giữ thăng bằng trong nghệ thuật xiếc. Cũng học như vậy là “bóng” Nga.

Bình thường, nhìn bà Nga, không ai biết là “bóng”. Bóng Nga tên thật là Huỳnh Thị Nga, hiện cư ngụ tại khu vực 3, phường Lái Hiếu, (Phụng Hiệp, Hậu Giang). Bà năm nay 50 tuổi, làm nghề này được 30 năm. Cùng làm nghề với bà là chồng bà, ông Nguyễn Văn Cồ và con bà là Nguyễn Văn Khải (29 tuổi). Nhưng cả hai đảm trách phần nhạc lễ. Hỏi tại sao không phải bóng, có gia đình, có con mà bà lại làm bóng, bà cười vui: “Tui là “bóng học”. Hồi nhỏ, thấy nghề này vui nên tui theo học ở chùa Giác Long (Ngã Bảy). Học hết 1 năm mới “ra trường”, múa được một số món, như: cặp phụng, cây dù, bình, giàn xay (lúa)...”.

 Bóng Chín tâm sự: “Nghề múa dân gian cổ truyền này cũng sống được, vì ngoài các lần kỳ yên thượng điền và hạ điền, các đình còn mời chúng tôi đến múa vào các dịp tế lễ khác. Đình cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, không có giá cố định như các diễn viên tân cổ nhạc... khác”.

 “Anh” bóng Nghĩa than: “Hai ba bữa nay múa kỳ yên Hạ điền (ngày 1, 2 và 3-6-2009 nhằm ngày 9, 10 và 11 Kỷ Sửu) ở đình Thường Thạnh này “héo” quá. Đình muốn sập, nghèo, nên cho mỗi đứa có 150,000 đồng!”. Nói rồi, “anh” cùng hai đồng nghiệp kia chuẩn bị làm nghề. Đầu tiên là “rỗi” bài thỉnh mẹ (nên có cụm từ “bóng rỗi”). Họ cầm chén bông, gọi là dâng bông. Sau khi nguyện cầu quốc thái dân an, họ rỗi những bài hát dân dã, trong đó có các bài Vọng cổ và Trăng thu dạ khúc với lời lẽ sáng tác cho hợp với việc cúng tế rồi mới bắt đầu múa.

 Tiếng đàn, tiếng trống, tiếng kèn của dàn nhạc lễ nổi lên, họ, một người múa một người hát những bài hát, như Chầu văn của cổ nhạc và tân nhạc thì có bài “Gạo trắng trăng thanh”...

 Trong tiết tấu mạnh bạo, lôi cuốn của âm thanh, họ quay cuồng, biểu diễn các màn múa độc đáo của mình, khi thì để khạp da bò lên đầu; lúc đặt cạnh chiếc khạp rất nặng này lên trán, lên răng... Rồi cho khạp lên thanh tre ngắn, đặt lên trán, lên răng, vừa múa vừa cho khạp quay tròn. Họ múa mâm vàng, múa dao (chùm 5 – 6 cây dao hoặc đặt dao chồng lên nhau), múa nhạo (đặt nhạo trên que tre ngắn ngậm một đầu que trong miệng), đứng trên ghế đẩu biểu diễn hoặc vừa nằm vừa xoay tròn mâm vàng trên bàn chân vừa lần đưa nó lên đầu... Thật hấp dẫn.

 Công phu biểu diễn của họ được khán giả, người thì thưởng 20 chục ngàn đồng, người khá hơn, tối đa cho 50 chục ngàn đồng bằng cách bỏ tiền vô mâm vàng, vô cái khạp khi họ đang biểu diễn. Nhưng, với lượng khách đến xem thưa thớt mấy hôm nay, số tiền họ kiếm được không đáng là bao. Cô Bóng Chín than: “Năm nay đình cho đã bèo lại càng bèo hơn vì đụng mưa gió dầm dề!”.

 Dù than vậy nhưng “đã mang lấy nghiệp vào thân” nên các “bóng” vẫn bám lấy nghề, hễ đình, miếu hay nhà nào kêu là họ cụ bị đồ nghề lên đường, tiếp tục “múa may” kiếm sống