Home Đời Sống Tài Liệu Những cách hiệu quả nhất để …. phá xe

Những cách hiệu quả nhất để …. phá xe PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Ðình   
Thứ Sáu, 05 Tháng 6 Năm 2009 23:49

“Ai lại đi cổ võ một đề tài ngược ngạo như vậy? Ðúng là mát, tôi nói có sai đâu!”

Bà xã lướt mắt qua cái tiêu đề Phạm Ðình vừa ghi ở đầu trang đã phê luôn một câu như vậy. Biết mà! Bả vẫn chưa hết giận vì cái tội có có rồi lại không không tối hôm qua. Xin thanh minh ngay với bạn đọc: Có đây tức là có hứa đi coi đại nhạc hội “Asia 61- Trần Thiện Thanh 2” với bả, rồi rốt cuộc lại không đi.

Cô con gái 19 tuổi vốn là thành viên của Mạng Lưới Tuổi Trẻ Lên Ðường nhìn thấy cái tiêu đề trên cũng bỏ... thõng một câu:

Hay là bố bị Việt Cộng... giật dây?

Câu thắc mắc có sự cảnh giác chính trị cao độ làm Phạm Ðình hơi chột dạ. Bèn làm một cuộc kiểm điểm: Việt Cộng là vua phá hoại, dấu hiệu phá hoại ở đâu là phải cảnh giác sự có mặt của VC ở đó. Con bé nghi ngờ là phải. Thế nhưng, bố nó không là kẻ phá hoại. Bố nó vạch mặt kẻ phá hoại, đúng ra vạch mặt những nguyên nhân có thể phá hoại chiếc xe, vẫn được bố nó gọi là gia tài bửu bối của mọi người. À, nếu vậy lại là chuyện khác. Con bé nghe vậy thì yên tâm bỏ đi, để lại Phạm Ðình ngồi một mình, lóc cóc bên bàn máy tường thuật việc này với các bạn...

Thực vậy, có nhiều hành động chúng ta làm vì thói quen mà không bao giờ để ý đến tác hại của chúng. Hôm nay, xin kể ra một số hành động tiêu biểu, giúp “những người ngại sửa xe” tránh được những thói quen vô tình mà lại có tác hại rất lớn.

1- “Dọt” gấp!
Ngã tư: Dừng! Và, kia rồi, đèn xanh! Chiếc xe chồm lên, dọt gấp như viên đạn phóng khỏi nòng đại bác. Hình ảnh này tiếng Mỹ gọi là “Jack Rabbit”, tức là con thỏ nhảy chổm lên rồi thu mình phóng chạy. Ðây là hành động phá hoại số 1. Danh từ chuyên môn gọi đó là “tăng tốc vội” (rapid acceleration)?

Khi chúng ta ấn chân xuống bàn đạp gas (gas pedal), thì chiếc xe lăn bánh, gần như ngay lập tức. Nhưng thực ra, cơ chế vận hành không đơn giản như vậy. Nó là kết quả của một tác động dây chuyền được gọi là “drive train”, trong đó lực đẩy được chuyển hóa qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại có những khớp nối (mechanical connection)... Vì không đủ thời gian để chuyển lực do tài xế dọt đi quá gấp, các khớp nối sẽ va đập mạnh vào nhau, làm cho hao mòn và rão rệu nhanh chóng.

Vì thế, cách tốt nhất là hãy “đề pa”, tức là khởi động một cách nhẹ nhàng và thong thả, và từ từ tăng tốc tới mức tối đa - dù là 70, 80 hay 90 dặm một giờ - miễn là điều kiện đường sá cho phép. Làm như vậy là tạo cơ hội để hệ thống drive train có đủ thời gian chuyển hóa năng lượng, các khớp nối không bị va chạm quá gấp, giảm thiểu ma sát, hạn chế hao mòn trên các chi tiết máy. Một lần nữa, bạn có thể chạy nhanh tới đâu cũng không hề gì, miễn là đừng bao giờ “dọt” vội khi đề pa. Cái xe sẽ cám ơn bạn rất nhiều vì cách hành sử rất ga lăng này.

Phạm Ðình phải nói thêm rằng, ứng dụng cùng nguyên tắc đó trong việc tập thể dục thì đi xe đạp tốt hơn là chạy bộ. Bởi lẽ, chạy bộ cũng là một tác động dây chuyền: Gót chân đạp xuống nền, tác động lên mắt cá, mắt cá tác động lên xương ống quyển, ống quyển tác động lên xương đùi... Cái khớp quan trọng nhất nối liền các chuyển động đó là cái đầu gối, đương nhiên cọ chạm vào nhau, tạo ra ít nhiều ma sát không có lợi cho các đĩa sụn ở đầu gối. Trong khi đó, lực tác động trên đầu gối của cặp giò đạp bánh xe thì nhẹ nhàng và đều đặn, đương nhiên tốt hơn cho những người sắp bước vào tuổi cao niên. Phạm Ðình nói thêm câu này không có ý tranh nghề của các chuyên viên y tế, mà thực tâm chỉ muốn tỏ ra ga-lăng với bà xã vốn là người thích tập thể dục bằng xe đạp. Nhưng một người bạn đã đọc trước bài này thì lại đề nghị: Phải bỏ chữ “cao niên” ở câu trên! Bằng không, có thể phát sinh nội chiến lớn trong gia đình. Người viết phân vân không biết tính sao!

2- Thắng gấp!
Cũng như dân ghiền cà phê chắc chắn không thể thiếu thuốc lá, những người có thói quen dọt vội thế nào cũng có thêm một thói quen khác: Thắng gấp. Là vì, phóng nhanh thì bất kể khoảng cách với xe trước mặt. Cứ để đến gần, rồi không qua mặt được thì mới làm một cái... kít: Thắng vội để khỏi hôn đít xe đằng trước!

Cả hai thói hư này - dọt vội và thắng gấp - hợp lại là đủ tác hại để biến một cái xe 2 tuổi trở thành rệu rã, xộc xệch không thua gì cái xe đã dùng trên 10 năm. Thực ra, nói như vậy cũng oan cho người dùng xe 10 năm. Chẳng hạn, ông giáo Irv Gordon mà Hao Smith có nhắc tới kỳ trước, dùng xe hơn 40 năm mà xe vẫn chạy tốt. Không thể nói là Gordon chạy như... rùa bò! Bởi vì, rùa bò không chạy được gần 3 triệu dặm đường trong bằng ấy thời gian. Ông đương nhiên là tay cua rơ thứ xịn, với những vận tốc kinh khủng trên xa lộ. Nhưng dù có chạy bằng vận tốc ánh sáng chăng nữa, chắc chắn ông giáo không có màn “dọt” vội và thắng gấp. Về điểm này thì các nữ tài xế dường như ít vi phạm hơn. Chính vì thế, người ta thích mua lại những chiếc xe do phụ nữ lái. Tuy nhiên, mua xe cũ là một đề tài có nhiều sự kiện dắt dây khác, phức tạp nhưng rất lý thú, cần được trình bày trong một chủ đề riêng, chứ không phải chỉ đơn thuần nghe biết “phụ nữ lái” là được!

3 - Nạp ga khi xe chưa nóng máy
Khi xe mới nổ máy sau một đêm nằm giữa trời sương lạnh, đương nhiên bộ máy chưa kịp nóng, nhớt chưa kịp luân lưu vào trong máy. Lúc đó mà bạn nạp ga, cho máy rú lên để chơi lại con mụ hàng xóm thì có vẻ như hợp tình, nhưng thật không hợp lý chút nào. Tại sao? Con mụ ra cắt cỏ quá sớm, đẩy máy chạy “ẻn ẻn” rầm trời, thì bây giờ bạn nẹt ga “V-RRÙM... V-RRÙM” trở lại, để ăn miếng trả miếng là hợp tình quá rồi. Nhưng không hợp lý, vì đây là một hành động rất vũ phu với cái xe của bạn. Trong 5, 6 giây đầu tiên, bộ phận bơm nhớt (oil pump) dù có nhanh cách mấy cũng chưa thể đưa nhớt lên để làm trơn các chi tiết máy được. Ðây là lúc rất hệ trọng với bộ máy, chúng ta phải rất nương tay, nhẹ nhàng và tế nhị. Ðúng hơn, không cần làm gì cả. Bình tĩnh để cho máy tự nổ ít nhất trong 10 giây đầu. Không làm như vậy mà lại nẹt ga xối xả, để chiếc xe gầm lên át tiếng máy cắt cỏ bên cạnh, hành động như thế không phải là vũ phu, thì cũng là quá nhẫn tâm với cái xe, đúng không? Thực ra, với các kiểu xe dùng hệ thống Carburetor, mà hiện nay không còn mấy ai sử dụng, thì việc đề máy có hơi khác chút đỉnh. Phạm Ðình xin phép không nói tới xe Carburetor để khỏi gây lầm lẫn. Ðối với các đời xe được sản xuất trong khoảng 2 thập niên gần đây - chắc chắn xe của bạn cũng vậy - nhà sản xuất đã đổi sang kỹ thuật Fuel Injection, không cần phải nẹt gas um sùm trong lúc đề máy nữa.

4- 5 Phút Ðầu Tiên
Có bao giờ thức dậy vào buổi sáng, từ trên giường lăn xuống đất là bạn đã vội lao ra đường, hối hả chạy thục mạng như ma đuổi hay không? Dù ham thể dục cách mấy, cơ thể con người cũng cần một ít phút “làm ấm nóng” trước khi vận động mạnh. Cái xe cũng vậy, sau thời gian Warm Up chừng một phút, bạn có thể lăn bánh được rồi, nhưng trong 5 phút đầu tiên, đầu máy vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng để hoạt động với tối đa công suất. Là vì, coolant và nhớt chưa đủ nhiệt cần thiết. Dường như trước đây, trang báo này có một đề tài nghe khá ngược đời “làm mát máy và làm nóng máy” khi nói về nước Coolant. Ðúng vậy, chúng ta chỉ biết đến Coolant là nước mát, nhưng nó cũng là trung gian truyền nhiệt giúp máy hoạt động ở mức tối ưu. Nhớt cũng cần nhiệt thì mới chảy lỏng, mới có thể rải đều và bôi trơn được. Nếu hấp tấp vội vàng, bắt máy hoạt động tới mức tối đa khi chưa được bôi trơn đầy đủ, thì đúng là... ép dầu ép mỡ. Ông bà mình bảo “ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên” nghe có vẻ hơi bất công với dầu mỡ, là vì khi đó, các cụ đâu có xài xe hơi! Trong thời đại cơ khí ô tô, ép dầu ép mỡ cũng không được. Tốt nhất, khi xe mới lăn bánh trong 5 phút đầu tiên, nên lái xe chầm chậm. Ðối với những người sống quá gần xa lộ, đừng nên vội nhập ngay vào dòng xe đang lao đi vun vút trên mặt đường. Ngoài việc giúp bảo trì đầu máy, lái xe thong thả trong mấy phút đầu tiên còn làm cho ly cà phê nóng khỏi đổ xuống làm phỏng đùi, ướt quần, gây hiểu lầm chết người được!

 5 - Ổ gà ổ vịt
Người Việt hải ngoại thường hay nói, “Chúng ta đi mang theo quê hương” khi được thư thả ngồi thưởng thức một món ngon truyền thống, như phở bò, bún ốc... Nhưng ít có người mong gặp lại quê hương trong hình ảnh những cái ổ gà lô nhô trên mặt đường. Cũng may, đó không phải là những thứ người lái xe chúng ta thường gặp. Thay vào đó, quê hương thứ hai của chúng ta lại có những cái “Bump”, những cái “Dip” chạy ngang mặt đường. Khác với ổ gà, vốn là dấu hiệu đường sá xuống cấp, thì những cái mô (Bump), hoặc những cái mương (Dip) chạy ngang mặt đường lại được cố tình xây dựng hầu buộc tài xế phải giảm tốc độ. Dụng ý của những người thiết kế con đường là như vậy. Nhưng liệu có buộc được tài xế giảm tốc hay không? Chưa chắc! Không thiếu những tài xế bạt mạng, chạy phăng qua Bump, qua Dip, như thể đang bị truy đuổi ráo riết ở đằng sau. Nhìn chiếc xe nẩy lên, hạ xuống rồi lại hùng hổ lao đi, ai cũng phải lắc đầu le lưỡi về sự bền bỉ, dẻo dai của tên “nô bộc” trung thành.

Sự thực có đúng như thế không: Bền bỉ, dẻo dai và trung thành? Trung thành thì chắc chắn là có! Và đó chính là điều khiến Phạm Ðình yêu mến cái xe, không chỉ coi xe như một kẻ “nô bộc”, nhưng là một người bạn quí nhất trên đời. Còn bền bỉ và dẻo dai? Cũng có luôn! Nhưng liệu cái xe còn chịu đựng được đến bao giờ với cái cách “xuống tay” tàn bạo như mô tả trên đây của người lái xe? Bạn có thể nói rằng, những cái mô, cái mương trên mặt đường đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng; một khi được thiết kế thì nó phải an toàn để xe chạy qua. Ðúng vậy, với điều kiện: Phải giảm tốc độ để xe lăn bánh chậm lại đúng như ý của người thiết kế. Còn để cho xe nẩy tưng lên, rồi hạ xuống “uỳnh, uỳnh” như nhiều bậc hảo hán vẫn làm, thì đó hoàn toàn ra ngoài thiết kế. Không khác gì một ông khổng lồ nhấc chiếc xe lên cao, rồi thả xuống cái “đạch”. Nếu cái xe không rão ngay ra từng mảnh mà vẫn gượng dậy chạy tới được là nhờ hệ thống dây treo và ống nhún, gọi chung là Suspension System. Dĩ nhiên, hệ thống này không phải là một khối sắt liền lạc, có thể trơ thân chịu đấm mà không suy siểm. Trái lại, nó bao gồm nhiều bộ phận tạo thành bởi kim loại, cao su, nhựa dẻo... nối kết với nhau, như lò xo, bạc đạn, tay quay (Springs, Ball Joints, Control Arms, Tie-Rod Ends...).

Các chấn động gây ra khi xe di chuyển được thẩm thấu (shock absorption) vào hệ thống. Chấn động càng lớn thì bộ nhún càng bị nén nhiều. Càng bị nén nhiều, hoặc bị nén tới mức tối đa, thì lò xo, bạc đạn sẽ vỡ... hệ thống nhún đi đoong, chỉ còn nước kéo đến Shop cho thợ làm thịt. Dù chưa đi đến mức “tận cùng bằng số” như vậy, hệ thống nhún cũng không còn đủ độ dẻo dai, đàn hồi cần thiết, để chống lại các va chạm và chấn động trong khi xe di chuyển.

Các chấn động không được hóa giải đầy đủ trong hệ nhún, sẽ gây khó chịu cho mọi thành phần còn lại trong xe, bao gồm tài xế, “bà chủ” của tài xế, và tất cả những chi tiết bộ phận khác, thậm chí cửa sổ lung lay, kiếng nứt rạn, các mối hàn rã nứt, ốc xoáy nới lỏng... Nói tóm lại là: phá xe và phá túi tiền. Bởi vì, thay hệ nhún không phải là việc đơn giản có thể thực hiện được với những dụng cụ bình dân. Trong đa số trường hợp, chúng ta phải mang ra nói chuyện phải trái với thợ chuyên môn ở một trung tâm sửa chữa.

Ðể tránh những phiền phức đó, tốt nhất là tránh những con đường có nhiều mô, ụ, hoặc mương rãnh chạy ngang. Nếu có thể được, dùng freeway dầu có phải đi xa hơn chút đỉnh. Bởi vì, freeway thì nhẵn phẳng, xe chạy một lèo, ít dằn xóc... đương nhiên là một ưu điểm so với đường thành phố thường hay có bump hoặc dip. Chính vì vậy nhiều người bán xe hay khoe, “Xe của tôi thì mileage có cao, nhưng phần lớn là chạy trên xa lộ!” Nói chuyện về mua xe cũ, thì đây là một ưu điểm, nhưng mua xe cũ không phải chỉ cần có một điểm đó!

6- Về việc gài số 0 (Neutral)
Mặc dầu ít xảy ra, nhưng một số người có thói quen trả về số 0 (tức số N- neutral) khi dừng xe lại, chờ đèn đỏ tại ngã tư. Họ nghĩ rằng như vậy thì đỡ hao xăng. Hoặc chỉ vì nghe người khác khuyên nên làm như vậy là tốt mà không hiểu tại sao. Sự thực là thế này: Nếu bạn dùng hộp số tay (manual transmission), thì đó là chuyện phải làm, đúng! Có thể nói, đây là một thói quen truyền lại từ thời kỳ tất cả mọi người còn dùng xe số tay. Sau này, khi kỹ thuật xe hơi đã chuyển sang hộp số tự động (automatic transmission) người ta cũng không nhớ ra là phải nhắc tài xế thay đổi thói quen đó.

Thực vậy, hộp số tự động không đòi hỏi bạn đưa cần gạt về số N khi đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư. Chỉ cần nhấn chân trên bàn thắng (brake) là đủ. Ðừng động chạm gì đến cần gạt số. Chuyển về số N là thêm một động tác vô ích, chỉ làm căng thẳng cho dây chuyền chuyển động (drive train) mà thôi. Số N chỉ được dùng khi xe bị chết máy giữa đường, cần phải đẩy vào lề chờ gọi xe kéo. Ngày xưa, người ta cũng dùng số N khi xe bị kéo với cặp bánh còn lê trên mặt đường. Nhưng các xe kéo (tow truck) bây giờ đều có sàn rộng, đủ để chất nguyên chiếc xe, thậm chí 2,3 chiếc, trên đó nên vấn đề gài số N không còn được đặt ra.

7- Khi đổi chiều di chuyển
Ðổi chiều nghĩa là đang chạy tới thì đổi sang chạy lui, và ngược lại, đang chạy lui thì đổi sang chạy tới. Ðương nhiên mỗi lần đổi chiều là tài xế phải gạt cần số. Một điều rất quan trọng cần nhớ, đó là phải chờ cho xe “hoàn toàn ngừng bánh” trước khi đưa tay đẩy cần gạt. Tiếc thay, một điều xem ra đơn giản như vậy lại không mấy khi được quan tâm và tuân thủ kỹ càng.

Hãy thử quan sát hành động của chính mình xem sao: Vào mỗi buổi sáng, bạn lên xe, nổ máy, de xe ra khỏi garage; xe ra tới sân, rồi lăn bánh vào lòng đường. Bạn yên trí gạt cần số cho xe chạy tới. Như vậy là đúng thủ tục, anh chàng Phạm Ðình khó tính tới đâu chắc cũng không sao bắt bẻ được. Nhưng bạn có thấy rằng, cái sân nhà bạn nó thoai thoải, đổ dốc xuống mặt đường không? Và bạn không ngờ rằng, trong khi chân bạn đã nhấc lên khỏi bàn đạp gas, bạn yên trí đưa tay gạt cần số về phía trước cho xe chạy tới, thì bánh xe vẫn đang tiếp tục lăn về phía sau do cái mặt sân thoai thoải dốc.

Và chuyện gì sẽ xảy ra cho cái hệ thống chuyển động dây chuyền trong đầu máy? Trong khi tất cả các thành phần của dây chuyền đang chạy theo một hướng, thì bộ phận đầu tiên lại đổi hướng và di chuyển nghịch chiều. Các thành phần còn lại sẽ đâm sầm vào nhau, trước khi lúp xúp đổi theo hướng của bộ phận khởi động.

Ðể minh họa cho diễn tiến này, chúng ta có thể hình dung hoạt cảnh sau: Bạn đang đi bộ trên lề đường, tính ra đầu ngõ mua chai bia về nhâm nhi, thì chợt gặp người hàng xóm đi ngược chiều, bạn hỏi thăm tiệm Liquor và được anh cho biết, “không phải hướng này, tiệm bia ở phía sau lưng anh cơ!” Bạn dừng chân, quay đầu, đi về hướng ngược chiều. Nhưng nếu người hàng xóm muốn chơi bạo, chạy thật nhanh rồi lao thẳng, húc vào bạn một cú như trời giáng, làm bạn ngất ngư, lảo đảo quay về hướng ngược lại. Cú húc rốt cuộc cũng làm bạn đổi chiều, đi về đúng hướng tiệm bia. Nhưng câu hỏi là, không hiểu sức bạn chịu đựng được mấy cú húc như vậy?

Những gì diễn tiến bên trong đầu máy khi có 2 hành động nghịch chiều xảy ra cùng lúc thực không khác gì. Và hậu quả xảy đến cho hộp số, trục máy, và các khớp CV Joints cũng tàn hại không kém. Chỉ khác một điều là không nhìn thấy rõ mắt, nên chẳng mấy ai quan tâm, cho đến khi phải móc tiền túi ra sửa chữa thì đã quá trễ. Cổ nhân có câu, “thấy quan tài mới đổ lệ” là nói về trường hợp này, không sai!

Nói tóm lại: Cứ thong thả và nhẹ nhàng. Nếu phải vội đi trình diện với người đẹp hoặc người hùng ở đâu đó, thì xin nhớ cho rằng, có hấp tấp cách mấy cũng chỉ đến sớm thêm được vài ba giây là may, bằng không nhiều khi lại trễ tới cả hàng giờ do xe trục trặc hoặc tai nạn vì bất cẩn. Luôn luôn “đạp thắng cho xe ngừng hẳn lại” trước khi gạt cần số chuyển hướng. Sau đó, cứ việc tìm đường ra freeway mà phi nước đại.

8- Chở nặng quá mức
Cái xe không hề thích “overweight”, hệt như “bà chủ” của bạn vậy. Chuyện bà chủ thì dễ hiểu: Thêm ký là mất eo, thừa mỡ là mất đường cong nét uốn, thử hỏi còn gì hãnh diện của phái đẹp? Nhưng cái xe sao lại sợ overweight? Có phải ba thứ nặng nề lỉnh kỉnh chở theo trên xe gây ra overweight, làm cái xe mất đẹp đi hay không? Ðúng vậy. Thử nhìn những cái xe chở nặng, đồ đạc lỉnh kỉnh chất đầy cốp, lòi ra ngoài, làm nắp cốp há ra như miệng một con cóc xấu xí. Ấy là chưa kể những tấm đệm giường gác lồm cồm trên mui xe... Các bạn gái của tôi, các bạn có sẵn sàng đi chơi với anh kép nào lái cái xe “ngồm ngoàm” như vậy không?

Thế nhưng, không phải chỉ là vấn đề thẩm mỹ, overweight còn là trở ngại cho sức khỏe. Ðối với cái xe cũng vậy. Một cái xe chở 5 người là đeo thêm khoảng 600 pounds, với hành lý trong cốp, trên mui khoảng 700, 800 pounds, tổng cộng khoảng 1,200 tới 1,500 pounds nữa, cái xe phải gánh thêm một trọng tải tương đương hơn một nửa sức nặng sắt thép sẵn có của nó. Sức nặng phụ trội đó làm tăng thêm sức chấn động khi xe di chuyển, tăng thêm áp lực trên hệ nhún của xe. Nếu lại thường phóng xe trên các con đường nhiều Bumps, nhiều Dips, thì không khác gì mang cả cái hệ nhún đó ra mà băm. Chỉ cần vài ba tuyến đường như vậy là coi như cái hệ nhún đi đứt. Ðến lúc đó thì cũng hơn gì ngồi xe bò đâu!

Ðó mới chỉ là tác hại trên hệ nhún. Tác hại của Overweight trên blốc máy cũng tàn tệ không kém. Dùng một cái xe 4 máy để kéo một con tàu dài 28 bộ (feet) từ bãi biển về nhà cách đó khoảng 30 dặm, là coi như bỏ cái đầu máy đó... cho nghĩa địa! Cũng vậy, nếu xe lúc nào cũng chở 5 hành khách, và mở máy lạnh thả giàn mỗi khi xe lăn bánh thì đầu máy sẽ phục vụ được hết một mùa Hè! Chỉ cần sang mùa Thu tiếp đó là cái xe bắt đầu trục trặc, trở chứng. Ðừng nghĩ rằng nó bị bệnh thời khí. Cái nguyên nhân tác hại thực ra đã nẩy mầm và phát triển trong cả mùa Hè trước đó rồi.

Phải làm gì?
Hiểu được nguyên nhân là đã có đến 80% khả năng trị bệnh. Trước tiên, không bắt xe chở nặng, vượt quá trọng tải tối đa của nó (xem Hướng Dẫn Dành Cho Chủ Xe - Owners' Manual - để biết trọng tải tối đa từng loại xe). Thậm chí, càng giảm bớt trọng tải trên xe càng tốt. Sau một chuyến đi chở hàng, hãy lấy xuống mọi thứ hành lý trong cốp, trên băng ghế sau, ghế trước, trừ những dụng cụ làm việc cần mang theo mỗi ngày. Quan trọng là khi mua xe, cần phải mua một cái xe thích hợp với nhu cầu gia đình mình. Nếu gia đình có 5 người, cuối tuần lại hay đưa cả nhà đi chơi, thì đừng nên mua một cái xe quá nhỏ với đầu máy 4 xi lanh! Xe nhỏ thì tiết kiệm được ít tiền lúc mua, nhưng luôn luôn phải cáng đáng một trọng tải quá mức, chắc chắn cái xe sẽ giảm thọ đáng kể, chủ nhân lại phải sớm bỏ tiền ra mua xe mới, tốn kém hơn nhiều. Ấy là chưa kể bao nhiêu thời gian và phiền phức trong lúc đi tìm mua một cái xe vừa ý. Tốt hơn nên mua một cái xe từ 6 máy trở lên, thậm chí một cái xe có khả năng kéo rờ moọc, nếu cuối tuần phải kéo du thuyền và đưa cả nhà đi dạo chơi trên biển.

Kết luận
Trên đây chỉ là một số nguyên nhân thường nhất và tiêu biểu nhất. Nếu yêu quí xe, hiểu được nguyên tắc vận hành của xe, chúng ta sẽ còn tìm ra nhiều nguyên nhân khác tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi người. Tìm cách loại trừ các nguyên nhân phá hoại đó, chúng ta chắc chắn sẽ có một “kẻ nô bộc” trung thành, dẻo dai và bền bỉ như mong ước. Thân chúc các bạn luôn hưởng được những khoảng thời gian tuyệt vời sau tay lái.