Home Đời Sống Tài Liệu Đôi khi người ta tìm hiểu sự thực, nhưng phần đông vẫn thích những quan điểm tương đồng hơn

Đôi khi người ta tìm hiểu sự thực, nhưng phần đông vẫn thích những quan điểm tương đồng hơn PDF Print E-mail
Tác Giả: Trang Nguyễn (Theo “Science Daily”)   
Thứ Hai, 13 Tháng 7 Năm 2009 02:46

 Hơn mười năm trước đây có một cuốn phim nổi tiếng tựa là “A few good men” với các tài tử thuộc hàng “gạo cội” như Jack Nicholson, Tom Cruise và Demi Moore. Jack Nicholson thủ vai một viên đại tá Thủy Quân Lục Chiến chỉ huy một căn cứ không lực thuộc Hải Quân tại Guantanamo bên Cuba, bị tình nghi là có ra lệnh thủ tiêu một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến bị cho là có thái độ khiếp nhược, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của đồng đội. Demi Moore và Tom Cruise thủ vai hai nhân vật điều tra bên quân Pháp có phận sự lôi vụ án ra ánh sáng. Trong phiên tòa cuối cùng, nhân vật do Tom Cruise khi chất vấn viên đại tá kia thì có buông ra câu, “Mục đích ở phiên tòa này là tìm cho ra sự thực.” Nghe vậy thì viên đại tá kia hét hớn, “Sự thực, sự thực... Mấy người làm gì xử trí được với sự thực!”- “You simply cannot handle the truth!”

Trong Tân Ước của Thánh Kinh theo Thánh Gio-an có đoạn Ponce Pilate hỏi cung Chúa Jesus. Ðến đoạn Chúa Jesus nói, “Tôi là chứng nhân cho sự thật” thì Ponce Pilate chậm rãi đứng lên, hỏi, “Thế nào là sự thật?”. Hỏi xong thì ông ta không chờ câu trả lời, bỏ ra ngoài để gặp mấy người Do Thái!

 Tạp chí “Science Daily” số 2 Tháng Bảy dương lịch có bài với nội dung như sau.

 Hàng ngày chúng ta hụp lặn trong cả một đại dương thông tin, thế nhưng thực tế là vẫn gạn lọc ra những điều chúng ta thích đọc và nghe. Một công trình phân tích đúc kết từ hàng chục cuộc khảo cứu đã rọi thêm ánh sáng vào cách thức chúng ta chọn những gì ta thích hoặc không thích nghe. Công trình nghiên cứu đó phát hiện ra sự thể là trong khi người ta có khuynh hướng tránh loại thông tin đi ngược lại với những gì ta đã nghĩ đến hoặc đặt niềm tin vào đấy thì một số các yếu tố cũng khiến người ta tìm tòi hoặc ít ra là xem xét lại những quan điểm khác với mình.

 Công trình phân tích này, được tường trình trong tờ Pscychological Bulletin, là theo sự hướng dẫn của các chuyên viên nghiên cứu tại hai viện đại học University of Illinois và University of Florida, và bao gồm các cứ liệu - “data” - từ 91 công trình khảo cứu với sự tham gia của gần 8,000 thành viên. Nó kết thúc một sự tranh luận đã có từ khá lâu đời là người ta thường tích cực tìm cách né tránh những loại thông tin đi ngược với những gì mình tin, hay chẳng qua chỉ vì một lý do đơn giản là họ tiếp cận thường xuyên hơn với những quan điểm tương đồng với mình cho nên có khuynh hướng được vây quanh bởi những kẻ coi như “đồng thanh tương ứng”?

 Giáo Sư Tâm Lý Dolores Albarracin của viện đại học University of Illinois, người dẫn đầu toán nghiên cứu cùng với chuyên viên nghiên cứu William Hart của viện đại học University of Florida đã có ý kiến là, “Chúng tôi muốn xem xét một cách thật bao quát để tìm hiểu cho chính xác xem người ta muốn tìm cho ra sự thật đến mức nào thay vì cứ thế cảm thấy là đã thoải mái với những gì mình biết.” Những đợt nghiên cứu mà nhóm đó rà soát thì thường hỏi các thành viên về quan điểm của mình đối với một đề tài nào đấy, thế rồi để cho họ chọn lựa xem họ muốn xem hay đọc loại thông tin hỗ trợ cho quan điểm của mình hay là xem hay đọc một quan điểm khác hẳn với mình.

Những người nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có đến khoảng gấp đôi số người có khuynh hướng chọn các nguồn thông tin trợ lực cho quan điểm riêng của mình (67%) so với việc tính đến chuyện chọn xem hay đọc một quan điểm trái với ý mình (33%). Một số cá nhân, những người với cung cách suy nghĩ theo kiểu đóng-khung thì lại càng do dự hơn nữa trong việc tiếp cận với những cách nhìn khác biệt với mình, theo lời bà Albarracin. Trong 75% các trường hợp để được chọn lựa thì số người đó chỉ chọn loại thông tin phù hợp với các quan điểm của mình.

 Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện, và điều này cũng chẳng lấy gì làm đáng ngạc nhiên, là người ta càng dị ứng với những quan điểm riêng của mình hơn nữa khi đề tài là có liên quan đến chính trị, tín ngưỡng và những mặt giá trị về luân thường đạo lý.

 Bà Albarracin nói, “Nếu như anh hay chị mà đã kiên quyết trong quan điểm của mình rồi, chẳng hạn nếu như anh hay chị là một người trung kiên với đảng Dân Chủ, thì khuynh hướng chung là anh hay chị sẽ tìm loại thông tin đồng điệu với mình, tức là loại thông tin phù hợp với quan điểm của mình. Còn nếu như là vấn đề có liên quan đến các mặt đạo đức hoặc chính trị thì có đến khoảng 70% các trường hợp là anh hay chị sẽ chọn nguồn thông tin thích hợp với mình, so với khoảng 60 các trường hợp nếu các đề tài không thuộc phạm trù giá trị.”

 Và có lẽ đáng ngạc nhiên hơn nữa là những ai ít tự tin vào những chính kiến của mình thì lại càng ít có khuynh hướng tiếp cận với những quan điểm dị biệt so với những người tự tin về mặt quan điểm riêng tư của mình, vẫn theo lời bà Albarracin.

 Một số các nhân tố cũng có thể khiến người ta tìm tòi những ý kiến dị biệt với mình, bà Albarracin nói. Những ai phải bênh vực quan điểm của mình trước công luận, ví dụ như giới làm chính trị, là những người có nhiều động cơ hơn để tìm hiểu về những quan điểm đối chọi với mình. Bà Albarracin nói rằng trong quá trình đó thì đôi khi những người ấy lại kiểm nghiệm được sự thể là chính những quan điểm của mình có sự chuyển biến.

 Bà nói thêm là người ta cũng thường có khuynh hướng tiếp cận với những ý kiến trái ngược với mình một khi làm như vậy là có lợi cho họ về một mặt nào đấy. Bà đưa ý kiến là, “Nếu anh hay chị tính mua một căn nhà và anh hay chị đã có ý thích căn nhà đó rồi thì đàng nào anh hay chị cũng phải để cho người ta kiểm tra tình trạng ngôi nhà cái đã. Cũng vì thế mà cho dù ta có cảm tình với người bác sĩ giải phẫu của mình đến mấy đi nữa thì ta cũng nên lấy một ý kiến thứ hai từ một bác sĩ khác trước khi chịu một cuộc giải phẫu hệ trọng.”

 Và bà Albarracin kết luận, “Phần lớn thì dường như người ta có khuynh hướng muốn giữ nguyên quan điểm cùng thái độ của mình, bởi thay đổi chúng đi thì có thể trở ngại cho lối sống như họ vẫn quen sống. Nhưng cũng có tí tin vui là cứ trong ba người thì lại có một người - hay ít ra cũng gần với tỷ lệ đó - là sẵn sàng tìm hiểu quan điểm khác biệt với mình.”