Home Đời Sống Tài Liệu Thay Dầu Thắng ( Kỳ 4)

Thay Dầu Thắng ( Kỳ 4) PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Ðình   
Thứ Hai, 27 Tháng 7 Năm 2009 05:51

Phương Pháp Áp Suất 


Dụng cụ Power Bleeder Kit, gồm: bình, bơm, và đồng hồ đo áp suất. Có thể được cung cấp thêm một nắp thay đổi (adapter) khít với Reservoir.

 

Bình xả, nối với vòi xả, để thâu nhận dầu cũ.

 

Vị trí vòi xả dầu thắng (bleeder valve) nằm trên trên caliber. 
Lẽ ra, tuần này chúng ta sẽ nói về phương pháp thay dầu thắng bằng Nút Xả Một Chiều (one-way bleeder screw) như đã báo trước. Nhưng, thể theo ý kiến một số bạn đọc, Phạm Ðình xin được trình bày thêm chi tiết về phương pháp thay dầu thắng bằng bình áp suất. Trước tiên, đến các cửa hàng Auto Parts để hỏi mua một bộ dụng cụ có tên Pressure Bleeding. Nếu không có nhiều thời gian tìm kiếm, các bạn có thể mua Power Bleeder Kit của công ty Motive Products, một thương hiệu gần như chiếm độc quyền thị trường hiện nay về loại sản phẩm này. Vì thế, Phạm Ðình cũng xin dùng Power Bleeder làm dụng cụ minh họa cho phương pháp thay dầu thắng bằng bình áp suất hôm nay.

Trước tiên, bộ dụng cụ Power Bleeder Kit gồm có các thành phần sau:

1. Một bình áp suất có nắp đậy, gọi là pressure tank, hoặc pressurized bottle như tên gọi trong bài lần trước.

2. Một máy bơm áp suất (pressure pump)

3. Một đồng hồ đo áp suất (pressure gauge)

4. Một đoạn ống có nắp (tube with adapter), sẽ được dùng để nối với bình chứa dầu trong xe (gọi là reservoir, hoặc master cylinder như tên gọi trong bài lần trước).

Ðó là những thành phần chính. Ngoài ra, bạn còn phải sắm thêm, có thể mua hoặc tự chế, 2 thứ sau đây:

5. Bình chứa dầu cũ, có thể gọi là bình xả để đón nhận dầu cũ thải ra từ trong hệ thống (Catch Bottle)

6. Một đoạn ống plastic nhỏ (plastic tubing), nối từ vòi xả (Bleeder Valve) xuống bình xả (Catch Bottle)

Hai vật dụng này Phạm Ðình có nói khá kỹ trong bài đầu tiên về phương pháp thay dầu thủ công 2 người. Các bạn có thể xem lại bài đó để biết thêm chi tiết.

Có đủ dụng cụ rồi, chúng ta có thể ung dung thưởng thức một ly cà phê trước khi bắt tay vào công việc, với từng bước như sau:

Bước 1: Kích xe lên cao, và tháo bốn bánh xe, để có thể nhìn thấy các bộ phận thắng ở bên trong bao gồm đĩa thắng (brake disk) và caliber ngậm trên vành đĩa thắng. Ðây là bước căn bản, thực hiện với bất cứ phương pháp nào.

Bước 2: Thử độ kín của nắp và bình áp suất (pressure tank) - Vẫn để bình trống, đậy kín miệng bình bằng nắp có gắn máy bơm. Dùng tay ấn trên cần bơm để nén khí vào trong bình cho đến khi kim áp suất trên đồng hồ ở thành bình lên tới 10 psi. Nếu quá tay bơm tới 15 psi cũng không hư hại gì.

Khi bình đã đầy khí nén, ta có thể biết là bình kín hay rò, bằng cách quan sát xem không khí có xì ra theo khe hở quanh miệng bình hoặc qua nắp bình hay không. Nếu khí trong bình xì ra ở đâu đó, dụng cụ áp suất coi như đã hư, không ích lợi gì cho công tác, cần phải mang đổi lại, hoặc mua bộ dụng cụ khác.

Bước 3: Sau khi đã thử và biết chắc là dụng cụ không rò khí, chúng ta mới từ từ mở nắp Pressure Tank để cho không khí được đàng hoàng thoát ra theo miệng bình.

Bước 4: Ðổ đầy dầu thắng mới vào trong Pressure Tank.

Bước 5: Ðậy nắp và xoáy máy bơm vào miệng Tank. Dùng tay ấn cần bơm để nén hỗn hợp dầu và khí trong Tank cho đến khi kim đồng hồ lên tới 15 psi. Trong khi bơm, dầu bắt đầu chảy theo ống dẫn đi vào Reservoir (bình chứa dầu thắng trong xe), có thể thấy lợn cợn một chút bọt khí. Ðó là chuyện bình thường, không có gì đáng ngại. Ðến đây là tạm xong việc tiếp dầu. Các bước tiếp theo sau là “nặn” khí ra khỏi hệ thống thắng.

Bước 6: Chuẩn bị nặn khí. Bắt đầu với bánh xe Reservoir nhất, thường là bánh xe sau, bên phải; vị trí này có thể thay đổi tùy từng loại xe.

Bước 7: Tìm vòi xả (Bleeder Valve) trên Caliber. Lau sạch chung quanh vòi xả. Gỡ “mũ” cao su đội trên đầu vòi. Gắn một đầu ống plastic tubing vào đó, đầu kia chạy vào trong bình xả (catch bottle), để thâu nhận dầu cũ chảy ra.

Bước 8: Nới lỏng nút xả bằng cách quay theo chiều kim đồng hồ. Dầu thắng cũ sẽ tự động chảy ra dưới sức nén từ Pressure Tank ở trên. Nên đưa bình xả lên cao hơn vòi xả một chút, nhờ đó chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy bọt khí theo dòng dầu cũ chảy ra. Tốc độ dòng chảy nhanh hay chậm là tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như áp suất, kích thước ống dẫn dầu (brake line)...

Bước 9: Dầu từ trong hệ thống chảy ra sẽ dần dần biến từ màu nâu xỉn thành màu tươi sáng hơn. Ðồng thời, bọt khí cũng giảm dần cho đến lúc không còn nữa. Ðó là lúc dầu cũ đã được hoàn toàn thay mới. Ðể dễ nhận diện, các bạn có thể dùng dầu mới có màu khác với dầu cũ, miễn là phải cùng loại theo qui định của nhà sản xuất xe (DOT3, DOT4 hoặc DOT5... thường là DOT4 đối với đa số các loại xe phổ thông).

Bước 10: Ðóng vòi xả lại bằng cách vặn ngược chiều kim đồng hồ. Vặn vừa đủ chặt, đừng siết quá mức.

Như vậy là xong được một bánh. Chuyển sang bánh kế tiếp, lập lại tiến trình 10 bước như trên.

Lưu ý: Thỉnh thoảng nhìn lên Pressure Tank để xem áp suất còn giữ đúng mức ban đầu là 15 psi không. Nếu đã giảm, cần phải bơm lên cho đủ 15 psi. Áp suất có thể giảm xuống trong lúc nặn khí, làm dầu chảy ra chậm hơn. Và nhất là, kiểm soát xem có còn đủ dầu trong Pressure Tank hay không. Nếu dầu đã cạn, cần tiếp thêm vào bình Pressure Tank.

Sau khi hoàn tất việc nặn khí trên cả 4 bánh, kiểm tra lại một lần nữa để bảo đảm vòi xả đã được đóng lại kỹ càng, và lên xe nhấp thử bàn đạp thắng. Nếu cảm giác bàn chân đi xuống hụt hẫng, thì đó là dấu chỉ bọt khí chưa được hút ra hết. Cần phải làm lại với phương pháp thủ công hai người. Nếu bàn thắng đi xuống một cách vững chắc, đó là dấu hiệu mọi sự suôn sẻ, hệ thống thắng có dầu mới, hoàn toàn tinh khôi, không lợn cợn bọt khí. Khi đó chúng ta mới có thể lắp 4 bánh trở lại và lái xe đi vài vòng quanh xóm ngõ để thử xe, và nhất là để nghe cảm giác khoan khoái khi vừa hoàn thành xong một việc lớn. Quả thật, thay dầu thắng là một việc lớn. Lớn không phải vì khó khăn, nhưng vì thủ tục lỉnh kỉnh. Hy vọng với lòng say mê và bàn tay cần mẫn, cùng với những dụng cụ thích hợp, chúng ta có thể hoàn thành được tất cả mọi “việc lớn” mà công tác bảo trì đòi hỏi. Chúng ta đã mất khá nhiều thời giờ và giấy bút về đề tài dầu thắng. Lần sau, Phạm Ðình sẽ có bài nhận định tổng kết và so sánh ưu khuyết điểm của các phương pháp thay dầu.