Thánh Giá dựng trên núi Thờ là công trình xây dựng vị phạm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng? Cây Thánh Giá bằng tre được dựng lại trên đỉnh núi Thờ, giáo xứ Ðồng Chiêm. (Hình: Chuacuuthe.net) Tôi đã đến mảnh đất này cách đây gần một năm, vào lúc chính quyền địa phương liên tục đưa những lời gia hạn bắt buộc giáo dân Ðồng Chiêm phải tự phá dỡ Thánh Giá trên núi Cấm.
Hôm đó chiều muộn, ngồi trong nhà xứ vắng lặng trong lòng khuôn viên nhà thờ. Chỉ có cha chánh xứ và ông bõ già tiếp chuyện.
Những tờ giấy, văn bản của chính quyền và cả những lời hứa hẹn của lãnh đạo huyện được kể lại qua lời cha chánh xứ. Tất cả đều nhằm mục đích để tháo dỡ cây Thánh Giá trên ngọn núi mà người dân Ðồng Chiêm rất đỗi thiêng liêng. Dưới chân núi Thờ là nơi chôn cất những sinh linh bé bỏng sớm về nơi nước Chúa. (Hình: Chuacuuthe.net) Dưới chân núi này, bao đời nay người giáo dân xứ Ðồng Chiêm đã dành nơi đẹp đẽ nhất trong địa phận (trong giáo xứ), chỉ để chôn cất những sinh linh bé bỏng sớm về nơi nước Chúa. Bởi vì ước nguyện cao cả để các sinh linh bé thơ được nương dưới chân Thánh Giá, hưởng vòng tay bao dung của đấng tối cao, ước nguyện cao đẹp như vậy không thể nào bị đánh đổi bằng những giá trị vật chất của đời thường, và càng không thể bị khuất phục bởi những lời đe dọa nào hết. Bởi những ước mong cao đẹp như vậy mà Thiên Chúa đã tồn tại hàng nghìn năm trên khắp thế giới này, từ nơi hoa lệ như Paris, London hay đến vùng Ðồng Chiêm nghèo khó nơi đây.
Ðường lên đỉnh núi Thờ là những vách đá tai mèo dựng đứng, có đoạn làm thang, có đoạn đu dây, có lúc khom người chui. Vậy mà hàng trăm người dân đã làm thành một dây chuyền chuyển từng xô vật liệu, từng can nước lên dựng cây Thánh Giá. Sức mạnh nào thôi thúc họ làm vậy, để các vong linh bé nhỏ được nương nhờ dưới vòng tay Thiên Chúa hay để thách thức chính quyền như những người có quyền lực đã nghĩ?
Vài ngày trước khi huyện Mỹ Ðức tổ chức tháo dỡ Thánh Giá, lãnh đạo công an thành phố Hà Nội do phó giám đốc, tiến sĩ luật Bạch Thành Ðịnh (luận án bảo vệ tiến sĩ đề tài - các tội xâm phạm an ninh quốc gia) đã đến giáo xứ Ðồng Chiêm gặp linh mục chánh xứ Nguyễn Văn Hữu đề nghị linh mục cho giáo dân dỡ bỏ Thánh Giá. Khi câu chuyện chưa có hồi kết, phó giám đốc công an thành phố Hà Nội Bạch Thành Ðịnh khi ra về còn nói, ‘Thế này còn phải nói chuyện nhiều đấy.’
Ông Bạch Thành Ðịnh, người chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề tôn giáo tại Hà Nội ít khi thấy xuất hiện trên mọi mặt. Ít ai biết ông là người có vai trò gì trong các vụ giải quyết từ vụ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ. Là người nắm rõ những biến động về tôn giáo tại Hà Nội những năm vừa qua, ông Ðịnh thừa hiểu việc dỡ Thánh Giá ở Ðồng Chiêm sẽ đi đến đâu.
Việc ông xuất hiện tại Ðồng Chiêm để thuyết phục linh mục chánh xứ Nguyễn Văn Hữu dẫn theo phóng viên của báo An Ninh Thủ Ðô là bà Trâm cho thấy ông đã có sự chuẩn bị kỹ càng và tin tưởng rằng việc thuyết phục các linh mục và giáo dân ở Ðồng Chiêm tự nguyện tháo dỡ Thánh Giá lần này là khả quan.
Ông Ðịnh từng nhắc nhở báo chí Hà Nội cần phải có tính chiến đấu cao hơn nữa trong vụ việc đấu tranh đòi đất của người Công Giáo Hà Nội vừa qua.
Và trong một đêm tối giá lạnh, khi mà dự báo thời tiết trước đó sẽ báo thời tiết trở rét. Hàng trăm cảnh sát và đủ mọi trang bị đã đến Ðồng Chiêm để phá bỏ cây Thánh Giá. Một sự phá bỏ dù được chuẩn bị kỹ từ chỉ đạo của thành ủy viên Hà Nội ông Nguyễn Ngọc Thạch nhưng vẫn bộc lộ những vội vàng trong khâu chuẩn bị tâm lý. Bằng chứng là những thứ mà cảnh sát bỏ lại vương tứ tung trên hiện trường, từ giấy đề nghị cấp thêm kinh phí ăn uống, đến còng số 8, dùi cui, quả nổ nghiệp vụ, bình xịt cay, lá chắn, bảng cấm và những tấm áo được xé ra để lau rịt máu cho những người dân bị thương. Và cây Thánh Giá bị cưa làm ba khúc đổ gẫy ngang nằm trên đỉnh núi trẻ con Ðồng Chiêm trèo lên nhặt từng mảnh về thờ. Tất cả cho thấy những người thực hiện công việc này chỉ nhằm mục đích là phá bằng được cây Thánh Giá sao cho nhanh nhất, còn hiện trường để lại hậu quả cho người dân đánh giá về hành động của họ thế nào, thì phải chăng ỷ lại báo chí của mình sẽ lo phần dư luận đó.
Có lẽ ông Bạch Thành Ðịnh và thành ủy Hà Nội không ngờ huyện Mỹ Ðức giải quyết vấn đề thiếu độ toan tính kỹ càng như vậy. Hay ông Ðịnh đã lường trước như vậy khi nói câu cuối cùng với Linh Mục Hữu, “Còn phải nói chuyện nhiều.”
Cho dù thế nào thì việc cũng đã xảy ra, sẽ có những diễn biến tiếp theo.
Tình hình tôn giáo tại Hà Nội đã yên ắng, nhất là sau khi năm thánh ở Sở Kiện tổ chức có nhiều quan khách chính quyền tới dự, và ông Chủ Tịch Triết sang Vatican tiếp xúc với Ðức Giáo Hoàng. Với những lời tốt đẹp, tưởng rằng quan hệ với chính quyền Việt Nam và người Công Giáo sẽ có những đà thuận lợi để cải thiện. Nhưng giờ đây biến cố Ðồng Chiêm rõ ràng cho thấy, những lời nói, những cuộc gặp gỡ bên ngoài thiện chí kia không phải là như bề ngoài chúng ta thấy. Mà nó là cuộc ‘nói chuyện còn nhiều.’
Lần trở lại sau vài tiếng khi cây Thánh Giá trên núi Thờ bị hạ xuống, hiện trường vương vãi quả nổ, những miếng vải thấm máu, bảng cấm méo mó, dùi cui, còng số 8à tôi nghe những người dân vừa khóc vừa kể sự việc đêm và rạng sáng ngày hôm đó. Quả nổ ném tận vào trong nhà dân, khói ám đen xịt. Người đi viện chưa biết sao, trẻ con bị ngăn đường không cho đi học. Tràn ngập một nỗi hoang mang.
Trên những chiếc loa gắn xung quanh thôn Ðồng Chiêm, đích thân ông chủ tịch xã An Phú đọc oang oang bài viết của một phóng viên báo Hà Nội Mới, một bút danh quá đỗi quen thuộc, với giọng văn chưa bao giờ có tính hòa giải là Anh Quang. Có lẽ đây là cây bút chiến mà ông Bạch Thành Ðịnh từng muốn báo chí Hà Nội phát huy theo tinh thần đó. Cái gọi là tuyên truyền vận động cho bà con Ðồng Chiêm hiểu rõ sự việc của chính quyền huyện Mỹ Ðức là công an giao thông lập chốt chặt, là loa phát thanh những lời buộc tội, công kích hai vị linh mục, là cắt điện toàn khu vực, đổ đất ngăn đường trong khi Thánh Giá của giáo dân nằm tan hoang từng mảnh, là người giáo dân nằm trong bệnh viện chữa trị.
Thánh Giá dựng trên núi Thờ là công trình xây dựng vị phạm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng?
Xin thưa, có hàng trăm ngàn công trình xây dựng trái phép trên thành phố Hà Nội này, những công trình nhằm mục đích trục lợi kiếm tiền, đặc biệt trong số đó chả công trình nào phục vụ thỏa mãn đời sống tinh thần nhân dân mà vẫn tồn tại. Và có khối nơi trên ngọn núi cao ngất ngưởng nhất, xung quanh bên dưới là những công trình có tầm an ninh quốc phòng, trên đỉnh núi người ta dựng tượng ai đó thật hùng vĩ, hoành tráng.
Mấu chốt của mâu thuẫn không nằm trên những lý do mà báo chí, công văn thể hiện. Mấu chốt là một bên cho rằng ‘đó là sự thách đố quyền lực đối với họ.’ Còn một bên là “nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng”.
Hướng giải quyết là con đường còn rất mịt mù, bởi người có quyền lực quyết định đại cục bị những đám mây đấu tranh giai cấp, bởi vô số những kẻ giáo điều đưa ra những ý kiến mang nặng tính nâng cao quan điểm để chứng minh rằng mình là trung thành.
Một ngọn núi Thờ đơn độc ấy, bán hay cho thầu 50 năm tiền thu lại bằng một phần nhỏ những chi phí bỏ ra để huy động từng ấy lực lượng từ công an, cán bộ chi bộ, ủy ban các cấp đến báo chí vào cuộc phá bỏ. Thánh Giá có cao đến gấp đôi cũng không ảnh hưởng đến quốc phòng, chả hại gì đến đời sống sinh hoạt, quyền lợi của nhân dân quanh cái vùng núi nghèo khó heo hút như Ðồng Chiêm.
Giá như đỉnh núi Thờ của giáo xứ Ðồng Chiêm không phải là cây Thánh Giá. Mà thay vào đó bà con dựng tượng bác Hồ hay kỷ niệm chiến thắng giặc Pháp, Mỹ gì đó. Sẽ chả có chuyện căng thẳng này. Mà thay vào đó là những lời tuyên dương của các cấp,, các ngành, báo chí là bà con xứ Ðồng Chiêm ‘uống nước nhớ nguồn, ơn Ðảng, ơn nước’à đã cùng nhau bỏ công sức xây dựng thế này...
Bài viết này chưa có đoạn kết. Bởi có mong muốn mấy thì giờ câu chuyện vẫn sẽ còn dài.
|