Tâm tình của một giáo dân kính gửi Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN |
Tác Giả: Lê Thiên | |||
Thứ Bảy, 23 Tháng 1 Năm 2010 22:22 | |||
Vị Áo Đỏ hiện thời thì có lẽ mê mẩn với chủ trương “bất… can thiệp”, coi việc can dự vào “từng vụ việc” là … THÓI ĐỜI! Ngày 17 tháng 01, năm 2010 Kính gửi: Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đà Lạt Trọng kính Đức Cha, Con xin tự giới thiệu là Lê Thiên. Con tri ân Đức Cha năm 1989 (lúc Đức Cha đang là Chánh xứ nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt,) đã quá bước tới nhà con tại Gx nông thôn Hộ Diêm, Ninh Thuận để hàn huyên tâm sự. Nay con mạo muội viết thư này với tâm tình một con dân của Giáo Hội Việt Nam, muốn trải bày cảm nghĩ của mình về một ít vấn đề do Ban Biên Tập trang web Hội Đồng Giám Mục (BBT/WHD) nêu ra. Con xin bài viết này không nằm trong khung cảnh riêng tư (confidential) giữa Đức Cha và con, nhưng mong nó được đạt tới mọi Đấng bậc trong Hội Thánh. Nếu có điều thất lễ, kính xin Đức Cha lượng thứ. Thoạt đầu đọc bài viết của BBT/ WHD “Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Lên Tiếng Hay Không Lên Tiếng” trên trang web Công Giáo Việt Nam, con phản ứng ngay (không biết đúng hay sai) với CGVN đại ý rằng, bài viết trên phản ánh quan điểm của nhà cầm quyền CSVN hơn là của các Đấng Chủ Chăn trong Hội Thánh.” Sau đó, con nhận được hồi âm (chung) thanh minh từ CGVN rằng, “bài viết nêu trên là của Ban Biên Tập website của HĐGMVN.” CGVN chỉ làm nhiệm vụ chuyển tiếp. Và để rộng đường dư luận, CGVN gửi đến độc giả 2 bài “phản biện” với bài viết của BBT/WHD nêu trên. Hẳn Đức Cha có đọc vietcatholic.net? Đức Cha biết “lập trường” trước đây của trang web ấy như thế nào. Và chắc chắn Đức Cha cũng như các Đấng khác ủng hộ trang web ấy hết mình. Vậy mà nay VietCatholic.net lại không ngần ngại tải lên trang mạng mình các bài “phản biện” ngược chiều với “chính dòng” – dù trong các bài phản biện ấy có những lời lẽ không thuận chiều đối với các Đấng – nếu không nói là có hơi hám “chống Cha, chống Chúa.” Bên cạnh vietcatholic.net, nhiều trang web khác cũng đăng các bài “phản hồi” như vậy. Con không lặp lại những gì mà các tác giả, trong đó có Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh, Dòng Phanxicô ở VN (đặc biệt bài “ĐỌC “LÊN TIẾNG HAY KHÔNG LÊN TIẾNG” của Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh) đã phản bác những lập luận của bài báo “HĐGMVN, Lên tiếng hay không lên tiếng," tuy rằng con rất tâm đắc với nhiều ý tưởng từ những suy nghĩ, ưu tư và khát vọng của một số trong các tác giả ấy. Điều con muốn trao đổi ở đây với Đức Cha là ý tưởng cho rằng “HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc nhưng HĐGM lên tiếng ở một tầm mức khác, bằng cách đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình.” HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc! Phải chăng có nghĩa là HĐGMVN xác định mình trung thành với ca dao tục ngữ Việt Nam: “Đèn nhà ai nấy rạng, Việc nhà ai nấy lo?” Đọc một số câu chuyện trong Phúc Âm, con không hề thấy ý tưởng đó. Chúa Giêsu rất nhiều lần lên tiếng và hành động cho “TỪNG VỤ VIỆC” (nói theo ngôn ngữ bài viết của BBT/WHD): 1) Đức Mẹ và Chúa Giêsu cùng đi dự tiệc Cana (Gioan 2, 1-10). Giữa tiệc Đức Maria thấy thiếu rượu, bèn nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?” Vâng, Chúa Giêsu và Đức Mẹ chỉ là khách được mời! Thiếu rượu hay hết rượu là việc của chủ tiệc. Vả lại, Chúa Giêsu đâu phải tay sành rượu. Đức Mẹ là phụ nữ càng không uống rượu. Thiếu rượu hay hết rượu! Chuyện nhỏ! Can chi tới Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Vậy mà, theo ý Mẹ mình, Chúa Giêsu “can dự vào” làm cho nước hóa rượu và là rượu ngon! Quyền năng của Chúa được tỏ hiện bằng một hành động can thiệp rất “đời thường!” Thật kỳ diệu! 2) Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt đang ngoại tình. Họ nói: “Ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Chúa Giêsu có thể “tránh can dự” vào bằng cách trả lời với họ, các ông cứ theo luật mà làm. Ngược lại, Chúa “can dự” vào và thách thức họ: Ai trong các anh sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rõ ràng Chúa Giêsu đã can dự vào một việc xem ra chẳng liên can gì tới ngài. Và sự can thiệp đó đã cứu người đàn bà khỏi bị ném đá chết! (Gioan 8, 1-11). 3) Chúa Giêsu lại can dự vào một “vụ việc” khác khá ngoạn mục. Đó là việc Người lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn buôn bán cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ Giêrusalem. Người đổ tung các bàn đổi tiền… (Goan 2, 13-16). Việc quản lý Đền thờ là trách nhiệm của các Tư tế Do Thái, can dự gì tới Chúa Giêsu, phải không? Vậy mà Chúa không đưa ra “định hướng” cho các Thầy tư tế. Chúa can thiệp trực tiếp. Nhưng đám con buôn đâu co ai phản kháng Người. Chắc chắn họ nhận ra họ làm điều sai quấy! Nếu “từng vụ việc” trên đây và vô số vụ việc khác, Chúa Giêsu không CAN DỰ vào thì sứ điệp Tin Mừng của Chúa có chiếu sáng khắp cùng thế giới suốt hơn 2000 năm qua không? Là môn đệ Chúa và là Đấng kế vị các Thánh Tông Đồ, là Chủ Chăn thay mặt Chúa Giêsu Kitô ở trần gian, chắc chắn Đức Cha là Thầy dạy các chân lý ấy và cũng là người thực hành chân lý ấy trước tiên! Noi gương Chúa Giêsu, các Thánh Tông Đồ, các vị Giáo hoàng và Giám mục trong Hội Thánh cũng đã từng “lên tiếng” can thiệp vào “từng vụ việc” bất kể hiểm nguy cho tánh mạng các ngài. Gương sáng của các ngài, Đức Cha chắc biết nhiều và biết rõ hơn ai hết. Ở đây, con chỉ xin nêu lại vài trường hợp điển hình mà ai cũng có thể nói là “biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!” Điển hình 1: Đức Giáo hoàng Lêô Cả. Từ một Thầy Phó tế, năm 440 Thánh Lêô được giáo sĩ và giáo dân đồng thanh bầu chọn lên ngôi Giáo hoàng. Ngài run sợ trước trách nhiệm của mình và chần chờ đến 40 ngày sau mới dám về Rôma. Vào thời ấy, đạo binh hùng hậu của rợ Hung-nô do hung thần Attila cầm đầu tràn ngập Âu châu, gieo rắc kinh hoàng và chết chóc. Attila kéo đại quân xâm chiếm nước Ý và bao vây thành Rôma. Attila chuẩn bị đưa quân vào thành với những dự tính đẫm máu, khiến hoàng đế Valentinô III và các tướng lãnh dưới quyền đều run sợ. Vậy mà Đức Lêô ung dung mặc phẩm phục giáo hoàng, một mình một thân ra khỏi thành, tiến tới trước mặt tên bạo chúa vô đạo, dương cao Thánh giá, nhân danh Thánh Phêrô… đối đầu với Attila. Attila bị khuất phục bất ngờ và ngay lúc đó truyền đại binh của y rút khỏi Rôma! Đức Lêô từ một con người nhút nhát đã giải quyết một “vụ việc” thuộc thẩm quyền của hoàng đế chứ chẳng liên can gì tới vai trò giáo hoàng của mình! Điển hình 2: Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài là một Tổng Giám mục của Giáo Hội Ba Lan được bầu làm Giáo hoàng. Ngài không còn nữa cái trách nhiệm “từng vụ việc” với nước Ba Lan của ngài hay rộng hơn một chút, với các nước Cộng sản Đông Âu. Trách nhiệm của ngài là “ở tầm mức” khác: Công giáo hoàn vũ! Vậy mà ngài về thăm quê hương Ba Lan của ngài nhiều lần và nhiều lần ngài kêu gọi dân Ba Lan “đừng sợ” trước bạo quyền Cộng sản. Ngài trực tiếp cổ võ tinh thần đấu tranh của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan. Ngài ủng hộ việc làm của ông Lech Walensa, người lãnh đạo phong trào Công đoàn Đoàn kết, niềm nở tiếp kiến riêng ông tại Tòa Thánh và khuyến khích ôngWalensa “đừng sợ.” Kết quả sự can thiệp của Đức Gioan Phaolô II như ai cũng đều rõ: Đánh sập hoàn toàn Chủ nghĩa Cộng sản chẳng những tại Balan và Đông Âu, mà còn tại Liên Xô và các nước CS chư hầu khác khắp thế giới. Điển hình 3: Đức Giám mục John Joseph (1932-1998) người Pakistan, Giám mục Chính tòa Giáo phận Faisalabad (Pakistan). Tin từ Pakistan ngày 07/5/1998 cho biết, Giám mục John Joseph đã kết liễu đời mình bằng một phát đạn tự bắn vào đầu để phản đối án tử hình dành cho một người Kitô hữu bị cáo buộc đã phạm thượng đến đạo Hồi. Đức Cha Joseph đã tự sát ngay nơi tiền đường tòa án của thành phố Sahiwal nơi mà anh thanh niên Công giáo 26 tuổi tên là Ayub Massih bị kết tội phạm thượng đến Giáo chủ Hồi giáo Muhammad, bị tuyên án tử hình bất công ngày 27/4/1998. Đức Cha Joseph, 66 tuổi, là Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Hội đồng Giám mục Pakistan. Tại Vatican, nơi các Giám mục Á châu đang dự Hội nghị, một phút thinh lặng đã diễn ra vào ngày 7/5/1998 để cầu nguyện cho vị giám mục ngã xuống cho Công lý và Hòa bình. Một vị Giám mục chính tòa đã can dự vào một “vụ việc cá nhân,” để rồi liều chết như vậy, có oan uổng không? Không! Ngài chết! Nhưng tinh thần của ngài vẫn sống trong lòng người Công giáo Pakistan, nung nấu đức tin họ, dù sự tự sát của ngài dưới một khía cạnh nào đó có vẻ không hợp với luật Hội Thánh… Điển hình 4: Oscar Romero, nước El Salvador, Trung Mỹ, được tấn phong Giám mục năm 1970, đến năm 1977, làm Tổng Giám mục San Salvador. Ngài có tiếng là “Giám mục bảo thủ.” Ngày 12/3/1977, một linh mục Dòng Tên, Cha Rutilio Grande bị sát hại cùng với một giáo dân 72 tuổi và một cậu học sinh 7 tuổi đi với Cha vì Cha mạnh mẽ lên tiếng chống lại bất công, áp bức và kiên cường đấu tranh cho nhân quyền và dân quyền trên đất nước ngài. Cái đêm Đức Tổng Giám mục Romero đi viếng xác Cha Grande cùng xác hai nạn nhân giáo dân lay động tấm lòng của vị Mục tử. Ngài đứng hẳn về phía người bị áp bức và sẵn sàng chết cho họ. Đức Cha Romero công khai tố giác những hành động man rợ và bất công của chính quyền độc tài quân phiệt cấu kết với tài phiệt chống lại dân nghèo. Thế là vào lúc 6 giờ 25 chiều ngày 24/3/1980, khi Đức TGM Oscar Romero dâng thánh lễ tại nguyện đường của Bệnh viện Chúa Quan Phòng, một bệnh viện ung thư ở San Salvador, thì một loạt đạn từ dưới cuối nhà nguyện bay vèo lên nhắm thẳng vào Đức Romero. Ngài trúng đạn, và sau đó tắt thở trên đường đi cấp cứu. Bạo quyền, bạo lực đã giết Đức TGM Oscar Romero vì ngài trực tiếp can dự vào cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền. Nhưng họ không giết được tiếng nói của ngài, “tiếng nói của những người không có tiếng nói.” Ngài mãi mãi sống giữa người thấp cổ bé miệng và nói thay cho họ. BBT/WHD có nghĩ rằng hai vị Chủ Chăn trên hy sinh mạng sống mình một cách vô nghĩa không? Có cho rằng hai vị ấy thiệt thân vì đã đứng sai chỗ, đã không bắt chước HĐGMVN, chỉ cần “lên tiếng … đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình!” Cách điều binh khiển tướng như vậy xem thật chắc ăn, cho dẫu hàng vạn máu xương chiến sĩ phải đổ ra! Mặc kệ! “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô,” đó là lẽ thường trong thiên hạ, và nhất là trong chế độ Cộng sản (chiến thuật biển người, chiến thuật thí quân, làm bia đỡ đạn…tất cả… vì Đảng). Con không dám nghĩ rằng có Đấng Chủ chăn nào trong HĐGMVN nhẫn tâm làm cái công việc “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô?” Kính thưa Đức Cha, “HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc.” Có đúng không đó là lập trường và đường lối chăn dắt của HĐGMVN? Hay là “quan điểm riêng” của BBT website HĐGMVN? Hay là bài viết ấy là của một tay phá hoại chuyên nghiệp lẻn vào “nằm vùng mai phục” trong trang web ấy để gây rối loạn và chia rẽ giữa HĐGMVN với các “địa phương?” Giữa Chủ chăn và đàn chiên? Đến nay chưa nghe HĐGMVN chính thức lên tiếng xác định bài viết đó đích thực là của ai! Viết với dụng ý gì? Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ, con thấy dường như bài viết ấy phản ảnh chính xác cách hành xử của các Đấng, ít nhất trong thời gian gần đây. Đó là “HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc nhưng HĐGM lên tiếng ở một tầm mức khác, bằng cách đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình.” Có ai hỏi về trường hợp và hoàn cảnh Cha Nguyễn Văn Lý, thì câu trả lời thường là: “Cha Lý thuộc TGP Huế, nên là việc của TGP Huế do ĐTGM Thể phụ trách!” và Đức Tổng Thể thì đa đoan với các việc Tổng Thể và Đại Thể, khiến Cha Lý phải lãnh chịu cái vế sau của tuyên ngôn “Tự do tôn giáo hay là Chết” mà ngài đã dương cao lên. Hỏi về chuyện Tòa Khâm Hà Nội, chuyện Thái Hà, chuyện đất nhà Dòng ở Vĩnh Long, thì cũng nghe câu trả lời: “Đó là việc của TGP Hà Nội, việc của Gp Vĩnh Long!” Kết quả là Đức Tổng Giám mục Hà Nội đến nay vẫn còn là nạn nhân của các cuộc đánh phá, ruồng bắt, còn Đức Giám mục Vĩnh Long trở thành kẻ cô đơn, và tiếng nói của ngài trở nên lạc lỏng, vô giá trị. Hỏi về Lm Quốc doanh Phan Khắc Từ có vợ có con và là công cụ đắc lực CS dùng để đánh phá Giáo Hội … thì lại cũng được nghe trả lời: “Đó là việc của Đức Tổng Bình!” Đức Tổng Bình đã vĩnh viễn ra đi bình an. Vị Áo Đỏ hiện thời thì có lẽ mê mẩn với chủ trương “bất… can thiệp”, coi việc can dự vào “từng vụ việc” là … THÓI ĐỜI! Khi các Đức Cha Miền Bắc (ký tên chung trong một thư Hiệp Thông hoặc có văn thư Hiệp thông riêng) và đặc biệt khi Đức Cha Hoàng Đức Oanh Kontum lên tiếng hiệp thông trong nhiều vụ, các vị ấy có xé rào, có qua mặt HĐGMVN không? Các ngài có “dài tay chen vào việc nội bộ của từng địa phương” không? Các ngài có “vi phạm” cái “quy ước lý tưởng” của HĐGMVN là “HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc nhưng HĐGM lên tiếng ở một tầm mức khác, bằng cách đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình” không? Mong HĐGMVN và các Đấng bậc trong Hội Thánh Chúa ở Việt Nam làm sáng tỏ! Bởi vì nếu không rõ ràng trong vấn đề này, thì các vấn đề khác cũng cứ mập mờ, mà hậu quả thì Giáo Hội phải gánh chịu! HĐGMVN có học được gì không từ bài học của HĐGM Hoa Kỳ với các vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ? “Từng vụ việc” riêng rẽ cả đấy! Riêng rẽ của giáo sĩ, riêng rẽ của giáo xứ, riêng rẽ của giáo phận! Cuối cùng HĐGM Hoa Kỳ buộc phải “vào cuộc” hội họp, ra thông cáo, lên tiếng xin lỗi (cả ĐGH Bênêđictô XVI cũng phải công khai xin lỗi), ban hành quy chế, quy định! Vẫn muộn vì Giáo Hội Hoa Kỳ đã mất hàng tỉ đô la cho các vụ kiện và còn sẽ mất thêm nhiều nữa! Uy tín của hàng giáo phẩm và giáo sĩ bị giảm sút. Đức tin Công giáo lung lay! Hậu quả của giải pháp “không lên tiếng về từng vụ việc” thật khôn lường! HĐGMVN có nghĩ rằng một ngày nào đó Giáo Hội Công giáo Việt Nam sẽ phải trả giá cho việc HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc” không? Thưa Đức Cha, Lẽ nào trách nhiệm của thượng tầng Giáo Hội Công giáo VN chỉ là ngồi bên trên “phán xuống chung chung” và “định hướng chung chung” kiểu “định hướng xã hội chủ nghĩa” bỏ mặc hạ tầng sống chết mặc bay, loay hoay tìm lối “luồn lách,” tự khôn khéo “áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình,” một thứ hoàn cảnh đầy cạm bẫy, dùi cui, lựu đạn, báng súng và cả côn đồ??? Thảo nào khi người Công giáo Đồng Chiêm đang đội khăn tang trắng nhà thờ, thì Vị Giáo chủ Áo Đỏ của HCM (à không! Xin lỗi, thiếu chữ Tp – TP/HCM) lại tung ra thư chung “hồ hởi phấn khởi” chúc mừng năm mới kiểu “thói đời.” Chúc Xuân là tốt, nhưng thời điểm và nội dung thư chúc xuân xem ra phản tác dụng và mai mỉa quá, khác xa nội dung thư mục vụ Xuân của hai vị Giám mục Kontum và Hưng Hóa. Đức Cha Hoàng Đức Oanh của Kontum thì cụ thể kêu gọi Giáo phận “hiến máu” cứu dân. Đức Cha Vũ Huy Chương của Hưng Hóa thì đi thẳng vào thực tế các việc của giáo phận mình. Còn thư chúc xuân[1] của Đức Áo Đỏ thì chỉ đưa ra “những định hướng mang tính chủ đạo” chung chung giữa lúc con cái của Hội Thánh ở Đồng Chiêm đang quằn quại, Thánh Giá Chúa bị quân vô thần đập nát. Thảo nào HĐGMVN chẳng có một lời chia sẻ và đồng cảm với Đồng Chiêm tan tác, mà lại có thư chia buồn với Haiti động đất! Mà lời lẽ chia buồn nghe có vẻ công thức làm sao, một thứ công thức “ngôn ngữ ngoại giao” có xác không có hồn! Lẽ phải cần được bênh vực thì lại không có tiếng nói bênh vực! Nơi cần được chia sẻ cơm sẻ áo thì lại chỉ nhận được những lời ủy lạo hình thức. Sách giáo lý cũ đã cảnh báo “thấy ai chới với dưới sông mà chẳng ra tay cứu vớt, một đem của ăn [thật hay bánh vẽ] cho nó mà thôi, thì lẽ ấy làm sao?!” Thảo nào đến nay chưa thấy HĐGMVN bày tỏ một thái độ dứt khoát và rõ ràng về các vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam cả trên đất lẫn trên biển! Thảo nào quốc doanh Phan Khắc Từ tiếp tục ngang nhiên mang áo thâm chùng cùng chức danh “linh mục” lấy “vải thưa che mắt thánh” mà bêu rếu và đánh phá Giáo Hội. Điển hình mới nhất là bằng giọng hàm hồ Cộng sản 100%, Phan Khắc Từ hùng hổ đòi “trừng trị nghiêm khắc những kẻ lợi dụng tự do tôn giáo tiếp tay với các thế lực thù địch bên ngoài!!!” Thảo nào truyền thông CSVN không ngớt đưa HĐGMVN ra làm bình phong cho những luận điệu xuyên tạc Giáo Hội Công giáo và một số Chủ chăn can trường chống lại sự “loạn quyền” của CSVN! Điển hình mới nhất là bài viết tráo trở “Chính họ đang xúc phạm biểu tượng tôn giáo thiêng liêng” của tên Anh Quang nào đó trên trang web tờ Hà Nội Mới ngày 16/01/2010, trâng tráo trút ngược tội xúc phạm Thánh Giá lên đầu Tòa TGM Hà Nội, các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Chánh xứ Đồng Chiêm... Lại kéo HĐGMVN về phe, “hiệp đồng tác chiến,” biến HĐGMVN thành một thứ “hậu quân” để chúng mạnh tay đánh phá Giáo Hội dữ dội hơn. Người tín hữu Công giáo Việt Nam có cảm tưởng Giáo Hội của mình ở Việt Nam chắc chắn trong tương lai gần sẽ rơi vào tình cảnh vô cùng nguy khốn và bi đát chỉ vì ngay trong Giáo Hội ấy đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng “Công Lý và Hòa Bình.” Mà chưa có Công lý và Hòa Bình thì ai có thể nói lên được “TIẾNG NÓI của Công Lý và Hòa Bình”, làm vũ khí đánh trả lại BẤT CÔNG và BẠO LỰC đang bủa vây Giáo Hội, xã hội, dân tộc và đất nước. Kính thưa Đức Cha, Con biết con sẽ bị trách móc, thậm chí bị nguyền rủa về cái tội “giáo dân mà cả lòng lên mặt hỗn xược xúc phạm đến các Đấng làm Thầy!” Thằng “chống Cha, chống Chúa! Chúa phạt nó đời đời trong hỏa ngục mà chớ. Amen!” Con không ngại những lời phỉ nhổ ấy, nếu có. Nhưng trước khi ăn năn sám hối, con không thể không nói! Vì Chúa và Giáo Hội dạy con “đừng sợ!” Lương tâm con cũng bảo con “đừng sợ!” Thời còn trẻ, cái gì con cũng sợ. Bây giờ tuổi đời thứ 73 của con cảnh tỉnh con, nhắc nhở con “đừng sợ” khi phải nói sự thật với những vị đại diện cho Sự Thật!! Việc của các Đấng Bề Trên hãy để cho các Đấng tự quyết định! Rủi thay! HĐGMVN chỉ đóng vai người “định hướng” chứ không làm sứ mệnh quyết định! Cuối thư, con mạn phép kính gửi đến Đức Cha mấy lời vàng ngọc bất hủ của Đức Tổng Giám mục Oscar Romero sau đây: ● "Giáo Hội sẽ phản bội lại tình yêu của chính mình đối với Thiên Chúa và phản bội lòng trung tín của mình vào Phúc Âm nếu Giáo Hội ngưng đóng vai người bảo vệ các quyền lợi của dân nghèo... ngưng đóng vai người bảo vệ nhân quyền để bênh vực mọi cuộc đấu tranh chính đáng cho một xã hội công bằng hơn... chính đó là những công việc dọn đường cho nước Chúa thật sự hiển trị trong lịch sử vậy". ● "Điều quan trọng là đừng yêu mình đến nỗi không dám dính líu vào những việc liều lĩnh mà lịch sử đòi hỏi nơi chúng ta. Kẻ nào né tránh sự nguy hiểm, kẻ ấy sẽ mất sự sống mình.” ● “Nếu họ giết hết các linh mục và cả giám mục, và để cho dân chúng không còn có linh mục nữa, thì chúng con mỗi người đều phải trở nên mỗi cái 'mi-crô' (vi âm) của Thiên Chúa, mỗi người phải trở thành mỗi một ngôn sứ. Chúng ta phải là ngôn sứ cho một tương lai không thuộc về chúng ta." Một lần nữa, xin Đức Cha niệm tình tha thứ vì sự đường đột của bức thư này cũng như nội dung của nó. Trân trọng kính chào Đức Cha, Lê Thiên This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it [1] Thư chúc xuân gồm 9 định hướng mang tính chủ đạo chung chung sau đây: (1) Tình huynh đệ; (2) Cầu nguyện; (3) Nhận ra ân huệ Chúa ban và tạ ơn Ngài; (4) Ơn Chúa ban cho giáo phận hồi phục và phát triển; (5) phát huy tình huynh đệ hiệp nhất; (6) Xây dựng tình huynh đệ liên đới; (7) Con đường đồng hành cùng dân tộc; (7) Đổi mới cách thể hiện tình huynh đệ và tình yêu đối với tổ quốc; (8) Đổi mới mối quan hệ xã hội; (9) Lời cầu chúc.
|