Home Đời Sống Tôn Giáo Người Công giáo tốt và người Công dân tốt

Người Công giáo tốt và người Công dân tốt PDF Print E-mail
Tác Giả: CVK Nguyễn Thế Bài   
Thứ Ba, 09 Tháng 2 Năm 2010 13:38

Nghiệm sinh từ bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 4 Thường Niên năm C ( Lc 4, 21 - 30 ): “...Người băng qua giữa họ mà đi”.

Nhà văn người Anh George Orwell là một nhà tư tưởng lớn, đã dành phần lớn cuộc đời để chỉ trích chủ nghĩa giáo điều, đạo đức giả xuất hiện trong các thể chế chính trị.

Ông là cây bút hiện thực, với những trang viết mỉa mai những cuộc cách mạng tự rêu rao là sẽ làm thay đổi mọi thứ, nhưng cuối cùng đã kết thúc bằng những đổi thay ngớ ngẩn. Trong tác phẩm "Trại Súc Vật", George Orwell đã dùng hình tượng những con gia súc trong trang trại để thể hiện những tiên đoán của ông.

Chuyện kể về một con lợn già tên là Thủ Lĩnh, bất chợt nhận ra rằng muôn loài trong trang trại đang bị bóc lột bởi ông chủ trại, và muôn loài xứng đáng được hưởng cuộc sống tự do và sung sướng hơn bây giờ. Thế nhưng lý tưởng tốt đẹp này của Thủ Lĩnh đã bị những con lợn kế nghiệp thay đổi và xuyên tạc: Loài lợn, sau khi lãnh đạo thành công các gia súc khác dành tự do từ ông chủ trại, đã tự cho mình quyền thống trị các loài và hưởng mọi đặc quyền đặc lợi. Chúng sống trong nhung lụa, đồ ăn thức uống đều là loại hảo hạng, trong khi các loài khác lao động cực nhọc vì sự nghiệp chung.

Trong giấc mơ tự do, độc lập và bình đẳng, muôn loài sống khổ cực hơn so với khi bị "bóc lột" bởi loài người, và luôn phải thực hiện những ý tưởng điên khùng duy ý chí của loài lợn. Để duy trì quyền lực của mình, loài lợn đã đưa ra những điều luật có lợi cho mình, xây dựng một hệ thống "cảnh sát" mạnh để đàn áp, xử tử những kẻ bất đồng chính kiến vì tội "phản quốc" hoặc "gián điệp", và dùng những báo cáo thành tích giả tạo để lừa dối.

Có lẽ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI không thể ngờ được, rằng những lời Người nói không chỉ thành “lời hay ý đẹp”, chẳng những không ngừng được trích dẫn, mà còn được những người vô thần dùng để nhắc nhở, giáo dục, răn đe ngay chính con cái của Người, các tín hữu Công Giáo Việt Nam, từ Giám Mục cho chí Giáo Dân.

Lần này thì “những người anh em” không cần cắt khúc. Nhưng cũng như người Do Thái đối xử với Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, người ta muốn lái Lời Chúa, Lời Vị Cha Chung Hoàn Vũ theo ý họ, thực hiện các ý đồ của họ và vì không thoả mãn sở thích vô thần của họ, nên những người đồng bào – cái từ thiêng liêng ý nghĩa biết bao đối với 86 triệu đứa con từ bọc trứng Âu Cơ – đã “kéo Người lên tận đỉnh núi – cũng như ngọn Núi Thờ ở Đồng Chiêm – để xô Người xuống vực”.

 Chỉ có một điểm khác về cách làm, song lại giống nhau trong mục đích và lòng hận thù: người Do Thái đóng Chúa Giêsu vào thập giá rồi dựng lên; người Cộng Sản ở Đồng Chiêm thì lại "mạnh tay" tháo Chúa Giêsu ra và hạ thập giá xuống ! Số phận Kitô hữu vẫn chỉ là một, mọi lúc, mọi nơi ! Nhưng ta phải có “máu lạnh” của Chúa Giêsu: “Người băng qua giữa họ mà đi”.

 Cử chỉ đó không chỉ nói lên cái “uy” lần đầu tiên toát lên từ con người của Chúa Giêsu ( về sau sẽ luôn làm đối thủ bối rối, sợ hãi, không dám đối đầu trực diện với Người ), mà còn muốn tách bạch mọi sự: từ nay, không ai còn đưọc phép hoặc tự cho phép mình lẫn lộn giữa “đạo” và “đời”, giữa Lời Chúa và lời con người, giữa con cái sự sáng và con cái bóng tối, giữa con cái Chúa và con cái thế gian, huống chi là với con cái Satan.

Vẫn con người đó, nhưng con cái Chúa phải vượt lên, bao trùm, hướng đạo cho con cái thế gian, không thể đồng nhất, không thể lẫn lộn, không thể quen cách nghĩ, cách làm 2 trong 1. Lời thơ của Tản Đà nói lên suy nghĩ này: ”Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai”. Tách bạch, minh bạch là thái độ cần có trong cuộc đời. Những ngày tháng đầu đời, thiên nga cũng chẳng gì vịt, nhưng rồi theo tháng ngày, vịt vẫn cứ là vịt và thiên nga vẫn là thiên nga.

Thật chẳng dễ dàng gì ! Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Nước sông không xâm phạm nước giếng”. Nhưng ngày nay được bao nhiêu con sông không bị ô nhiễm thành những con sông chết và giòng nước ô nhiễm ấy thấm dần vào các ao hồ, giếng nước, khiến cho chỉ có ở Việt Nam, duy nhất trên hành tinh này, xuất hiện những làng ung thư vì nhiễm độc lâu dài, và sinh mạng người dân thua cả con chó ! ( x. báo Tuổi Trẻ 24.10: “chó bẹt-giê cắn chết người” ).

 Cũng là con người của xã hội, sống trong xã hội và chịu mọi tác động của xã hội, Kitô hữu rất dễ bị xã hội cuốn vào guồng máy, rồi tan biến và mất hút trong đó, nếu như Kitô hữu không dành những thời khắc cầu nguyện, nhận lãnh các Bí Tích, để vừa đứng vững trong cơn lốc xoáy cuộc sống, vừa nổi lên bề mặt những tham sân si và cám dỗ cuộc đời, tự thanh luyện mình và trở lại làm muối đất, men bột và ánh sáng cho cuộc đời, cho xã hội. Đòi hỏi một ý thức tách bạch cao độ.

Tên tán tận lương tâm xua chó cắn chết một bà lão chân mềm tay yếu vẫn vỗ ngực xưng là “công dân tốt”. Những tay Hồi Giáo được cho là công dân tốt và tín đồ tốt, khi bắt cóc, hãm hiếp, lên thiên đàng nhờ đặt bom giết người vô tội và được coi là tử vì đạo khi đánh bom liều chết. Không thể lấy dạ tiểu nhân để trích dẫn lời của Đức Thánh Cha !

Những năm cuối thập niên 1980 và cả thập niên 1990, khi rụt rè mở cánh cửa kinh tế cho thế giới tự do, Nhà Nước Việt Nam không ngừng lập lại để nhắc nhở, cảnh tỉnh nhau: hoà nhập nhưng không hoà tan ! Người ta dễ dàng quy lỗi cho toàn cầu hoá vì sự mau chóng bị hoà tan. Nhưng với toàn cầu hoá, người khác biết “gạn đục khơi trong”, còn đất nước chúng ta thì làm điều ngược lại: bao rác rến phế thải độc hại được nhập về, thực phẩm ôi thiu ồ ạt đổ vào.

Đáng sợ nhất là những rác rưỡi văn hoá được những tâm hồn mù quáng sùng ngoại rước vào và dùng cái “nê” văn minh, thời thượng để lôi kéo thế hệ trẻ lao vào trác táng, sa đoạ. Hậu quả là tội ác tràn ngập một đất nước vốn giàu truyền thống đạo đức này. Những người làm chủ con thuyền loay hoay vụng về trám trét những lỗ hổng đạo đức luân lý, và thấy hoàn toàn bất lực, nhưng lại không muốn cho những người thợ lành nghề bắt tay vào giúp hoặc chỉ dẫn cho cách cứu chữa.

Mặc cảm tự ti ấy đang giết chết đất nước này. Và phản xạ “tự nhiên” của những người này là, hễ có ai đụng chạm tới, dù chỉ một chút thôi và dù với thành tâm thiện chí, cũng vội xù lông xù cánh, nhe nanh giơ vuốt và hầm hè tấn công. Họ thích được người khác phục tùng, rập khuôn theo ý chí và mệnh lệnh họ đưa ra. Vì thế họ thấy bị đe doạ khi có ai nghĩ khác, nói khác, làm khác với họ, nhất là làm cho họ thấy trơ trẽn, lộ ra hết cái sai và cái bẩn của họ. Họ ( vẫn ) là công dân tốt đối với một chế độ và càng mạnh tay với “đối thủ” bao nhiêu, họ càng thấy mình là “công dân tốt” bấy nhiêu ( và kể cả còn được tôn vinh nữa ).

 Làm sao có thể hoà đồng hai hình ảnh với nhau được ? Đức Thánh Cha Biển Đức chẳng bao giờ nói: “Người công dân tốt là người Công Giáo tốt” !

Nói người rồi ngẫm về mình. Cũng vì thiếu sự tách bạch này, mà trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã có bao điều bất ổn, đau lòng xảy ra. Và nếu mặc cảm tự ti làm hại đất nước này, thì mặc cảm tự tôn cũng đang giết chết Giáo Hội, đang làm cho Giáo Hội xơ cứng và chậm chạp trong phản xạ và phản ứng trước bao thay đổi cuộc sống và xã hội, trước bao nhu cầu mục vụ, trước bao mưu toan và tấn công của những thế lực thù địch và chống đối, kể cả đến từ chính con cái Giáo Hội, được Satan thống lĩnh và bày mưu.

Đáng tiếc là một số Linh Mục, Tu Sĩ thấy ngại ngùng mỗi khi để lộ thân phận “đặc biệt”, nhất là khi thấy bản thân, gia đình mình thật quê mùa, nghèo khó giữa xã hội ngày càng phồn vinh và xa hoa, tiện nghi này. Mặc cảm “con nhà nghèo” đã làm các chủng sinh nghĩ sai, hướng sai đời phục vụ, đến chỗ sợ nghèo và mau chóng tiếp cận với tiện nghi khi trở thành Linh Mục.

Trên hết – và gây tai hại nhiều nhất cho bản thân các vị và cho Giáo Hội – là mặc cảm tự tôn lệch lạc, không còn muốn nghe ai, không còn muốn phục vụ, thích chỉ huy và làm thầy, thực chất là đang đi theo tinh thần thế gian và đang cố mà chứng minh công thức: Công Giáo tốt = công dân tốt !

Như thế, đau đớn thay, chính người tín hữu Công Giáo Việt Nam lại xô Đạo mình xuống vực sâu, trước khi những người anh em vô thần xô ngã Thánh Giá Chúa ở Đồng Chiêm !

Nguồn:http://huongvedaihoidanchua.net/chuadancondi/3589.html