Đứng Hay Quì, Xin Vẫn Là Xin |
Tác Giả: Việt Hùng | |||
Thứ Năm, 18 Tháng 2 Năm 2010 20:59 | |||
Vụ Đồng Chiêm chưa kịp êm thì Cồn Dầu lại nổi sóng. Cả hai nơi đều có điểm tương đồng là chính quyền Cộng Sản đàn áp, hăm dọa, đánh đập giáo dân Công Giáo để áp đặt ý muốn của mình trên người dân thấp cổ bé miệng. Ở Đồng Chiêm thì chính quyền bắt giáo dân rỡ bỏ Thánh Giá Núi Thờ. Khi dân không chịu làm, chính quyền bèn đưa cả ngàn công an, xã hội đen và chó săn tới phá hủy Thánh Giá và phong tỏa Đồng Chiêm. Đây là hành vi xúc phạm tôn giáo nghiêm trọng nhất từ xưa đến nay của Cộng Sản Việt Nam. Còn ở Cồn Dẩu thì Cộng Sản Đà Nẵng đòi lấy đất của giáo dân để xây khách sạn, làm sân golf bán cho tư bản để lấy lợi nhuận kếch xù bỏ túi. Giáo dân chỉ được đền bù với giá rẻ bèo là một lô đất nhỏ và ít tiền còm đủ sống dăm ba tháng. Hỏi rằng sau đó giáo dân lấy gì mà sinh sống??? Suốt đời họ chỉ là nông dân, chỉ biết cái cầy, con trâu, thửa ruộng. Bây giờ ở thành phố, không đất, không ruộng, không nghề nghiệp, họ biết làm gì để nuôi sống gia đình . Con cái họ không được học hành rồi sẽ ra sao??? Một giáo dân thở dài, chua chát nói với tôi : " Chắc con trai thì thành ma cô, trộm cắp, còn con gái thì đi làm điếm !!!" Ấy là chưa kể những mất mát to lớn khác về tinh thần và tình cảm. Giáo dân Cồn Dầu hàng bao nhiêu năm vẫn sống yên vui quanh nhà thờ thân thương, bên ruộng vườn xanh tốt với bà con hàng xóm quen thuộc. Sớm tối đi nhà thờ cầu nguyện, gặp nhau trò truyện vui vẻ. Bây giờ mất nhà cửa, ruộng vườn, họ phải tản mát về thành thị như cây trốc gốc, chim bị tan đàn. Giữa cảnh sa đọa của thành phố và những lừa lọc bon chen của xã hội khôn sống mống chết làm sao giáo dân Cồn Dầu chất phác có thể giữ vững được đức tin và hội nhập được với lối sống thành thị? Cả một tương lai đen tối hãi hùng đang chờ đón họ !!! Trước cảnh Thánh Giá bị phá hủy, đức tin bị xúc phạm, giáo dân Đồng Chiêm đã đồng loạt cùng cha xứ ra Núi Thờ cầu nguyện, can đảm bảo vệ lòng tin. Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội ra thông cáo bênh vực giáo dân Đồng Chiêm, cực lực lên án hành vi đàn áp thô bạo của công an và cường quyền Cộng Sản Hà Nội. Đức Tổng Kiệt còn đích thân tới nhà thương thăm hỏi hai giáo dân bị công an đánh gây thương tích. Các linh mục của cả Tổng Giáo Phận cũng đến Đồng Chiêm để chia sẻ và nâng đỡ giáo dân đang bị cường quyền Cộng Sản trù dập. Nhưng Giáo dân Cồn Dầu lại không được may mắn như vậy. Đức Cha Châu Ngọc Tri, Giám Mục Đà Nẵng cũng ra thông cáo về vụ tranh chấp Cồn Dầu nhưng không phải để bênh vực giáo dân thấp cổ bé miệng, mà là để khuyên giáo dân hợp tác với cường quyền để cho "tốt đời đẹp đạo" . Theo Đức Cha Tri thì giáo dân đừng chỉ nghĩ đến công bình mà còn phải để ý đến công ích. Hay nói cách khác, giáo dân nên hi sinh quyền lợi riêng của mình để tham quan làm giầu trên mảnh đất mà cha ông của họ đã đổ biết bao mồ hôi khó nhọc để vượt vỡ thành những thửa ruộng xanh tươi trù phú, Đức Cha Tri không đả động gì đến những mất mát to lớn về tinh thần và vật chất giáo dân Cồn Dầu phải gánh chịu nhưng lại đề cao chính quyền Đà Nẵng kiên nhẫn thuyết phục người dân suốt mấy năm trời với bao nhiêu là cuộc họp với dân chúng. Người đọc có cảm tưởng như chính quyền Đà Nẵng đã rất kiên nhẫn "đối thoại " với giáo dân Cồn Dầu mà họ vẫn ngoan cố không chịu "biết điều " hiến đất cho khu sinh thái Hòa Xuân. Nhưng theo giáo dân Cồn Dầu thì trong những cuộc họp đó các "ông chủ nhân dân" đâu có được đối thoại với "đầy tớ nhà nước". Chỉ có đầy tớ Nhà Nước lớn tiếng chửi rủa, đe dọa, áp lực ông chủ nhân dân phải dâng đất cho đầy tớ. Nay bị tư bản thúc bách quá, cường quyền Cộng Sản thẳng tay dùng vũ lực và công an cướp đất khiến dân sợ quá, có người ngất xỉu ngay trước cửa nhà mình. So sánh bản thông cáo của Tòa TGM Hà Nội với bản thông cáo của Tòa GM Đà Nẵng người ta thấy hai đường hướng rất khác biệt. Bản thông cáo của Tòa TGM Hà Nội phản ánh lập trường rõ rệt của Đức Tổng Kiệt là đứng hẳn về phía giáo dân Đồng Chiêm, kết án cường quyền Cộng Sản đập phá Thánh Giá và đánh đập tàn nhẫn giáo dân. Còn bản thông cáo của Tòa GM Đà Nẵng chỉ nêu lên những nguyên tắc hành xử chung chung trong mối liên hệ giữa chính quyền và người dân, đồng thời kêu gọi đối thoại giữa đôi bên để có một xã hội hài hòa êm ấm đúng như chủ trương của Đức Cha Tri và số đông các Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mà có người gọi tếu là “Hội Đồng Ngoạn Mục Việt Nam” vì để làm cảnh hơn là có thực chất. Đức Cha Tri còn đưa ra mẫu gương kiên nhẫn đối thoại của Ngài trong việc xin mở trường Công Giáo cả mấy năm rồi mà chưa được. Và Đức Cha Tri còn hãnh diện tuyên bố là Ngài chỉ đứng thẳng mà xin chứ không quì. Như vậy Đức Cha Tri hiểu đối thoại với Nhà Nước Cộng Sản là theo mô thức XIN - CHO như đầy tớ xin chủ, kẻ dưới xin người trên chứ không phải là theo tương quan giữa hai chủ thể ngang nhau trao đổi quan điểm để đi tới giải pháp tốt đẹp cho cả đôi bên. Chiều hướng này cũng là chủ trương của đa số các Giám Mục Việt Nam. Mặc dù các Ngài dùng những mỹ từ rất kêu, rất đẹp như đối thoại trong tinh thần tôn trọng sự thật và tôn trọng lẫn nhau; nhưng thực chất đó chỉ là ngụy biện che đậy một thái độ nhát sợ, trốn trách nhiệm, khuất phục trước cường quyền Cộng Sản. Hỏi rằng từ bao nhiêu năm nay có bao giờ Giáo Hội Việt Nam được thực sự đối thoại với Nhà Nước Cộng Sản không??? Hay là chỉ có Nhà Nước phán các Giám Mục nghe, Nhà Nước răn đe các Giám Mục im lặng. Và khi các Giám Mục cần gì thì XIN và chờ Nhà Nước ban ân huệ dù đó là quyền của mình không cần phải xin ai cả.
|