Ông Thánh Trộm Lành |
Tác Giả: Nguyễn Kim Ngân | |||
Thứ Tư, 07 Tháng 4 Năm 2010 19:25 | |||
“Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! "40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! "42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! "43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." Không dưng hình ảnh người “trộm lành” rực sáng trong tôi khi suy niệm về đoạn Phúc Âm theo thánh Luca (23:39-43) vừa dẫn. Trong cái tình cảnh cực kỳ “dầu sôi lửa bỏng” là nằm tuyệt vọng chờ chết trên thập tự, chỉ một vài lời trách cứ gửi đến “đồng nghiệp” của mình, cùng với những lời vớt vát tưởng như là “cầu may” hướng về Chúa Giêsu, thế mà anh “trộm lành” này đã vớ bở, chính thức trở thành nhân vật đầu tiên trong lịch sử nhân loaị được chính Chúa Cứu Thế tuyên phong lên bậc hiển thánh. Tất cả như xẩy ra chỉ trong nháy mắt, nhưng thật nhịp nhàng, hài hòa, đúng điệu, đúng nơi, đúng lúc, đúng người, đưa đến một kết thúc tuyệt đẹp và có hậu. Từ dấu tội, chối tội, chạy tội, gỡ tội, đổ tội…cáo tội, xử tội, kết tội, buộc tôị rồi đền tội Dường như các thầy cãi của Hoa Kỳ mặc nhiên công nhận và thực hành một quy ước bất thành văn, đang trở thành rất phổ thông, là bảo cho thân chủ của mình: “Nhớ nhé, chết cũng không nhận tội.” Nghĩa là cho dù có bị bắt quả tang với đầy đủ tang chứng, nhân chứng, việc tiên quyết là cứ chối phắt cái đã, rồi hoãn binh bằng câu: “Có gì, xin liên lạc với luật sư của tôi!” Mấy vị thầy cãi khôn bỏ mẹ, bởi vì trong trường hợp xấu nhất thì họ vẫn còn đường “binh” cuối cùng: cứ nhận là mình mắc bệnh tâm thần là xong. Cái khôn ranh đến độ ma mãnh này thực ra được khai thác từ nền tảng là chính bản chất con người. Cứ đọc mấy chương đầu của sách Sáng Thế mà xem: khi tội ăn trái cấm đã đổ bể, thì Ađam chạy tội bắng cách đổ lỗi cho Evà. Đến lượt Evà thì gỡ tội bằng cách gán tội cho con rắn. Đến phiên con rắn thì hết đường chạy, đành phải ngậm nhấm mối thù truyền kiếp với loài người. Không biết có phải vì mối oán thù cay đắng câm nín này chăng mà từ xưa tới nay, cứ khi nào rắn và người gặp nhau, thì một trong hai phải chết. Nếu rắn không bị túm cổ để trở thành đồ nhậu hay đồ ngâm rượu bổ cho con người, thì con người sẽ bị rắn cắn, từ chết đến bị thương, không thể toàn thây được! Đó là chưa kể đến kiểu tình lờ, ngây thơ, vô (số) tội đến xấc xược của Cain khi Chúa hỏi thăm hắn về Abel, người em trai ruột mà hắn vừa “cho đi tầu suốt” (chuyến tầu định mệnh đầu tiên của nhân loại): “Bộ tôi là thằng vú em trông nom nó sao?” (Sách Sáng Thế 4:9) Thực ra, bảo rằng con người hôm nay đang mất dần cảm thức về tội, không còn nhậy cảm về tội nữa thì chỉ đúng một phần. Phải nói rằng con người hôm nay đang thi nhau chối tội, chạy tội, gỡ tội, đổ tội, để rồi chỉ nhận tội và đành lòng đền tội sau khi đã bị cáo tội, xử tội, kết tội, và luận tôi. Câu nói thời danh “nên tự giác để khỏi bị phát giác” thật khó tìm được chỗ đứng trong xã hội hôm nay. Dù bi quan hay lạc quan, phải nhận rằng: mỗi người chúng ta đều là tội nhân, đều là gian phi, trong một mức độ nào đó. Vấn đề còn lại là thái độ của ta trước tội lỗi. Thông thường nhất là dấu diếm, ngụy trang, chối phắt. Đến khi bị “phát hiện” thì tìm đủ cách chạy chọt để gỡ gạc. Đấu tố người khác rất thường là một thái độ nhằm che dấu yếu điểm của mình. Đó chính là thái độ của tờ New York Times hiện nay khi đang ầm ĩ tố khổ Đức đương kim Giáo Hoàng nhân vụ lạm dụng tính dục trẻ em. Thật ra thì càng nổ lớn, càng dễ banh xác, và càng tố giác sinh quán của mình nằm ở “gần kho đạn.” Từ tạo thiên lập điạ đến nay, “nổ” vẫn là “đệ nhất của bẩy mối tội đầu.” …Cho đến nhận tôi, (xưng) thú tội, tạ tội, hối tội, để được ơn tha tội và chừa tội Mùa Chay năm nay, cũng y như những năm trước, hễ có nơi nào tổ chức giải tội, là y kỳ đông ơi là đông, vòng trong vòng ngoài, hàng dài hàng ngắn, nam phụ lão ấu. Đây là một hình ảnh đẹp, hình ảnh những bước chân của người con phung phá trở về với Cha. Có thể là trở về, rồi lại âm thầm ra đi một lần nữa, một lần nữa. Đến như Phêrô kia mà cũng quá tam đến ba lần khi chối Chúa…Vấn đề không phải là bao nhiêu lần lầm lũi, lén lút đi hoang, mà là tiếp tục trở về, trở về hoài mãi, chứ đừng đi…luôn (nếu không lầm, thì đó là chính là thái độ ngụy tín của André Gide trong tác phẩm “Đứa con đi hoang…không trở về” của ông). Kẻ theo đuôi tên “trộm dữ” có thể kể đến Giuđa, con người phản phúc, đi hoang, và rồi không bao giờ trở về nữa, kết cuộc là một trầm luân trong tuyệt vọng. Nhưng vẫn có đó những người đi theo “ông thánh trộm lành” và “đứa con đi hoang trở về,” đó là Giakêu, Phêrô, Phaolô, Mađalêna… Thì ra, đi xưng tội là nhận chân rằng mình là con người nghèo nàn, yếu đuối, chỉ còn biết cậy nhờ phó thác vào tình thương của Chúa, đấng nhập thể và nhập thế hầu gánh lấy tội lỗi nhân loại, để qua bàn tay của linh mục, hối nhận nhận được ơn tha tội và sự bình an nội tâm. Muốn được thế, điều tiên quyết là phải xì cho hết hơi những bình nổ trong con người của mình, hầu khiêm nhường đấm ngực ăn năn. Đi xưng tội, nói như thánh Augustinô, chính là đi tìm thầy thuốc chữa trị cho căn bệnh nan y của tâm hồn. “Xin cảm tạ ông Thánh Trộm Lành, Hối Nhân Kiệt Xuất, đã chỉ dậy cho tôi con đường ngắn nhất để lên thiên đàng. Đó là con đường khiêm nhường xưng thú tội lỗi mình trước mặt Đấng hiện thân của tình yêu, một tình yêu tột cùng, tình yêu có sức khỏa lấp hết mọi nhuốc nhơ tội lỗi, tình yêu đem lại ơn cứu độ muôn đời. Amen.” Thứ Sáu Tuần Thánh 2010
|