Tôi viết những dòng này về đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt. |
Tác Giả: JB Nhật Anh | |||
Thứ Sáu, 09 Tháng 4 Năm 2010 10:23 | |||
Tôi đã viết những dòng tâm sự này năm ngoái và định không gửi đi đâu cả chỉ để tự mình suy tư và âm thầm cầu nguyện cho Ngài và hy vọng Ngài mau lành bệnh để trở về với Giáo phận. Hôm nay tôi rất vui sướng vì biết rằng Ngài đã về tới Giáo phận bình an. Tôi viết những dòng này về Đức giám mục Giu-se của Tổng giáo phận Hà Nội. Tuy nhiên hôm qua sau khi đọc được một số thông tin nóng hổi trên trang mạng: http://nuvuongcongly.com, tôi lại quyết định chia sẻ những tâm sự của mình với mục đích bày tỏ tình cảm kính trọng và yêu quý của mình với vị TGM đáng kính và kêu mời những ai yêu quý Đức Tổng Hà Nội hãy cùng cầu nguyện cho Ngài và xin Thiên Chúa toàn năng thấu hiểu mọi sự, chúc lành cho Đức Tổng và cho Tổng Giáo Phận Hà Nội cách riêng và Giáo Hội Việt Nam cách chung. Chúng ta cũng cầu Chúa ban ơn soi sáng cho HĐGM Việt Nam để các Ngài đưa ra những quyết định sáng suốt hầu mang lại sự hiệp nhất giữa cộng đồng dân Chúa và các đấng bậc trong Giáo hội, cũng như mang lại cho giáo hữu niềm tin tưởng rằng Giáo hội của Chúa Giê-su không lệ thuộc trần gian nhưng luôn đứng về phía những người nghèo khổ, yếu thế và bị áp bức bất công trong xã hội. Những ngày gần đây, rất nhiều bạn bè và người thân của tôi băn khoăn về tình hình của Đức Cha Giu-se và khả năng và những thông tin về khả năng Ngài bị áp lực rời khỏi giáo phận từ phía chính quyền Hà Nội. Các thông tin đọc được trên các trang mạng làm cho tôi băn khoăn và lo lắng không biết chuyện gì đang xảy ra và liệu điều tôi và rất nhiều người công giáo ở giáo phận HN này lo lắng có xảy ra không. Gần đây tôi có dự một lễ Chúa Nhật do Đức Cha Giu-se chủ tế, tôi thấy Ngài gầy, xanh và yếu hơn trước nhiều. Tôi biết Ngài đã và đang trải qua một thời gian cực kỳ khó khăn và căng thẳng. Ngài vừa trở lại với TGM sau kỳ nghỉ và kêu mời mọi người cầu nguyện cho Ngài để Ngài tiếp tục phục vụ anh em. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu như Đức Cha Giu-se không tiếp tục cương vị của mình. Tôi chỉ biết cầu xin Thiên Chúa hãy thêm sức mạnh cho Ngài và tôi tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với Ngài cũng như đối với Giáo phận Hà Nội và Giáo hội Việt Nam đang trong cơn thử thách. Đối với tôi, Đức Cha Giu-se là một vị Mục tử nhân lành mà Chúa đã gửi xuống cho Giáo hội Việt Nam. Tôi kính phục Ngài không phải vì tài giảng thuyết tại các buổi Lễ hay qua những bài chia sẻ súc tích mỗi Chúa nhật gửi qua các trang mạng Công giáo, cũng không chỉ bởi chức vị cao trọng của Ngài trong Giáo hội, mà bởi sự chân thành đơn sơ của Ngài qua những cử chỉ gần gũi yêu thương với những người yếu đuối, gặp hoạn nạn, bị bách hại. Đó chính là tình yêu quên mình theo gương Thày Chí Thánh được Đức Tổng mang tới cho đàn chiên mà Ngài chăn dắt. Và tôi đặc biệt ấn tượng với phóng thái khoan thai, ánh mắt vui tươi, nụ cười hiền hậu và những cái bắt tay mà Ngài dành cho mọi người. Hình ảnh Ngài tươi cười với mọi người, bắt tay các cụ già, xoa đầu các em nhỏ và luôn được vây quanh bởi mọi người sau mỗi dịp lễ là những hình ảnh đẹp nhất về sự liên kết mật thiết và gần gũi thân thương giữa đoàn chiên trung tín với chủ chiên nhân lành của giáo hội. Những ai có dịp gặp và tiếp xúc với Ngài sẽ thấy mất đi mặc cảm xa cách giữa một Đấng cao trọng trong Giáo hội và hình ảnh một vị TGM uy nghi với mũ cao áo dài với những đoàn rước đông đảo và những đội trống, kèm hoành tráng trong những dịp lễ trọng. Kỷ niệm về những lần gặp gỡ với Đức Tổng hiện về trong tôi thật tươi mới. Lần đầu tiên tôi gặp Đức Cha Giuse là khi tôi và các bạn trẻ trong ca đoàn Cửa Bắc đi du xuân Lạng Sơn năm 2000. Trong chương trình đi chơi hôm đó, chúng tôi quyết định tới thăm nhà thờ chính toà Lạng sơn lúc đó vẫn chỉ là một căn nhà cấp bốn cũ kỹ với tháp chuông nổi tiếng được treo trên một cây nhãn ở bên cạnh nhà thờ. Vì chỉ là một chuyến đi chơi đầu năm, nên chúng tôi không liên hệ trước và cứ tự nhiên đi thẳng vào khuôn viên Toà Giám mục. Khi chúng tôi vừa xuống xe còn đang ngơ ngác chưa biết đi đâu, thì thấy một người đeo kính mặc áo sơ mi có cổ trắng đi đến chào chúng tôi. Qua giới thiệu chúng tôi được biết Ngài là Giám mục giáo phận. Ngài mời chúng tôi vào thăm TGM là một toà nhà mái bằng nhỏ, và Ngài vui vẻ giới thiệu cho chúng tôi về dự án xây dựng một ngôi nhà thờ mới đang nằm trên các bản vẽ được treo ở phòng khách. Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe ngài nói chuyện bằng tiếng Anh một cách thông thạo và rất chuẩn với một số thành viên ngoại quốc tham gia trong chuyến đi. Sau buổi gặp đó, chúng tôi thấy Ngài thật giản dị, đơn sơ và thật gần gũi hết sức. Một năm sau đó tôi công tác tại Cao Bằng và có nhiều dịp được gặp gỡ Đức Cha trong những chuyến đi mục vụ của Ngài tại Cao Bằng. Lần đầu tiên dự lễ do Ngài chủ tế, tôi không nhận ra Ngài. Mọi người nói đó là Đức Cha tôi mới biết. Sau khi lễ xong, Ngài mặc áo trùng đen ra bên ngoài nhà thờ xung quanh hỏi thăm từng người, từ người già cho đến ca đoàn và thiếu nhi một cách thân tình như người cha ở xa về nhà. Giáo dân và Giám mục trò chuyện ríu rít không còn sự e dè, thận trọng giữa giáo dân và Đức Giám mục. Các bạn trẻ kể cho tôi nghe về Đức Cha của mình một cách vui vẻ. Họ còn giả vờ giọng Đức Cha trả lời điện thoại khi có ai gọi "Alô Kiệt nghe!" và cười rất vui vì sự bình dị của Ngài. Các bạn còn bảo rằng nhiều khi họ đợi Đức Cha lên Cao Bằng để "đổ rác" tức là để xưng tội vì họ rất thích xưng tội với Đức Cha. Điều này thật khác xa với những gì mà giáo dân ở Đồng bằng suy nghĩ về các linh mục và giám mục. Tôi cũng vậy, tôi còn nhớ khi nhỏ một năm mới có một dịp được dự lễ có Đức Giám mục chủ tế, chủ yếu trong các dịp chầu xứ, hay tham dự bí tích thêm sức. Mà tôi tin chắc khi ấy chẳng mấy ai biết Đức Giám mục của mình tên là gì chứ chưa nói đến việc nhớ mặt, hay có vinh hạnh được chào các Ngài. Cũng vì lý do đạo khi đó khó khăn nên các dịp được gặp Đức Cha thật hiếm. Ngay cả khi về Hà Nội, tôi cũng chỉ được tham dự Thánh lễ Đồng tế có Đức Hồng y hoặc Đức Cha chủ tế trong những dịp lễ trọng tại nhà thờ Chính toà khi các Ngài xuất hiện trong những nghi thức long trọng với đoàn rước, kèn đồng... Từ đó, những việc làm và hình ảnh của vị Giám mục đáng kính đã lý giải một câu hỏi tại sao Ngài được những giáo dân của mình yêu mến đến như vậy. Hầu như tháng nào Ngài cũng lên Cao Bằng nơi cách toà Giám mục tại Lạng Sơn 120 km và lộ trình đèo dốc quanh có phải mất không dưới 3 tiếng đi ô tô. Mỗi lần lên, Ngài thường chỉ đi cùng với một hay linh mục hoặc tu sỹ. Ngài không chỉ dâng lễ ở nhà thờ trung tâm thị xã mà tới cả những xứ đạo nằm heo hút nơi vùng biên giới với số giáo dân thật ít ỏi. Sau mỗi Thánh Lễ, bao giờ Ngài cũng tới chào hỏi giáo dân. Ngài đã nâng đỡ các xứ đạo ở nơi rừng núi cả về tinh thần và vật chất. Là Giám mục giáo phận, Ngài không nề hà khi lên làm lễ an táng cho một giáo dân bị tai nạn qua đời ở cửa khẩu Tà Lùng gần biên giới (cách thị xã Cao Bằng 60 km), Ngài dâng lễ cưới cho thành viên ca đoàn, Ngài dự liên hoan cùng với các bé thiếu nhi và luôn quan tâm phát triển giáo phận bằng việc hướng dẫn và dẫn đưa nhiều người trẻ thực hiện được ước mơ làm môn đệ của Chúa. Ở Ngài luôn toát lên một sự bình an, thanh thản, yêu thương chân thành. Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày xây dựng ngôi nhà thờ Chính toà Lạng sơn. Với lời kêu gọi của Ngài, giáo dân từ các giáo xứ trong giáo phận ở Lạng Sơn và Cao Bằng tham gia góp sức xây dựng nhà thờ Chính toà Lạng Sơn. Khi đó, tôi cùng với các bạn trẻ Cao Bằng đi xe máy về Lạng Sơn theo lời kêu gọi của Ngài tham gia đổ mái nhà thờ. Tất cả thật vui vẻ và tự nguyện làm việc theo từng nhóm vui như ngày hội. Đức Cha cầm máy ảnh đến động viên từng nhóm thợ. Buổi tối sau khi làm xong, tất cả liên hoan ca hát thật vui như được sống trong một gia đình lớn thật hạnh phúc với một người Cha thật hiền và tuyệt vời. Chính Ngài đã tạo nên một tình liên đới và hiệp nhất giữa những người con trong giáo phận.Mọi người đều vui vì được góp một phần nhỏ bé của mình vào công việc chung của giáo phận. Ngày nay rất nhiều người biết dưới thời gian đảm nhận vai trò Giám mục của Ngài ở Lạng Sơn - Cao Bằng, Ngài đã cùng giáo dân biến toà Giám mục Lạng sơn đổ nát trở thành một khuôn viên đẹp đẽ sơn thuỷ hữu tình giữa vùng biên cương tổ quốc, với kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc. Cũng trong thời gian đó rất nhiều nhà thờ, nhà xứ tại giáo phận miền núi này được chỉnh trang, tu bổ là những dấu ấn to lớn mà Ngài đã để lại cùng với sự thăng tiến về đức tin của những giáo dân chất phát ở vùng sơn cước xa xôi là những dấu ấn không thể nào phai mờ về một phần di sản mà Ngài đã để lại trước khi về Hà Nội đảm nhận công việc Giám quản Tông toà và sau đó là Tổng Giám mục giáo phận Hà Nội. Ngày khánh thành nhà thờ Chính toà Lạng sơn cũng là một sự kiện đáng nhớ và thực sự là một ngày hội của Giáo phận. Thánh lễ Cung hiến Thánh đường nhà thờ Chính toà diễn ra thật trang trọng với sự có mặt của 2 Đức Hồng y và gần hết các Giám mục trong cả nước. Hôm đó, tôi thấy Ngài thật vui và trong chúng tôi đều cảm nhận được hạnh phúc dâng trào. Và rồi Ngài về Hà Nội trong sự luyến tiếc và nhớ nhung của những giáo dân Lạng Sơn - Cao Bằng. Mặc dù Ngài vẫn cùng một lúc đảm nhiệm vai trò Giám mục Lạng Sơn - Cao Bằng trong khi chưa có người kế vị. Tôi cũng có thể tưởng tượng được những khó khăn to lớn mà Ngài gặp phải khi về thủ đô đảm nhiệm vai trò cai quản Giáo phận Hà Nội. Có nhiều người còn nghi ngại và không tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của một Giám mục trẻ từ miền núi về Thủ đô. Tôi và nhiều người cảm nhận được những thay đổi ở giáo phận Hà Nội từ khi Đức Tổng Giuse về nhậm chức. Ngài lại bắt tay tiếp tục xây dựng giáo phận đặc biệt là quan tâm tới những người nghèo. Ngài đến thăm và làm lễ tại tất cả các nhà thờ và họ đạo trong thành phố. Điều này tôi ít thấy xảy ra trước khi Ngài nhậm chức. Ngài bắt tay vào việc kêu gọi mọi người góp phần xây dựng miền Hoà Bình còn đang gặp rất nhiều thiếu thốn cả về đời sống vật chất (nhiều nơi không có đường vào, đời sống khó khăn, đói kém) và tâm linh (thiếu nhà thờ, linh mục chăn dắt đoàn chiên). Ngài kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người để giúp đỡ làm đường, cho những nơi hẻo lánh, cứu đói cho những người gặp khó khăn, thiên tai. Đáp lại lời kêu gọi của Ngài, các tấm lòng hảo tâm đã giúp cho nhiều giáo dân và giáo xứ nghèo thuộc miền Hoà Bình có cuộc sống tốt hơn. Có những nhà thờ mới được sửa sang, và xây dựng. Không ai nghĩ rằng vào dịp lễ Noel, Ngài lại về một giáo xứ cách xa thủ đô 60-70 km để dâng lễ cho giáo dân. Hình ảnh Ngài chống gậy, xắn quần lội nước tới thăm các gia định bị ngập lụt trong trận ngập lịch sử ở thủ đô vào năm 2008i đã đánh động lương tâm nhiều người. Người ta cũng thấy Ngài đã tới thăm những gia đình giáo dân Thái Hà để động viên họ khi những người thân của họ bị chính quyền bắt giữ bất công. Ngài đã tổ chức các nghi thức tang lễ trang trọng và xúc động khi Đức Hồng y Giu-se Maria Phạm Đình Tụng qua đời năm 2008 và Đức Cha Phụ tá Phao Lô Lê Đắc Trọng qua đời năm nay. Đặc biệt tên tuổi của Ngài trở nên nổi tiếng không chỉ trong giáo phận Hà Nội mà cả Giáo hội Việt Nam và ngoài Việt Nam bởi lòng quả cảm mạnh mẽ bảo vệ tài sản giáo hội và các quyền hợp pháp của tôn giáo. Những lời phát biểu chân tình và thẳng thắn của Ngài đã bị Chính quyền cố tình cắt xén để lên án Ngài sẽ đi vào tâm thức của biết bao người. Chính những phát biểu đầy tâm huyết và khẳng khái của Ngài đã làm cho thế lực thế gian run sợ và căm giận và chúng đã sử dụng những chiêu bài đê tiện nhất của tà quyền để tấn công hòng hạ gục Ngài. Không lúc nào khác mà chính trong thời khắc thử thách giáo hội, giáo dân đã nhìn lên Ngài như một đấng chăn chiên trung tín và kiên cường của Thiên Chúa. Chính những lúc khó khăn ấy, mối dây ràng buộc và tình liên kết trong giáo hội trở nên mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Tất cả cộng đồng dân Chúa Giáo phận Hà Nội tín thác trọn vẹn vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua bàn tay hướng dẫn của Đức TGM. Những ngày gần đây, tôi cũng như rất nhiều người lo lắng cho Ngài và cầu nguyện cho Ngài được vững mạnh và kiên cường dẫn dắt đoàn chiên Chúa trao cho Ngài. Tôi tin tưởng rằng, Thiên Chúa sẽ lắng nghe và nhận lời tôi để chở che, gìn giữ và luôn ở bên Đức Tổng. Thưa Đức Tổng, chắc Đức Cha cũng biết chúng con luôn kính trọng và yêu quý Đức Cha và luôn ở bên Đức Cha trong lời cầu nguyện để Đức Cha luôn ở cùng Giáo phận Hà Nội dẫn đưa giáo phận ngày một thăng tiến trong Đức Cậy, Đức Tin và Đức Mến. Trọng kính các Đức Cha trong HĐGM, chúng con cầu xin Chúa soi sáng để các Đức Cha đưa ra những đường hướng ngõ hầu đưa con thuyền giáo hội Việt Nam vững bước ra khơi trong công bình và sự thật và để cho chúng con tin rằng Giáo hội luôn là một người mẹ đỡ nâng, che chở, ủi an và lắng nghe tiếng nói của con cái mình và nhờ đó không một thế lực trần gian nào có thể chia cắt mối dây liên kết sâu nặng giữa các Bậc Chủ chăn và đoàn chiên của mình.
|