Home Đời Sống Tôn Giáo Thư của nông dân Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội gửi tới Đức Tổng Giuse

Thư của nông dân Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội gửi tới Đức Tổng Giuse PDF Print E-mail
Tác Giả: Nông dân phường Phú Thượng   
Thứ Tư, 14 Tháng 4 Năm 2010 21:41

"Tiếng nói của Ngài, lương tâm của Ngài là động lực cho chúng tôi nói lên và tiếp tục tiếng nói của công lý, sự thật và lẽ phải".

Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội ngày 12 tháng 4 năm 2010

Kính gửi Ban Biên tập trang mạng Nữ Vương Công Lý

Trước hết chúng tôi xin bày tỏ sự xúc động và vui mừng khi được tin Ngài Ngô Quang Kiệt đã trở về.

Xin tự giới thiệu: Chúng tôi là những lương dân, hiện không theo tôn giáo nào, cũng không phải là thành viên đảng phái nào. Chúng tôi chỉ là những nông dân cần cù, sáng tối chăm chỉ làm ăn, tin vào điều thiện, sự thật và lương tri, căm ghét điều ác.

Trớ trêu thay, đã hàng chục năm nay, chúng tôi lại bị biến thành nạn nhân của cái ác, sự giả dối, sự vô cảm. Những mảnh ruộng chúng tôi gắn bó hàng bao đời, giờ bị tước đoạt dưới cái tên thật mỹ miều “vì một xã hội dân chủ công bằng văn minh”.

Dân chủ ở đâu khi chính chủ nhân của những mảnh đất này không được phép có bất cứ tiếng nói gì trong việc chính quyền lấy đất giao cho doanh nghiệp bán lấy siêu lợi nhuận?

Công bằng ở đâu khi đất của chúng tôi đang canh tác bị chính quyền cưỡng lấy, định đoạt bằng vài kg thóc/m2 khi trả cái gọi là “đền bù” cho nông dân chúng tôi, ngay tức thì, những mảnh ruộng này được giao cho doanh nghiệp và bán với giá hàng ngìn USD/m2?

Văn minh ở đâu khi hàng chục nghìn nông dân ở khu vực chúng tôi bỗng chốc bị tước đi sinh kế và lập tức trở thành dân bần hàn đô thị? Văn minh ở đâu khi toàn bộ sự vận hành của chính quyền là vi hiến, hoàn toàn trái ngược với những điều chúng tôi được nghe, được xem và được đài truyền thanh của chính quyền hàng ngày vẫn rót vào tai? Văn minh ở đâu khi chính quyền đối xử với dân như kẻ thù, khác xa các chuẩn mực và pháp luật quốc tế?

Chúng tôi đã và đang là những chứng nhân/nạn nhân của sự dối trá, sự cướp đoạt, sự đau khổ, sự vô lương, sự vô tâm, sự vô cảm, bạo lực.

Giữ lúc đó, chúng tôi thấy NGÀI (Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt) bước ra. Ngài cất lên tiếng nói của lương tri, của sự thật của công lý, của tình thương. Ngài dám bảo vệ sự thật.

Chúng tôi, những nông dân đau khổ, không có quan hệ gì với Ngài. Thế nhưng, tiếng nói của Ngài, lương tâm của Ngài là động lực cho chúng tôi nói lên và tiếp tục tiếng nói của công lý, sự thật và lẽ phải.

Ngài là ánh dương soi sáng mọi góc tối. Thế nên, Ngài là sự ám ảnh, là nỗi sợ của kẻ ác, của các thế lực chính trị đen tối. Ngài đã khiến cái ác phải chùn bước.

Tuy nhiên, bọn chúng chỉ là sự bẩn thỉu, cặn bã của lịch sử.

Ánh sáng mà Ngài đem đến sẽ mãi chiếu sáng, sẽ quét sạch bóng tối.

Nhân dịp Ngài trở về, nông dân chúng tôi muốn dành sự kính trọng cao nhất cho Ngài. Mong Ngài tiếp tục là hiện thân của sự thật, lẽ phải, công lý, là niềm tin yêu không chỉ của giáo dân mà cả của lương dân chúng tôi.

Kính chúc Ngài khỏe.

Nông dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội