"Tinh thần Ngô Quang Kiệt" và nỗi lòng Giáo dân Hà Nội |
Tác Giả: J.B. Nguyễn Hữu Vinh | |||
Thứ Hai, 19 Tháng 4 Năm 2010 00:14 | |||
Những ngày vừa qua, giáo dân Hà Nội nói riêng, giáo dân trong nước quan tâm đến vận mệnh Giáo hội và những vấn đề chung của xã hội VN xôn xao và lo lắng trước những thông tin nhiều chiều từ ngay các trang mạng công giáo về một vấn đề rất nhạy cảm: Chuyện liên quan đến Đức Tổng GM Giuse Ngô Quang Kiệt – TGM Hà Nội. Sôi sục lòng mến yêu “Tinh thần Ngô Quang Kiệt” Khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ những người có học hành hiểu biết đến những nông phu suốt ngày đầu tắt mặt tối lo kiếm ăn, câu chuyện giữa họ khi gặp nhau là nói về Đức Tổng Giuse. Chắc hẳn chưa có khi nào, chưa có ai trong GHVN được sự quan tâm mạnh mẽ như Đức TGMHN hiện nay, cũng ít có khi nào một cá nhân lãnh đạo trong GH công giáo lại được sự quan tâm với tình cảm yêu mến của nhiều người ngoài công giáo trong xã hội như vậy. Thực ra, với giáo dân Hà Nội nói riêng và giáo dân Việt Nam nói chung họ yêu mến Đức TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt không chỉ ở một con người đôn hậu, dễ mến, lo lắng và hi sinh cho mọi người, nhất là những người đau khổ như khẩu hiệu “Chạnh lòng thương”. Trong lịch sử Giáo hội Việt Nam gần 500 năm qua không thiếu những tấm gương các mục tử như thế. Điều họ yêu mến, mong chờ và hi vọng và bảo vệ ở đây là một “Tinh thần Ngô Quang Kiệt” với Công lý – Sự thật – Hòa Bình là những khao khát của những người dân Việt Nam đau khổ trong xã hội Việt Nam thời “cộng sản nửa mùa” hiện nay. Những thông tin hai chiều và những phản ứng tức thời Khi TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đang chữa bệnh tại Vatican, một chuyến đi chữa bệnh của một TGM được mọi tín hữu Hà Nội dõi theo, lo lắng và hồi hộp. Người ta đón chờ từng thông tin nhỏ về sức khỏe, về tình hình của Ngài nơi xa xôi và không ngớt lời cầu nguyện cho sức khỏe và sự bình an của Ngài, cầu mong cho Ngài sớm được về với đàn con của Giáo phận và Giáo tỉnh đang mong chờ… thì cuộc họp HĐGMVN được khai mạc. Liền sau đó là những thông tin loại “tuyệt mật” được thông tin “nhanh như điện” qua mạng internet đã làm mọi tín hữu như ngồi trên đống lửa về “vận mệnh” của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt với TGP trong tương lai. Những thông tin về việc thay thế Đức Tổng GM Giuse tại Hà Nội tạo nên nhiều lời suy diễn, đồn đoán và những thông tin có vẻ trái chiều càng làm cho tình hình sôi động hơn. Người ta thừa biết rằng, với sức khỏe của Đức TGMHN hiện nay, dù có ốm đau thì cũng không phải vì thế mà phải thay thế Ngài trong chức vụ hiện tại. Trong Giáo tỉnh miền Bắc này thôi, vẫn có những Giám mục hiện đã 84 tuổi như GM Phaolo Cao Đình Thuyên vẫn phải làm việc vì chưa có người thay thế đó thôi. Một số thông tin cho rằng việc Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt ra đi là không thể có, Tòa Thánh làm việc hết sức cẩn thận và đảm bảo uy tín chứ không bao giờ nhượng bộ và chấp nhận đổi chác với nhà nước CS như vậy. Trường hợp nếu có thì HĐGMVN phải thể hiện vai trò của mình khi đã khẳng định rằng Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt “không làm điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo hội Công giáo” như văn thư ngày 28/8/2008 của HĐGMVN gửi Văn phòng Thủ tướng, Chủ tịch nước, UBNDTP Hà Nội. Nếu HĐGMVN để Đức Tổng Kiệt phải ra đi bằng bất cứ con đường nào, thì hóa ra lời nói và việc làm của HĐGMVN đã khác nhau? Nếu không vi phạm giáo luật, không vi phạm pháp luật, cũng chẳng ai tin vì lý do sức khỏe, vậy thì có lý do gì để chuyển Đức TGMHN đi ra khỏi Hà Nội nếu không phải là sự thỏa hiệp với nhà nước? Vì những lẽ đó, mà không thể có chuyện Đức TGMHN ra đi khỏi Hà Nội vì điều đó đã gắn với uy tín của HĐGMVN. Một số thông tin khác thì khẳng định: Việc mặc cả trao đổi giữa các bên là có thật và việc TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đi khỏi Hà Nội là điều đã được định đoạt với những cơ sở đáng tin cậy hẳn hoi. Chẳng hạn người ta đã nhìn thấy rõ ràng văn bản của Vatican gửi Ban Tôn Giáo chính phủ về việc này. Một điều nữa đáng nói là trong buổi họp giao ban báo chí sáng thứ 3 hàng tuần vào ngày 6/4/2010, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng bộ TT và Truyền thông thông báo rằng “đã xử lý được tên cứng đầu Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội bằng con đường ngoại giao, khi thuyên chuyển, báo chí không được đăng tin mà phải coi là chuyện nội bộ công giáo”(?). Những thông tin đó đã làm giáo dân Hà Nội và cả toàn thế giáo dân trong và ngoài nước lên cơn sốt thật sự. Họ không biết điều nào đúng, điều nào sai… nhưng tất cả đều lo lắng điều không ai mong muốn có thể sẽ đến và hậu quả sẽ khôn lường. Nhiều phản ứng tức thời được phản ánh qua mạng internet đã làm nhiều người hoang mang, chao đảo, nghi ngờ ngay cả HĐGMVN. Giữa lúc đó, TGM Giuse Ngô Quang Kiệt bất ngờ trở về Hà Nội, tạm yên một phần lòng dân đang lo lắng. Nhưng việc trở về của Đức Tổng chỉ như cơn gió trong những ngày nóng hè, xua tan đi cơn sốt được chốc lát, những thông tin về việc Ngài phải ra đi theo một “sự mặc cả nào đó” đã được định đoạt lại tiếp tục khẳng định. Và quả nhiên, thông tin về một Tổng Giám mục phó với quyền kế vị sẽ được đưa ra Hà Nội được xác nhận đã làm cho người ta tin rằng con đường ra đi của Đức Tổng Kiệt đã rõ ràng. Khó có thể nói hết nỗi đau đớn, thất vọng của giáo dân Hà Nội và những người yêu công lý, sự thật, yêu mến “tinh thần Ngô Quang Kiệt” trong những ngày này. Ai cũng biết rằng động thái đưa thêm một Giám mục từ nơi khác đến làm phó cho TGMHN chỉ là bước dọn đường mà thôi. Vì sao sự thể như vậy? Thánh giá Đồng Chiêm, cơn thử thách khắc nghiệt… Khi Thánh giá Đồng Chiêm bị đập nát, nhiều câu hỏi đã được đặt ra đòi những câu trả lời dứt khoát. Trong bài viết “Thánh giá Đồng Chiêm, cơn thử thách khắc nghiệt với tín hữu KiTô” chúng tôi có nhận định rằng: “Nếu không có sự hiệp thông trong toàn Giáo hội Công giáo khi Thánh Giá đã bị xúc phạm đập phá ngang nhiên và trắng trợn, thì khi đó có nghĩa là đã có một sự “Mầu nhiệm” xảy ra. Đó là sự “mầu nhiệm” về những “thành công” của chính quyền Cộng sản Việt Nam đối với Giáo hội Công giáo”. Và quả đúng như điều nhận định này, Thánh giá Đồng Chiêm là phép thử, đã đặt GHVN và trước hết là HĐGMVN trước sự lựa chọn: Hiệp thông hay không hiệp thông? Câu trả lời thì đã rõ, sự hiệp thông đã hoàn toàn không rõ ràng, HĐGMVN đã không có bất cứ tiếng nói nào dù biểu tượng thiêng liêng nhất đã bị đập nát. Đó là câu trả lời cho nhà cầm quyền hiểu được thái độ của HĐGMVN với sự hiệp nhất, hiệp thông trong giáo hội và nhà cầm quyền biết họ cần phải làm gì. Và điều gì sẽ đến thì đã đến. Có người nói rằng: “Đó cũng là một hình phạt khi biểu tượng thiêng liêng nhất bị Phạm Thánh mà con cái Giáo hội đã không biết đoàn kết bảo vệ những giá trị của Thánh Giá”. Việc Đức TGMHN sẽ phải ra đi khỏi Hà Nội, ai là người mong muốn nhất, không cần nói chúng ta cũng hiểu. Ai sẽ đến Hà Nội, giáo dân Hà Nội cần ai? Cần phải nói ngay rằng: Hàng Giáo phẩm là một phần hết sức quan trọng trong cơ cấu Giáo hội. Nhưng hàng Giáo phẩm không phải sinh ra chỉ để làm việc với nhau, cũng không phải sinh ra chỉ để mỗi năm vài lần họp hành ca tụng nhau rồi ra vài chỉ thị, thư kêu gọi chung chung hoặc có dịp thì tay bắt mặt mừng với các cán bộ nhà nước. Trước hết, Hàng giáo phẩm phải sống với giáo dân và cùng làm việc, chăm sóc dạy dỗ các giáo dân trong Giáo hội và mở mang nước Chúa. Người giáo dân Việt Nam xưa nay vốn nổi tiếng với việc tôn trọng, kính mến các đấng bậc trong Giáo hội từ các tu sĩ, linh mục, chưa nói đến hàng Giám mục và cao hơn. Họ tin tưởng với niềm tin thần thánh và hầu như tuyệt đối, mọi việc làm, hành động đều được coi là đương nhiên đúng, thậm chí có những khi xâm phạm đến cả nhân phẩm và nhân quyền của giáo dân, họ cũng chấp nhận như lẽ đương nhiên. Khi chưa có những thử thách, những điều kiện thể hiện, các đấng bậc không chịu nhiều sức ép từ phía giáo dân được nói lên nguyện vọng của mình. Đa số các đấng bậc trong Giáo hội hành xử đúng mực và luôn hết lòng vì đoàn chiên một cách tự nguyện để chống lại sự bách hại, điều đó làm nẩy sinh sự tôn trọng trong lòng giáo dân với những người “thay mặt Chúa”. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, sự hình thành một xã hội dân chủ có tác động mạnh mẽ vào đời sống và suy nghĩ của mỗi người dân nói chung và giáo dân nói riêng. Họ tôn kính các đấng bậc bằng con tim, bằng niềm tin và cũng có những quan sát ngược lại. Vì vậy điều đương nhiên là đòi hỏi các giáo sỹ, tu sỹ phải có những thay đổi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh xã hội. Có thể nói, thời xưa không bao giờ có chuyện giáo dân trả lại linh mục cho Tòa Giám mục hoặc chuyện giáo dân tẩy chay Thánh lễ của linh mục mà họ không tín nhiệm, nhưng thời nay ngay ở TGP Hà Nội cũng đã có. Giáo dân ngày nay nhìn vào hành động thực tế để kiểm nghiệm các cá nhân trong Giáo hội chứ không chỉ qua những lời dạy bảo chung chung. Đó là một điều khách quan, thực tế muốn hoặc không muốn cũng không được. Trước những thông tin về việc có một Tổng Giám mục Phó được cử đến để dọn đường cho TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt ra đi êm ấm, giáo dân Hà Nội nghĩ gì? Qua tìm hiểu của chúng tôi, giáo dân Hà Nội hết sức bất bình khi biết thông tin này, họ cho rằng đó là một sự thỏa hiệp không hơn không kém. Và với sự thỏa hiệp đó, biểu tượng “Tinh thần Ngô Quang Kiệt” sẽ là điều họ đau đớn nhất khi bị xúc phạm và mất đi. Thậm chí một số giáo dân còn nói: “Nếu đó là sự thật, chúng tôi sẽ tổ chức cầu nguyện kêu gọi Sự thật, Công lý ngay tại Tòa TGMHN”. Khi có thông tin GM Nguyễn Văn Nhơn sẽ ra HN làm TGM Phó, nhiều người tỏ ra e ngại, họ biết rất rõ thông tin về thái độ của GM Nguyễn Văn Nhơn qua các sự kiện thực tế đã xảy ra trong GHVN trong nhiệm kỳ hiện nay của HĐGMVN mà GM Nguyễn Văn Nhơn đương chức Chủ tịch. Cũng như giáo dân Hà Nội biết rõ số phận của Giáo Hoàng học viện, của những tài sản Giáo hội đang mất đi đã được sự quan tâm hiệp thông của HĐGMVN và GM Nguyễn Văn Nhơn như thế nào. Điều đó làm cho họ có một thái độ hết sức dè dặt và hoài nghi về khả năng đứng chân của GM Nguyễn Văn Nhơn tại Hà Nội nếu có, liệu có đảm bảo được quyền lợi cho họ, những giáo dân oan hay không? Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là không hiểu tại sao HĐGMVN là trực tiếp và Tòa Thánh lại cứ bổ nhiệm những GM miền Nam ra miền Bắc để cai quản? Phải chăng chỉ vì chỉ có những GM miền Nam mới được sự thông qua dễ dàng từ nhà nước? Và khi nhà nước thông qua dễ dàng, thì chắc mọi người hiểu những điều kiện gì đã được đáp ứng cho họ. Trao đổi với chúng tôi, Giám mục Fanxico Xavie Nguyễn Văn Sang – nguyên GM Thái Bình nói: “Tôi là người đầu tiên phản đối việc đưa Giám mục từ miền Nam ra miền Bắc, điều đó chúng tôi coi như một sự tủi thân và xấu hổ cho Giáo hội Miền Bắc đã mấy trăm năm thành lập và kiên vững dưới mọi triều đại khắc nghiệt nhất. Ngày xưa Thánh Phaolo đi đến đâu thì lấy GM người địa phương ở đó, ở đó người ta mới hiểu tình hình kinh tế, chính trị xã hội mà lãnh đạo chứ”. Khi được hỏi Đức Cha nghĩ gì khi có thông tin về việc GM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sẽ ra Hà Nội làm TGM Phó? Ngài cho biết: “Chắc chỉ là sự trao đổi hai bên đó thôi, thông tin này là của nhà nước đưa ra thôi chứ Đức Cha Nhơn ra đây thì không thể và không thể có quyết định như thế được… Ngày xưa Đức Cha Nhơn được Đức Cha Lâm đề nghị mấy năm mà mãi không được làm Giám mục đấy thôi”. Những thông tin đang làm giáo dân, nhất là giáo dân Hà Nội như đứng trên lửa, nhưng vẫn chưa có hồi đáp về vị GM sắp tới Hà Nội sẽ làm cách nào đáp ứng được những nhu cầu chân chính của đoàn chiên này. Duy chỉ có một điều đã được khẳng định: Giáo dân Hà Nội chỉ cần một Giám mục, một chủ chăn mạnh mẽ mang theo “Tinh thần Ngô Quang Kiệt” để họ có thể hướng tới bằng cả niềm tin mến và ủng hộ mà thôi. Hà Nội, Ngày 19/4/2010
|